Khám phá

Những chuyến tàu chở vận mệnh nước Anh

Winston Churchill không bao giờ chấp nhận đầu hàng Đức Quốc xã, kể cả khi nước Anh trở nên đơn độc sau trận Dunkerque (Dunkirk trong tiếng Anh).

Những sự kiện thần bí gây rúng động thế giới / Bí ẩn những chiếc chum đá nghìn năm chứa hài cốt người chết ở Lào

Song, có lẽ cũng không ít người từng muốn biết: Khi đọc lên những câu nổi tiếng rằng "Chúng ta sẽ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, dù với bất kỳ giá nào.

Chúng ta sẽ chiến đấu trên đất Pháp, chiến đấu trên biển, chiến đấu với không lực ngày càng vững mạnh, chiến đấu từ bờ biển vào đất liền, từ nông thôn ra thành thị rồi lên miền núi, chúng ta quyết không đầu hàng!", ông có chuẩn bị điều gì cho khả năng nước Anh cũng không trụ nổi dưới mưa bom bão đạn, và bị chiếm đóng như nước Pháp hay không?

Kế hoạch Cá

17h ngày 2/7/1940, cảng Montreal (Canada) đón một đoàn tàu. Trong bóng tối đã bắt đầu sập xuống, một người đàn ông bước ra, nói nhỏ với những người đang chờ đón mình: "Chúng tôi mang đến rất nhiều 'cá vàng'. Số còn lại cũng sẽ đến sớm thôi. Chúng ta đang dọn dẹp nhà cửa và cất giữ đồ đạc mà".

Và những thùng "cá vàng" được bốc dỡ chóng vánh, sắp xếp vào những chiếc xe để chuyển tới một nơi bí mật, dưới sự giám sát của các quan chức cao cấp nhất tại Ngân hàng Hoàng gia Canada. Không một lời thừa. Không một sự chậm trễ.

Đó là ngày thứ 17 kể từ khi Paris, thủ đô Pháp, sụp đổ dưới sức tấn công khủng khiếp của các lữ đoàn thiết giáp Quốc xã. 330.000 binh sĩ Anh - Pháp đã kịp thoát khỏi bờ biển Dunkerque. Nhưng đổi lại, cái giá phải trả là toàn bộ quân đội Pháp xem như đã bị xóa sổ. Một nửa nước Pháp bị chiếm đóng.

Vàng của nước Anh, trong hầm ngầm Ngân hàng Canada.
Vàng của nước Anh, trong hầm ngầm Ngân hàng Canada.

Nửa còn lại bị đặt dưới sự cai trị của chính phủ bù nhìn Vichy - những người chấp nhận đầu hàng quân Đức. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đều được lãnh đạo bởi những nguyên thủ theo khuynh hướng độc tài - phát-xít, là đồng minh tự nhiên của Đức.

Hà Lan đã bị chiếm. Bỉ cũng bị chiếm. Anh quốc đứng lẻ loi một mình bên kia eo biển Manche, đối diện với cả dải bờ biển thù địch từ Bắc xuống Nam.

Hơn ai hết, Winston Churchill hiểu rõ tình hình. Ông không cam chịu đầu hàng. Ông vẫn còn có thể trông cậy vào tinh thần chiến đấu can trường của những người lính Anh và cả nhân dân Anh. Ông còn trong tay quyền huy động lực lượng từ cả Vương quốc Liên hiệp Anh (United Kingdom, bao gồm Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand…).

Ông giữ vững, củng cố và cổ vũ tinh thần cho quân dân Anh nhờ những yếu tố đó. Song, chiến tranh cũng như chính trị, không thể "tất tay" vào cuộc chơi như một canh bạc. Luôn cần có sự chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp nối. Cũng luôn cần bảo đảm cung ứng tài chính cho các hoạt động quân sự.

Bởi vậy, thực ra, Kế hoạch Cá (Operation Fish) đã được vạch ra, từ rất lâu trước khi Paris sụp đổ. Churchill cùng các đồng sự muốn bảo đảm rằng vạn nhất nếu đảo Anh cũng không giữ được, thì quân đội Anh vẫn còn tiềm lực tài chính để quật khởi.

 

Kể từ tháng 9/1939, khi Đại chiến thế giới lần thứ hai mới bắt đầu, chính phủ Anh đã có sắc lệnh: Mọi công dân Anh ở Vương quốc Liên hiệp Anh đều phải đăng ký khai báo toàn bộ tài sản hoặc trái phiếu nước ngoài của mình với Bộ Tài chính.

Nhờ động thái này, tất cả trái phiếu, ngân phiếu quốc tế đã được kiểm định bởi Ngân hàng Hoàng gia Anh quốc được đóng gói vào hàng nghìn chiếc hòm, kiểu hòm đựng hoa quả, rồi đưa tới địa điểm tập trung - các cảng lớn của Anh.

Tại những nơi ấy, toàn bộ lợi nhuận khổng lồ được tích cóp qua nhiều thế hệ của tư bản Anh được canh giữ cẩn thận, bên cạnh hàng nghìn tấn vàng - phần tích lũy trong suốt quãng thời gian trở thành đế chế mà "mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ" của đế quốc Anh.

23h18 ngày 3/10/1939, tàu HSM Emerald rời cảng Plymouth, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Augustus Willington Shelton Agar. Đó là chuyến tàu đầu tiên đưa của cải dự trữ của nước Anh đến nơi an toàn, bên kia Đại Tây Dương.

Và thực ra, như tiết lộ của trang Bảo tàng Ngân hàng Canada (www.bankofcanadamuseum.ca), Winston Churchill cũng đã dự tính rằng trong trường hợp xấu nhất, ông sẽ chuyển chính phủ của mình tới Montreal, để tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu chống lại Đức Quốc xã. Điều đó giải thích tại sao Montreal lại là điểm đến của những chuyến tàu chở đầy của cải ngày đó.

 

Kỳ tích của số mệnh

Một điều rất đáng ngạc nhiên: Suốt quãng thời gian tiến hành từ tháng 10/1939 đến tháng 7/1940, Operation Fish không mất một tàu nào. Trong khi đó, chỉ trong tháng 6/1940, gần 60 tàu của cả các nước đồng minh lẫn các quốc gia trung lập bị bắn chìm trên Đại Tây Dương.

Chưa kể, hoạt động của các đội tàu ngầm Đức Quốc xã cũng được đẩy mạnh, trong nỗ lực siết chặt vòng vây quanh "đảo quốc sương mù". Điều này khiến những chuyến hàng càng lúc càng trở nên mạo hiểm.

Song, như thể được phù hộ bởi một thế lực siêu nhiên nào đó, cả chiến sự lẫn sự khó lường của thời tiết trên đại dương đều không động chạm gì đến những chuyến tàu ấy, để toàn bộ khối tài sản khổng lồ mà nước Anh sở hữu có thể nằm gọn ghẽ dưới tầng hầm cuối cùng của Ngân hàng Canada, không một chút suy suyển.

Con tàu HSM Emerald huyền thoại.

Hơn thế, việc Churchill cũng như toàn thể nước Anh giữ vững được bí mật này cũng là một kỳ tích, khi nó liên quan tới hàng trăm hàng nghìn thủy thủ, thợ bốc vác hay công nhân đóng gói…, ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

 

Để tránh việc phải đánh canh bạc tất tay trên đảo Anh, Churchill đã chấp nhận chơi một canh bạc khác, cũng vô cùng khốc liệt. Chỉ một thông tin rò rỉ, có thể phải trả giá bằng việc con đường vận chuyển bị cắt đứt, và tài sản dự trữ không thể đến nơi an toàn.

Dĩ nhiên, Montreal không phải là nơi trú ngụ cuối cùng của cả "dãy núi tiền - vàng" ấy. Một phần lớn trong số đó, về sau, lại được chuyển xuống tàu, đi đến New York, để chi trả các khoản chiến phí mà nước Anh giao dịch với nước Mỹ.

Song, tàu ngầm Đức không uy hiếp được bờ Tây Đại Tây Dương, còn hải quân Nhật không đủ tiềm lực để vươn đến bờ Đông Thái Bình Dương. Không còn gì đe dọa nổi tiền bạc của Anh quốc, khi nó đã yên vị ở châu Mỹ.

Tổng cộng, khoảng 160 tỷ USD (theo thời giá 2017) đã được chuyển từ Anh tới Canada, bằng đường biển. 1.500 tấn vàng, và hàng tấn giấy tờ tài chính. Hơn 600 người trực tiếp phục vụ cuộc đào thoát kỳ vĩ này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Operation Fish là cuộc "vận tải tiền bạc trực tiếp" có quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người. Nước Anh là quốc gia duy nhất thực hiện điều đó. Và sau khi đã yên tâm về nguồn lực dự trữ của mình, họ ngẩng cao đầu đón đợi điều mang tên "trận chiến nước Anh" (Battle of England), kết thúc với sự bất lực của không quân Đức.

 

Quân Đức hết kiên nhẫn ở phía Tây. Adolf Hitler, dù rất muốn, không thể bắt Churchill cúi đầu. Nhà độc tài xua quân sang Đông, để chạm trán với một địch thủ còn kiên cường và đáng sợ gấp bội - Liên Xô của Iosif Stalin. Nước Anh hồi phục, và cùng quân đội Mỹ, quân Anh đứng vững ở Bắc Phi, rồi trở lại châu Âu.

Những ngày ấy, mạch máu tài chính Anh, từ Montreal, vẫn vận hành ổn thỏa.

Theo An Ninh Thế Giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm