Những di vật quý hiếm ở Hang Dơi
Phát hiện hài cốt chết bất thường bên trong ngôi mộ cổ nghìn năm / Thấy 'đống đất đen' kỳ lạ trong mộ cổ, chuyên gia như bắt được vàng: Không thể tin nổi!
Hang Dơi là một hang mái đá tự nhiên, nằm sâu trong dãy núi thuộc thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn là di tích khảo cổ cấp quốc gia chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Qua nhiều lần khai quật Hang Dơi, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn.
Mộ táng trẻ em 11.000 năm trước
Vừa trở về trong chuyến đi điền dã dài ngày từ Hang Dơi, TS Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), phấn khởi cho biết, trong hơn một tuần, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn khai quật khảo cổ và đã thu được những kết quả bất ngờ. Các nhà khoa học phát hiện một di cốt được mai táng ở tư thế nằm co bó gối. Di cốt này nằm trong tầng và thuộc nền văn hóa Bắc Sơn. Trong quá khứ, tầng văn hóa chứa di cốt đã được xác định niên đại khoảng 11.000 năm trước.
“Di cốt được đặt đầu quay về hướng Bắc, chân hướng Nam và mặt quay về hướng Đông. Phần sọ đã bị mủn nát một phần. Hiện trạng và kích thước di cốt cho thấy, đây là mộ táng của trẻ em được chôn ngay cạnh vết tích của bếp lửa. Hiện vật là xương chậu, tay chân còn khá nguyên vẹn, khô. Đặc biệt, xung quanh mộ có chôn theo một số mảnh tước bằng đá cuội và nanh nhím. Việc xác định độ tuổi trước khi mai táng sẽ cần được nghiên cứu thêm”, TS Sơn nói.
Địa điểm khảo cổ học Hang Dơi nằm trong dãy núi đá vôi Bắc Sơn, cách thành phố Lạng Sơn trên 100 km, nằm ở lưng chừng núi cao, cheo leo, hiểm nguy, ít người qua lại nên khu rừng vắng vẻ, thâm u. Hang Dơi rộng khoảng 150m2, sâu khoảng 12m, cửa cao khoảng 11m, rộng gần 2 m. Đây là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi.
“Chúng tôi khảo sát đúng những ngày mưa phùn, rét, đường đi trơn trượt, phải leo trèo lên những thớ núi tai mèo cao chót vót, sểnh chân là ngã mất mạng. Tuy nhiên, thấy được tiềm năng của Hang Dơi nên chúng tôi đã vượt qua bao khó khăn, vất vả. Ngay trong đêm phát hiện ra mộ táng trẻ em, chúng tôi có buổi gặp mặt với già làng, trưởng bản ở địa phương, một ông thầy mo rưng rưng cầm lấy tay tôi rồi chỉ lên đại ngàn nói rằng, việc phát lộ di vật đặc biệt này là điềm lành, rất quý rồi cùng uống rượu với chúng tôi thâu đêm đến sáng”, TS Sơn kể.
Theo các nhà khoa học, mộ táng trẻ em tìm thấy lần này quả thực là rất hiếm và độc đáo, thu hút sự quan tâm của giới khoa học, cổ học trong nước và quốc tế.
Bảo tồn, phát huy
TS Sơn cho biết, trong quá trình khai quật ở Hang Dơi, các nhà khảo cổ học đã thu thập được trên 600 hiện vật mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn như: công cụ đá, mảnh tước, rìu mài lưỡi, cuốc, gốm, số lượng lớn dấu Bắc Sơn, mảnh tước đá vôi, mảnh tước đá cuội, công cụ hạch đá, đồ gốm, đồ sành, sứ thời phong kiến và hiện đại, dấu vết các mộ táng. Qua nghiên cứu hiện vật, xác định Hang Dơi thuộc văn hoá Bắc Sơn (thời kỳ đá mới) có niên đại 10.000 năm đến 7.000 năm cách ngày nay.
“Những tư liệu mới này dần hé mở những bằng chứng khách quan để truy vết mối quan hệ nguồn gốc của văn hóa Bắc Sơn với kỹ nghệ Ngườm ở thung lũng Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên)”, TS Sơn nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nông Văn Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, cho biết, dù đã được các cấp, ngành quan tâm song công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hang Dơi vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn kinh phí. Đường dẫn đến Hang Dơi chủ yếu là đường mòn dân sinh, trời mưa sẽ gây khó khăn cho di chuyển.
“Nhất là mộ táng trẻ em được phát hiện nhưng chưa thể tiến hành vận chuyển về bảo tàng do nhiều yếu tố khách quan, trong đó di tích khảo cổ học là tài nguyên văn hóa rất đặc biệt. Vì vậy, quá trình tu bổ đòi hỏi phải có phương án cụ thể, thận trọng để tránh tác động tiêu cực đến di tích”, ông Kiên nói.
Đề cập trách nhiệm của địa phương, ông Hoàng Văn Tuấn, Trưởng thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, cho biết, Hang Dơi là di tích cấp quốc gia nên người dân địa phương rất có ý thức bảo vệ. Hằng tháng, trong các cuộc họp thôn, cấp ủy, chính quyền đều tuyên truyền đến người dân, qua đó nâng cao ý thức của mỗi người trong việc bảo vệ di tích.
Theo ông Tuấn, người dân trong thôn, xã khi lên rừng đốn củi thường nghỉ chân hoặc trú mưa tại di tích Hang Dơi, nhưng không ai xả rác hoặc viết, vẽ bậy lên di tích. Có người dân còn vào tận hang để dọn chất thải của đàn dơi, vừa làm sạch di tích vừa để mang về chăm bón cây cối. Bà con bảo nhau thường xuyên phát quang cây cối trước cửa hang và lối vào di tích. Nhờ đó, đến nay, di tích vẫn được giữ nguyên trạng.
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Bắc Sơn, chia sẻ, các ngành chức năng của huyện phối hợp xã Vũ Lễ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu khai quật, nghiên cứu về di tích, xây dựng kế hoạch và khảo sát thực địa để cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ. Thời gian tới, huyện Bắc Sơn kêu gọi nguồn xã hội hóa kinh phí tu sửa đường vào di tích Hang Dơi. Kết nối với các di tích trên địa bàn để tăng cường quảng bá về giá trị lịch sử, giá trị khảo cổ của Hang Dơi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo TS Sơn, để phát huy giá trị di tích khảo cổ học tương xứng với tiềm năng, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu cũng như liên kết với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ để khảo sát lại các di tích.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương nên quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục một cách toàn diện về giá trị của di sản văn hóa, di tích khảo cổ học nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư tại các khu vực di tích khảo cổ. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Lạng Sơn tiến hành xây dựng hồ sơ “Công viên địa chất toàn cầu”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
Nhà khảo cổ thu thập hiện vật mộ táng. Ảnh: Duy Chiến