Những điểm đến đừng bỏ lỡ ở thành phố Hồ Chí Minh
Những ngôi làng khiến du khách ngỡ như “lạc vào xứ thần tiên“ / Những nơi ngắm lá vàng mùa thu đẹp nhất trên thế giới
Dinh Độc Lập (Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1). Đây thường là điểm đến đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh. Dinh Độc Lập là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, được khởi công năm 1962 và hoàn thành xây dựng năm 1966. Công trình mang hơi thở hiện đại kết hợp với nhiều giá trị truyền thống dân tộc. Đây cũng là một di tích lịch sử đặc biệt ghi dấu thời khắc thống nhất đất nước ngày 30/4/1975 |
Nhà thờ Đức Bà (Công trường Công Xã Paris, quận 1). Công trình được khởi công năm 1877 và hoàn thành năm 1880, được coi là một kiệt tác kiến trúc đô thị và là một trong những công trình tiêu biểu tạo nên diện mạo kiến trúc đô thị Sài Gòn hơn một thế kỷ qua. |
Bưu điện trung tâm thành phố (Công trường Công Xã Paris, quận 1). Bưu điện thành phố nằm kế bên Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng thời gian 1886–1891.Đây là công trình quan trọng và có ý nghĩa lịch sử, ghi dấu ấn trong quá trình quy hoạch xây dựng phát triển Sài Gòn theo hình thái đô thị hiện đại Châu Âu, và không thay đổi công năng cho đến tận bây giờ.Bưu điện Trung tâm thành phố là một gương mặt tiêu biểu của kiến trúc đô thị, và là hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn, là điểm tham quan thu hút rất nhiều khách du lịch. |
Chợ Bến Thành (phường Bến Thành, quận 1). Chợ Bến Thành được hoàn thành xây dựng năm 1914, là một trong những chợ cổ nhất của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Chợ Bến Thành là hình ảnh tiêu biểu của thành phố nói chung cũng như thể hiện sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - thương mại của đô thị phương nam này. Đây là một trung tâm mua bán sầm uất với nhiều loại mặt hàng phục vụ đời sống và phục vụ du lịch. |
Bến Nhà Rồng (quận 4). Là một thương cảng lịch sử được xây dựng năm 1862 bên sông Sài Gòn, với kiến trúc chính là “Nhà Rồng” hoàn thành xây dựng năm 1864. Chính nơi đây, ngày 5/6/1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Hiện nay, Bến Nhà Rồng trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. |
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP Hồ Chí Minh (Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1). Công trình được xây dựng năm 1926-1928, nằm trên phần đất của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ban đầu có tên là Bảo tàng Nam Kỳ. Đây là một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương. Hiện, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP Hồ Chí Minh là một trong hai bảo tàng Lịch sử có quy mô trưng bày lớn nhất ở Việt Nam (cùng với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – Hà Nội).
|
Thảo Cầm Viên (Đường Nguyễn Bình Khiêm, quận 1). Công trình nằm kế bên và cùng lối vào với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng từ 1864, là một trong 8 vườn sinh vật cổ nhất thế giới. Thảo Cầm Viên có diện tích gần 17 héc ta, nuôi trồng, bảo tồn 590 đầu thú thuộc 125 loài, 1800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng… Bên cạnh chức năng là một trung tâm bảo tồn và nghiên cứu, đây cũng là một công viên nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của thành phố. |
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (phố Phó Đức Chính, quận 1). Công trình vẫn được biết với tên gọi dân dã là “Nhà Chú Hoả”. Nguyên đây là dinh cơ của một doanh nhân người gốc Hoa tên là Hứa Bổn Hoà (chú Hoả), được xây dựng từ 1929-1934. Kiến trúc công trình là một sự giao thoa đông - tây đặc sắc. Năm 1987 toà nhà này trở thành Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Hiện nơi đây lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị, trong đó có tác phẩm “Vườn xuân Trung – Nam – Băc” của hoạ sỹ Nguyễn Gia Trí – đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. |
Bảo tàng chứng tích chiến tranh (đường Võ Văn Tần, quận 3). Đây là một trong những bảo tàng hút khách nhất của Việt Nam và có thứ hạng cao ở châu Á. Nơi đây trưng bày hình ảnh và hiện vật ghi dấu ấn bi thương của các cuộc chiến tranh trên đất nước Việt Nam. |
Hồ Con Rùa (quận 1). Hồ Con Rùa là tên gọi dân gian của một hồ nước nhân tạo nằm trên Công trường Quốc tế, là vòng xoay của các con đường Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân. Đây là không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, xung quanh có nhiều quán cà phê. Vì vậy nhiều người Sài Gòn và khách du lịch thích tới đây nghỉ ngơi thư giãn, giới trẻ cũng thích hẹn hò tụ tập ở Hồ Con Rùa. |
Phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Là khu vực gồm các phố Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu và lân cận. Nơi đây tập trung nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng và các trung tâm lữ hành du lịch. Khách du lịch nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh rất thích ở đây, bởi không khí náo nhiệt, vui vẻ, hoà đồng và đời sống bình dị. |
Cầu Ánh Sao (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7). Một cây cầu đi bộ nhỏ luôn lung linh khi đêm buông xuống. Đây là điểm đến hấp dẫn và là biểu tượng của khu đô thị hiện đại nhất Việt Nam. Một không gian đẹp, trong lành với cây xanh và hồ nước, với các công trình mới luôn lôi cuốn du khách. |
Bến Bình Đông (quận 8). Bến Bình Đông nằm trên kênh Tàu Hủ, bên đại lộ Võ Văn Kiệt. Đây là một bến thuyền cổ, ghi dấu ấn Sài Gòn sông nước, trên bến dưới thuyền. Nơi đây còn những dãy nhà cổ trên bờ và bến thuyền vẫn hoạt động. Vào dịp Tết Nguyên Đán, Bến Bình Đông là một chợ hoa nổi. Các thuyền buôn từ miền tây kéo về đậu kín Bến Bình Đông. |
Bảo tàng Áo dài (phường Long Phước, quận 9). Một bảo tàng tư nhân có quy mô không lớn nhưng khá hấp dẫn. Bảo tàng Áo dài là nơi trưng bày một câu chuyện về chiếc Áo dài Việt Nam, từ lúc hình thành cùng với những đổi thay trong đời sống xã hội, đi cùng lịch sử đất nước, gắn bó với người phụ nữ Việt Nam. Không gian Bảo tàng Áo dài là một không gian Việt, mang dấu ấn sông nước miền Tây với những nếp nhà mang kiến trúc truyền thống, có màu sắc thiền - tịnh. Cả quần thể kiến trúc mở rộng, kết nối với thiên nhiên, gợi nhiều cảm xúc về những giá trị văn hoá truyền thống mà Áo dài là chủ thể. |
Bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm (quận 2). Một không gian thoáng đãng, lý tưởng cho việc ngắm cảnh. Chỉ qua sông Sài Gòn, rời khỏi quận 1 là tới đất Thủ Thiêm còn hoang sơ như vùng ngoại ô. Nơi đây là là điểm ngắm cảnh thành phố lý tưởng, có thể thấy bờ bên kia là quận 1 với những toà nhà cao vút rực rỡ ánh đèn. |
Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi). Địa điểm xa nhất trong những điểm đến nhưng đừng nên bỏ lỡ. Củ Chi cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 70km về phía tây bắc. Đây là căn cứ địa cách mạng trong những năm tháng chiến tranh, chứa đựng nhiều huyền thoại đáng kinh ngạc về một cuộc sống trong lòng đất. Tháng 2/2016, Địa đạo Củ Chi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?