Phương pháp điều chế
Theo Trung tâm Kiểm soát Độc học Mỹ (Trung tâm Độc học), than hoạt tính được tạo ra từ việc đốt các nhiên liệu giàu cacbon trong nhiệt độ cao. Ví dụ như gỗ, vỏ dừa hoặc than được đốt với nhiệt độ từ 600 đến 900 độ C tạo ra bột than.
Bột than này sau đó sẽ được đốt tiếp cùng với một số phụ liệu khác như muối clorua để tạo cấu trúc xốp. Lượng nguyên liệu thừa sẽ được rửa trôi bằng một hỗn hợp axit pha loãng và để lại lớp cacbon nguyên chất.
Than này có thể được xử lý thêm để làm mịn và tăng diện tích bề mặt, bằng cách cho tiếp xúc với khí oxi hóa, chẳng hạn như hơi nước hoặc cacbon dioxit (CO2). Sau quá trình này, diện tích bề mặt của than hoạt tính có thể được tăng lên đáng kể, mà theo một nghiên cứu năm 2016, chỉ 50 gram than hoạt tính đã có diện tích bề mặt gấp 17,5 lần so với một sân bóng đá tiêu chuẩn.
Những lợi ích của than hoạt tính
Theo Trung tâm Độc học, các chuyên gia y tế thường kê đơn than hoạt tính cho các bệnh nhân bị ngộ độc do độc tố hoặc sử dụng thuốc quá liều. Bột than mịn sẽ được pha với nước hoặc các dung dịch khác, sau đó được hoặc cho bệnh nhân uống trực tiếp, hoặc truyền qua ống dẫn nhằm làm sạch đường ruột thay cho ống thông dạ dày.
Khi đó, bề mặt hoạt tính sẽ tương tự như miếng bọt biển cho độc tố bám lấy giúp làm giảm chất độc hấp thụ vào cơ thể. Cơ chế này có hiệu quả nhất với các loại độc tố chứa các hạt hữu cơ, hay các hợp chất chứa cacbon liên kết với oxy, hydro hoặc nitơ. Tùy vào mức độ ngộ độc hoặc loại độc tố, một liều than hoạt tính có thể đem lại hiệu quả điều trị cao nếu được cung cấp kịp thời.
Trung tâm Độc học cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng than hoạt tính tại nhà trong các trường hợp ngộ độc như trên, bởi phần lớn các loại than hoạt tính được bày bán tại quầy thuốc có “hoạt tính” kém hơn so với loại được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và có thể không cải thiện được tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh than hoạt tính có hiệu quả trong các trường hợp như nồng độ cholesterol trong máu cao, tiêu chảy, táo bón, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa hay phòng tình trạng say xỉn (do than hoạt tính không liên kết với cồn), hoặc giúp vết thương mau lành.
Bên cạnh đó, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện và khuyến khích sử dụng than hoạt tính trong chế độ dinh dưỡng thải độc, hay “detox”. Thậm chí, việc dung nạp than hoạt tính vào cơ thể cũng chưa được chứng minh là có lợi cho sức khỏe trong trường hợp không bị ngộ độc. Trên thực tế, nạp vào cơ thể một lượng than hoạt tính không cần thiết còn không tốt cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu năm 2007, than hoạt tính, bên cạnh loại bỏ độc tố, còn loại bỏ các vitamin tốt cho sức khỏe trong các thực phẩm lành mạnh.
Than hoạt tính cũng được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống lọc nước, khẩu trang hoặc máy lọc không khí. Các chất có thể xử lý được bằng than hoạt tính bao gồm radon, các dung môi, chất đốt và nhiều hóa chất công nghiệp, phóng xạ khác. Tương tự với cơ thể loại bỏ độc tố trong cơ thể, than hoạt tính hút các chất gây ô nhiễm nguồn nước và không khí và để chúng bám trên bề mặt, giúp con người không hít phải hoặc hấp thụ chúng vào cơ thể.
Hạn chế của than hoạt tính
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy than hoạt tính như thành phần trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp được bày bán rộng rãi, đặc biệt là kem đánh răng. Tuy nhiên, hầu hết các loại kem đánh răng có chứa than hoạt tính đều có tính bào mòn men răng cực cao, có thể khiến răng trở nên nhạy cảm, làm hỏng men răng gây ố vàng và dễ bị sâu răng. Thay vì chứng minh lợi ích, đa số các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra nguy cơ lâu dài khi sử dụng kem đánh răng có chứa than hoạt tính trong thời gian dài. Hơn nữa, hầu hết các loại kem đánh răng than hoạt tính đều không chứa, thậm chí còn phản lại tác dụng của flo – thành phần quan trọng giúp ngăn ngừa hình thành lỗ sâu răng.
Nhiều công ty cố gắng đưa than hoạt tính vào bảng thành phần và quảng cáo sản phẩm của mình có công dụng kháng khuẩn, kháng vi rút hoặc nấm mốc, ví dụ như các sản phẩm dầu gội, dầu xả, sữa rửa mặt hay mặt nạ đều muốn người dùng tin rằng thành phần than hoạt tính trong chúng có thể hút, loại bỏ dầu thừa và các chất bẩn khác. Dù tương đối an toàn khi dùng trực tiếp, song tác dụng của than hoạt tính về mặt sức khỏe hoặc thẩm mỹ đều chưa hề được kiểm nghiệm lâm sàng.
Thực chất, than hoạt tính có thể hút một số khoáng chất, nên xét về mặt lý thuyết, nó cũng có thể hấp thụ hoặc làm bất hoạt các vi khuẩn hoặc vi rút, song ở mức độ nào thì chưa rõ. Do đó, nếu chỉ dựa trên những suy đoán trên, việc xử lý vi khuẩn, đặc biệt là các bệnh về răng miệng, sẽ trở nên quá dễ dàng so với thực tế.
Theo Phạm Nhật/Khoa học & Phát triển