Khám phá

Những hồ nước cổ đại và bí ẩn ít ai biết

Những hồ nước cổ đại này đã liên tục mang nước trong hơn một triệu năm và hầu hết trong đó đều có ít nhất hai triệu năm tuổi. Ba hồ có tuổi lâu đời nhất trên thế giới đã hình thành ít nhất 20 triệu năm trước đây, có nghĩa là từ trước khi tổ tiên của loài người ra đời.

Tu viện Sakya: Nơi nắm giữ kho báu của Phật giáo Tây Tạng / Muôn kiểu váy cưới hoàng gia, người dát đá quý, người trơn đơn giản

8. Hồ Malawi

Ảnh minh họa.

Độ tuổi: 1 - 2 triệu năm

Địa điểm: nằm giữa Malawi, Mozambique và Tanzania

Diện tích bề mặt: 29.600km²

Độ sâu tối đa: 706m

 

Khối lượng: 8.400km³

Hồ Malawi (còn được gọi là hồ Nyasa ở Tanzania và Lago Niassa ở Mozambique) là hồ lớn thứ chín trên thế giới và lớn thứ ba trong số các hồ ở thung lũng Rift Eastern thuộc Đông Phi. Hồ chứa nhiều loài cá hơn bất kỳ hồ nào khác trên thế giới với ít nhất 700 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài đặc hữu.

Chính phủ Mozambique đã tuyên bố phần diện tích hồ thuộc nước này là khu bảo tồn vào năm 2011; phần diện tích hồ thuộc Malawi là công viên quốc gia hồ Malawi và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

7. Hồ Titicaca

 

Độ tuổi: 3 triệu năm

Địa điểm: trên biên giới của Bolivia và Peru

Diện tích bề mặt: 8.372km²

Độ sâu tối đa: 281m

Khối lượng: 893km³

 

Ở độ cao 3.810m, hồ Titicaca là hồ có thể điều hướng cao nhất trên thế giới đối với các tàu lớn và được coi là hồ lớn nhất ở Nam Mỹ. Mặc dù chưa xác định chính xác độ tuổi nhưng theo UNESCO, hồ Titicaca khoảng 3 triệu năm tuổi. Hồ Titicaca có một lịch sử văn hóa phong phú và nền văn minh Inca cho rằng hồ là nơi nền văn minh bắt đầu. Hồ là nơi phát tích của người Peru cổ đại khi được dùng làm nơi định cư vào giữa thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

6. Hồ Biwa

Độ tuổi: 4 triệu năm

Địa điểm: Nhật Bản

 

Diện tích bề mặt: 670,3km²

Độ sâu tối đa: 104m

Khối lượng: 27,5km³

Hồ Biwa là hồ nước ngọt lớn nhất ở Nhật Bản và là một trong những hồ lâu đời nhất trên thế giới với khoảng ít nhất 4 triệu năm trước. Hồ nằm ở tỉnh Shinga, phía Tây Bắc Nhật Bản.

Do lịch sử và sự gần gũi với Kyoto, hồ Biwa thường được nhắc đến trong văn học Nhật Bản, đặc biệt là trong các bài thơ và trong các trận chiến trong lịch sử Nhật Bản. Hồ là nơi sinh sản lớn của các loài cá nước ngọt, bao gồm cá hồi và cũng là nơi quan trọng đối với các loài chim, khoảng 5.000 con chim nước ghé thăm hồ Biwa hàng năm. Hồ cũng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi cấy ngọc trai cũng như các ngành công nghiệp dệt may quanh nó.

 

5. Biển Caspi

Độ tuổi: 5,5 triệu năm

Địa điểm: giữa châu Âu và châu Á; Kazakhstan ở phía Bắc, Nga ở phía Tây Bắc, Azerbaijan ở phía Tây, Iran ở phía Nam và Turkmenistan ở phía Đông Nam

Diện tích bề mặt: 371.000km²

 

Độ sâu tối đa: 1.025m

Khối lượng: 78.200km³

Biển Caspi là vùng nước nội địa lớn nhất thế giới và được coi là hồ lớn nhất thế giới, mặc dù đây không phải là hồ nước ngọt và có độ mặn khoảng 1,2%. Nó là tàn tích của biển Paratethys cổ đại và trở thành đất liền cách đây khoảng 5,5 triệu năm. Hồ có đặc điểm của cả biển và hồ vì nó không có dòng chảy tự nhiên ngoài sự bốc hơi.

Trong hai thập kỷ qua, sự bốc hơi của biển Caspian đã tăng lên do nhiệt độ tăng liên quan đến biến đổi khí hậu.

4. Hồ Tanganyika

 

Độ tuổi: 9 - 12 triệu năm

Địa điểm: Tanzania, Congo, Burundi và Zambia

Diện tích bề mặt: 32.900km²

Độ sâu tối đa: 1.470m

Khối lượng: 18.900km³

 

Hồ Tanganyika là hồ nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới tính theo thể tích và sâu thứ hai sau hồ Baikal. Hồ Tanganyika cũng là hồ dài nhất thế giới, tạo thành ranh giới giữa Tanzania và Congo cũng như một phần ranh giới giữa Burundi và một phần của biên giới giữa Tanzania và Zambia.

Hồ Tanganyika có ba lưu vực có các độ tuổi khác nhau và hình thành các hồ riêng biệt. Lưu vực trung tâm có khoảng 9 - 12 triệu năm tuổi; phía Bắc là 7 - 8 triệu năm tuổi và lưu vực phía Nam khoảng từ 2 - 4 triệu năm tuổi.

3. Hồ Maracaibo

Độ tuổi: 20 - 36 triệu năm

 

Địa điểm: Venezuela

Diện tích bề mặt: 13.210km²

Độ sâu tối đa: 60m

Khối lượng: 280km³

Hồ Maracaibo được coi là hồ tự nhiên lớn nhất ở Nam Mỹ và là một trong những hồ lâu đời nhất trên thế giới với tuổi ước tính từ 20 - 36 triệu năm. Mặc dù nó thường được gọi là hồ nhưng nhiều người cho rằng hồ Maracaibo nên được gọi là cửa vào vì nó nhận nước từ Đại Tây Dương. Hồ là một tuyến đường vận chuyển đường thủy nhộn nhịp và lưu vực Maracaibo xung quanh chứa trữ lượng dầu thô lớn khiến nó trở thành một trong những khu vực sản xuất dầu mỏ giàu nhất thế giới. Một trong những đặc điểm độc đáo nhất của hồ là sự xuất hiện của sét ở cửa sông Catatumbo, nơi đổ nước vào hồ Maracaibo. Khu vực này tạo ra nhiều sét hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

 

2. Hồ Baikal

Độ tuổi: 25 triệu năm

Địa điểm: Nam Siberia

Diện tích bề mặt: 31.722km²

 

Độ sâu tối đa: 1.642m

Thể tích: 23.615,39km³

Ngoài việc được coi là một trong những hồ lâu đời nhất, Baikal là hồ nước ngọt sâu nhất và lớn nhất trên thế giới tính theo thể tích. Hồ Baikal chiếm khoảng 20% ​​lượng nước mặt trên thế giới. Hồ được hình thành từ một thung lũng rạn nứt cổ xưa, tạo cho nó một hình lưỡi liềm dài.

Hồ Baikal chứa hơn 2.000 loài thực vật và động vật, phần lớn chỉ nằm trong khu vực trong và xung quanh hồ. Để bảo vệ hồ, Baikal đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1996.

1. Hồ Zaysan

 

Độ tuổi: khoảng 65 triệu năm

Địa điểm: Kazakhstan

Diện tích bề mặt: 1.810km²

Độ sâu tối đa: 15m

Khốilượng: 53km³

 

Hồ Zaysan được cho là đã tồn tại từ ít nhất là vào cuối kỷ Phấn trắng, từ 136 triệu đến 65 triệu năm trước, khiến nó trở thành hồ lâu đời nhất trên thế giới. Tuy nhiên đến nay rất khó tìm thấy dấu hiệu thể hiện độ tuổi của hồ.

Mặc dù tuổi của hồ Zaysan rất khó xác định, nhưng nghiên cứu hiện đại cho thấy lưu vực của nó chưa bao giờ khô. Điều đó có nghĩa là hồ có thể đã hình thành khoảng 70 triệu năm trước. Hồ Zaysan nằm ở phía Đông Kazakhstan và cung cấp rất nhiều loại cá cho người dân địa phương.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm