Khám phá

Những hồn ma nổi tiếng trong lâu đài cổ

Các hồn ma được cho là có ở khắp nơi, nhưng khi gắn với những lâu đài cổ, câu chuyện về chúng càng trở nên ly kỳ, bí hiểm.

Ô tô xuyên qua hồn ma trên phố / Mẹ rụng rời khi thấy "hồn ma" ngủ cùng con trai suốt đêm

Lâu đài ma ám Edinburg

Khi nói về các lâu đài ma ám, không thể không nhắc đến Edinburg, một lâu đài cổ tại Scotland, được xây dựng vào thế kỷ 12. Lời đồn đại về những hồn ma ở đây xuất hiện từ mấy trăm năm trước. Chuyện kể rằng do phát hiện ra có các đường hầm trong lâu đài, người ta quyết định khảo sát nên đã cử một đội thợ đến. Người thợ làm nhiệm vụ xuống hầm liên lạc với những người phía trên bằng tiếng kèn. Đột nhiên, tiếng kèn ngừng bặt, những người cứu hộ vội tìm cách tìm kiếm anh nhưng vô ích. Sau này, rất nhiều người nói rằng thỉnh thoảng họ vẫn nghe thấy tiếng kèn của người thợ xấu số vọng lên trong tòa lâu đài và những con đường phía trên các đường hầm.

Nhiều người khác lại kể họ từng nhìn thấy một hồn ma không đầu thổi sáo, có thể là của một tù nhân, hay hồn ma của cả một… con chó. Có du khách thậm chí còn khẳng định, họ bị những bàn tay lạnh giá giữ lấy khi đang tham quan khu vực này.


Lâu đài Edinburg

Do có các hầm ngục để giam và tra tấn tù nhân đến chết, Edinburg được cho là nơi ở của nhiều oan hồn chưa siêu thoát này. Trong số đó có hồn ma của một tù nhân đã chết thê thảm do quá thèm khát tự do: anh ta đã trốn vào xe chở phân với hy vọng nhờ đó mà trốn thoát ra ngoài, không ngờ người ta đổ thẳng xe phân xuống vách núi đầy đá nhọn. Người tù chết ai oán trong mùi phân hôi thối nên vô cùng uất hận, oan hồn anh ta thường cố gắng đẩy du khách khỏi các bức tường.

Lời đồn về các bóng ma trong lâu đài Edinburg nhiều và có vẻ thật đến mức vào đầu thế kỷ 21, tiến sĩ Richard Wiseman thuộc Đại học Hertfordshire (Anh) đã phải vào cuộc khảo sát. Năm 2001, ông đưa 240 người tình nguyện – những người không biết về chuyện lâu đài này bị ma ám - đến đây trong 10 ngày. Họ được cấp các thiết bị phát hiện ma như máy chụp ảnh nhiệt, máy cảm biến địa từ, máy ảnh kỹ thuật số…. Kết quả là một nửa số tình nguyện viên được bố trí ở những nơi bị đồn là ma ám đã gặp hiện tượng khác thường. Chẳng hạn, họ thấy những bóng người mờ mờ, cảm thấy như bị ai chạm vào người, hoặc như bị ai theo dõi, hoặc nhìn thấy hồn ma đeo tạp dề ở đúng chỗ mà người khác từng nói là thấy hình ảnh đó… Một nữ tình nguyện viên thậm chí còn khóc òa khi nghe tiếng thở ngày càng mạnh trong căn hầm tối cô đang đứng. Chiếc máy ảnh của cô chụp được bức hình gồm những đốm sáng dày đặc và làn sương kỳ lạ.

Mặc dù chuyện Edinburg có ma hay không đến nay khó mà khẳng định nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn tin rằng, “có một cái gì đó huyền bí” ở đây.

Chụp ảnh hồn ma ở lâu đài Tantallon

Tantallon là một lâu đài cổ đã đổ nát ở Scotland, được nhắc đến rất nhiều vào năm 2008 khi một nhà nhiếp ảnh đến tham quan và chụp được một bức ảnh kỳ lạ mà năm 2009 được bầu là bức ảnh ma có sức thuyết phục nhất thế giới. Khi rửa ảnh, nhiếp ảnh gia Christopher Aitchison bàng hoàng nhận thấy ở sau song sắt cửa sổ lâu đài – nơi mà anh nhớ rõ không hề có ai khi bấm máy, khoảng 3 giờ chiều – hiện diện một phụ nữ cao tuổi bận trang phục cổ xưa, đang nhìn ra ngoài.


Người phụ nữ bí ẩn sau song sắt trong bức ảnh của Christopher Aitchison

Dĩ nhiên, bức ảnh được “săm soi” rất kỹ để tìm kiếm dấu hiệu giả mạo, nhưng các chuyên gia khẳng định không hề có yếu tố kỹ xảo nào. Những người không tin vào ma quỷ chỉ có thể lý giải rằng hình ảnh người phụ nữ kia được tạo ra do hiệu ứng của ánh sáng giữa tường và song sắt.

Tuy nhiên, một tháng sau đó, bức ảnh ma thứ hai được công bố khiến chuyện lâu đài Tantallon có ma càng được tin nhiều hơn. Nghe bàn tán về ảnh của Christopher Aitchison, gia đình Lamb (người Scotland) quyết định đưa ra bức ảnh hồn ma họ chụp được cũng ở chính lâu đài này, cũng vị trí này hơn 30 năm trước. Bà Grace Lamb chụp ảnh lưu niệm cho chồng cùng hai con, Paul và Kelly. Lạ thay, trong ảnh hiện lên hình dáng một phụ nữ, cũng ăn vận theo lối cổ xưa, cũng đứng ở song sắt cửa sổ nhìn ra ngoài. Bà Lamb khẳng định không hề nhìn thấy ai đứng đó khi bấm máy.


Bức ảnh của gia đình Lamb

Lâu đài Tantallon được xây dựng từ giữa thế kỷ 14, phần lớn được làm bằng đá. Nó đã bị bỏ hoang hơn 300 năm nay và hiện đã đổ nát. Là lâu đài cuối cùng ở Scotland được xây vào thời trung cổ, phế tích này được mở cửa thường xuyên cho khách tham quan.

Người đàn bà áo nâu ở lâu đài Raynham

Ngay từ đầu thế kỷ 18, lâu đài Raynham (được xây từ thế kỷ 17 tại Norfolk, Anh) đã được cho là bị ma ám. Rất nhiều người khẳng định đã nhìn thấy một thiếu phụ mặc váy áo màu nâu trong lâu đài, vì thế bóng ma này được gọi là Brown Lady. Người ta cho rằng, đó chính là linh hồn của Dorothy Walpole, nữ chủ nhân của lâu đài, do ngoại tình nên đã bị chồng là lãnh chúa Viscount Townshend nhốt trong một căn phòng kín, tách biệt khỏi con cái. Cái chết của bà được cho là do người chồng gây ra, rằng chính ông đẩy bà ngã xuống cầu thang gãy cổ, dù thông báo chính thức là bà chết vì bệnh đậu mùa. Sau khi chết, linh hồn uất hận của Dorothy không siêu thoát được mà vẫn vất vưởng ở đây, không ít lần trêu ghẹo người sống.


Lâu đài Raynham

Rất nhiều người “có vai vế” khẳng định đã nhìn thấy Brown Lady. Người đầu tiên là bà Robert Walpole, vợ của ông chủ lâu đài Viscount Townsend, thấy hồn ma này năm 1713. Tương truyền, chính vua Anh George IV cũng đã bị Brown Lady quấy rối khi nghỉ ngơi tại lâu đài. Đang ngủ, vị hoàng đế giật mình tỉnh dậy thấy người đàn bà áo nâu đang nhìn mình chằm chằm nên đã kinh hoàng bỏ đi ngay trong đêm.

Dịp giáng sinh năm 1835, hai người bạn của chủ lâu đài là đại tá Loftus và Hawkins đến chơi và ngủ lại. Khi sắp đi ngủ, họ thấy hồn ma đứng ngay cạnh giường. Đêm sau, đại tá lại nhìn thấy hồn ma lần nữa. Ông mô tả hồn ma này vận đồ nâu, mắt không có tròng.

Một năm sau, đại uý Marryat cùng hai người khách khi đến ở đây cũng “chạm trán” Brown Lady. Đại úy đang nói đùa với hai người kia rằng họ nên mang súng đề phòng khi hồn ma quấy rối thì giật bắn mình khi thấy Brown Lady cầm nến lướt đến phía mình. Ông đã phản ứng với nỗi kinh hoàng theo lối nhà binh: vớ lấy súng bắn vào bóng ma. Dấu vết để lại đến ngày nay là những vết đạn in trên tường.


Bức ảnh gây sốt về Brown Lady

Đến thế kỷ 20, chuyện về Brown Lady lại “lên cơn sốt” và được tin tưởng hơn bao giờ hết khi bức ảnh chụp ma ở đây được công bố. Nhà nhiếp ảnh Captain Provand và phụ tá Indre Shira đang chuẩn bị chụp bộ ảnh kiến trúc lâu đài tại tầng trệt thì Shira đột nhiên nhìn thấy một vầng sương mù dày đặc cuộn lại thành hình một phụ nữ mặc váy ở cầu thang. Shira vội vã gọi Captain đem máy đến chụp lại. Họ tin rằng đây chính là bóng ma của tòa lâu đài.

Bức ảnh đã gây một cơn chấn động và sự tranh cãi kịch liệt. Người thì cho đó là bằng chứng ma quỷ có thật, người thì nói đó chỉ là sản phẩm của kỹ xảo. Tuy nhiên, bức ảnh đã được chứng minh là không hề sử dụng công nghệ hay sự sắp đặt. Vì thế, đến tận bây giờ, thiên hạ vẫn nghi hoặc và không thể phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của các hồn ma, nhất là ở các tòa lâu đài cổ xưa.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm