Những kỹ năng đặc biệt và kỳ công khó tưởng tượng để bắt được chuột khổng lồ
Hí hửng đi săn, diều hâu bị “phi đội gà bay” "tẩn" cho tơi bời / Báo đốm bẽ bàng, ôm hận khi săn hụt "kẻ bố đời"
Kỳ 2: Kỹ năng săn chuột khổng lồ
Anh Chín chỉ tay xuống một gốc cây trúc, cho tôi thấy những vết cắn nhỏ mới tinh, màu trắng của trúc vẫn còn nguyên: “Vết đũn cắn trúc đấy. Món ăn của nó là những cây trúc bánh tẻ, không già, không non”. Người Cao Lan ở vùng Sơn Động (Bắc Giang), gọi loài chuột tre (tức dúi) là con đũn.
Thật khó tin, những cây trúc to bằng nửa cổ tay, cứng như thép, sức người không bẻ nổi, dao sắc chặt vài nhát mới đứt, mà loài chuột khổng lồ này có thể gặm đứt cây trúc. Khi chọn được cây trúc bánh tẻ, nó sẽ dùng bộ răng sắc lẹm cẳn đứt gốc, sau đó cắt lấy một đoạn dài độ 20-30cm, kéo vào hang, rồi nằm trong hang kẽo kẹt ăn hết đoạn trúc đó.
Ban ngày loài chuột tre khổng lồ, chính là loài dúi, nằm ngủ trong hang sâu, đêm mò ra kiếm ăn. Chính vì thế, thợ săn có thể đi săn dúi vào ban đêm. Khi nghe thấy tiếng răng dúi nghiến vào thân trúc ken két, thì đích thị khu vực đó có dúi, hôm sau sẽ tìm thấy hang ổ của chúng.
Nghe anh Nàm mô tả thói quen và món ăn của loài dúi, tôi mới để ý ra xung quanh. Rất nhiều cây trúc có dấu răng dúi. Thi thoảng dưới những gốc cây trúc lại có vết hai chiếc răng rất rõ. Chúng vừa kiểm tra độ ngon của cây trúc, cây tre, vừa là để mài cặp răng quái dị, mỗi ngày dài thêm cả milimet như móng tay người. Nếu không chịu khó gặm, khiến răng mòn đi, thì hai cặp răng của chúng dài ngoẵng ra, sẽ không còn bén khi nghiền thức ăn nữa.
Nhìn kỹ, thì có thể thấy rất nhiều cây trúc đã chết khô, mà thân đứt ra khỏi gốc. Rõ ràng, chẳng có ai tự dưng đi vào khu rừng sâu này, để chặt đứt những cây trúc cho vui. Đó là do bọn dúi đốn hạ trúc để làm thức ăn.
Mặc dù cả 3 thợ săn dúi đã khẳng định đây là khu vực con dúi trú ngụ, nhưng tôi nhìn quanh, vẫn chẳng thấy dấu tích gì ngoài những cây trúc có vết răng dúi để lại. Dưới nền đất là một lớp lá trúc mỏng, nền đất đen mềm khô ráo. Không thấy dấu hiệu hang lỗ, hay đống mà (đống đất) mà loài vật họ nhà chuột đào bới rồi đùn ra cả đống.
“Đũn là loài gặm nhấm, họ nhà chuột, nhưng cực kỳ thông minh. Khoa học đã chẳng chứng minh chuột là loài rất thông minh đấy sao? Đũn còn thông minh hơn nữa, mới sống được ở khu rừng già, nơi các loài thú ăn thịt và rắn độc nhiều vô kể. Nhưng, trốn thoát được con người mới là đáng nể” – Đặng Văn Đông vừa dùng tay bới bới những lớp lá tre, vừa nói chuyện với tôi về sự khôn ngoan của loài dúi.
Bới lớp lá tre khô, vét cho sạch đất, rồi Đông gọi tôi đến xem. Đông bảo, thấy hang dúi rồi. Tôi nhìn vào chỗ Đông chỉ, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy dấu tích nào cả. Anh Nàm, anh Chín đều gật đầu công nhận đúng là nơi con dúi này trốn.
Thấy tôi không hiểu, Đông liền dùng ngón tay chọc xuống đất, tức thì thủng ra một cái hang. Theo lời Đông, khi con dúi chui vào hang, thì nó moi đất lấp lại, để rắn không phát hiện được, để người không tìm ra. Tuy nhiên, rắn không thấy, chứ người là loài thông minh, hiểu tập tính của nó, thành thử, cái nắp đó chẳng khác gì chỉ dấu cho loài người tìm thấy. Đông thò tay sâu vào trong, rồi rút tay ra nhanh chóng, nói “ấm lắm, nó đang ở đây”.
Các thợ săn dúi đều hiểu ý nhau, nên mỗi người một việc, lần lục quanh khu vực để phát hiện thêm các hang dúi. Có đến cả chục cái “mà” dúi được tìm thấy ở một khu vực rộng khoảng 30m2. Như vậy, con dúi này đào một hệ thống hang dày đặc như mạng nhện, với nhiều lối cửa ra vào, nhiều lối thoát thân. Điều đặc biệt, là tất cả các cửa hang đều được ngụy trang, bịt lại kín kẽ. Các cửa hang đóng lại, đều nằm dưới những lớp lá cây, mà những người bình thường đều không thể phát hiện được. Những cái hang lồ lộ, với đống đất moi ra, đều là hang giả, do chúng tạo ra, để đánh lừa các loài thú săn mồi cũng như con người.
“Nhìn vậy thôi, nhưng dưới lòng đất là hệ thống hang động chằng chịt đấy. Nhưng em có phát hiện ra điều gì đặc biệt trên mặt đất không?” – anh Nàm hỏi. Tôi chịu khó quan sát, nhưng không nghĩ ra điều gì.
Anh Chín xen vào bảo rằng, mặc dù con dúi mới trú ngụ ở đây, đào hệ thống hang dài tới cả chục mét, nhưng không để lại dấu tích gì trên mặt đất. Ngay cả dấu chân, lối đi cũng không hiện ra như loài chuột. Đặc biệt, chúng đào từng ấy đất, mà đổ đất đi đâu thì là cả một vấn đề, mà đến thợ săn dúi mấy chục năm nhưng những cao thủ này cũng không biết được. Chẳng nhẽ, ban đêm, ngoài lúc ăn, bọn dúi này đào đất tạo hang, rồi đem đi đổ ở một vị trí rất xa? Đi lại nhiều, nhưng chúng cố gắng không để lại dấu chân, lối đi, hoặc liên tục xóa dấu vết nhằm tránh để con người phát hiện?
Sau khi tìm bới cả vùng đất rộng, tìm hết các cửa hang, bịt chặt lại, thì nhóm thợ săn bắt đầu đào bới từ một cửa hang. Lớp đất đen, tơi xốp nên đào khá dễ dàng. Hang dúi chạy cách mặt đất độ 20cm, kéo dài vài mét, dẫn đến một gốc cây lim đã mục nát.
Vùng đất phía tây dãy Yên Tử này rất nhiều lim xanh, cho ra loài nấm tốt nhất trong dòng nấm linh chi. Lim là loại gỗ độc, thế nhưng, loài nấm mọc ra từ thân, gốc, rễ cây lim này lại không hề có độc, thậm chí tác dụng chính lại là giải độc gan, ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả một số bệnh ung thư. Từ cả trăm năm qua, người Trung Quốc đã sang tận vùng này thu mua nấm lim xanh. Người Cao Lan gốc gác Trung Quốc di cư sang đây từ cả trăm năm trước, cũng biết dùng nấm lim xanh nấu nước uống chữa bệnh về gan.
Tổ tiên người Cao Lan, ngoài việc chặt hạ cây lim lấy gỗ làm nhà, đóng đồ, thì còn đốn hạ cho nó chết, để phần vỏ gốc rễ lim mục ra, mà sinh ra nấm. Nhưng, khi phần vỏ mục hết, thì nấm cũng không còn nữa. Gốc cây lim này, có lẽ đã bị đốn hạ 40-50 năm rồi, chỉ còn phần lõi, nửa chìm nửa nổi trong lòng đất, bị lớp lá tre phủ lên.
Quanh gốc lim xanh mục nát, đất tơi xốp, nên nhóm thợ săn móc tay, bóc tung cả gốc cây, lộ ra các ngóc ngách chạy quanh gốc lim này. Đông rút tay, moi ra nắm lá tre còn ấm, hóa ra là ổ con dúi đang ở, chẳng khác gì ổ chuột. Đông dùng thuổng hất lớp đất lên, moi hẳn cái tổ ra, thì ngo ngoe một chú dúi con to bằng ngón chân cái. “Con dúi này mới đẻ một tuần, mắt còn chưa mở. Dúi mẹ mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa thường ít nhất 2 con, nên kiểu gì cũng tìm thấy con nữa. Chắc mẹ nó tha một con đi rồi” – Đông kể cho tôi.
Tôi cầm chú dúi con trên tay. Lớp da mỏng manh vẫn phủ hai con mắt, chưa nứt ra. Con dúi cứ ngoe nguẩy cái đầu mò mẫm, kêu chít chít tìm mẹ. Nhìn dúi con thấy tội nghiệp. Tuy nhiên, theo các thợ săn dúi, nếu có hơi người ám vào dúi con, thì dù thả dúi con về ổ, dúi mẹ cũng sẽ cắn chết. Đem cả mẹ lẫn con về nuôi, thì dúi mẹ cũng không nuôi con nữa. Anh Chín bảo, thấy ổ rồi, thì đào thêm một tí là bắt được dúi mẹ thôi.
Hang dúi quẩn về gốc lim già, rồi lại chạy ngược dốc núi, qua tất cả các ngách mà mọi người đã phát hiện, rồi cứ thế sâu hun hút xiên chéo xuống lòng đất. Mọi người dự đoán, tìm thấy ổ, sẽ bắt được ngay, nhưng cuối cùng, càng đào hang càng mất dạng trong lòng đất.
Sau 3 tiếng thay nhau đào bới, hang dúi đã sâu xuống lòng đất hơn 1m, dài tới 4m, mà chiếc dây leo dài 2m Đông cầm chọc xuống, vẫn không thấy đáy đâu. Các thợ săn vứt bỏ cuốc thuổng, ngồi bàn tính, phán đoán hướng dúi đi, để “đánh chặn”, tức đào chặn đầu. Nếu đào đúng hướng, thì tiết kiệm được sức lực, đào chệch hướng, thì coi như đào lại từ đầu. Suốt 3 tiếng đào bới, không thấy dấu hiệu hang dúi kết thúc, cả 3 thợ đào dúi cùng nản. “Trong suốt cuộc đời đào dúi, chưa từng thấy con dúi nào khôn ranh và đào hang sâu như con này” – anh Chín bảo.
Còn tiếp…
Kỳ 1: Truy tìm chuột khổng lồ trong rừng trúc (CHI TIẾT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ