Những năm cuối đời và cái chết của hoàng hậu Nam Phương
Trong lịch sử Việt Nam, Nam Phương là bà hoàng hậu đặc biệt không chỉ vì sau bà, vĩnh viễn không còn người phụ nữ nào được phong danh hiệu này nữa, mà còn vì trong suốt sự tồn tại của vương triều Nguyễn, bà là người phụ nữ duy nhất được phong hậu khi còn sống.
Dòng bài này có sử dụng tư liệu từ các nguồn: Hồi ký “Một nửa đời hư” (Vương Hồng Sển); Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn (Phạm Khắc Hòe); Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Mộng Điệp với Cựu hoàng Bảo Đại (Nguyễn Đắc Xuân); Chuyện nội cung cựu hoàng Bảo Đại (Nguyễn Đắc Xuân).
Kỳ 5: Những năm cuối đời và cái chết của hoàng hậu Nam Phương
Tháng 3/1946, ông cố vấn Vĩnh Thụy, tức cựu hoàng Bảo Đại, bỏ đất nước vừa giành được độc lập, bỏ mẹ già, vợ trẻ, con dại, bỏ lăng tẩm tiên vương… “trốn” sang Hong Kong cùng kỹ nữ Lý Lệ Hà. Tháng 12/1946, tình hình chính trị và quân sự giữa Việt và Pháp rất căng thẳng, chiến tranh tới gần. Cựu hoàng hậu Nam Phương một nách 5 con sống trong cung An Định trong khi mẹ chồng cũng đã tản cư, cảm thấy hoang mang và tuyệt vọng.
Những đắn đo trước khi rời Tổ quốc
Chồng đã quay lưng với đất nước, bà Nam Phương cảm thấy như đứng trước ngã ba đường. Ở lại Huế thì nay mai chiến sự nổ ra, khó tránh hòn tên mũi đạn, đi tản cư về nông thôn thì sợ các con mình quen nếp sống vương giả, không hòa nhập được. Còn nếu đưa các con vào trú ẩn trong trại lính Pháp thì sẽ mang tiếng liếm gót giày thực dân, thanh danh vĩnh viễn không còn, một mai khó lên ngôi như bà vẫn hy vọng.
Tính đi tính lại, người phụ nữ thông minh chọn giải pháp đưa các con vào nương nhờ nhà thờ dòng Chúa cứu thế, nơi thuộc quyền quản lý của các linh mục Canada, một nước trung lập, không ngả về Mỹ hay Pháp. Cuộc sống ở đây khá kham khổ so với sinh hoạt trước kia của họ, sáng sáng các hoàng tử, công chúa phải tự đi tìm nước rót vào ca để rửa mặt.
Súng bắt đầu nổ ở Huế vài tuần và bà Nam Phương rất lo vì tu viện có thể bị tấn công, nhưng chạy vào trại lính Pháp cũng không ổn vì bà từng gửi ra bạn bè quốc tế một bức thông điệp lên án Pháp tái chiếm Nam Bộ. Bản thân các linh mục trong nhà dòng cũng cảm thấy lo sợ mình sẽ bị liên lụy, đã nói khéo với cựu hoàng hậu và bà quyết định đưa các con sang Pháp tản cư.
Năm 1947, bà đưa các con sang Pháp, nơi gia đình bà có rất nhiều bất động sản lớn. Từ đó, bà không lần nào trở lại Tổ quốc, nơi bà từng là mẫu nghi thiên hạ nữa, ngay cả khi Bảo Đại được Pháp đưa về nước làm quốc trưởng, bà cũng không về.
Cuộc sống trên đất Pháp
Thời gian đầu, mẹ con cựu hoàng hậu sống ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Bà Nam Phương gửi các con vào trường trung học Couvent des Oiseaux, nơi bà từng học thời con gái. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc con cái, bà thường đọc sách báo hoặc chăm sóc hoa lá trong vườn, buổi tối thì chơi piano cho các con nghe. Những ngày lễ, mấy mẹ con cùng ra phố xem phim hoặc mua sắm.
Nam Phương hoàng hậu sành thời trang và có gu ăn mặc thanh lịch, tinh tế. Bà rất thích mua đồ của nhãn hiệu Christian Dior và Balmin, màu tím nhạt được bà ưa chuộng nhất. Về gu nghệ thuật, bà treo tranh của của Renoir, Buffet trong nhà. Cũng như thời tuổi trẻ, Nam Phương thích thể thao, nhất là các môn quần vợt, bóng bàn, golf.
Âm hưởng chung trong cuộc sống của cựu hoàng hậu là cô đơn. Bảo Đại thỉnh thoảng mới về Pháp, và đôi khi bà cũng cùng chồng tới casino xem ông đánh bạc. Những lần đó, nếu thắng bạc, ông vua mất ngôi sẽ tặng hết tiền cho vợ để mua sắm thời trang. Tuy nhiên, cái niềm vui ở bên chồng quá ít ỏi, nhất là từ sau năm 1955, Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lật, ông ta chán đời bỏ đi chơi tứ xứ, các con thì đã lớn, như chim bay đi…
Về sau, Nam Phương rời Cannes, dọn về một bất động sản khác của bố mẹ bà mua cho từ trước, đó là lâu đài Domain de la Perche ở vùng quê Chabrignac, cách Paris chừng 400 – 500 km. Lâu đài có rừng bao quanh gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách... và một vườn hồng tuyệt đẹp. Trang trại lớn với 160 mẫu đất, một đàn bò gần trăm con. Lâu đài cách nhà dân khá xa, hàng xóm ít qua lại. Có lẽ bà hoàng xa xứ chọn nơi yên tĩnh này để nội tâm được bình ổn, sống kiểu nửa tu hành trong những năm cuối đời.
Cho dù không còn là hoàng hậu, cho dù hồi ở Việt Nam đã hiến rất nhiều vàng cho nhà nước, nhưng trong cuộc sống xa xứ, bà chưa bao giờ phải chịu thiếu thốn. Cho đến cuối đời, bà vẫn sống trong nhung lụa nhờ gia đình cự phú của mình. Bố mẹ hoàng hậu, ông bà Nguyễn Hữu Hào, đã mua cho con gái cả một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư ở đại lộ Opera (Pháp), cùng nhiều nhà đất ở Maroc, Congo…
Tuy nhiên, trái ngược với ông chồng lúc nào cũng cần tiền để tiêu xài xa hoa, với bà Nam Phương, tiền không giúp mua được niềm vui. Thứ bà cần không thể có được, vì vậy hoàng hậu cam phận sống lặng lẽ trong trang trại Charbrignac, bất động sản duy nhất bà giữ lại cho riêng mình, sau khi chia hết cho các con. Có lẽ sự cô đơn và nỗi đau buồn cho cuộc đời tuy vàng son mà bất hạnh của mình khiến hoàng hậu lưu vong mắc bệnh tim.
Trong những năm sống ở Charbrignac, Nam Phương rất ít ra ngoài giao lưu. Thi thoảng lắm bà mới lên Paris thăm các con, còn các hoàng tử, công chúa cũng chỉ về thăm mẹ ít ngày những dịp hè. Bảo Đại thì rất hiếm khi về đây, may lắm chỉ ghé qua năm một hai lần, rồi lại đi ngay. Lần về lâu nhất của ông là đám cưới của con gái, công chúa Phương Liên, cũng chỉ kéo dài vài ngày.
Mặc dù tư tưởng ảnh hưởng nhiều của phương Tây, vợ chồng coi như ly thân và nhan sắc vẫn mặn mà nhưng bà không bao giờ lấp khoảng trống trong lòng mình bằng một người đàn ông khác. Bà luôn một mình.
Chết trong cô độc ở tuổi 49
Bệnh tim của hoàng hậu Nam Phương ngày càng nặng, nhiều khi khiến bà khó thở. Vào ngày 14/9/1963, sau khi ra ngoài chơi, bà đi tắm và sau đó cảm thấy đau cổ, sốt. Bác sĩ đến khám, cho biết bà chỉ viêm họng nhẹ. Nhưng rồi triệu chứng khó thở xuất hiện. Những người hầu cuống cuồng chạy đi tìm bác sĩ khác cách đó cả chục cây số. Nhưng cơn khó thở mỗi lúc một tăng, bác sĩ chưa đến kịp thì bà đã qua đời. Lúc đó, không chỉ ông chồng bạc tình đang bận ăn chơi ở miền nam nước Pháp mà cả những đứa con cũng đều học và làm việc tại Paris, không ai có mặt, chỉ có hai người hầu ở bên.
Đám tang hoàng hậu Nam Phương ngày 15/9/1963 không có Bảo Đại, người lúc đó đang đi chơi xa với bà Mộng Điệp. Khi công chúa Phương Liên được tin mẹ chết đã lập tức đánh điện tín báo cho cha, nhưng ông đã vắng nhà nên không nhận được.
Nếu như 29 năm trước, cô thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan đã có một đám cưới trọng thể, linh đình nhất, với sự chúc tụng của toàn thể quần thần, thì lúc này, tang lễ của hoàng hậu lưu vong Nam Phương diễn ra lặng lẽ, đơn giản, ngoài 5 đứa con ra không có một người họ hàng nào khác, về quan chức Pháp thì có hai quận trưởng của Brive la Gaillarde và Chabrignac. Tuy nhiên, đến viếng bà Nam Phương có một vị khách đặc biệt: công chúa Như Lý, con gái ông vua lưu đày Hàm Nghi. Công chúa Như Lý sống không xa nơi ở của bà Nam Phương nhưng không bao giờ qua lại, chỉ đến tiễn đưa khi hoàng hậu đã trút hơi thở cuối cùng.
Mộ của hoàng hậu Nam Phương hiện vẫn nằm nghĩa trang công giáo tại Chabrignac, trên bia có dòng chữ tiếng Pháp: “Nơi đây an nghỉ của bà Hoàng hậu Việt Nam - bà Jeanne-Mariette Nguyễn Hữu Hào, 4/12/1914 – 15/9/1963), mặt sau ghi dòng chữ Hán: “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi mộ”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết