Đối với những người chưa lập gia đình, trẻ sơ sinh luôn được xem như là những sinh vật khá phiền phức. Chúng mong manh, yếu ớt, thất thường và ồn ào. Nhưng bù lại, các bé sẽ ngủ trung bình khoảng 16 tiếng mỗi ngày và lúc đó các bậc cha mẹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm mà lặng lẽ ngắm nhìn các thiên thần bé nhỏ đang ngủ say.
Tuy nhiên, ẩn sau cuộc sống sinh hoạt hỗn loạn của một đứa trẻ là các kỹ năng phi thường, những năng lực tri giác khiến người lớn phải cảm thấy xấu hổ.
1. Những bậc thầy về nhận dạng hình ảnh
Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi có thể nhận ra sự khác biệt tinh tế giữa hai khuôn mặt khỉ hết sức dễ dàng. Nhưng trẻ 9 tháng tuổi và người lớn lại rất khó để nhận thấy được sự khác biệt.
Trong một nghiên cứu năm 2002 về khả năng nhận dạng khuôn mặt, các nhà khoa học tổ chức một cuộc đọ sức giữa 30 em bé 6 tháng tuổivới 30 em bé 9 tháng tuổi và 11 người lớn. Đầu tiên, nhóm được làm quen với một chuỗi các hình ảnh chụp mặt người và mặt khỉ chiếu lên màn hình. Sau đó, những gương mặt mới xuất hiện, lẫn trong những gương mặt cũ.
Giả định được đặt ra là những em bé sẽ nhìn những khuôn mặt mới lâu hơn những khuôn mặt quen thuộc.
Khi xem những khuôn mặt người, cả trẻ sơ sinh và người lớn đều dành nhiều thời gian nhìn vào những người mới; chứng tỏ họ dễ dàng nhận ra khuôn mặt người quen thuộc.
Nhưng khi nhận biết khuôn mặt khỉ, các người chơi trẻ tuổi chiếm ưu thế vượt trội. Trẻ em 6 tháng tuổi nhận ra những khuôn mặt cũ và nhìn chằm chằm những khuôn mặt lạ. Trong khiđó, cả người lớn và trẻ 9 tháng tuổi tỏ ra bối rối, nhìn những khuôn mặt cả cũ và mới với lượng thời gian như nhau.
Khả năng thị giác xuất sắc này không chỉ áp dụng cho các khuôn mặt.
Em bé từ 3 đến 4 tháng tuổi có thể thấy sự khác biệt trong ánh sáng, còn người lớn lại không thể thấy được. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng siêu năng lực này sẽ nhanh chóng biến mất vài tháng sau đó.
Để kiểm tra thị lực trẻ sơ sinh, nhóm nghiên cứu do giáo sư Jiale Yang dẫn đầu đã tạo ra hàng loạt các hình ảnh 3D của ốc sên. Những con ốc sên này được điều chỉnh độ sáng tối như thể ánh sáng chiếu vào chúng từ nhiều góc độ khác nhau.
Giống như người lớn, trẻ em từ 5 đến 6 tháng tuổi không thể phát hiện sự khác biệt. Nhưng các bé từ 3 đến 4 tháng tuổi lại có thể nhận thấy khá dễ dàng.
“Do quá trình trải nghiệm và chọn lọc trong cuộc sống, qua thời gian, trẻ sơ sinh cảm thấy rằng khả năng nhận thức tinh tế này thường không đóng vai trò quan trọng. Kết quả là, trẻ mất đi năng lực ấn tượng này”. Giáo Yang giải thích.
Đôi tai siêu thính
Trẻ sơ sinh có thể nghe được sự khác biệt trong ngôn ngữ và âm thanh mà người lớn cũng phải chịu thua.
Theo một trong số những công trình nghiên cứu sớm nhất về vấn đề này, chuyên gia ngôn ngữ trẻ sơ sinh, Giáo sư Janet Werker cùng các đồng nghiệp đã có những khám phá đáng chú ý:trẻ sơ sinh từ 6 đến 7 tháng tuổi lớn lên trong gia đình nói tiếng Anh lại có thể nhận thấy sự sai biệt trong tiếng Hindi (Ấn Độ).
Chẳng hạn, các bé có thể phân biệt hai âm “ta” khác nhau chỉ do vị trí đặt lưỡi khi phát âm. Đây là một điều hết sức đặc biệt vì chỉ có dân bản xứ mới có thể phân biệt nổi sự khác nhau này. Sau này, người ta còn biết thêm rằng khả năng phi thường đó sẽ biến mất trong năm đầu tiên của cuộc đời.
Ngoài ra, trẻ còn có thể phân biệt được ngôn ngữ không nhất thiết là ở dạng nói. Năm 2012, Werker và đồng nghiệp chứng minh trẻ 4 tháng tuổi có thể phân biệt giữa hai dấu hiệu thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu) đặc thù của nước Mỹ, trong khi trẻ 14 tháng tuổi lại không làm được điều này.
Năng lực cảm ứng
Người lớn hay bị đánh lừa bởi một thủ thuật tri giác đơn giản. Khi cánh tay chúng ta bắt chéo nhau, chúng ta thường nhầm lẫn về bàn tay bị chạm. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết nếu bên trái cơ thể ghi nhận cảm giác bị đụng chạm thì có nghĩa bàntay bị chạm là tay trái (nhưng khi hai cánh tay đang bắt chéo thì câu trả lời đúng phải là bàn tay phải).
Trẻ sơ sinh lại không bị lừa như vậy. Trẻ 4 tháng tuổi biết rõ bàn chân nào trong hai chân bắt chéo đang bị chạm vào. Chỉ hai tháng sau, sự chính xác này cũng bị biến mất những những siêu năng lực khác.
Những sức mạnh này khá đa dạng, nhưng chúng đều chứng minh cho một cơ thể rất nhạy bén. Trẻ em là những sinh vật tiếp thu không chọn lọc ở những ngày tháng đầu đời. Thay vào đó, chúng nỗ lực thu thập càng nhiều thông tin càng tốt để nhận thức thế giới biến động quanh mình.
Cùng với tuổi tác, chúng ta học nhận biết tín hiệu nào có ý nghĩa nhất. Đây là một hiện tượng có tên là “thu hẹp tri giác’’. Khi chúng ta già đi, chúng ta sẽ không còn chú ý sự khác biệt tinh tế của ánh sáng và những khuôn mặt khỉ. Tuy nhiên, chúng ta nhận biết những sai khác trên khuôn mặt người giỏi hơn.
Điều đó có ý nghĩa: Não của chúng ta được định hình để nghe, nhìn và cảm nhận những tín hiệu phổ biến và quan trọng hơn từ môi trường (chúng ta tiếp xúc với người nhiều hơn so với khỉ). Những siêu năng lực của trẻ sơ sinh chỉ là một giai đoạn thoáng qua trong quá trình phát triển bộ não.