Khám phá

Những phiên tòa 'ngược đời' phạt vạ loài vật ở thời trung cổ

Tại châu Âu thời trung cổ, động vật nuôi hoặc sâu bọ phá hoại mùa màng có thể bị đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng như người.

Cây đa mọc xuyên qua cả tòa nhà cao tầng ở Trung Quốc / Hố tử thần sâu bằng tòa nhà 16 tầng khiến dân làng Nga kinh hãi

Năm 1508, cánh đồng lúa mạch của dân làng Atun (Pháp) bị đàn chuột phá hoại. Hết cách xử lý, người làng khởi kiện đàn chuột ra tòa án giáo hội vì hành vi "phá hủy vô cớ mùa màng". Giám mục phụ trách phiên tòa giao nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của đàn chuột cho luật sư trẻ tuổi Bartholomew Chassenée.

Trước phiên xét xử, dân làng dựng biển trên đường với nội dung triệu tập đàn chuột tới trước tòa án giáo hội để nghe hạch tội. Vào ngày xét xử, đàn chuột không xuất hiện khiến bên buộc tội đề nghị xét xử vắng mặt. Bartholomew phản đối vì bị đơn không phải chỉ là một con chuột mà cả đàn sống rải rác khắp khu vực nên lệnh triệu tập đầu tiên không thể tiếp cận tới mọi con chuột.

Giám mục đồng ý với lập luận của Bartholomew và cho tạm hoãn phiên tòa cho tới khi giấy triệu tập phù hợp được tống đạt xong. Theo yêu cầu của giám mục, giấy triệu tập sẽ được dán trong mọi nhà thờ của các làng bên cạnh để đảm bảo cả đàn chuột biết nghĩa vụ hầu tòa.

Ngày xét xử tiếp theo, đàn chuột lại tiếp tục vắng mặt. Bartholomew chỉ ra rằng để tới được địa điểm xét xử, đàn chuột sẽ phải ra ngoài không gian mở, nơi chó và mèo sẵn sàng tấn công. Như vậy, thân chủ mình không có nghĩa vụ phải tuân theo trát hầu tòa nếu việc ấy gây nguy hiểm tới tính mạng. Việc đổi địa điểm xét xử không có tác dụng vì dù ở đâu cũng sẽ rình rập những hiểm nguy như vậy.

Một lần nữa, giám mục đồng ý với lập luận của luật sư và ra lệnh hoãn xét xử vô thời hạn. Thành công bảo vệ thân chủ là đàn chuột, danh tiếng của Bartholomewlên cao.

Phiên tòa xét xử con lợn về tội giết người vào năm 1457.

Phiên tòa xét xử con lợn về tội giết người vào năm 1457.

Xuất hiện từ năm 824 tới giữa thế kỷ 18, những phiên tòa xét xử loài vật như trên không phải cảnh tượng hiếm gặp tại châu Âu thời trung cổ. Theo giáo hội thời kỳ này, động vật dễ bị cái xấu (như quỷ Satan) tiêm nhiễm, xúi giục thực hiện hành vi độc ác, nếu không được xử lý sẽ thu hút quỷ dữ và làm tổn hại tới toàn bộ tập thể. Như vậy, việc đưa con vật ra xét xử là nhằm mục đích ngăn chặn, cần được thực hiện nghiêm túc, đúng thủ tục tố tụng như con người.

Thẩm quyền xét xử của tòa án tùy vào bị cáo. Tội phạm do vật nuôi (như chó, lợn, bò...) gây ra sẽ được xét xử tại tòa án phi tôn giáo vì chúng phục dịch con người, có thể bị bắt giữ, xét xử, kết án, và xử tử (thường bằng cách treo cổ hoặc thiêu sống).

Tội phạm do loài gặm nhấm (như chuột) hoặc sâu bọ (như châu chấu, mọt ngũ cốc) sẽ do tòa án giáo hội truy cứu vì chúng không thuộc quyền kiểm soát của con người, chỉ có quyền năng của giáo hội mới có thể can thiệp và ngăn chặn chúng gây hại cho mùa màng. Nếu bị kết tội, giới tăng lữ sẽ áp lệnh "rút phép thông công" hoặc "lời nguyền", được cho là khiến con vật bị đẩy lùi hoặc chết.

Bên cạnh tử hình hoặc nguyền rủa, các tòa án cũng có những hình thức xử lý nhẹ hơn, ví dụ như chuột có thể được gửi thư nhắc nhở nhẹ nhàng, lợn bị tuyên treo cổ nhưng được giảm án xuống chỉ còn bị gõ vào đầu. Bản án của tòa cấp dưới đôi khi được kháng cáo lên tòa cấp trên hoặc xin ân giảm từ công tước (người đứng đầu một phương, chỉ dưới vua). Nếu thành công, hình phạt có thể được bãi bỏ hoặc giảm nhẹ.

Một trong những phiên tòa còn được lưu truyền tới ngày nay là khi người dân làng Basel (Thụy Sĩ) đưa con gà trống ra xét xử vì nghi nó đẻ trứng vào năm 1474. Theo tín ngưỡng thời ấy, trứng gà trống là thành phần trong tà thuật của phù thủy. Luật sư bào chữa lập luận thân chủ không cố ý đẻ trứng, hơn nữa quả trứng chưa được sử dụng vào việc ác. Con gà vì thế không phải chịu trách nhiệm vì chưa có hậu quả.

Thời đó, trứng gà trống được cho là thành phần trong tà thuật của phù thủy. Ảnh: Abraham Bloemaert, Hendrick Bloemaert.

Thời đó, trứng gà trống được cho là thành phần trong tà thuật của phù thủy. Ảnh: Abraham Bloemaert, Hendrick Bloemaert.

Phía buộc tội phản bác rằng vấn đề vô ý hay cố ý không quan trọng vì quỷ dữ hoàn toàn có thể xâm nhập vào cơ thể bị cáo và đẻ trứng hộ con vật. Nếu vậy, việc gà trống đẻ trứng trong bất cứ trường hợp nào cũng là điều ác, có thể gây hại tới toàn cộng đồng. Cuối cùng, con gà trống bị kết tội và thiêu sống.

Dù đa số các con vật bị đưa ra xét xử đều bị kết tội, số phiên tòa mà bị cáo được tuyên vô tội cũng không phải hiếm gặp. Ví dụ, năm 1587, bầy mọt ngũ cốc bị cáo buộc phá hoại vườn nho ở xã St. Julien (Pháp) song đã thoát tội vì được cho là chỉ đang thực hiện quyền ăn uống hợp với lẽ tự nhiên.

Tới thời kỳ Khai sáng, một số triết gia như René Descartes lập luận rằng loài vật chỉ biết phản ứng theo bản năng sinh học, không có khả năng tự quyết đạo đức nên việc đưa chúng ra xét xử là vô nghĩa. Các phiên tòa xét xử con vật dần đi vào quên lãng.

Tới năm 1871, nhà khoa học Charles Darwin phát hiện ra loài vật có bản năng xã hội rõ rệt, chắc chắn chúng sẽ hình thành ý thức đạo đức hoặc lương tâm. Dù đối lập với René Descartes, tư tưởng này không được coi là căn cứ giúp các phiên tòa xét xử loài vật tái xuất hiện. Người dân thời kỳ này không còn sợ hãi cái xấu mơ hồ như trước, họ càng ý thức được cần phải đối xử nhân đạo với loài vật. Cũng từ đó, nhiều đạo luật chống lại hành vi ngược đãi động vật dần được ban hành.

Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm