Sự thật là các nhà sử học cũng không biết ai đã xây dựng vườn thú đầu tiên, hoặc nó được dựng nên từ khi nào. Nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng nó đã xuất hiện từ rất lâu về trước.
Niềm đam mê của con người đối với động vật đã nảy sinh từ buổi bình minh của loài người. Trong những bức tranh vẽ trên hang động cổ nhất được phát hiện, một số bức có niên đại lên đến 40.000 năm, có nhiều bức tranh động vật hơn cả con người.
Đến một thời điểm nào đó, con người bắt đầu bắt và nhốt động vật lại để họ có thể nhìn cận cảnh chúng bất cứ khi nào họ muốn. Những bộ sưu tập động vật kỳ thú đầu tiên được ghi nhận thuộc về hoàng gia - và không mở cửa cho công chúng.
Ngôi mộ của pharaoh Ai Cập Sahure, người qua đời vào khoảng năm 2500 trước Công nguyên, có những hình vẽ chân thực khắc họa loài gấu Syria đeo vòng cổ và dây xích. Nhiều chuyên gia cho rằng chúng đã được mang đến Ai Cập từ một cuộc thám hiểm thương mại. Liệu những con gấu có thể sống được bao lâu? Đây vẫn còn là một ẩn số.
Các nhà sử học ghi nhận Nữ hoàng Hatshepsut của Ai Cập đã cho xây vườn thú công cộng đầu tiên, có niên đại khoảng năm 1480 trước Công nguyên. Họ cho rằng những con vật đầu tiên trong vườn thú được nữ hoàng mang về từ một chuyến thám hiểm đến xứ Punt, được cho là nước Eritrea ngày nay. Vào thời cổ đại, các loại hàng hóa thương mại có giá trị thường có xuất xứ từ Punt. Nữ hoàng Hatshepsut đã phát động một cuộc thám hiểm thương mại quan trọng, và những người trở về không chỉ mang theo hương liệu, thực vật quý mà còn có những loài động vật lạ.
Không rõ lý do vì sao bà xây vườn thú, cũng có thể để phô trương sự giàu có và quyền lực. Việc nuôi nhốt những loài động nguy hiểm và kỳ lạ đôi khi là cách để những nhà cai trị chứng tỏ sức mạnh của mình.
Dần dần mở cửa cho công chúng
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều vườn thú xa xưa trên khắp thế giới. Ở Trung Quốc, Chu Văn Vương (Cơ Xương) - người đã xây nền móng triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Hoa - được cho là đã xây một “Khu vườn tri thức” vào khoảng năm 1060 trước Công nguyên. Trong khu vườn này rộn rã hươu, chim và các loài cá.
Ở Anh, vào khoảng năm 1110, Vua Henry I đã thiết lập một vườn thú trong điền trang hoàng gia tại Woodstock, Oxfordshire. Bộ sưu tập thú của ông bao gồm hổ, lạc đà, sư tử và nhím. Bộ sưu tập này về sau được chuyển đến Tháp London vào năm 1235, đó là lúc Hoàng đế Frederick II của Thánh chế La Mã tặng Vua Henry III ba chú sư tử. Bộ sưu tập động vật đã ở nguyên vị trí đó trong 600 năm.
Ngày nay, đến tham quan Tháp, bạn có thể ngắm một vài chuồng nuôi nhốt: Chúng được gia công bằng đá thô với các thanh kim loại. Khó mà tưởng tượng nổi động vật có thể sống thoải mái ở đó. Vào năm 1255, Hoàng đế Pháp đã gửi tặng một chú voi. Mặc dù được nuôi trong chuồng đặc biệt, nhưng chú voi đã chết chỉ sau một vài năm. Bộ sưu tập còn có cả một chú gấu Bắc Cực được phép bơi trên sông Thames một đoạn dài. Đã có lúc, công chúng phải trả một khoản phí nhỏ hoặc một chú chó, mèo hoang làm thức ăn cho sư tử khi vào cửa.
Ở châu Mỹ, vào cuối những năm 1500, hoàng đế Montezuma II của đế chế Aztec có một vườn thú ở Tenochtitlan, ngày nay là Mexico City. Nơi đây có nhiều loài chim, động vật có vú ăn thịt và rắn. Vườn thú rộng tới mức vị hoàng đế này đã thuê 300 người để chăm sóc các loài động vật quý. Đích thân hoàng đế đưa những du khách đầu tiên đến từ châu Âu đi tham quan vườn thú. Những người lính Tây Ban Nha, do Hernán Cortés dẫn đầu, về sau đã viết rằng họ quá đỗi say mê vườn thú mặc dù họ đã phải phá hủy nó trong cuộc chinh phục Tenochititlan năm 1591.
Các vườn thú đã trải qua một chặng đường phát triển dài, đặc biệt là trong cách thức chăm sóc động vật. Trên thực tế, nhiều vườn thú ngày nay cũng là các tổ chức bảo tồn, tập trung vào việc bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.