Nơi an nghỉ của nữ hoàng Ai Cập Nefertiti?
Ai Cập khai quật khảo cổ tượng giống nhân sư thời La Mã / Vén màn sự lạ kỳ ở mộ cổ công chúa Ai Cập
Nhà khảo cổ Mamdouh Eldamaty, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, và cộng sự sử dụng công nghệ radar xuyên đất (GPR) để quét khu vực xung quanh lăng mộ Pharaoh Tutankhamun tại Thung lũng của các vị vua ở Ai Cập. Họ tìm thấy một khoảng trống trong lòng đất giống như hành lang dẫn đến một căn phòng đang bị che khuất, cách phòng chôn cất của Pharaoh Tutankhamun chỉ vài mét. Kết quả nghiên cứu của họ được trình bày trước Hội đồng Cổ vật Ai Cập Tối cao (SCA) vào đầu tháng 2/2020.
Phát hiện trên đã làm sống lại một lý thuyết gây ra nhiều tranh cãi trước đây. Đó là bên trong lăng mộ Pharaoh Tutankhamun tồn tại một lối đi bí mật dẫn đến nơi an nghỉ của mẹ vị vua này, nữ hoàng Ai Cập xinh đẹp Nefertiti (1370 – 1330 TCN).
Nefertiti là vợ của Pharaoh Akhenaten (Amenhotep IV), người cai trị Ai Cập vào thế kỷ 14 trước Công nguyên. Hai vợ chồng cùng nhau cai trị đất nước và thực hiện một cuộc cách mạng tôn giáo. Họ chỉ thờ một vị thần duy nhất, thần Aten hay thần Mặt trời. Sự biến mất của Nefertiti khi đang trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Lăng mộ của nữ hoàng ở Thung lũng của các vị vua cũng chưa bao giờ được tìm thấy.
“Các dữ liệu thu được cực kỳ thú vị. Rõ ràng có một thứ gì đó nằm ở phía bên kia của bức tường trong phòng chôn cất Pharaoh Tutankhamun”, Ray Johnson, nhà Ai Cập học tại Viện phương Đông thuộc Đại học Chicago, người không tham gia công trình nghiên cứu, cho biết.
Howard Carter, nhà khảo cổ học người Anh, phát hiện lăng mộ Pharaoh Tutankhamun vào năm 1922. Nó có kích thước nhỏ hơn nhiều so với nơi an nghỉ thông thường của một vị Pharaoh. Một số nhà Ai Cập học trước đây cho rằng, cách bố trí đồ đạc và tranh vẽ trên tường của lăng mộ cho thấy đây có thể là phần mở rộng của một lăng mộ lớn hơn được thiết kế trước đó dành cho phụ nữ.
Trong nghiên cứu mới, Eldamaty đã hợp tác với công ty khảo sát địa vật lý Terravision Exploration có trụ sở tại West Molesey, Vương quốc Anh, và một nhóm kỹ sư tại Đại học Ain Shams (Ai Cập). Họ phát hiện một vùng không gian trống dưới lòng đất cao khoảng 2m và dài ít nhất 10m, ở cùng độ sâu và cách phòng chôn chất Pharaoh Tutankhamun vài mét về phía Đông. Eldamaty chưa thể xác định nó có phải là phần mở rộng của lăng mộ Pharaoh Tutankhamun không, hay chỉ là một phần của lăng mộ khác ở gần đó. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là hướng của nó vuông góc với trục chính của lăng mộ Pharaoh Tutankhamun, và đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Eldamaty dự định nộp một đề xuất dự án mới tới Hội đồng Cổ vật Ai Cập Tối cao (SCA) để nghiên cứu lăng mộ Pharaoh Tutankhamun một cách chi tiết hơn. Eldamaty tin rằng, bằng cách sử dụng các công nghệ khảo sát tiên tiến khác, nhóm nghiên cứu có thể khám phá chi tiết hình dạng và vị trí của khoảng trống trong lòng đất để xem nó dẫn đến đâu.
Khả năng tồn tại những căn phòng đang bị che khuất xung quanh nơi an nghỉ của Pharaoh Tutankhamun từng được điều tra trước đây bởi một số nhóm nghiên cứu hợp tác với các công ty tư nhân. Nhưng họ tạo ra kết quả mâu thuẫn với nhau, và nhiều nhà nghiên cứu thậm chí đã bác bỏ giả thuyết này. Ví dụ, Francesco Porcelli – nhà vật lý tại Đại học Bách khoa Torino ở Ý, người dẫn đầu một cuộc khảo sát GPR bên trong lăng mộ Tutankhamun vào năm 2017 – khẳng định dữ liệu của ông loại trừ sự tồn tại của các căn phòng bí ẩn kết nối với lăng mộ.
“Dữ liệu mới rất hấp dẫn”, Nicholas Reeves, một nhà Ai Cập học người Anh, người đã dành nhiều năm làm việc tại Thung lũng các vị vua, cho biết. Trước đó vào năm 2015, Reeves phân tích những tấm ảnh có độ phân giải cao chụp bức tường lăng mộ Pharaoh Tutankhamun. Căn cứ vào các đường kẻ và vết nứt trên tường, Reeves tin rằng mình đã khám phá ra dấu tích của hai hành lang ở phía Bắc khu lăng mộ mà những người xây dựng đã bịt kín lại. Trong đó, một hành lang dẫn đến phòng chôn cất chưa hề bị đụng tới, nhiều khả năng có chứa thi hài nữ hoàng Nefertiti. Kết luận này trái ngược với phát hiện mới nhất của Eldamaty là căn phòng bí ẩn nằm ở phía Đông.
“Nếu Nefertiti được chôn cất như một Pharaoh, đây có thể là khám phá khảo cổ lớn nhất từ trước đến nay”, Reeves nói. “Nhiều khả năng lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun chỉ là phần lăng mộ mở rộng được thiết kế trước đó dành cho nữ hoàng Nefertiti. Tại thời điểm chôn cất nữ hoàng, người ta chắc chắn không có ý định chôn cất Pharaoh Tutankhamun trong cùng lăng mộ này. Suy nghĩ trên sẽ không xuất hiện cho tới khi xảy ra cái chết sớm và bất ngờ của vị vua trẻ một thập kỷ sau đó, khi ông chỉ mới 17 tuổi.”
Nhiều nhà Ai Cập học tỏ ra khá phấn khích trước kết quả nghiên cứu mới của Eldamaty. Johnson không loại trừ khả năng chúng ta sẽ tìm thấy xác ướp của nữ hoàng Nefertiti ngay bên cạnh nơi an nghỉ của con trai. Nhưng nếu phòng chôn cất phía sau bức tường lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun thuộc về một ngôi mộ khác chưa được khám phá, ông cho rằng đó có thể là nơi bảo quản thi thể vợ của Pharaoh Tutankhamun tên là Ankhesenamun.
Aidan Dodson – nhà Ai Cập học tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh – nói rằng dù bất cứ ai nằm bên trong phòng chôn cất bí ẩn, nữ hoàng Nefertiti hay vợ của Pharaoh Tutankhamun, đây vẫn là phát hiện mang tính chất đột phá.
Reeves đề nghị nên tổ chức một hội nghị quốc tế với sự góp mặt của nhiều chuyên gia để cân nhắc các bước nghiên cứu tiếp theo. “Bất kỳ cuộc điều tra nào cũng không nên vội vàng, bởi vì việc đào bới các lớp đất trong lăng mộ Pharaoh Tutankhamun là vô cùng khó khăn và hành động khoan xuyên qua các bức tường sẽ làm hỏng những tác phẩm nghệ thuật vô giá vẽ trên chúng”, Reeves nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào