Khám phá

Ốc sên giáp sắt kỳ lạ dưới đáy đại dương: Trái tim khổng lồ, không cần ăn, và có nguy cơ tuyệt chủng

DNVN - Ẩn mình gần những miệng núi lửa ngầm bỏng rẫy dưới đáy Ấn Độ Dương, loài ốc sên chân vảy — hay còn gọi là "ốc núi lửa" — đang khiến giới khoa học ngỡ ngàng bởi sự độc đáo hiếm có trong thế giới động vật.

CLIP: Trăn Miến Điện liều lĩnh khiêu khích sát thủ đầm lầy và cái kết đầy bất ngờ / CLIP: Sư tử đực tung đòn chí mạng, hạ gục trâu rừng trong tích tắc

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không chỉ là loài lưỡng tính, ốc sên chân vảy sở hữu một lớp áo giáp kim loại chắc chắn bao phủ toàn bộ phần chân. Lớp giáp này được cấu thành từ hàng trăm vảy chồng lên nhau, chứa sắt và các khoáng chất mà ốc hấp thụ từ dòng nước siêu nóng phun ra từ các miệng phun thủy nhiệt dưới đáy biển sâu — nơi nhiệt độ có thể lên tới 400°C.

Ẩn dưới lớp giáp cứng cáp là một trái tim lớn bất thường — chiếm tới 4% tổng thể tích cơ thể, tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận trong giới động vật. Nhờ đó, ốc có thể bơm đủ oxy cho cả cơ thể và cho các vi khuẩn cộng sinh sống trong tuyến thực quản. Chính những vi khuẩn này sẽ chuyển hóa hợp chất hóa học trong môi trường sống thành chất dinh dưỡng, biến ốc sên thành “nhà máy tự sản xuất thức ăn” không cần ăn bất cứ thứ gì.

Với chiều dài vỏ chỉ khoảng 5 cm, loài ốc này được ví như "tê tê biển" vì vẻ ngoài bọc giáp độc đáo. Chúng di chuyển chậm rãi ở độ sâu hơn 2.700 mét dưới mặt nước biển, và cho đến nay chỉ được phát hiện tại ba khu vực thủy nhiệt nhỏ gần đảo Mauritius, ngoài khơi đông nam châu Phi.

Dù có thể thích nghi với môi trường khắc nghiệt, loài ốc đặc biệt này lại rất mong manh trước hoạt động của con người. Phạm vi sinh sống hiện tại của chúng chỉ vỏn vẹn 0,02 km² — tương đương kích thước của ba sân bóng đá. Và hai trong ba địa điểm sinh sống này đang đối mặt với nguy cơ bị tàn phá do khai thác khoáng sản dưới đáy biển.

 

Năm 2019, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã chính thức đưa ốc sên chân vảy vào Danh sách Đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là loài đầu tiên được xếp hạng “nguy cấp” vì bị đe dọa bởi hoạt động khai thác khoáng sản dưới biển sâu — một hồi chuông cảnh báo cho công cuộc bảo tồn sự sống nơi đáy đại dương.

Như Ý (Live Science)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm