Ông lão rao bán bức tranh được Từ Hi Thái hậu ngợi khen: Bảo tàng Cố cung quyết tâm mua bằng mọi giá
Bức tranh thêu tinh tế trên lá cây ai nhìn cũng trầm trồ khen ngợi / Đang tranh chấp khốc liệt, hai con lạc đà quay sang ôm nhau thắm thiết
Vào một ngày bình thường của năm 1990, phòng đấu giá Hạn Hải (Bắc Kinh, Trung Quốc) đón tiếp một vị khách kỳ lạ: Một ông lão ăn mặc bình thường mang theo cuộn tranh cũ kỹ. Ông lão nói rằng bức tranh ông đang cầm trên tay này là một bảo vật vô cùng có giá trị, hơn trăm năm trước nó đã từng được Từ Hi Thái hậu (1835- 1908) ngợi khen.
Ông lão cho biết trước đây ông đã từng thử đem bức tranh này đến chỗ các nhà sưu tầm. Tuy nhiên, họ nói với ông đó là hàng giả và chỉ đưa ra giá 10.000 NDT (khoảng 35,7 triệu VNĐ).
Đây là bảo vật của tổ tiên truyền từ đời này sang đời khác, vậy nên ông có thể chắc chắn giá trị của nó không chỉ dừng lại ở con số 10.000 NDT. Ông lão đã đưa ra giá khởi điểm cho phòng đấu giá là 8 triệu NDT (tương đương 28,5 tỷ VND).
Khi đó, đoàn chuyên gia thẩm định bao gồm những nhân vật hàng đầu trong ngành như giám đốc điều hành Ủy ban Thẩm định Di tích Văn hóa Trung Ương Trung Quốc - Từ Bang Đạt hay Khải Công - nhà thư pháp, họa sĩ nổi tiếng tại Trung Quốc.
Các chuyên gia khẳng định rằng bức tranh là bảo vật vô giá có tên "Thập Vịnh Đồ" của tác giả Trương Tiên (990- 1078) thời nhà Tống. Trên bức tranh còn có con dấu của ba vị hoàng đế nhà Thanh là Càn Long (1711- 1799), Gia Khánh (1760-1820) và Phổ Nghi (1906- 1967).
Bảo tàng Cố cung chi 18 triệu NDT
Với giá trị lịch sử, văn hóa to lớn như vậy, Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc đã tham gia đấu giá với quyết tâm biến bức tranh thành một phần trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cố cung ở thủ đô Bắc Kinh. Cuối cùng, Bảo tàng Cố cung đã có được bức tranh cổ với giá 18 triệu NDT (tương đương 64 tỷ VNĐ).
Những người ưa thích hội họa có thể cảm thấy kỳ lạ, đặt câu hỏi tại sao bức tranh của một vị họa sĩ không quá tên tuổi như Trương Tiên lại có thể bán được với "giá trên trời" như vậy?
Các chuyên gia nhận định, mặc dù Trương Tiên không quá nổi tiếng nhưng bạn bè của ông đều là những nhân vật tầm cỡ nên tranh ông có được cơ hội đến tay những nhân vật quý tộc, quyền lực bậc nhất đất nước.
Bạn bè Trương Tiên có thể kể đến Vương An Thạch (1021-1086) - nhà văn nổi tiếng, nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc; Tô Thức (1037-1110) còn được gọi là Tô Đông Pha, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống hay Âu Dương Tu (1007-1072) - nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, chính trị gia xuất sắc đời Tống.
Bên cạnh đó, bức tranh của Trương Tiên còn được vẽ khi ông đã quá tuổi thất thập cổ lai hy (ông đã sang tuổi 82). Bức tranh tả cảnh vật, cũng là nơi gửi gắm nỗi nhớ người cha đã khuất từ lâu của ông.
Khi ấy vì nhớ cha, Trương Tiên đã xúc động vẽ nên khung cảnh trong 10 bài thơ của cha mình với hy vọng truyền lại cho con cháu đời sau. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một họa gia lại họa thơ. Bản thân cái tên "Thập Vịnh Đồ" cũng có nghĩa là bức vẽ 10 bài thơ.
Mười bài thơ lần lượt có tên: "Quận trưởng Mã Thái Thanh gặp sáu vị trưởng lão ở Nam Viên", "Tính hạc", "Hoa bướm ngọc", "Phòng nhỏ ở Thanh Giang", Cánh buồm cô đơn", "Quy Yên", "Văn Châm", "Trần Trang trở lại", "Bần nữ" và "Tiễn chàng tú tài ứng thí".
Bức tranh đã tái hiện khung cảnh yên bình và thịnh vượng thời Bắc Tống với đình đài lầu các trang nhã trên nền khung cảnh non nước hữu tình. Tuy bức tranh được vẽ khi tác giả đã lớn tuổi nhưng có thể thấy rằng trình độ của ông vẫn vô cùng xuất sắc với các nhân vật sống động, phong cảnh thanh thoát phóng khoáng.
Bảo vật cung đình lưu lạc nhân gianTrong chế độ phong kiến thời xưa, chỉ có hoàng đế và hoàng gia mới có thể sở hữu vàng bạc đá quý và các bảo vật hiếm có trên đời. Tuy nhiên, cùng với tiến trình lịch sử, các triều đại dần dần suy yếu.
Đến cuối thời nhà Thanh, Trung Quốc ngày một rối ren, triều đình bất ổn, có rất nhiều bảo vật đã được bí mật bán ra ngoài dân gian và trở thành cổ vật trong tay các nhà sưu tập tư nhân.
Theo Sohu, chủ nhân bức tranh "Thập Vịnh Đồ" cho biết tổ tiên của ông từng làm lính canh trong cung điện hoàng đế Phổ Nghi - vị vua cuối cùng của triều đại nhà Thanh cũng như vị hoàng đế đã kết thúc thời đại phong kiến Trung Quốc.
Vua Phổ Nghi ở thời điểm đó vì không lo nổi cho bản thân mà đã tin tưởng đưa bức tranh cho thị vệ mang ra ngoài cung bán lấy tiền. Bức tranh từ đó lưu lạc dân gian.
Tuy nhiên, cũng có nguồn tin khác cho rằng sở dĩ bức tranh lưu lạc là do trong thời kỳ quân Nhật chiếm thành Bắc Kinh, các bảo vật cung cấm trở thành miếng mồi ngon cho các thế lực khác nhau xâu xé, cái bị tịch thu nên đã bị "tuồn" ra khỏi Tử Cấm Thành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo