Khám phá

Phận đời “đồng điệu” của ba mẹ con Hoàng hậu Trần Thị Dung

Đời ba mẹ con Kiến Gia Hoàng hậu Trần Thị Dung, theo sự xoay vần Lý nối sang Trần, ngẫu nhiên làm sao lại tương đồng nhau lắm. Nhưng dù ở nơi cung đình đó, mà họ chịu phận nước chảy, bèo trôi thôi.

Những bức ảnh tuyệt đẹp có thật mà cứ ngỡ đã được chỉnh sửa qua photoshop / Thích thú với những bức ảnh cứ ngỡ được sắp đặt trước trong tự nhiên

Đều là công chúa

Trần Thị Dung (? - 1259) vì loạn Quách Bốc mà làm vợ Thái tử Sảm. Tháng Giêng năm Tân Mùi (1211), Thái tử Sảm lên ngôi Hoàng đế, Trần Thị Dung được vua phong làm Nguyên phi. Tháng 12 năm Bính Tý (1216), Trần Thị Dung được sắc phong làm Kiến Gia Hoàng hậu. Trước đó cũng trong năm này, Trần Thị Dung đã sinh hạ được trưởng công chúa là Thuận Thiên. Đến năm Mậu Dần (1218), Chiêu Thánh công chúa ra đời, còn có tên gọi khác là Phật Kim, hay Thiên Hinh. Cha vua, mẹ Hoàng hậu, con là công chúa là điều hiển nhiên của lẽ đời. Nhưng, Kiến Gia Hoàng hậu Trần Thị Dung cũng có lúc làm công chúa dù bà xuất thân còn nhà chài lưới.

Sau khi vua Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa thứ Chiêu Thánh làm Hoàng đế năm Giáp Thân (1224), Kiến Gia Hoàng hậu Trần Thị Dung trở thành Thái hậu. Năm Ất Dậu (1225) nhà Trần thay nhà Lý. Năm sau, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, Trần Thái Tông “Truất ngôi Thái hậu nhà Lý là Trần Thị xuống làm Thiên Cực công chúa, rồi đem gả cho Trần Thủ Độ”. Trường hợp này chính là con rể giáng hạ mẹ vợ từ danh phận Thái hậu đời trước xuống làm công chúa, rồi đem mẹ vợ gả cho chú họ mình là Trần Thủ Độ. Vậy là ba mẹ con Trần Thị Dung đều được biết đến với tư cách công chúa.

Trường hợp Chiêu Thánh có danh phận công chúa tới hai lần. Thời gian 1218 – 1224, nàng có tên húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa. Từ 1237 – 1258, lúc này nữ Hoàng hậu Chiêu Thánh trở lại thân phận công chúa sau khi bị chồng (mà thực chất là mưu đồ của mẹ ruột và cha dượng) phế truất.

Thái Tử Sảm lấy Trần Thị Dung

Ở ngôi chính cung

Tháng 12 năm Bính Tý (1216), Trần Thị Dung sau khi sinh được công chúa Thuận Thiên, vua Huệ Tông vui mừng sách phong vợ làm Hoàng hậu.

Năm Giáp Thân (1224) Chiêu Thánh lên ngôi, tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Đây là nữ hoàng đế duy nhất của nước ta. Cuối năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng làm lễ nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông. Tháng Giêng năm Bính Tuất (1226), vua Thái Tông sách phong vợ mình Chiêu Hoàng làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh Hoàng hậu. Từ công chúa, Thái tử rồi Hoàng đế, giờ đây Chiêu Thánh lại ở danh vị khác: Hoàng hậu.

Còn Thuận Thiên, theo Việt sử lược, Thuận Thiên lấy Trần Liễu anh Trần Cảnh. Năm Đinh Dậu (1237), bà có mang 3 tháng với chồng đứa con trai thứ hai là Trần Quốc Khang. Nhưng khi ấy, vợ chồng của em gái (cũng là em dâu) - em rể - em chồng, tức Trần Thái Tông và Chiêu Thánh lại chưa có con nối dõi. Thế nên mới có chuyện như Thiên Nam ngữ lục kể là:

Linh Từ (Trần Thị Dung - Người dẫn), Thủ Độ ngoan ngùy,

 

Thuận Thiên công chúa rày thì có thai.

Mưu lo dành để nối đời,

Xui vua nắm lấy để mai trị vì.

Thế rồi, như Đại Việt sử ký tiền biên cho hay, vua Thái Tông “Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý làm Hoàng hậu”. Việc cướp vợ của anh sau này bị hậu thế chê trách nhiều.

Trần Thủ Độ ép vua lấy chị vợ

 

Một thời phu nhân

Với trường hợp của Trần Thị Dung, danh phận làm phu nhân của bà được biết đến hai lần. Lần thứ nhất là với người chồng đầu vua Lý Huệ Tông. Khi Huệ Tông làm vua, bà được chồng phong làm Nguyên phi, nhưng vì lo sợ anh bà là Chương tín hầu Trần Tự Khánh cướp ngôi mà tháng Hai năm Quý Dậu (1213), Trần Thị Dung bị giáng làm Ngự nữ. Nhưng đến đầu năm Bính Tý (1216), vua Huệ Tông nguôi ngoai, Trần Thị Dung lại đang mang trong mình cốt nhục của vua (công chúa Thuận Thiên), nên sách phong vợ làm Thuận Trinh phu nhân. Lần thứ hai làm phu nhân của bà dài hơn cho đến hết đời, đó là kể từ tháng 8 năm Ất Dậu (1225) khi bà bị phế làm công chúa rồi làm vợ Trần Thủ Độ cho đến cuối đời (1259). Việc này, Quốc sử ngâm ghi:

Trần Thủ Độ chú vua Trần Thái,

Giết Huệ Tôn lại lấy vợ vua.

Còn với Thuận Thiên công chúa đã kết hôn với Trần Liễu từ sớm khi nàng mới 9 tuổi, Liễu 14 tuổi. Sử cũ không cho biết Trần Liễu lúc đó tước vị là gì, nhưng chắc chắn chưa đến tước vương, bởi đến tháng 8 âm lịch năm Mậu Tý (1228) mới làm đến Thái uý. Do đó Thuận Thiên công chúa lúc ấy có thể xem danh phận là phu nhân của Trần Liễu. Chiêu Hoàng năm Đinh Dậu (1237) bị giáng làm công chúa. Năm Mậu Ngọ (1258), bà thành phu nhân của Lê Phụ Trần (hay Lê Tần).

 

Phận gái… hai chồng

Trần Thị Dung làm vợ vua Lý Huệ Tông trong 14 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1209) đến năm Ất Dậu (1225). Từ năm Ất Dậu (1225) cho đến năm Kỷ Mùi (1259) bà làm vợ của Thái sư Trần Thủ Độ. Trước khi trở thành người nâng khăn sửa túi cho vua Lý Huệ Tông, thì Trần Thị Dung thuở thiếu nữ cùng em họ là Trần Thủ Độ đã có tình ý với nhau, nhưng chưa được tác hợp.

Sang thời Trần, vua Huệ Tông xuất gia, Trần Thủ Độ làm Thái úy, quyền cao tột bậc. Tháng 8 năm Bính Tuất (1226), Thượng hoàng Lý Huệ Tông về chín suối với dải lụa đào. Trần Thái Tông giáng Trần Thị Dung làm Thiên Cực công chúa. Ngay sau đó, Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung và Thái sư Trần Thủ Độ kết nghĩa phu thê, chắp mối lương duyên bị lỡ thuở đầu xanh, nhà Trần từ đây lệ kết hôn đồng tộc trở nên chuyện thường.

Nối gót mẹ, Thuận Thiên cũng lấy hai chồng. Nhưng ở thế thụ động hoàn toàn. Khi làm vợ Trần Liễu, hai người có với nhau Vũ Thành vương Trần Doãn. Nhưng sau bà lại bị ép về với em chồng - em rể, trở thành hoàng hậu của Trần Thái Tông. Ở với chồng mới 11 năm, bà có với vua ba người con trai là Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang (thực ra là con của Trần Liễu), Trần Hoảng (vua Trần Thánh Tông), Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải.

Thiệt thòi nhất là trường hợp của Chiêu Thánh. Được tác hợp với Trần Cảnh từ trò đùa vui của con trẻ. Nhường cả ngai vàng cho chồng, vậy nhưng sau bà lại bị ruồng bỏ, sống âu sầu nơi hậu cung tới hơn 20 năm mới tìm được hạnh phúc mới bên Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần, vì trong kháng chiến chống Mông Cổ Lê Tần lấy ván che tên cho Trần Thái Tông. Trong Quốc sử toản yếu ghi “đem Chiêu Thánh công chúa gả cho Phụ Trần” là chỉ việc này.

 

Theo sử cũ cho biết, bà có với tướng Lê Phụ Trần hai người con một trai, một gái là Thượng vị hầu Tông (mà nhiều ý kiến cho rằng đó là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng) và Ứng Thụy công chúa Khuê. Bà sống hạnh phúc bên chồng con cho đến khi mất năm Mậu Dần (1278). Mộ bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức, người đời sau lập đền thờ gọi là Long miếu (đền Rồng).

Vợ chồng Trần Liễu bất lực khi bị lìa nhau

Ba chìm bảy nổi…

Phận đời luôn xoay chuyển của ba mẹ con Trần Thị Dung là trường hợp hiếm của lịch sử nước Nam, gần như trải qua tất cả mọi hỉ nộ ái ố của kiếp người, mọi danh phận nơi khuê các. Trần Thị Dung: thôn nữ vạn chài - nguyên phi - ngự nữ - phu nhân - Hoàng hậu - Thái hậu - công chúa - phu nhân. Hai con của bà, Thuận Thiên thì từ công chúa - phu nhân - hoàng hậu - Thái hậu; Chiêu Thánh thì công chúa - Thái tử - Hoàng đế - Hoàng hậu - công chúa - phu nhân.

Xét cho cùng sự thay đổi danh phận ấy đa phần do sự sắp đặt của mưu đồ chính trị từ dòng họ Đông A (chiết tự chữ Trần trong tiếng Hán). Bắt đầu từ Trần Thị Dung sau khi lọt vào mắt xanh của Thái tử Sảm, mở ra cơ hội cho dòng họ Trần nơi Hải Ấp đổi phận “ngư nghiệp” sang bậc “công khanh”, để rồi về sau cao hơn nữa cùng với sự kiêm tính quyền lực, cùng sự suy yếu của nhà Lý, họ Trần đã danh chính ngôn thuận bước lên vũ đài chính trị sau chiếu nhường ngôi “thuận lòng trời” của vua Lý Chiêu Hoàng dành cho chồng Trần Cảnh. Chiếu nhường ngôi ấy, sự tác hợp duyên tình ấy, một tay Trần Thủ Độ sắp đặt cả. Lại đến việc giáng em, lấy chị cũng hòng nhằm giữ vững cơ nghiệp dòng họ mà thôi.

 

Số phận đổi thay như bèo nước của mẹ con Kiến Gia Hoàng hậu Trần Thị Dung là thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bấy giờ như chiếc bánh trôi nước “Bảy nổi ba chìm với nước non” vậy...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm