Khám phá

Pháp sư người Tàu đào hầm trộm kho báu và chuyện các nhà khảo cổ đào cả xe tải báu vật

Thầy pháp người Tàu cứ ngồi khoanh chân trên mỏm một tảng đá to như đống rơm dưới chân núi Sỏi và luôn tay gõ xùng xèng.

Giết con gà không đẻ nhiều năm, chủ "vớ bẫm" kho báu trong bụng / Tìm nhẫn cưới bị rơi, sửng sốt phát hiện kho báu khó tin

Kỳ 3: Pháp sư kỳ lạ

Ngoài “kẻ trộm mộ” Nguyễn Văn N, Đào Văn K., nổi tiếng trong vùng vì quật lên từ lòng núi cả tấn đồ cổ, báu vật, thì ở Chính Mỹ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Trần Văn B. (40 tuổi), cũng là người đào trúng rất nhiều kho báu trong các hầm mộ trong núi.

Người dân ở vùng này, gần như ai cũng biết đến vụ Trần Văn B. đào trúng một kho báu ở núi Rùa thuộc làng Mỹ Cụ, quả núi được đồn đại cực kỳ linh thiêng, được coi như long mạch của vùng đất.

Tuy anh này không trúng kho báu lớn, nhiều cổ vật như kho báu của anh K., nhưng kho báu anh ta đào trúng lại chứa toàn cổ vật có giá trị.

Theo lời kể của “kẻ trộm mộ” Nguyễn Văn N., anh B. đào một hầm sâu vào lòng núi Rùa và trúng một gian phòng trong lòng đất còn cực kỳ nguyên vẹn, còn nguyên các cột chống bằng gỗ lim. Anh B. đã thu được mấy hũ chứa vòng ngọc, những viên ngọc đơn lẻ, các đồ dùng chế tác bằng ngọc.

Thứ mà anh B. trúng quả, bán được giá nhất là những chiếc dao găm bằng vàng nguyên chất, hoặc bọc vàng, hoặc chuôi nạm vàng. Những chiếc dao găm này dài chừng 30cm. Ngoài ra, còn những chiếc lá trầu bằng vàng, mặt nạ bằng vàng ròng. Tiếc rằng, đào được thứ gì, anh này bán sạch với giá rẻ mạt để tiêu xài. Đến giờ thì lại trắng tay.

Cổ vật anh Nguyễn Văn N. đào được từ mộ Hán.
Cổ vật anh Nguyễn Văn N. đào được từ mộ Hán.

Dẫn tôi đi xem “bảo tàng” cổ vật của mình, Nguyễn Văn N. vừa giới thiệu vừa lăn tăn tự hỏi: “Thú thực với nhà báo, tớ cũng đã bán rất nhiều món đồ cổ rồi, bán cả xe tải rồi, mấy thứ giữ lại được đến giờ toàn đồ vớ vẩn thôi, không phải thứ quý nhất đâu. Bọn mua bán cổ vật chúng nó cứ chê ỏng chê eo là đồ kém chất lượng, không cổ lắm, nhưng tớ không tin. Tớ cũng dò hỏi mà đám con buôn nhất định không nói những cổ vật này ở thời kỳ nào, mà tớ thì không quen ai để hỏi, nên bị chúng nó lừa suốt.

Hồi Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tớ về Bảo tàng Hà Nội xem cổ vật, thấy gian trưng bày đồ đồng, đồ gốm thời Đông Sơn, cách nay hai ba ngàn năm, tớ thấy có nhiều món đồ giống hệt của tớ. Lúc đó tớ mới biết rằng những món đồ tớ đào được, bán đi, toàn là thứ tối cổ, mà cổ như thế thì phải quý chứ nhỉ?”.

Theo lời “kẻ trộm mộ” Nguyễn Văn N., chuyện về “kho báu Sở” ở những ngọn núi này thì anh nghe nhiều. Từ khi mới lớn, đã nghe các cụ kể lể nhiều lắm, nhưng những thứ truyền thuyết, huyền thoại đó phần nhiều huyễn hoặc, ở đâu chả có, nên anh không quan tâm.

Trong số những câu chuyện nửa thực, nửa hư đó, thì anh ấn tượng nhất với chuyện ông người điên xứ Tàu. Câu chuyện anh Nguyễn Văn N. kể sau này tôi cũng được nghe nhiều từ người già trong làng Mỹ Cụ.

 

Theo đó, vào khoảng năm 1940, lúc đó vẫn còn Pháp thuộc, có một thầy pháp người Tàu cứ ngồi khoanh chân trên mỏm một tảng đá to như đống rơm dưới chân núi Sỏi và luôn tay gõ xùng xèng.

Lúc đầu, dân làng tò mò kéo đến xem, nhưng thấy suốt ngày ông ta chỉ ngồi đó và gõ xùng xèng, nên mọi người bảo ông ta bị điên. Thế rồi, chả ai để ý đến kẻ điên nữa.

1
Dấu vết đào bới cổ vật ở núi Rùa.

1
Chi chít các hầm như thế này được đào sâu vào lòng đất ở Mỹ Cụ để ăn cắp báu vật.

Thế nhưng, một thời gian sau, ông người Tàu này đột nhiên biến mất. Dân làng kéo đến chỗ tảng đá, thì thấy một đường hầm đào từ sau khối đá vào sâu trong lòng núi. Mọi người đốt đuốc chui vào hầm thì thấy hầm sâu hun hút. Cuối đường hầm là một gian phòng to. Gian phòng này lại mở ra nhiều ngách đến các gian phòng khác.

 

Tuy nhiên, các gian phòng trong lòng đất đều trống trơn, chỉ còn lại vài món đồ vỡ vụn, vài hạt ngọc nho nhỏ vương vãi. Lúc này, người dân trong xóm mới té ngửa tay người Tàu kia chính là kẻ chuyên săn kho báu ở Việt Nam. Gã đã lấy đi mất kho báu quý của dân làng.

Sau này, người dân trong xóm đã hè nhau đập nát hòn đá lớn đó để kiểm tra xem có kho báu gì không, nhưng không thấy gì cả, nên đem nung được mấy lò vôi.

Chuyện lão người Tàu đào mất kho báu lan rộng khắp nơi, ầm ĩ khắp vùng, khiến người Pháp cũng phải quan tâm.

Thời gian sau, một nhóm quan Pháp đã kéo đến xóm Mỹ Cụ, lùng sục quanh mấy ngọn núi này. Chuyện người Pháp lùng sục truy tìm báu vật ở ba ngọn núi trong làng Mỹ Cụ thì ai cũng biết, không phải truyền thuyết ba thực bảy hư.

Ông Dương Văn Thớ, nhà nằm trên lưng chừng núi Rùa, quả núi cực kỳ linh thiêng trong tâm thức người dân nơi đây, kể: “Bố tôi kể rằng, quan Pháp vác súng đi bắt bố tôi cùng mười mấy người trong làng đào hầm trên núi Rùa suốt mấy tháng trời. Trai tráng trong làng đào núi thành hầm sâu hoắm, còn quan Pháp thay nhau bồng súng đứng trên miệng hầm kiểm soát.

 

1
Ông Dương Văn Thớ dẫn tác giả lên núi Rùa.

Những thanh niên trong làng đã đào trúng vài ngôi mộ chứa rất nhiều cổ vật quý trong lòng quả núi này, lôi lên mấy xe chất đầy báu vật. Người Pháp đã mang đi mấy kho báu từ núi Rùa rồi”.

Câu chuyện về quả núi có tên Núi Rùa ở làng Mỹ Cụ cũng rất hấp dẫn và lạ kỳ. Nhiều lời đồn ghê sợ liên quan đến việc xâm phạm mồ mả người xưa để cướp cổ vật ở quả núi này.

Quả núi ấy, từ nhiều năm qua, thuộc sở hữu của ông Trần Quang Thiện, một ông già 80 tuổi, ở Hà Nội. Ông bỏ cả tỷ đồng mua quả núi Rùa đá sỏi gan trâu này, bởi theo ông, nó là nơi liên quan đến họ Trần.

 

Truyền thuyết về núi Rùa thì có từ thời Hùng Vương. Khi đó, quả núi thuộc Mỹ Cát Trang. Đến thời Trần đổi tên thành Mỹ Cụ. Thời Trần, làng Mỹ Cụ có công lớn vì đã nấu nướng, làm cỗ nuôi quân nhà Trần trong trận đánh quân Nguyên Mông.

Trong ngôi làng này, có một thái ấp tên là Dưỡng Chân và quả núi Rùa có tên gọi là núi Dưỡng Chân. Chính cái tên gọi Dưỡng Chân đã khiến quả núi này trở nên nổi tiếng, trở thành địa danh lịch sử đặc biệt, tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu.

Cách đây gần chục năm, trong quá trình nghiên cứu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, các nhà nghiên cứu thấy ẩn hiện đằng sau các tài liệu lịch sử là nhân vật Trần Tung. Trần Tung sinh năm 1230, mất năm 1291. Ông là anh ruột của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, tức anh vợ vua Trần Thánh Tông.

Trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Tung đã trực tiếp tham gia cầm quân đánh giặc và có những chiến công lớn. Đất nước thái bình, ông làm Tiết độ sứ, quản lý vùng duyên hải. Nhưng làm quan một thời gian ngắn, ông lui về ở ẩn nơi trang ấp được phong có tên là Dưỡng Chân. Tại Dưỡng Chân, ông tiếp tục nghiên cứu đạo Phật. Ông mất và được an táng tại ấp này.

1
Núi Rùa là một kho báu khổng lồ, nơi có vô số mộ Hán cổ.

Xưa kia, Trần Tung từng theo học Thiền sư Tiêu Dao, một nhân vật nổi tiếng cuối đời Lý. Nhưng ông tu Phật mà không hề xuất gia, không giữ đúng các phép "tam quy", "ngũ giới". Bằng trí xét đoán sắc sảo của mình, Trần Tung đã trở thành một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở ở giáo điều sách vở. Ông chính là người thầy giảng dạy đạo Phật cho Trúc Lâm Tam tổ, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chính vì vậy, thời nhà Trần, ông được gọi là Hưng Ninh Vương Trần Tung, với đạo hiệu Tuệ Trung Thượng Sỹ, là người thầy của Trúc Lâm sơ tổ.

 

Khi có thông tin về cụ Trần Tung, các nhà nghiên cứu, trong đó có nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng) cùng với ông Trần Quang Thiện đã đi tìm vùng đất có tên Dưỡng Chân ở khắp Hải Phòng. Qua quá trình khảo sát nhiều năm, các nhà sử học và con cháu cụ Trần Tung đã phát hiện ra làng Mỹ Cụ, với quả núi Dưỡng Chân (tức núi Rùa), cùng nhiều địa danh nhắc đến trong lịch sử liên quan đến thân thế, sự nghiệp và cuộc đời của cụ Trần Tung.

Phát hiện ra nơi Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung ở ẩn, tu hành và mất, con cháu nhà Trần, trong đó tích cực nhất là ông Trần Thiện, đã bỏ tiền mua lại toàn bộ quả núi. Ông Thiện phát hiện ra quả núi này đúng vào lúc dân làng Mỹ Cụ ra sức đào bới, mở chi chít đường hầm xuyên vào lòng núi để tìm kho báu.

Mua được quả núi rồi, ông cấm tiệt chuyện đào núi. Ông sai người lấp hết các hầm gạch, các hang hốc do đám săn đồ cổ đào. Ông dựng tạm ngôi đền nhỏ, đúc tượng đồng, tạc tượng đá đặt trên đỉnh quả núi. Sau này, khi mọi thủ tục xong xuôi, con cháu họ Trần sẽ đầu tư xây dựng các công trình thờ tự khang trang trên quả núi này.

Đứng trên đỉnh núi Rùa, nhìn qua cánh đồng là núi Phượng Hoàng. Nhìn từ trên cao, quả núi như con chim phượng vậy. Và, câu chuyện Nhà nước đào kho báu Sở tại núi Phượng Hoàng vào năm 1962 thì bất kỳ ai ở làng Mỹ Cụ cũng biết. Bà vợ ông trưởng làng Trần Văn Ngoang chính là người đi đào kho báu lấy điểm chấm công.

1
Ông Trần Văn Ngoang bên một ngôi mộ Hán lộ ra từ vách núi.

Theo bà, ngày đó, các nhà khảo cổ từ Hà Nội kéo về, công an, bộ đội bồng súng đứng gác quanh núi suốt ngày đêm. Rào thép dựng lên quanh chân núi, bạt căng che kín. Dân công trong làng ngày vào đào, chiều tối mới xuống núi. Trước khi rời núi, đều bị bảo vệ kiểm tra xem có giấu món đồ gì không.

 

Sau mấy tháng đào bới trên sườn núi, lộ ra 4 kho báu, là các hầm giấu của xây bằng gạch sâu trong lòng núi. Tất nhiên, kho báu đó chính là những ngôi mộ Hán cổ, có tuổi gần 2.000 năm. Cổ vật xếp đống, châu báu nhiều không kể xiết.

Theo lời ông Ngoang, các nhà khảo cổ đã chở lên Hà Nội tổng cộng mấy xe tải. Người dân trong làng tham gia đào bới thì được chấm công, chứ cũng không được chia chác thứ gì.

Chuyện các nhà khảo cổ đào đi mấy kho báu cả xã đều biết, ai cũng kể rành mạch nên không thể là truyền thuyết được. Những ngọn núi chứa đầy kho báu ở làng Mỹ Cụ là chuyện hoàn toàn có thực, không thể bác bỏ.

Còn tiếp...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm