Khám phá

Phát hiện bãi cọc đời Trần gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng: GS Lê Văn Lan tiết lộ bất ngờ

Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng, bãi cọc vừa phát lộ ở cánh đồng Cao Quỳ (Hải Phòng) nằm trong giai đoạn 2 của chiến dịch Bạch Đằng Giang, là nơi chặn giặc, đưa giặc vào bẫy.

Ông vua có 15 vợ quyết đổi tên nước vì không muốn bị nhầm với Thụy Sĩ / Chết cười với "hậu duệ Tôn Ngộ Không"

Tại buổi khảo sát thực địa hiện trường bãi cọc gỗ gần 1.000 năm tuổi tại cánh đồng Cao Quỳ (làng Mai Động, xã Liên Khê, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), PV VTC News có cuộc phỏng vấn Giáo sư Sử học Lê Văn Lan về vai trò cũng như ý nghĩa lịch sử của những chiếc cọc gỗ quý giá này.

- Căn cứ kết quả giám định cây cọc gỗ được phát lộ tại cánh đồng Cao Quỳ cũng như quá trình thực nghiệm hiện trường, ông đánh giá thế nào về niên đại và không gian lịch sử của 27 cây cọc gỗ vừa được phát lộ tại đây?

Chúng ta mới làm giám định bằng phương pháp C14 một cây cọc gỗ và cho kết quả, chu kỳ bán rã là 5.560 năm. Rất may mắn khớp với chiến dịch Bạch Đằng năm 1288.

Chúng ta phải chờ những mẫu khác để có kết quả tổng hợp đầy đủ, chính xác hơn về niên đại của các cọc gỗ được tìm thấy. Nhưng chúng ta yên tâm hơn vì cọc gỗ được giám định không nằm trơ trọi một mình mà nằm đồng bộ nên có thể tiêu biểu cho gần 30 cọc gỗ ở đây.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, bãi cọc vừa được phát lộ nằm trong giai đoạn 2 của chiến dịch Bạch Đằng Giang.

Như vậy, chúng ta biết có thêm trận địa cọc nữa ở đất Thủy Nguyên (Hải Phòng). Con cháu, hậu duệ ở Quảng Ninh và Hải Phòng có thể hả lòng rằng, ông cha tổ tiên chúng ta cả trên đôi bờ của dòng Đá Bạc dẫn tới Bạch Đằng đều có công với đất nước, với lịch sử dân tộc.

Nơi đây về mặt tư liệu, các thông tin từ sử học thành văn, sử học dân dã, từ các tư liệu văn hóa, văn học dân gian đã rõ là bãi chiến trường. Những cọc gỗ này xuất lộ có giá trị ở chỗ, chúng chính là vật chứng.

- Bãi cọc vừa được phát lộ ở cánh đồng Cao Quý (Hải Phòng) đóng góp thế nào trong chiến thắng chung của trận Bạch Đằng Giang của quân dân thời Trần, thưa ông?

Qua những tư liệu văn hóa dân gian, những tín ngưỡng văn hóa thờ cúng về trận địa, khoa học nghệ thuật quân sự ở cuộc chiến lần thứ 3 chống quân Nguyên Mông, lần đầu tiên chúng ta biết, bên bờ phải của nguồn Đá Bạc đổ về Bạch Đằng có một trận địa cọc thế này.

Điều này có thể làm đảo lộn nhiều suy nghĩ về diễn biến của chiến cuộc Bạch Đằng Giang tháng 4/1288. Từ đây, chúng ta vỡ ra một sự thật, buộc phải gọi chiến thắng đại võ công Bạch Đằng Giang không phải là một trận đánh mà là một chiến dịch.

 

Từ đấy, vị trí của bãi cọc này nằm trong giai đoạn 2 của chiến dịch Bạch Đằng Giang. Đây là nơi chặn giặc, đưa giặc vào bẫy Giai đoạn 1 là làm chậm bước tiến, hao tổn binh lực địch.

Tôi cho rằng, công năng của những chiếc cọc tìm thấy ở cánh đồng Cao Quỳ không giống với những chiếc cọc tại nơi diễn ra giai đoạn 3 của trận chiến, kết thúc hiển hách chiến dịch Bạch Đằng Giang. Việc phát lộ bãi cọc này là kỳ diệu.

Phát lộ vào cuối năm Kỷ Hợi, đúng chỗ là ở huyện Thủy Nguyên và gần khu du tích Bạch Đằng Giang để kết hợp thành một quần thể di tích, đóng góp cho lịch sử dân tộc, lịch sử đại võ công Bạch Đằng Giang.

- Giáo sư nhận định gì về những kỹ thuật khảo cổ học được các nhà khoa học triển khai khi khai quật những cọc gỗ này?

Trước tiên, theo đánh giá của tôi, những người khai quật bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ làm đúng phương pháp. Họ cẩn trọng làm những cột địa tầng, trong đó xác định được nguồn gốc, niên đại của những lớp đất, làm nền cho sự lựa chọn vị trí này để đóng những chiếc cọc mà hôm nay chúng ta đang thấy.

 

 Phát hiện bãi cọc đời Trần gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng: GS Lê Văn Lan tiết lộ bất ngờ - Ảnh 2.

Những người khai quật rất cẩn trọng khi àm các cột địa tầng, xác định được nguồn gốc, niên đại của các lớp đất.

Do đó, về mặt khai quật, khảo cổ học, vấn đề địa tầng được giải quyết tốt. Những người khai quật rất cẩn trọng khi àm các cột địa tầng, xác định được nguồn gốc, niên đại của các lớp đất.

Tôi cũng đánh giá cao những chiếc cọc được khai quật không phải theo kiểu tìm đồ cổ. Ở đây, các nhà khoa học giữ nguyên được hiện trạng và có phương pháp. Phương pháp đó là mặt cắt, là đỉnh, đáy và cả những địa tầng lớp đất xung quanh đều được giữ.

Theo đó, ai cần phản biện, ai cần suy nghĩ thêm đều có cơ sở. Không như việc khai quật ở một số nơi khác, hơi nóng vội, bóc tuột tất cả những thứ ở bên trên, chỉ còn đáy.

 Phát hiện bãi cọc đời Trần gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng: GS Lê Văn Lan tiết lộ bất ngờ - Ảnh 3.

Cọc gỗ dựng đứng, đầu cọc như mũi giáo.

 

Về kỹ thuật khảo cổ học hay mấu chốt, trọng điểm của cả cuộc khai quật này là những chiếc cọc cũng được các nhà khoa học làm tốt và có những ý định, kế hoạch bảo quản tại chỗ. Cọc gỗ dựng đứng, đầu cọc như mũi giáo.

Việc cho phép tìm hiểu về cọc gỗ, rất nhiều phương diện đều khả thi chứ không phải chỉ xuất lộ một lần rồi trở thành thứ "chết" ở đó. Bây giờ sẽ đến giai đoạn thứ 2 là nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi, đánh giá rất nhiều điều.

Có thể chỉ ra như: Tại sao các cọc gỗ lại được đóng ở vị trí này? Có phải chỉ có đóng không và đóng bằng cách nào hay còn có cả chôn?... Và đây là những điều đầu tiên chúng ta có thể mừng, có thể hy vọng với tiền đề được tạo ra như hiện nay, ở các giai đoạn tiếp theo sẽ có khả năng tốt để tiếp tục làm việc.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm