Theo Gizmodo, các nhà khoa học đã phát hiện một cấu trúc nằm bao quanh Durrington Walls, vùng Wiltshire, Anh, cách di chỉ cự thạch Stonehenge chỉ 3 km. Có kích thước lớn và niên đại 4.500 năm tuổi, đây là cấu trúc tiền sử lớn nhất từng được tìm thấy ở Anh.
Phát hiện được đăng trên tạp chí khoa học Internet Archaeology hôm thứ 7 (21/6). Đây là ngày các nhóm thờ Mặt Trời thường đến Stonehenge đón Hạ chí, nhưng do đại dịch Covid-19, việc lễ tế đã được tổ chức trên mạng.
Công cụ viễn thám được sử dụng
Nằm trên vùng đồng bằng Salisbury ở Anh, cấu trúc hình tròn này gồm ít nhất 20 hố được xếp đặt cẩn thận. Các hố bị chôn vùi dưới lớp đất cát sâu hơn 5 m, rộng từ 10-20 m, đặt cạnh nhau thành vòng tròn đường kính hơn 2 km, cách điểm trung tâm 864 m, bao quanh Durrington Walls Henge - một trong những di tích lớn nhất nước Anh.
Trước đây, người ta cho rằng các hố này là ao dự trữ nước cho gia súc hoặc hố sụt. Tuy nhiên, khi sử dụng các công cụ viễn thám dò tìm, gồm radar xuyên lòng đất và từ kế, các cấu trúc dị thường này mới được phát hiện hoàn toàn.
“Thành công trong khám phá này là nhờ việc tăng cường sử dụng các công cụ viễn thám trên các khu vực rất rộng lớn. Chúng ta có thể thấy những thứ từng là vô hình đối với các nhà khảo cổ trong quá khứ và liên kết những phát hiện trước đây theo cách không bao giờ ngờ tới”, Vincent Gaffney, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà khảo cổ tại Đại học Bradford cho hay.
Nhờ có công cụ viễn thám mà các nhà khảo cổ học giờ đây không cần dùng đến cuốc xẻng vẫn tìm thấy được những vùng đất bị chôn vùi.
Dù địa điểm này không được khai quật chính thức, vài mẫu đất đã được trích xuất để xác định niên đại bằng phương pháp định tuổi bằng đồng vị cacbon. Xác định cho thấy cấu trúc này được xây dựng 4.500 năm trước từ thời kỳ Đồ đá mới ở Anh, khi nền nông nghiệp bắt đầu lan rộng khắp nơi.
Tăng hiểu biết về thời Đồ đá mới
Gaffney cho biết người dân thời kỳ Đồ đá mới đã sử dụng “cuốc làm từ gạc hươu, xẻng từ xương vai, dụng cụ bằng đá, mồ hôi và nước mắt” để đào hố. Có thể còn cần đến cả sự phối hợp từ số đông nhân lực để đào được công trình to lớn này.
"Những thợ đào đã phải di chuyển lượng lớn đất, đồng thời cũng là những người đã xây dựng nên Stonehenge, do có khả năng huy động nỗ lực từ cả cộng đồng”, ông Gaffney nói. Ông cũng cho biết thêm khi khai quật, các nhà khoa học không hề biết các hố này là gì, vì không thể biết được trừ khi đào mọi thứ lên.
Các hố này có thể được dùng để tạo thành ranh giới bao quanh một không gian linh thiêng, dẫn đường hoặc ngăn cản người khác tiến đến khu vực đền đá Durrington.
Dữ liệu cũng cho thấy cấu trúc này có thể tồn tại đến tận thời Đồ đồng (từ 1.400-900 TCN). Nếu đây là sự thật sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử và sự phát triển của các cấu trúc hoành tráng tại khu vực Stonehenge.
Để xây dựng cấu trúc đường kính hơn 2 km và thực hiện nhiều đo đạc địa hình, cộng đồng này phải biết cách sắp xếp và tính toán khá tinh vi, điều cho thấy khả năng làm việc tập thể của họ.
Khảo sát được thực hiện bởi Stonehenge Hidden Lanscape cùng Viện Khảo cổ Ludwig Boltzmann, Đại học St. Andrew và các tổ chức khác.