Khám phá

Phát hiện cấu trúc kim tự tháp hơn 4.000 năm tuổi

Các nhà khoa học rất ngạc nhiên khi phát hiện một kim tự tháp đồ sộ trong thành phố cổ đại ở Trung Quốc, với niên đại hơn 4.000 năm tuổi.

Phát hiện hài cốt 3.000 năm có tư thế lạ trong ngôi đền cổ / "Lời nguyền chết chóc" trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng gây hoang mang

Theo đó, các nhà khảo cổ học phát hiện kim tự tháp có dạng bậc thang ở thành phố cổ đại 4.300 năm tuổi ở Thiểm Tây, Trung Quốc.

Kim tự tháp này cao ít nhất khoảng 70 mét với phần đáy trải rộng tới 24 hecta, được các nhà khảo cổ học tìm thấy khi đang tiến hành khai quật một thành phố cổ đại.

Các nhà khảo cổ chia sẻ, kim tự tháp được trang trí bằng các biểu tượng con mắt và khuôn mặt nửa người nửa thú ấn tượng, có thể để mang tới sức mạnh tâm linh đặc biệt, đồng thời củng cố thêm ấn tượng về thị giác cho đám đông.

Đáng chú ý là trong 5 thế kỷ, một thành phố cố đại đã phát triển mạnh mẽ xung quanh kim tự tháp. Thậm chí, có thời điểm, với diện tích bao phủ rộng tới 400 hecta, khiến nó trở thành một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới.

Ngày nay, tàn tích của thành phố cổ có tên là Shimao, nhưng tên gọi của nó trong thời cổ đại thì vẫn chưa ai hay biết. Tàn tích Shimao nằm ở tỉnh Thiểm Tây, Trung quốc, và được cho là lâu đời hơn cả công trình Vạn Lý Trường Thành.

Phát hiện tàn tích cung điện của giới thượng lưu và 6 hố chôn toàn đầu người hiến tế

Trong quá trình tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ cùng những chuyên gia nghiên cứu cho biết, kim tự tháp khổng lồ này có 11 bậc, với mỗi bậc đều được lát đá.

Đặc biệt, ở bậc phía trên cùng, "có những cung điện rộng lớn được xây dựng bằng đất nện, với những cột trụ bằng gỗ và mái ngói, bể chứa nước lớn và tàn tích của những vật dụng có liên quan tới đời sống hàng ngày".

Khu phức hợp cung điện ở trên đỉnh kim tự tháp được cho là nơi sinh sống của giới thượng lưu. Các chuyên gia phát hiện có những bức tường đá lớn ở lối vào để bảo vệ khu vực cung điện.

Điều này cho thấy rằng kim tự tháp không phải là một không gian công cộng, và đây là nơi dành riêng cho tầng lớp thượng lưu ở Shimao. Phát hiện này chứng tỏ thành phố cổ đại này có lẽ là một xã hội phân cấp.

 Phát hiện cấu trúc kim tự tháp hơn 4.000 năm tuổi trong thành phố toàn hài cốt hiến tế - Ảnh 1.

Nhiều hố chôn sọ người được tìm thấy ở Shimao. Ảnh: Zhouyong Sun, Jing Shao

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra dấu tích cho thấy sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ đã được tiến hành ở gần khu vực cung điện.

Đây là bằng chứng cho thấy rằng tổ hợp kim tự tháp không chỉ là nơi ở dành cho tầng lớp thượng lưu thống trị Shimao, mà còn là nơi cho sản xuất thủ công mỹ nghệ.

Một loạt các bức tường đá với thành lũy cùng cổng thành được xây dựng xung quanh kim tự tháp và thành phố. Đặc biệt, những bức tường thành được thiết kế tinh vi ở lối vào của kim tự tháp bậc thang, nhằm mục đích phòng thủ và hạn chế người ra vào.

Ngoài những phát hiện ấn tượng về kim tự tháp bậc thang khổng lồ, các đồ tạo tác bằng ngọc bích được khảm vào khoảng trống ở giữa các vật thể trong mọi kiến trúc ở Shimao và dấu tích của thành phố cổ đại, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hài cốt hiến tế ở đây.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu phát hiện có 6 hố chôn chứa đầu người ở lối vào của cổng phía đông thuộc thành lũy phía ngoài.

Một số nạn nhân hiến tế có thể đến từ một địa điểm khảo cổ khác gọi là Zhukaigou, thuộc phía bắc của Shimao. Điều này có thể gợi ý rằng họ bị đưa tới đây như những tù binh trong quá trình mở rộng và chinh phục các khu vực lân cận của Shimao.

 Phát hiện cấu trúc kim tự tháp hơn 4.000 năm tuổi trong thành phố toàn hài cốt hiến tế - Ảnh 2.

Một hố chôn toàn sọ người hiến tế. Ảnh: CNWest

Nhóm các chuyên gia tham gia khai quật công trình, bao gồm Li Jaang, giáo sư tại ĐH Trịnh Châu, Zhouyong Sun và Jing Shao, hai nhà khảo cổ học ở Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, và Min Li, giáo sư nhân chủng học tại ĐH California, Los Angeles.

Theo các chuyên gia, kim tự tháp bậc thang là một khám phá tuyệt vời và sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về xã hội bí ẩn của những cư dân từng sinh sống ở Shimao. Điều này có thể cung cấp những thông tin mới về sự phát triển của nền văn minh ở Trung Quốc cách đây hàng nghìn năm.

Kết quả của nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Antiquity số tháng 8.

Theo Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm