Khám phá

Phát hiện hai thành phố bị lãng quên trên Con đường tơ lụa xa xưa

Mới đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hai thành phố cách nhau khoảng 5 km nằm bên dưới những đồng cỏ xanh mướt trên núi Uzbekistan.

CLIP: Rái cá lọt vòng vào vây của 4 con chó nhà và cái kết ít ai đoán được / CLIP: Trâu rừng húc tung cá sấu lên trời để giải cứu đồng loại

Những thành phố bị lãng quên

Theo hãng CNN, các nhà khảo cổ học đã lập bản đồ những thành trì cao nguyên hấp dẫn ở phía đông nam Uzbekistan. Nơi đây từng là ngã tư quan trọng của các tuyến đường buôn bán tơ lụa cổ đại.

Phát hiện hai thành phố bị lãng quên trên Con đường tơ lụa xa xưa - Ảnh 1.

Sử dụng máy bay không người lái LiDAR, thiết bị phát hiện ánh sáng và đo khoảng cách, các nhà khảo cổ đã lập bản đồ hai thành phố bị lãng quên ở vùng núi Uzbekistan. Vị trí của một trong những thành phố, được gọi là Tugunbulak, được chụp ảnh ở đây. Ảnh: CNN

Uzbekistan nằm trên Con đường tơ lụa nối Trung Quốc với Tây Á thời cổ đại. Các thành phố lớn như Samarkand, Bukhara hay Khiva đều là nơi Con đường Tơ lụa huyền thoại trong lịch sử thế giới đi qua.

Sử dụng máy bay không người lái gắn LiDAR — công nghệ viễn thám dựa trên cảm biến laser để đo khoảng cách tới mục tiêu — có thể tìm thấy những công trình bị che khuất bởi thảm thực vật. Các nhà nghiên cứu đã chụp hình ảnh hai khu định cư đô thị quy mô lớn với các tháp canh, pháo đài, tòa nhà phức hợp, quảng trường và lối đi mà hàng chục nghìn người có thể đã từng sinh sống ở đây.

Nhà nhân chủng học Michael Frachetti, tác giả chính của nghiên cứu đã công bố phát hiện này vào hôm 23/10 trên tạp chí Nature. Ông Frachetti nhấn mạnh những thành phố thời trung cổ nhộn nhịp nằm ở độ cao hơn 2.000 mét (6.562 feet) so với mực nước biển là đáng ngạc nhiên.

Cuộc sống ở hai khu định cư này hẳn rất khắc nghiệt, đặc biệt là trong những tháng mùa đông.

"Đây là vùng đất của những người du mục - những người chủ yếu chăn thả gia súc. Đối với hầu hết mọi người, đây là vùng ngoại vi", ông Frachetti, Giáo sư khảo cổ học tại Đại học Washington ở St. Louis, cho biết.

 

Ngày nay, khoảng 3% dân số thế giới sống ở những độ cao như vậy, chủ yếu là trên Cao nguyên Tây Tạng và dãy Andes, theo nghiên cứu.

Nghiên cứu cũng lưu ý các khu định cư cổ đại trên cao nguyên, chẳng hạn như Machu Picchu ở Peru, và đánh giá cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt trên độ cao lớn.

"Môi trường ở đó thực sự khác biệt. Mùa đông sẽ lạnh cóng. Và thậm chí là có tuyết vào mùa hè", ông Frachetti nói về các khu định cư bị lãng quên trên Con đường tơ lụa vừa được phát hiện.

Những thành phố trên núi cao của dân du mục

Những ngọn núi và thảo nguyên ở Trung Á từng là nơi sinh sống của các nhóm dân du mục hùng mạnh trong hàng nghìn năm. Những người du mục đã duy trì cuộc sống bằng công việc chăn thả các loài động vật như cừu, dê và gia súc kể từ thời đại đồ đồng.

 

Phát hiện hai thành phố bị lãng quên trên Con đường tơ lụa xa xưa - Ảnh 2.

Nghiên cứu lần đầu tiên sử dụng công nghệ LiDAR cho mục đích khảo cổ học. Ảnh: Michael Frachetti

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Frachetti và các đồng nghiệp tin rằng bởi vì những thành phố cao nguyên mới được tìm thấy quá rộng lớn nên nơi đây cũng không phải là các trạm giao dịch hoặc điểm dừng chân trên Con đường tơ lụa.

Họ giải thích thêm rằng nhiều khả năng các khu định cư đô thị được xây dựng để khai thác quặng sắt dồi dào được tìm thấy dưới lòng đất trong khu vực. Nhóm nghiên cứu hy vọng các cuộc khảo cổ trong thời gian tới sẽ tiết lộ ai là người sáng lập và sinh sống tại các thành phố.

"Toàn bộ khu vực này được xác định ở vị trí đắc địa vào thời điểm đó. Quanh khu vực có trữ lượng sắt dồi dào và nhiều rừng cây bách xù", ông Frachetti nói.

 

Mặc dù khu vực này không phù hợp để làm nông nghiệp, nhưng ông tin rằng vùng đất xung quanh sẽ nuôi sống người dân ở hai thành phố với công việc hàng ngày là chăn thả đàn gia súc, được xem là văn hóa du mục đã tồn tại từ lâu ở đây. Hơn nữa, địa hình núi non cũng sẽ cung cấp một vị trí phòng thủ hiệu quả.

Nhà nghiên cứu Frachetti cùng với đồng nghiệp của ông là Farhod Maksudov, một nhà nghiên cứu và giám đốc tại Trung tâm Khảo cổ học Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Uzbekistan đã phát hiện một trong những khu định cư này vào năm 2011 khi đang tiến hành một cuộc khảo sát khảo cổ học về khu vực này.

"Mục tiêu của chúng tôi vào thời điểm đó thực sự là nghiên cứu thời tiền sử của những vùng núi ở đây, đặc biệt là liên quan đến sự phát triển của hoạt động chăn thả du mục. Trong quá trình làm việc đó, chúng tôi tình cờ tìm thấy Tashbulak và thật là bất ngờ khi có thể tìm thấy một thành phố trên cao nguyên", ông Frachetti cho biết.

Bản đồ laser tiết lộ những kỳ quan khảo cổ

Ông Frachetti và các đồng nghiệp tiếp tục tìm thấy thành phố thứ hai lớn hơn là Tugunbulak, vào năm 2015 sau khi một công nhân lâm nghiệp địa phương đề cập đến những hình dạng tương tự như thành phố Tashbulak trong cảnh quan nơi anh ta sống.

 

"Chúng tôi đã xuống đó và ngay trong sân sau nhà anh ta là một thành cổ thời trung cổ. Anh ta chỉ không biết điều đó. Chúng tôi lên gò đất và nhìn ra ngoài, chúng tôi có thể thấy những gò đất và (hình dạng) hình kim tự tháp ở khắp mọi nơi. Trời ơi, nơi này thật rộng lớn. Chúng tôi đã choáng ngợp", ông Frachetti nói thêm.

Nhóm đã lập bản đồ cả hai thành phố vào năm 2022, thực hiện 22 chuyến bay bằng máy bay không người lái có sử dụng LiDAR.

Phát hiện hai thành phố bị lãng quên trên Con đường tơ lụa xa xưa - Ảnh 3.

Sử dụng công nghệ LiDAR, các nhà khảo cổ học đã lập bản đồ hai thành phố bị bỏ hoang ở vùng núi Uzbekistan. Ảnh: Michael Frachetti

LiDAR là công nghệ viễn thám chủ động sử dụng các loại tia laser để khảo sát đối tượng từ xa. Kỹ thuật này đã tạo nên bước tiến quan trọng trong quá trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa loài người, đặc biệt hữu ích trong việc khám phá các di chỉ khảo cổ ở rừng mưa Amazon và các di chỉ của người Maya ở Trung Mỹ.

 

"Trong thời kỳ hoàng kim của Con đường tơ lụa thời trung cổ, các thành phố đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những thị trấn nổi tiếng hơn dọc theo tuyến đường như Samarkand ở Uzbekistan lại nằm trong các ốc đảo nông nghiệp rộng lớn", ông Zachary Silvia tại Viện Khảo cổ học và Thế giới cổ đại Joukowsky thuộc Đại học Brown ở Rhode Island cho biết.

Silvia, người không tham gia vào nghiên cứu, đã viết trong một bài bình luận được công bố cùng với nghiên cứu rằng: "Các vị trí đô thị trên cao cực kỳ hiếm trong hồ sơ khảo cổ học vì đòi hỏi công nghệ độc đáo để hình thành cộng đồng lớn ở các vùng núi. Việc phát hiện ra hai Tashbulak và Tugunbulak giúp chúng ta có cơ hội khám phá thêm về quá trình ra đời của hai thành phố".

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu LiDAR cho thấy Tugunbulak chiếm diện tích khoảng 1,2 km2 (120 ha) với hơn 300 công trình kiến trúc độc đáo, có kích thước từ 30 đến 4.300 mét vuông (323 đến 46.285 feet vuông).

Trong khi đó, Tashbulak có diện tích từ 0,12 đến 0,15 km2 (12 đến 15 ha) và mặc dù nhỏ hơn, nhưng bao quanh thành phố là một thành trì vững chắc làm từ đất nện.

Các nhà nghiên cứu tin rằng con người đã sinh sống ở Tashbulak từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 11, trong khi các hoạt động diễn ra ở thành phố Tugunbulak là từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 11.

 

"Không rõ lý do tại sao các khu định cư lại bị bỏ hoang. Những câu chuyện đó sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng tôi đi sâu hơn vào khảo cổ học. Bên cạnh đó, thành phố cũng không có dấu hiệu nào cho thấy chúng từng bị san phẳng, đốt cháy hay tấn công. Đây sẽ là chủ đề đang được nghiên cứu tích cực", ông Frachetti cho biết.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm