Khám phá

Phát hiện “Rồng địa ngục” quái vật bay tiền sử chưa từng được biết đến ở Mỹ

DNVN - Các nhà cổ sinh vật học tại Mỹ vừa công bố một phát hiện chấn động: một loài dực long hoàn toàn mới, thuộc chi quái vật tiền sử Infernodrakon có nghĩa là “Rồng địa ngục” đã được xác định từ mẫu hóa thạch 67 triệu năm tuổi tìm thấy ở bang Montana.

CLIP: Bò Tây Tạng tung cú húc trời giáng, báo tuyết bay ngược để cứu con non / Mưa đá: Hiện tượng thời tiết dữ dội từ bầu trời

Loài mới này được đặt tên là Infernodrakon hastacollis, trong đó “hastacollis” mang ý nghĩa "cổ như giáo mác", ám chỉ chiếc cổ dài, nhọn đặc trưng của sinh vật này. Tên gọi này là sự kết hợp giữa hình ảnh một ngọn giáo La Mã và từ Latin cổ, phản ánh chính xác hình dáng kỳ dị, đáng sợ của nó.

Chân dung Infernodrakon hastacollis, thành viên vừa được xác định của chi Rồng địa ngục - Ảnh đồ họa: Jun-Hyeok Jang

Chân dung Infernodrakon hastacollis, thành viên vừa được xác định của chi Rồng địa ngục - Ảnh đồ họa: Jun-Hyeok Jang

Tên chi Infernodrakon“Rồng địa ngục” được hình thành từ từ "inferno" (địa ngục) và "drakon" (rồng), cho thấy sinh vật này từng là một kẻ thống trị bầu trời với vẻ ngoài gớm ghiếc và sức mạnh khủng khiếp trong thời kỳ cuối của kỷ Phấn Trắng.

Theo Sci-News, Infernodrakon hastacollis thuộc họ Azhdarchidae nhóm dực long nổi tiếng với những cá thể bay lớn nhất từng tồn tại. Dù không đạt kích thước khổng lồ như họ hàng Quetzalcoatlus (với sải cánh lên tới 12 mét), “Rồng địa ngục” mới được phát hiện vẫn có sải cánh ấn tượng khoảng 3-4 mét vượt xa kích thước của bất kỳ loài chim hiện đại nào, kể cả đại bàng.

Điều đặc biệt là mẫu hóa thạch một đốt sống cổ đã được phát hiện từ năm 2002 tại thành hệ Hell Creek (Montana), nhưng ban đầu bị nhầm lẫn là thuộc về chi Quetzalcoatlus. Mãi đến gần đây, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Henry Thomas (Đại học Bang Idaho) dẫn đầu mới sử dụng công nghệ quét laser để phân tích chi tiết mẫu vật, từ đó nhận ra đây thực chất là một loài hoàn toàn mới.

Tiến sĩ Thomas cho biết, rất nhiều hóa thạch dực long từng được tìm thấy ở Bắc Mỹ trong tầng địa chất Maastrichtian giai đoạn cuối của kỷ Phấn Trắng nhưng phần lớn bị phân loại chung là Quetzalcoatlus. Phát hiện lần này mở ra khả năng rằng hệ sinh thái dực long ở Bắc Mỹ vào thời điểm đó phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với những gì giới khoa học từng nghĩ.

 

Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Journal of Vertebrate Paleontology, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tái dựng lại thế giới tiền sử và các loài sinh vật từng thống trị bầu trời cách đây hàng chục triệu năm.

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm