DNVN - Tại vùng Pilbara hoang sơ của miền Tây nước Úc, các nhà khoa học vừa vén màn một bí mật cổ xưa: dấu tích của một vụ va chạm từ thời sơ khai của Trái Đất – một “vết sẹo” từ 3,47 tỉ năm trước, được cho là lâu đời nhất từng được phát hiện trên hành tinh xanh.
Công bố trên tạp chí Nature Communications, nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư Tim Johnson và Giáo sư Chris Kirkland từ Đại học Curtin (Úc) đã xác nhận sự tồn tại của một hố va chạm khổng lồ, có niên đại vượt xa kỷ lục trước đó hố Yarrabubba 2,23 tỉ năm tuổi cũng nằm tại Tây Úc.
Hố va chạm này là tàn tích của một vụ đâm sầm từ vũ trụ: một tiểu hành tinh lao vào Trái Đất với tốc độ hơn 36.000 km/giờ, tạo nên một miệng hố có đường kính hơn 100 km tương đương với quy mô của một tỉnh thành hiện đại. Dù đã bị thời gian và các quá trình địa chất xóa mờ phần lớn, các cấu trúc hình nón vỡ tại hiện trường vẫn đủ rõ để các nhà khoa học tái dựng lại thảm kịch cổ xưa.
Điều đặc biệt là vùng Pilbara được cho là một trong những mảnh vỏ Trái Đất hiếm hoi còn giữ nguyên từ cuối liên đại Hỏa Thành giai đoạn Trái Đất mới hình thành, trước 4 tỉ năm. Trong khi đó, phần lớn những “vết sẹo” cổ xưa khác trên Trái Đất đều đã bị biến mất do hoạt động kiến tạo mảng hiện tượng khiến vỏ hành tinh không ngừng bị nghiền nát, tái chế và biến dạng theo thời gian.
Giáo sư Johnson chia sẻ: “Phát hiện này là mảnh ghép quan trọng giúp giải mã lịch sử va chạm của Trái Đất, và gợi mở rằng vẫn còn nhiều hố va chạm cổ đại chưa được phát hiện.”
Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, nghiên cứu còn hé lộ cách các vụ va chạm vũ trụ có thể đã định hình điều kiện sống trên Trái Đất thời kỳ đầu. Trái ngược với hình ảnh hủy diệt thường thấy, những cú va chạm này ở thời liên đại Thái Cổ có thể đã tạo ra những môi trường lý tưởng cho sự sống nguyên thủy như các hồ nước nóng giàu khoáng.
Không chỉ vậy, năng lượng khủng khiếp từ vụ va chạm có thể đã góp phần hình thành các mảng kiến tạo, đẩy magma từ sâu trong lòng đất trào lên bề mặt, định hình lớp vỏ hành tinh sơ khai và mở đường cho quá trình tiến hóa địa chất kéo dài hàng tỉ năm sau đó.
Như Ý (t/h)
Các phiến đá mang hình nón vỡ là dấu vết còn sót lại của một "vết sẹo" mà Trái Đất có từ 3,4 tỉ năm trước - Ảnh: ĐẠI HỌC CURTIN