Khám phá

Quân Liên Xô thất bại nặng dưới tay phát xít Đức do sai lầm của viên tướng Ba Lan

Trận chiến ở Saxony (Đức) là chiến thắng cuối cùng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Trong trận này, quân đội Liên Xô hứng chịu tổn thất do viên tướng Ba Lan mắc sai lầm nghiêm trọng vì quá tham chiếm mục tiêu.

Quân Slovakia chiến đấu cho phát xít Đức rồi lại chiến đấu cho Liên Xô ra sao? / Phi công Liên Xô thời Thế chiến II vẫn lái máy bay khi chỉ còn một tay

Vào tháng 4/1945, binh sĩ Liên Xô đang đều đặn tiến về thủ đô Berlin - đầu não của nước Đức phát xít. Lãnh thổ và quân đội của Đế chế thứ Ba (tức Đức Quốc xã) bị co ngót không ngừng.

Trong bối cảnh đó, ít người tưởng tượng được rằng bên bờ vực thất bại hoàn toàn, quân đội Đức vẫn có thể gây ra tổn thất cho Hồng quân và khiến Hồng quân thất bại trong một trận đánh.

Pháo tự hành của quân Ba Lan vượt sông Neisse trong Thế chiến II. Ảnh: Tư liệu.
Pháo tự hành của quân Ba Lan vượt sông Neisse trong Thế chiến II. Ảnh: Tư liệu.

Sai lầm của viên tướng Ba Lan – mải mê đánh chiếm Dresden

Thắng lợi của quân Đức xảy ra ở vùng Saxony. Tại đó các đơn vị của Tập đoàn quân 52 thuộc quân đội Liên Xô và Tập đoàn quân số 2 của Ba Lan đang tiến về thành phố Dresden (Đức). Đội quân Ba Lan bao gồm chủ yếu người Ba Lan, được trang bị vũ khí Liên Xô và nằm dưới quyền của bộ chỉ huy quân sự Liên Xô.

Ban đầu, cuộc tiến công của liên quân Xô viết và Ba Lan khá suôn sẻ. Sau khi vượt sông Neisse vào ngày 16/4/1945 và đột phá qua phòng tuyến địch, ba ngày sau đó họ bắt đầu công kích thành phố Bautzen có tầm quan trọng chiến lược – thành phố này đã được Đức biến thành một cứ điểm hùng mạnh. Tàn quân của lực lượng Đức đồn trú và lực lượng dân quân Volkssturm cố thủ trong pháo đài cổ Ortenburg.

Vào lúc này, các đơn vị thuộc Quân đoàn thiết giáp số 1 của Tập đoàn quân Ba Lan số 2 đang tiến tới Dresden.

Tư lệnh tập đoàn quân này – tướng Karol Świerczewski, bị ám ảnh về việc phải chiếm được một trong các trung tâm quan trọng của Đức. Tham vọng của ông là binh sĩ Ba Lan phải là người đầu tiên vào thành phố. Tuy nhiên tham vọng này lại gây ra hậu quả chết người, đó là thất bại của Hồng quân và lực lượng Ba Lan chỉ một thời gian ngắn sau đó.

 

Đòn chọc sườn bất ngờ

Phấn khích trước thành công trong đột phá về phía tây, lực lượng Xô viết và Ba Lan đã căng mỏng tuyến liên lạc quá mức. Tiến nhanh về Dresden, các đơn vị thiết giáp của họ đã bỏ xa các lực lượng ở tuyến sau. Quân Đức lập tức khai thác điều này.

Đã tập trung được lực lượng lớn, bao gồm sư đoàn thiết giáp Panzer và lính dù số 1 mang tên Hermann Goering, quân Đức liền tấn công vào sườn của lực lượng đi trước. Vào ngày 21/4, chúng đã cô lập và bao vây lực lượng chủ lực của Tập đoàn quân số 2 Ba lan cùng vài đơn vị Liên Xô.

Trên cương vị tư lệnh Phương diện quân Ukraine số 1, Nguyên soái Ivan Konev viết trong hồi ký như sau: “Bằng việc thực hiện một cuộc phản công tương đối mạnh vào sườn, quân Đức Quốc xã hy vọng tạo ra một cuộc khủng hoảng trên toàn cánh trái quân ta và tác động lên tiến trình chiến dịch ở hướng chủ yếu, đó là Berlin”.

Với cuộc phản công trên, Đức đã đánh bại một số đơn vị Liên Xô và Ba Lan. Tình hình xấu hơn nữa khi không quân phát xít Đức tạm thời giành được ưu thế trên không tại riêng khu vực này của mặt trận, khi lực lượng chủ lực của không quân Liên Xô đang lâm chiến ở mặt trận Berlin.

 

Sư đoàn Hermann Goering của Đức. Ảnh: Tư liệu.
Sư đoàn Hermann Goering của Đức. Ảnh: Tư liệu.

Nguyên soái Konev ra lệnh cho các đơn vị bị bao vây cùng vá lại tuyến phòng ngự nhưng kế hoạch này thất bại gần như tức thời. Hồng quân thấy rất khó tương tác với đồng minh Ba Lan.

Tướng Świerczewski không thấy có gì nguy ngập cả. Ông tin rằng quân thù sẽ bị đẩy lui nhanh chóng, không cần phải nỗ lực nhiều. Quân đoàn thiết giáp số 1 của Ba Lan tiếp tục cuộc tiến công vào Dresden. Mãi đến trưa ngày 22/4/1945 thì viên tướng Ba Lan mới nhận thấy quy mô đầy đủ của thảm họa đang đến gần và ra lệnh cho các xe tăng quay lại Bautzen. Khi tới nơi vào tối hôm đó, các xe tăng này lao thẳng vào trận chiến nhưng vô hiệu.

Do các tính toán nhầm của bộ chỉ huy, quân Ba Lan rơi vào tình trạng hỗn loạn và hoảng loạn. Các đơn vị pháo binh không được bộ binh bọc lót, đã phải cố gắng trong vô vọng ngăn chặn đà tiến của quân Đức và hứng chịu tổn thất nặng nề. Các đơn vị mất phương hướng cũng bị mất liên lạc với tổng hành dinh và được hối thúc chuyển sang đặt dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh Tập đoàn quân 52.

Bất chấp tình trạng bi đát lúc đó, Tập đoàn quân số 2 của Ba Lan vẫn tiếp tục tiến công Dresden bằng 3 sư đoàn bộ binh. Vào ngày 22/4, Nguyên soái Konev (bên Hồng quân) buộc phải can thiệp cá nhân để ngừng cuộc tiến quân về phía tây. Một trong các sĩ quan Ba Lan sau đó bình luận thẳng tưng về các hành động của viên tư lệnh Ba Lan như sau: “Świerczewski hẳn là bị say rượu khi ông ấy chỉ huy”.

Chiến thắng của Đức không có tác dụng đến toàn cục

Các binh sĩ Xô viết và Ba Lan đã chiến đấu cật lực để phá vây. Khi các đơn vị của Quân đoàn thiết giáp Cận vệ số 7 cố gắng mở đường máu, đột phá qua thị trấn Weissenberg, chỉ có 1/3 số quân nhân trong quân đoàn này sống sót. Tướng Vladimir Maksimov – chỉ huy cuộc phá vây, bị thương nặng, bị bắt làm tù binh và tử vong nhanh chóng sau đó.

 

Vào ngày 26/4/1945, đơn vị duy nhất còn ở gần Dresden – Sư đoàn bộ binh số 9 của Ba Lan, nhận được lệnh phải rút lui. Trên đường quay về, đơn vị này bị phục kích và hứng chịu thiệt hại nặng. Cùng ngày đó, các binh sĩ Sư đoàn Hermann Goering của Đức đã đánh bật các binh sĩ Liên Xô còn lại ra khỏi Bautzen.

Phía Đức cố gắng phát huy thắng lợi này và bắt đầu tiến về phía đông nhưng đã bị Tập đoàn quân Cận vệ số 5 của Liên Xô chặn lại, đơn vị này vừa mới được tung vào cuộc chiến. Bất chấp thành công cục bộ, quân Đức đã không thể đạt được mục tiêu chính, đó là đánh vào sườn lực lượng Hồng quân đang tiến về Berlin.

Tập đoàn quân số 2 của Ba Lan mất 8.000 quân nhân (chiếm 1/5 tổng số quân của đơn vị này) – những người này bị giết, bị thương, hoặc bị mất tích khi chiến đấu. Hiện vẫn không rõ tổn thất bên Liên Xô và Đức.

Giấc mơ của tướng Świerczewski về chiếm Dresden không được hiện thực hóa. Mãi đến ngày 8/5/1945, thành phố này mới rơi vào tay Hồng quân, sau khi Đức Quốc xã đã đầu hàng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm