Quan trường Trung Hoa: Những trang sử "tắm máu" công thần
Giải mã nỗi oan thấu trời của con trai Lưu Bị / Nỗi oan của nguyên soái Liên Xô Tukhachevsky
Lịch sử Trung Quốc từng ghi nhận vô số những cái chết oan uổng của các vị công thần. Những người này bị trừ khử vì nhiều nguyên nhân khác nhau: vì bị oan mà giết, vì chính trực mà bị hại, vì muốn cải cách mà chịu công kích, vì tài cao mà bị đố kị.
Oan tình của họ mặc dù không giống nhau, nhưng những kết thúc bi kịch của các bậc đại công thần này lại khiến cho hậu thế phần nào hiểu thêm về chốn quan trường đẫm máu của Trung Hoa xưa kia.
Sùng Trinh giết chết Viên Sùng Hoán
Viên Sùng Hoán từng đóng tại vùng Ninh Viễn ( nay thuộc Liêu Ninh, Trung Quốc). Tại đây, ông đã cùng quân binh liều mạng bảo vệ con đường trọng yếu khỏi sự tiến công của quân Thanh để Minh triều tập trung lực lượng đối phó với cuộc khởi nghĩa của Lý Đạo Thành.
Thanh quân dưới sự chỉ đạo của Nỗ Nhĩ Cáp Xích Hoàng Thái Cực đã nhiều lần thất bại nhục nhã dưới chân thành Ninh Viễn. Viên Sùng Hoán vì vậy cũng trở thành cái xương “nuốt không nổi, nhổ không ra” trong mắt Hoàng Thái Cực.
Không trừ khử được “cái gai” này trên chiến trường, Hoàng Thái Cực liền tìm cách “mượn dao giết người”.
Sau đó, Thanh quân qua Mông Cổ “mượn đường”, bí mật dẫn quân xuôi về phía Nam để tấn công Bắc Kinh. Bước đi này nằm ngoài dự đoán của Viên Sùng Hoán. Ông nhanh chóng dẫn quân trở về kinh thành, phối hợp với quân Minh đẩy lui quân của Hoàng Thái Cực.
Bắc Kinh khi ấy có nhiều lời đồn đại, một nói rằng Viên Sùng Hoàn muốn hòa với Thanh quân, một nói rằng họ Viên này tiết lộ bí mật quân sự cho quân địch để tiến quan.
Lòng nghi ngờ trong lòng Sùng Trinh Hoàng đế với vị đại thần này ngày một tăng lên, trong khi đó Hoàng Thái Cực ở bên ngoài lại cười thầm vì triều đình mắc bẫy.
Sự kiện Sùng Trinh (bên phải) giết Viên Sùng Hoán đã trở thành án oan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Đúng lúc đó, có một tên thái giám chạy từ quân trại tù binh của Thanh quân về. Kẻ này bẩm tấu rằng hắn nghe được tướng lĩnh của địch nói Viên Sùng Hoán muốn đầu hàng, còn hứa sẽ đem đầu của Sùng Trinh làm lễ vật dâng cho Hoàng Thái Cực.
Sùng Trinh nghe xong cả giận, chưa điều tra chân tướng đã tra khảo Sùng Hoán. Vị vua này phán ông tội chết, còn phát động dân chúng lăng trì Viên Sùng Hoán.
Bách tính khi ấy không hề biết sự thật, ai cũng tin vị đại thần này là kẻ phản quốc, người nào người nấy lao vào “giết sống” ông để thỏa nỗi thù hận.
Một vị công thần bị đối đãi như vậy chính là sự sỉ nhục nặng nề với những tướng sĩ trung thành với Minh triều khi đó.
Sau này, tướng Hồng Thừa Trù bị thua trận tại Sơn Tây. Đến khi bị địch bắt, ông phát hiện ra trong hàng ngũ Thanh quân có gian tế là Tổ Đại Thọ – người từng là cấp dưới của Viên Sùng Hoán.
Hồng Thừa Trù khi ấy lớn tiếng mắng chửi: “Quốc gia có làm gì phụ lòng ngươi?”
Tổ Đại Thọ lớn tiếng đáp trả: “Vậy Viên đốc soái có chỗ nào phụ lòng quốc gia?”
Hồng Thừa Trù khi đó không nói được câu nào, im lặng một lúc lâu rồi cúi đầu quy hàng.
Tống Cao Tông giết Nhạc Phi
Cái chết của Nhạc Phi khó có thể tính là oan uổng. Vì sao lại nói như vậy?
Vị danh tướng ấy có công khi một đao thảo phạt vạn quân Kim, nhưng lại sai lầm vì muốn “nghênh đón nhị đế quay về”.
Trên thực tế, Cao Tông năm đó vô cùng tín nhiệm và yêu quý Nhạc Phi. Người này bản thân không dựa vào bối cảnh, không có xuất thân làm bệ đỡ, mà nhờ tác chiến dũng mãnh nên được vua khen ngợi.
Cao Tông vốn yêu quý người tài, tận tâm bồi dưỡng, chỉ sau mấy năm đã để Nhạc Phi lên làm Đại tướng.
Khi Nhạc Phi đang ở đồn điền Tương Dương, có kẻ gièm pha với Cao Tông rằng quyền lực của họ Nhạc quá lớn, có thể tạo phản. Hoàng đế vốn không tin, còn gửi thư cho Nhạc Phi để khẳng định lòng tin của mình đối với vị danh tướng này.
Nhạc Phi khi ấy vô cùng cảm động, hồi âm lại với Hoàng đế: “Xin bệ hạ yên tâm, thần nhất định sẽ phá được Hoàng Long, nghênh đón nhị đế quay về!”
Tuy nhiên mấy lời này càng không thể làm Cao Tông "yên tâm"!
Nhạc Phi cho tới lúc chết vẫn không biết được lý do mình bị giết (Ảnh minh họa).
Nhị đế ở đây là chỉ cha con Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông. Năm xưa hai vị vua này bị quân Kim bắt đi, Cao Tông mới được lên ngôi. Nay nếu “nhị đế” trở lại, liệu vương vị của ông còn có thể ngồi vững?
Nhìn thấu nỗi lo của Cao Tông, cận thần Tần Cối khi ấy lại “đổ thêm dầu vào lửa”: “Nhạc Phi nói câu này là để khích lệ sĩ khí, vậy nhưng một bầu trời sao có thể có tới ba thái dương?”
Sau này Nhạc Phi bị vua ban án tử. Đến trước lúc chết, ông vẫn muốn Hoàng đế giải thích xem mình đã làm sai điều gì. Tống Cao Tông khi ấy chỉ nói vẻn vẹn ba chữ: “Có lẽ có!”
Đường Trang Tông giết Quách Sùng Thao
Hậu Đường Trang Tông Lý Tồn Úc là con trai của danh tướng cuối nhà Đường – Lý Khắc Dụng.
Lý Khắc Dụng sau khi qua đời để lại nhiều con nuôi, ai nấy đều có danh vọng, chiến công hiển hách.
Có người cho rằng Lý Tồn Úc không thể khống chế được những người này, liền khuyên ông trừ khử để bớt hậu họa. Tồn Úc khi đó không đồng ý. Ông hiểu rằng muốn áp chế những vị huynh đệ này, phải vừa khiến họ sợ, vừa khiến họ nể mình.
Vì vậy, ông đặc biệt tuyển chọn ra 100 kỵ binh tinh nhuệ được trang bị ngựa chiến, gọi là “ngân thương giáo tiết đốc”. Mỗi khi rảnh rỗi, Trang Tông Lý Tồn Úc thường dẫn đội quân này gặp mặt các huynh đệ có ý chống đối.
Sau đó ông ở trước mặt họ tỷ thí với đội quân của chính mình. Chứng kiến Hoàng đế uy dũng hơn người, các huynh đệ này vừa sợ, vừa bội phục.
Sau này, Lý Hoàn Chú từng đề bạt cho Trang Tông một nhân tài trẻ tuổi giỏi giang, tên gọi Quách Sùng Thao. Khi họ Quách này mới được tiến cử, mọi người tỏ ý không phục. Sau này Sùng Thao lần lượt lập công lớn, triều thần còn coi ông là nhân tài mới của nhà Đường.
Sau khi nhà Hậu Đường được thành lập, Đường Trang Tông bắt đầu sa vào hưởng thụ. Triều đình may mắn có Quách Sùng Thao tận lực chống đỡ nên đại cục nhìn chung vẫn ổn định.
Sau này Trang Tông hạ lệnh cho Quách Sùng Thao mang theo Thái tử đi thảo phạt Tứ Xuyên. Trên đường đi, Sùng Thao dùng tài trí và mưu lược nhanh chóng bình định nơi này, lại hết lòng dìu dắt Thái tử.
Tuy nhiên vị Thái tử này khi đó mới 11 tuổi, bị Sùng Thao dạy dỗ hết lần này đến lần khác liền sinh lòng chán ghét, sau đó bị thủ hạ xúi giục trừ khử vị công thần này.
Kết quả là Thái tử và thủ hạ liên thủ, lừa Sùng Thao tới phòng để “nghị sự”. Sùng Thao khi đó bước tới cửa, vừa quỳ xuống bái kiến đã bị thủ hạ đập chùy vào đầu, chết ngay tại chỗ.
Chốn quan trường hiểm ác và sự hồ đồ của Hoàng đế đương triều đã đẩy Quách Sùng Thao tới cái chết đầy oan khuất. (Ảnh minh họa).
Thái tử và thủ hạ viết thư về cho Trang Tông, đổ tội cho Quách Sùng Thao mưu phản. Hoàng đế lúc đầu không tin, nhưng cũng không thể bức bách con mình, đành phải “thuận theo thời thế” mà cho qua vụ việc.
Cái chết của vị đại thần này đã tạo nên một chấn động lớn trong triều đình khi đó. Bá quan từ đó mới thấy rõ sự hồ đồ của Hoàng đế. Các huynh đệ năm xưa Trang Tông thu phục nay lại rục rịch khởi binh.
Thái tử sau đó không có sự phụ tá của Quách Sùng thao, liền bị đánh bật khỏi Tứ Xuyên, chật vật chạy về kinh thành. Trang Tông biết Quách bị oan uổng, vô cùng hối hận, nhưng sự tình đã muộn.
Sau đó, anh của Trang Tông là Lý Tự Nguyên khởi binh tạo phản, đánh chiếm hoàng cung.
Dương Quảng giết Cao Dĩnh
Khi Tùy Văn Đế còn tại vị, quan Tư Đồ Cao Dĩnh là người được trọng vọng hơn cả. Cao Dĩnh văn võ song toàn, theo Văn Đế từ lúc còn trẻ, nhiều lần đề ra cao kiến nên trở thành cánh tay đắc lực giúp vua bình định thiên hạ.
Cao Dĩnh đức cao vọng trọng, được bách tính ca ngợi, cũng được các Hoàng tử tôn kính.
Sau khi Văn Đế qua đời, Dương Quảng vừa kế vị đã ra sức chà đạp đế nghiệp. Cao Dĩnh khi đó hết lòng khuyên can tân đế. Dương Quảng lúc đầu còn e ngại, nhưng trong lòng ôm hận, quyết tâm trừ khử Dĩnh.
Dưới quyền của Quảng khi đó có Dương Tố và Vũ Văn Hóa Cập. Hai người này cũng rất hận Cao Dĩnh, cho rằng Dĩnh không cho họ tiếp cận Hoàng đế, cản trở tiền đồ của mình.
Từ đó, hai kẻ này bắt đầu ngụy tạo chứng cố, mưu hại Cao Dĩnh. Dương Quảng sau đó xử Dĩnh tội chết.
Vì muốn tự do làm càn, Dương Quảng đã thản nhiên để gian thần vu oan cho Cao Dĩnh (Ảnh minh họa).
Sau khi vị đại thần này qua đời, quả nhiên Dương Quảng ra sức làm càn, Dương Tố và Vũ Văn Hóa Cập cũng thừa cơ hoành hành trong triều.
Tuy nhiên Quảng vốn là kẻ đa nghi, bản tính thất thường, ít khi tin dùng người nào.
Một lần Dương Tố bị bệnh nặng, người nhà khuyên đi gặp đại phu, hắn mới thều thào đáp: “Ta chết bây giờ thì các người được ban thưởng, ngược lại cố sống dễ có ngày cả gia tộc bị tru di”.
Tố vì có bệnh không dám khám mà qua đời, thiên hạ đều cho rằng đây là báo ứng cho kẻ năm xưa vu oan Cao Dĩnh.
Tống Văn Đế giết Đàn Đạo Tế
Nam triều dưới thời của nhà Lưu Tống bắt đầu hung khởi, phía Bắc từng đánh tới Sơn Đông, Hà Bắc, phía Nam đánh hạ khu Quan Trung, chỉ thiếu chút nữa đã thống nhất thiên hạ.
Thành quả này phải kể tới công lớn của hai vị đại tướng khi đó là Vương Trấn Ác và Đàn Đạo Tế. Tuy nhiên kết cục của cả hai danh tướng này lại khiến hậu thể không khỏi đau xót, đặc biệt là Đàn Đạo Tế.
Đạo Tế là người ít nói, nhưng dũng mãnh phi thường, võ nghệ siêu quần, cũng là vị tướng Nam triều khiến Bắc Ngụy kiêng dè hơn cả.
Lưu Dụ khi còn sống rất coi trọng ông, trước khi qua đời còn căn dặn Đạo Tế phò tá con mình.
Sau này Lưu Nghĩa Long lên ngôi, sử gọi là Văn Đế. Khách quan mà nói, Văn Đế không phải là người hồ đồ, có tài trị nước, việc quốc gia đều điều hành rất tốt.
Đánh tiếc vì Hoàng đế này lại có phần kiêng dè trước Đàn Đạo Tế, khiến cho kẻ tiểu nhân có cơ hội gièm pha công thần.
Văn Đế sau đó vì tin những lời gièm pha này, hạ lệnh cho Đàn Đạo Tế tự sát. Chiếu chỉ đến nơi, Đạo Tế tức giận đến nỗi bẻ gãy cung trong tay mình, lớn tiếng mắng: "Đó là tự hoại Vạn Lý Trường Thành của các ngươi vậy!”
Cái chết của Đàn Đạo Tế khiến Nam triều chẳng khác nào "hủy đi Vạn Lý Trường Thành" của chính mình! (Ảnh minh họa).
Sau khi Đàn Đạo Tế chết, Bắc Ngụy ngày càng lớn mạng, không ngừng xâm phạm đến ranh giới với Nam triều. Có lần Ngụy quân đánh đến Trường Giang, Văn Đế phải trốn lên núi phía bắc Trấn Giang để cố thủ.
Từ trên núi nhìn xuống quân địch phía dưới, Văn Đế mới run rẩy mà nói: “Nếu Đàn Đạo Tế còn sống, tuyệt đối sẽ không để cho bọn Ngụy quân này lộng hành như vậy!”
Tư Mã Chiêu giết Đặng Ngải
Tư Mã Chiêu được đánh giá là một trong những nhân vật âm mưu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Kẻ này từng xúi giục Thành Tể hành thích vua, sau lại tự tay trừ khử người này với lý do “báo thù cho Hoàng đế”.
Dưới quyền Tư Mã Chiêu khi xưa có Đặng Ngải và Chung Hội. Chiêu hạ lệnh cho hai người này đi thảo phạt Thục Hán.
Trước khi đi, Chung Dũ (anh trai của Chung Hội) có nói với Tư Mã Chiêu: “Em trai thần không biết nông sâu, vẫn tự coi mình là kỳ tài trong thiên hạ, chỉ sợ nó dẫn binh sẽ gây ra sai lầm.”
Tư Mã Chiêu một mặt nói không sao, nhưng mặt khác lại lên kế hoạch trừ khử Chung Hội.
Sau đó, Chung Hội lại đố kỵ với công lao của Đặng Ngãi, liền vu oan rằng Ngãi muốn tạo phản, xin Tư Mã Chiêu cho quyền “đánh dẹp Đặng”.
Tư Mã Chiêu bề ngoài đồng ý, hạ lệnh cho Chung Hội hỏa tốc tiến công vào Thành Đô, nhưng sau đó lại sai Vệ Quán lẻn vào trong quân đội, còn cho binh lính tiến nhập Hán Trung, chặt đứt đường lui của Hội.
Một công thần trung với nước như Đặng Ngải lại bị Tư Mã Chiêu biến thành một quân cờ để kéo dài thời gian, trừ khử Chung Hội.
Một đại danh tướng chết vì lý do như vậy, khiến cho hậu thế không khỏi tiếc hận.
Sau này có vị đại thần viết tấu chương kêu oan cho Đặng Ngải. Tư Mã Viêm khi ấy biết Tư Mã Chiêu năm xưa lợi dụng vị đại tướng này, liền khôi phục danh dự cho Ngải.
Tuy nhiên hậu thế đều hiểu người đã chết rồi, việc “vuốt đuôi” này chẳng qua chỉ để xoa dịu lòng dân mà thôi!
Hán Cảnh Đế giết Triều Thác
Cái chết của Triều Thác có nguyên nhân trực tiếp do “Loạn bảy nước” gây nên, nhưng nguyên nhân sâu xa lại là do “không vừa mắt” Hoàng đế.
Khi mới lên ngôi, Hán Cao Tổ Lưu Bang cho rằng Tần triều sở dĩ diệt vong là bởi các quận huyện địa phương không có lực lượng ứng phó với quân tạo phản, nên mới học theo nhà Chu, phân phong đất cho các phiên vương.
Tuy nhiên sau này, các vương có quyền lực ngày càng lớn. Tới thời của Cảnh Đế, có vương còn tự đúc tiền lưu thông, tình thế ngày càng khó kiểm sóat.
Cảnh Đế muốn tìm phương án giải quyết, Triều Thác lại đưa ra chủ ý tước phiên (thu hồi lại đất phong). Hai người phối hợp vô cùng ăn ý.
Các phiên vương khi ấy đương nhiên không đồng ý, đứng lên tạo phản, sử cũ gọi là “loạn bảy nước.”
Các vương này sau đó buộc Cảnh Đế phải giết Triều Thác – người đưa ra ý định tước phiên.
Hoàng đế lúc đầu còn đắn đo, nhưng Triều Thác sau đó lại tự đẩy mình vào cửa tử.
Thác vốn là người ngay thẳng, cả đời đắc tội với nhiều người, trong triều vốn không hợp với các đại thần, đặc biệt là Viên Ang. Họ Viên nhân cơ hội các vương gây sức ép, xúi giục Cảnh Đế giết Thác.
Khi các chư hầu tạo phản, Triều Thác cầm quân nhưng lại không đưa ra biện pháp ứng phó, một mặt đã khiến Hán Cảnh Đế tức giận. Sau đó, Thác lại đưa ra kiến nghị để Hoàng đế thân chinh xuất trận, còn mình thì cố thủ tại Trường An.
Ai cũng biết ra chiến trận là nguy hiểm, cố thủ tại bản doanh ắt an toàn. Hành động này của Triều Thác chẳng khác nào dâng đầu mình cho Cảnh Đế.
Các triều thần khi đó vốn không ưa Thác, lại hiểu tâm tư Hoàng đế, liền liên thủ lừa Thác vào triều. Triều Thác sau đó bị Hán Cảnh Đế chém một đao ngang lưng, chết ngay trên điện.
Lữ hậu giết Hàn Tín
Hàn Tín là một người thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Năm xưa khi Tín bị cách chức, có lần cùng Lưu Bang nói chuyện phiếm, Lưu Bang vì muốn thử lòng nên đã hỏi:
“Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?
Hàn Tín nói:
“Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn.”
Lưu Bang lại hỏi:
“Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu?”
Hán Tín trả lời:
“Thần thì càng nhiều càng tốt.”
Lưu Bang cười nói:
“Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt?”
Hán Tín đáp:
“Bệ hạ không có tài cầm quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.”
Hàn Tín một đời anh hùng nhưng lại chết vì trở thành "cái gai" trong mắt Hoàng đế. (Ảnh minh họa).
Lưu Bang cho rằng đây chỉ là trả lời lấy lệ, trong lòng cũng không mấy vui vẻ. Sau này, Tín bị Lữ hậu lừa vào cung giết chết, Lưu Bang lúc đó vô cùng vui vẻ, còn nhiều lần hỏi Lữ hậu “Giết? Thực sự giết rồi?” (sử có ghi Cao Tổ vừa hối hận vừa vui vẻ).
Sau đó, phu thê hai người lừa dối văn võ bá quan, đổ cho Hàn Tín có ý đồ liên thủ cùng Trần Hi tạo phản. Thực chất, lý do này đến chính Lưu Bang cũng không tin, chẳng qua là mượn tạm một lý lẽ để trừ khử kẻ làm mình chướng mắt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời
Bài toán hóc búa của thầy giáo Việt Nam trong đề thi Olympic: Độ khó khiến nhiều nước muốn loại bỏ