Khám phá

Rợn người khi nghe kể chuyện bị trừng phạt vì làm vỡ ché cổ linh thiêng

Với người Xê Đăng nơi núi rừng Kon Tum, việc giữ gìn chiêng ché là một công việc thiêng liêng còn hơn cả gìn giữ mạng sống và tài sản của mình, bởi đó là linh hồn của núi của làng, bổn mạng của người chết lẫn người sống. Nhiều câu chuyện về phá chiêng ché cổ bị thần linh trùng phạt được kể lại khiến câu chuyện đêm miền rừng càng thêm huyễn hoặc.

18 phương pháp tra tấn rợn người thời cổ xưa / Phát hiện rợn người trong bụng cá sấu

Linh hồn của làng

Những chiếc ché mà như già làng A Pel bảo đã có tuổi vài trăm năm, và là độc bản nơi này. Lim dim đôi mắt đã già nua, già A Pel thủ thỉ: “Với người Xê Đăng thì chiêng ché còn thiêng liêng, còn quý giá hơn bất cứ tài sản nào, hơn cả trâu bò, hơn cả nhà giữ lúa, hơn cả sinh mạng mình. Nó là linh hồn của núi, bổn mạng của người chết lẫn người sống mà bất kỳ ai cũng phải gìn giữ. Làm sao cho phép làm mất đi được!”. Già A Pel cũng kể, từ khi lập làng đến giờ đã mấy trăm năm, biết bao lần lái buôn vạch rừng, vượt mây mù suối sâu tìm đến nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu rồi về không. Từ những chiếc ché đã toát lên một vẻ linh thiêng huyền bí nào đó. Dường như đã là một hương ước không thành văn, cùng những câu chuyện ma mị về chiêng ché truyền từ đời trước đến đời sau, mãi không phai trong tâm trí đời người.

Già A Pel còn nhớ rất rõ ngày ấy, khi ông nội của già đứng đầu làng này, đã không biết bao lần cùng người làng ngày ngày tự mày mò đúc ché, làm chiêng. Tất cả đều làm bằng tay, khắc tranh thủy mặc, vẽ rồng. Một điều đặc biệt là các hoa văn trên những chiếc ché không bao giờ nổi mà chìm vào bên trong. Càng để lâu, nước màu càng sáng bóng. Gõ lên nghe những tiếng coong coong vọng như tiếng chuông chùa giữa đại ngàn. Để gọi linh hồn của ché về ngự trị, người làm ra chiếc ché sẽ dùng dao, cắt một ít máu của mình ở tay hòa chung với rượu và tắm rửa sạch sẽ cho ché. Thời gian làm một chiếc ché phải mất mấy tháng mới xong, sau đó cả làng bắt đầu làm lễ cúng chiếc ché. Trai bản vào rừng, săn lùng mãnh thú mang về, cắt máu vào từng chiếc bát cổ. Ché được đặt giữa nhà Rông, già làng bắt đầu cúng. Thần linh nghe lời khẩn cầu của dân làng, thông qua những bát máu và xác mãnh thú nóng hôi hổi bắt đầu nhập vào. Nếu không, đó cũng chỉ là một vật vô tri mà thôi. Già A Pel cũng kể những kỷ niệm của đời mình liên quan tới 2 chiếc ché cổ này, già bảo trong chiến tranh loạn lạc, bom đạn ầm ĩ nên người làng chạy tan tác cả, già cũng chạy nhưng trên vai không phải là thóc lúa, là quần áo như mọi người, mà là 2 chiếc ché gia tộc để lại. Có lần chạy loạn sang phía bên kia biên giới với Lào, già vô tình làm rơi một chiếc ché xuống suối, nhưng kỳ lạ thay chiếc ché dù va đập vào đá cuội mà cũng không hề sứt sát hay nứt vỡ, bởi theo già bảo thì linh hồn của ché đã bảo vệ ché và bảo vệ mọi người không bị mất mạng bởi bom đạn và thú dữ trong lúc loạn ly ấy.


Già A Pel bên chiếc ché cổ gần 150 tuổi của mình

Sau đó một thời gian làng rời về chốn cũ. Già A Pel cùng người làng làm một lễ tạ ơn thần ché. Kỳ lạ thay, năm sau đó làng được mùa, cả làng Xốp như sống trong lễ hội triền miên. Mấy năm sau, ngày thống nhất cũng là ngày dời làng, già Pel cũng chỉ mang theo hai chiếc ché và một vài vật dụng. Nhưng đáng tiếc rằng trong một lần đi qua núi, già làm rơi một chiếc ché xuống vực sâu không tìm thấy nữa. Bây giờ già chỉ còn một chiếc ché cổ, và nhiều những chiếc ché với tuổi đời vài chục năm nữa. “Bây giờ không ai làm ché nữa, toàn bộ chiêng ché ở làng đều có từ xa xưa, nhưng cứ đến mùa mưa, người làng lại làm lễ cúng, giết một con thú, dâng máu cho Giàng và cầu mong sự chở che của thần linh!”, già A Pel thủ thỉ.

Thần ché và những chuyện trừng phạt rùng rợn

Nhưng những câu chuyện mà già A Pel kể về sự trừng phạt của thần ché mới ly kỳ, khiến những người vốn tò mò với những chuyện huyễn hoặc cũng phải rùng mình, sởn gai ốc vì sự rùng rợn và cả sự thần bí khó lý giải. Già A Pel kể, ngày ấy khi già mới hơn mười tuổi, trong làng đã xảy ra một thảm kịch vì sự trừng phạt của thần ché.

Lần ấy, một nghệ nhân sau khi làm ché xong đã phủ lá chuối lên để bảo vệ và lấy linh khí cho ché, chờ đến ngày làm lễ cúng ché. Nhưng chẳng hiểu sao đêm ấy có một thanh niên trong làng đến gần nơi làm ché rồi tiểu tiện tại đó. Và rồi thảm kịch bắt đầu xảy ra. Chàng trai đó vốn là niềm tự hào của làng bởi đã không biết bao lần vào rừng săn mãnh thú, mang thức ăn về cho cả làng. Những lúc gần sáng, nếu trước cửa nhà của cô gái nào nghe tiếng hú của anh ta và những chiếc đầu mãnh thú để ở bậu cửa, đó là một niềm hạnh phúc. Nhưng rồi thảm kịch xảy ra bởi sự giận dữ của thần linh.

Mặc dù sau đó cả làng đã làm lễ cúng thần ché rất linh đình, nhưng suốt cả năm đó, trời mưa dầm dề quanh năm suốt tháng, xen vào là những cơn mưa như thác đổ đại ngàn khiến Trường Sơn trở nên u tịch. Người làng thì ngày ngày bó gối vì không dám đi kiếm ăn, còn chàng trai vẫn quyết vào rừng để săn thú vì cái đói đã đe dọa cả làng. Và một buổi chiều sau nhiều ngày không thấy chàng trai ấy về, người làng đội mưa đi tìm và phát hiện xác chàng trai ở bìa rừng gần làng, mất đầu, máu ri rỉ chảy. “Thần ché trút giận rồi!”, người làng thảng thốt nhìn nhau đầy sợ hãi. Bởi từ trước đến nay người làng chưa bao giờ phải chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng đến như thế. Và rồi cứ như một đại họa lây lan, mấy năm sau đó, cứ đến mùa mưa là lại thêm một chàng trai khỏe mạnh ra đi, vẫn là những cái chết thương tâm rùng rợn, đầu mất, ri rỉ máu chảy không ngừng trên thi thể người xấu số. Cha của già A Pel đã phải họp tất cả người già trong làng lại, rồi cùng người làng lập một lễ cúng thật lớn để cầu xin thần linh đừng giáng họa xuống nữa. Đúng buổi sáng, người làng giết một con lợn rừng. A Zèng giải thích, phải lọc toàn bộ lòng, tim gan để mãnh thú được sạch sẽ thơm tho. Sau khi cắt đầu, mãnh thú được dâng lên Yàng. Sau khi mổ bụng con lợn thì bắt đầu quy trình khép kín ở nhà Rông, người ngoài không được phép tham gia. “Đại họa ấy khiến 5 người thanh niên mất mạng, mùa màng không thu hái được gì. Người làng phải làm lễ cúng to, diễn ra trong bốn ngày đêm liên tục, và lễ vật là 5 chiếc đầu mãnh thú thay cho 5 trai tráng đã mất thì thần mới nguôi giận. Sau đó làng không còn ai bị chết như thế nữa, lúa trồng cũng thu được nhiều hơn, nhưng người làng sợ hãi lắm sự trừng phạt của thần linh như thế nên không ai dám làm điều gì xúc phạm đến thần nữa!”, già A Pel mơ hồ nói khi nhìn ra bên ngoài đám rừng tối âm u trong đêm.

Ngồi bên chiếc ché, già A Pel thầm thì như nói với ché: “Có những thứ quý hơn tiền, đó là niềm tin tuyệt đối vào những vật tưởng chừng vô tri, bởi chiêng ché có linh hồn, có thần linh trú ngụ. Người Xê Đăng vốn hiền hòa, sống dựa vào rừng núi linh thiêng nên sẽ không bao giờ phản bội thần, niềm tin này truyền đời mãi mãi, cho con cháu đến nghìn đời như đời ông đã truyền lại cho cha mình, đời cha mình truyền lại cho mình, mình truyền lại cho con mình như thế!”. Tôi hỏi chuyện những chiếc ché mới của làng bây giờ còn Linh hồn nữa không. Già A Pel nhíu mày rồi gật đầu chắc nịch: “Có chứ! Thần ché không bao giờ đi đâu cả. Thần ngụ trong ché để mang lại yên bình và cuộc sống cho dân làng. Ai làm điều gì xấu đều bị trừng phạt cả!”. Rồi già Pel kể cho tôi nghe chuyện mới đây thần ché trừng phạt người làng bên như thế nào.

 

Đó là chuyện về một tay buôn cổ vật người Kinh tên Tuân, Tuân là người thường lục sục khắp các bản làng trong núi cao, nơi ít người lui tới để tìm chiêng ché cổ. Nhưng anh mua để trưng trong nhà chứ không bán cho bất cứ ai. Gia tài của anh lên đến vài tỷ đồng vì có những chiếc ché ba trăm năm tuổi, những chiếc ché thiêng liêng đối với người Xê Đăng. Hơn mười năm trước, trong một lần vượt sông sâu núi cao đến tận Ngọc Linh tìm một chiếc ché, anh mang về nhà nhưng vì nhà chật không có chỗ để nên anh để tạm dưới đất. Nào ngờ gần chỗ đặt ché ấy có một con thú nhỏ bị chết mà anh không biết. Đến khi con thú bốc mùi anh mới tá hỏa đưa ché lên cao thì không còn kịp nữa. Anh đã bị thần ché trừng phạt. Ban đầu là những giấc ngủ toàn gặp ác mộng của anh. Những ác mộng như đã từng xảy ra từ lâu lắm rồi, là những cảnh săn máu thảm khốc, là những trận lũ cuốn trôi bản làng... khiến anh hoảng hốt không thể chợp mắt nhiều đêm liền. Sau đó là những trận ốm triền miên hết ngày này qua ngày khác, bao nhiêu thuốc thang cũng không khỏi được. Mùa màng trồng ra bao nhiêu cũng đều thất bát. Hàng chục con trâu, con bò và heo trong nhà anh cứ lần lượt lăn đùng ra chết mà không biết nguyên nhân gì.

Quá hoảng sợ, nhưng vì đau ốm nên anh đành phải nhờ người thân lặn lội lên lại làng nơi anh đưa ché đi. Người làng đó đã cho biết rằng chiếc ché anh đưa về là ché thần, phải gìn giữ và trân trọng nếu không sẽ gặp tai ương. Người nhà anh đã thật thà kể lại chuyện anh để ché dưới đất nên đang bị thần linh trừng phạt. Già làng đã phải lặn lội đến nhà anh, làm một lễ cúng thật to, sau đó anh đã phải đập nhà cũ làm nhà mới, dành nguyên một phòng để chiêng ché, hạn nặng mới qua khỏi. Chưa hết, anh phải thuê thợ may làm một bộ áo dài thật đẹp, cứ mỗi sáng thức dậy anh lại mặc vào, xức dầu thơm cẩn thận rồi đến lau từng chiếc ché, giữ chúng còn hơn tính mạng mình. Chính nhờ thế, mấy năm trở lại đây gia đình anh sống rất thanh thản, con cái học hành ngày càng tiến bộ, trâu bò ngày càng sinh sôi nhiều. Già A Pel bảo anh ta bị thần linh trừng phạt một lần nên rất sợ, không bao giờ anh bán những chiêng ché đưa về được nữa. Anh còn chia sẻ mơ ước của anh là làm một bảo tàng chiêng ché cho người Xê Đăng, đó là linh hồn của rừng núi. Là thứ hiển hiện thường ngày trong nhà, trong sinh hoạt, nếp nghĩ của người Xê Đăng bao đời qua.

Đó là chuyện bị trừng phạt mọi người đều thấy được, còn những chuyện người làng lỡ làm phạm đến thần linh những chưa bị trừng phạt, thì họ sống trong nỗi lo sợ nơm nớp của mình. Đó là trường hợp của Đinh Đơn, ở làng Đắc Tế. Sau nhiều tháng xảy ra sự việc, nhưng người làng vẫn cứ nơm nớp lo sợ đến một ngày thần linh sẽ trút cơn giận xuống dân làng, xuống đầu Đinh Đơn và gia đình vì dám xúc phạm thần linh. Hồi ấy khi anh trai cưới vợ, Đơn đến nhà lấy ché cổ trăm năm vì theo tục lệ của người Xê Đăng, khi nhà trai cưới nhà gái thì có quyền lấy bất cứ vật gì của nhà gái. Nhưng đó là chiếc ché cổ mà gia đình nhà gái đã gìn giữ rất lâu nên không muốn cho đi, anh trai và chị dâu của Đơn cũng biết điều đó nên không chịu. Trong cơn tức giận Đơn đã đập phá chiếc ché tan tành, sau đó Đơn bị bắt vì tội hủy hoại tài sản và phải đi tù. Đơn ân hận: “Nhà nước phạt 15 tháng tù, nhưng nỗi sợ thần linh chính là hình phạt lớn nhất của mình. Bây giờ, mình vẫn lo thon thót chỉ sợ một lúc nào đó thần linh sẽ trừng phạt mình, vì mình đã dám xúc phạm đến thần linh!”. Cũng kể từ khi được trở về làng sau khi vào trại cải tạo, Đơn đã thay đổi hẳn tính tình, luôn hoà nhã với mọi người trong làng, luôn vui vẻ với anh chị mình và cố gắng làm lụng để có thể để dành tiền mua lại chiếc ché cho gia đình nhà gái anh đã đập vỡ ngày trước. Đơn tâm sự: “Mình đang cố gắng làm thật nhiều việc tốt để cầu xin sự tha thứ của thần linh. Có lẽ thấy mình làm việc tốt nên thần linh nguôi giận không quở trách mình nữa!”

Tôi hỏi già Pel rằng còn bao nhiêu chiếc ché cổ như thế được giữ trong làng này, và ở những làng khác mà già biết. Già A Pel lắc đầu, trầm ngâm: “Sao đếm hết được. Chỉ biết rằng chắc chắn trong mỗi làng, trong mỗi lòng người Xê Đăng đều có một chiếc ché cổ, bởi đó là linh hồn của làng, linh hồn của đời sống người dân nơi đây mà. Ai lại đong đếm được sự linh thiêng của mình bao giờ!”. Nghe già nói, tôi hiểu với mỗi người Xê Đăng, lúc nào trong lòng họ cũng là một điều thiêng liêng giành cho ché cổ, một vật dụng vốn quen thuộc mà đầy bí ẩn với sức mạnh vô hình chứa đựng bên trong.

Sáng sớm hôm sau, tôi về lại đồng bằng, ngang qua những ngôi làng vắt trên đỉnh núi mù sương của đại ngàn hùng vĩ, nơi đó có những đôi mắt già nua nhìn chúng tôi như khẳng định, rằng ở thế giới này vẫn còn những pho truyện về rừng núi âm u, về đại ngàn Trường Sơn thăm thẳm đầy huyễn hoặc và linh thiêng.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm