Cho đến tận ngày hôm nay, những bí ẩn về hồ xương người Skeleton Lake vẫn khiến nhiều người không khỏi rùng mình và ám ảnh.
Hồ xương người Skeleton Lake hay còn gọi là hồ đầu lâu, thực chất có tên chính thức là hồ Roopkund, nằm ở độ cao hơn 5.000 mét so với mực nước biển trên đỉnh Himalaya, thuộc phần lãnh thổ của đất nước Ấn Độ. Phần lớn thời gian trong năm, hồ xương người bị bao phủ trong băng tuyết giá lạnh, chỉ đến độ xuân về, băng tan ra mới làm lộ hàng trăm bộ xương người ẩn trong lòng hồ.
Hồ Roopkund bắt đầu được gọi là hồ xương người vào năm 1942, khi một nhân viên kiểm lâm miền Bắc Ấn Độ giật mình khi phát hiện một vật lạ trong hồ có hình dáng giống như đầu lâu người. Tới gần kiểm tra, người kiểm lâm này sửng sốt khi phát hiện thêm 200 bộ xương người gần như hoàn chỉnh bị chôn dưới lòng hồ.
Sau đó, người ta bắt đầu mở cuộc tìm kiếm chính thức và phát hiện ra rằng có tới hơn 800 bộ xương người với nhiều kích cỡ khác nhau trong lòng hồ Roopkund. Các nhà khoa học ngay lập tức bắt đầu suy đoán. Lý thuyết giải thích được chấp nhận, phổ biến rộng rãi nhất là đây là những bộ xương của binh lính Nhật, họ đã chết trong khi cố gắng qua dãy núi để thâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ.
Tuy vậy, để phòng ngừa sai sót, các nhà khoa học vẫn tiến hành kiểm tra, phân tích cấu trúc những bộ xương được tìm thấy và kết quả lại mang đến một bất ngờ khác, những bộ xương này không phải xương của những người lính Nhật.
Những nghiên cứu một lần nữa rơi vào bế tắc. Các nhà khoa học không thể lý giải nguyên nhân cái chết cũng như những bộ xương này là của ai mặc dù không khí lạnh, khô ở vùng núi cao bảo quản rất tốt những bộ xương còn sót lại cả tóc, thậm chí cả thịt.
Sự thật khủng khiếp về hồ xương được hé lộ vào năm 2014, khi các nhà khoa học cho biết những bộ xương này có niên đại vào khoảng năm 850 trước công nguyên, có hai nhóm người khác nhau bị giết ở đây. Một nhóm có khung xương vạm vỡ, cường tráng không phải người bản địa, nhóm khác có hệ xương nhỏ hơn, ngắn hơn, được cho là cư dân quanh vùng làm hướng dẫn, khuôn vác cho nhóm trước, dẫn họ qua các dãy núi.
Những bộ xương này đều có vết thương chí mạng ở đầu và vai. Người ta giả định rằng họ chết do tác động của vũ khí nhưng khả năng này đã bị loại trừ do các vết nứt trong hộp sọ quá ngắn và sâu. Các nhà khoa học kết luận rằng những người đã chết bị giết bởi một vật tròn, giống như các hòn đá từ trên trời rơi xuống.
Kết luận này trùng khớp với một bài hát dân gian của những cư dân ở Himalaya, nội dung của bài hát nói về truyền thuyết vua nước Kannaji cùng Hoàng hậu, con cái và cận thần của mình kéo nhau lên núi Himalaya để mở tiệc ăn chơi, hưởng lạc, xúc phạm đến chốn linh thiêng của nữ thần Nandadevi. Quá tức giận, nữ thần Nandadevi đã tạo ra một trận mưa đá cực lớn, giết chết tất cả những người tham gia bữa tiệc vào bữa tiệc ô uế và chôn vùi họ trong hồ Roopkund.
Tuy đã được các nhà khoa học lý giải những bí ẩn nhưng hồ xương người vẫn là một điểm du lịch cực kỳ hút khách, chỉ xuất hiện vào mùa xuân. Hằng năm vẫn có rất nhiều người mạo hiểm tới đây để chiêm ngưỡng hồ xương người bí ẩn, có một không hai trên thế giới này. Đồng thời, họ cũng không quên cầu nguyện cho linh hồn những người đã chết được siêu thoát.
Hình ảnh rùng rợn về những bộ xương người được tìm thấy dưới lòng hồ Roopkund.
Những bộ xương còn đầy đủ bộ phận và được bảo quản rất tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Theo Đinh Ngân/Kiến thức
Theo Đinh Ngân/Kiến thức