Gần 100 năm trước, Sài Gòn là niềm hy vọng của nhiều người cùng quẫn. Ở đó sẵn công ăn việc làm, người thợ được ấm no nên họ tập trung về nơi được mệnh danh “túi bạc”.
Sài Gòn là nơi mà người dân, thợ thuyền đổ về với niềm hy vọng tìm được no ấm, bởi họ quan niệm Sài Gòn là “túi bạc”. Điều này được phản ánh trong cuốn sách Túi bạc Sài Gòn xuất bản năm 1941 của nhà báo Vũ Xuân Tự (sách viết về đời sống xã hội thành phố này trước 1945).
Các thông tin trong sách mới được Phạm Công Luận dẫn lại trong cuốn Những bức tranh phù thế, với bài viết Ngày Tết nghĩ về túi bạc Sài Gòn.
Cuốn sách của Vũ Xuân Tự lấy bối cảnh thập niên 1930. Chiều chiều, những thanh niên chân ướt chân ráo từ miền Bắc, miền Trung vào Sài Gòn. Chưa kiếm được việc làm, thỉnh thoảng, các anh ra đứng hóng gió trên bến Nhà Rồng, bên Lăng-tô (tên người Pháp gọi vùng Khánh Hội).
Trong lúc tha thẩn, có thể sẽ xuất hiện một người cai rủ đi làm trên tàu. “Nếu anh từ chối vì không có sổ bìa xanh, người cai sẽ năn nỉ mời anh ta cứ đi cho ‘đủ đầu người’, chuyến sau sẽ lấy sổ cho”, sách Những bức tranh phù thế dẫn lại.
Trong lúc không có công ăn việc làm, mà tự nhiên được người ta năn nỉ mời đi làm, đủ thấy nơi đây trở thành niềm hy vọng của dân nghèo khắp nơi ra sao. Hồi ấy, các chủ xưởng ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn phải nhờ người tìm thợ ở Bắc đưa vào làm. Thậm chí, giữa các tiệm còn giành giật thợ của nhau. Thợ vào, các ông chủ sẽ thân chinh mang xe đi đón.
Trong nghề làm thuê làm mướn hồi đó, thợ thuyền được biệt đãi vì thợ ở Sài Gòn hiếm. Nghề phu xe kéo, cơ cực ở nhiều nơi, thì ở Sài Gòn họ kiếm ăn phát đạt. Đặc biệt mỗi lần có tàu ngoại quốc đến cảng, phu xe sẽ no đủ, bởi những người thủy thủ khi ghé Sài Gòn sẽ trả công phu xe hậu hĩnh, còn cho thêm họ tiền.
Bởi vậy, người xưa có câu ca dao:
Sài Gòn dễ ở khó về
Giai đi có vợ gái về có con.
Câu ca dao được nhà báo Vũ Xuân Tự diễn giải rằng có nhiều người mưu sinh lâu năm ở Sài Gòn, đã quen thở không khí Sài Gòn, nó dễ chịu hơn, sự mưu sinh thích hợp với cảnh ngộ hơn. Nên ai nghèo đói, thất nghiệp, sẽ cảm thấy khó rời xa nơi này.
Người xưa cũng có hai nỗi lo lớn nhất là đói và rét. Trong khi đó, ở Sài Gòn, người ta không phải chịu rét, chỉ còn nỗi lo đói nữa, còn ăn thì việc làm đã sẵn.
Ở Sài Gòn, cái ăn uống rất dễ dàng, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, hoàn toàn theo ý muốn và túi tiền. Còn ăn mặc thì người thành phố này cũng xuề xòa, họ quan niệm “chiếc áo không làm nên thầy tu”.
Sài Gòn hồi đó đắt về nhân công, trong khi giá cả lại rẻ hơn nhiều nơi khác. Tác giả Những bức tranh phù thế lấy ví dụ giá gạo thì thấp hơn ở Hà Nội, nhưng khi nấu gạo thành cơm, thì cơm lại đắt hơn cơm Hà Nội. Đó là điều kiện khuyến khích làm việc, khiến người ta ý thức công lao động là giá trị.
Người ở đó nhận ra trí tuệ làm ra tiền, và sức lực cũng làm ra tiền. Nên ai muốn có nhiều tiền hơn đều lo rèn luyện tay nghề, hoặc học hành để có chuyên môn cao.
Ở đó người ta làm ra tiền dễ dàng, nên tiêu tiền cũng rộng rãi hơn. Đó là cách chừa lại cho những người nhập cư kiếm đồng tiền buổi mới đến Sài Gòn hãy còn gay go, chật vật.
Tìm về chuyện xưa, nhà báo Phạm Công Luận muốn liên hệ với thực tại. Ngày nay, nhiều người cho rằng Sài Gòn không còn thu hút như xưa, do thời thế đã thay đổi.
Nhưng quan sát kỹ và nghĩ thấu đáo, Phạm Công Luận nhận ra “thành phố này tuy đã có nhiều biến đổi nhưng vẫn còn sức hút từ những giá trị căn bản đã được đúc kết rất lâu như đã được nêu trong sách Túi bạc Sài Gòn của Vũ Xuân Tự”.
Tác giả cho rằng dù Sài Gòn hôm nay còn trăn trở với bao vấn đề của mình, nhưng vẫn tiếp nối truyền thống, là một miền đất hứa cho nhiều người trông ngóng, hy vọng về nơi giúp họ tạo dựng giấc mơ, thoát khỏi cổ hủ, nhọc nhằn.
Theo Y Nguyên/Zing News