Khám phá

Sĩ Nhiếp có vai trò thế nào trong lịch sử Việt Nam?

Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có phần Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp). Vậy Sĩ Nhiếp là ai, có vai trò thế nào trong lịch sử Việt Nam.

Từ lánh nạn trở thành Sĩ Vương

Sĩ Nhiếp tự là Ngạn Uy, người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô. Tổ tiên của ông là người Vân Dương nước Lỗ hồi loạn Vương Mãng ở Bắc triều, tránh nạn sang đất Việt ta. Đến Sĩ Nhiếp là đời thứ sáu. Khi còn bé Sĩ Nhiếp du học ở Kinh đô nhà Hán, được bổ dụng vào nhiều chức vụ, rồi làm huyện lệnh Vu Dương (Tứ Xuyên). Năm 187, Sĩ Nhiếp được cử giữ chức Thái thú Giao Chỉ, rồi kiêm quản bảy quận Giao Châu, đặt trị sở ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Loạn lạc cuối thời Đông Hán, anh em, cha con Sĩ Nhiếp cầm quyền ở Luy Lâu gần như một triều đình riêng, giữ yên được Giao Châu. Hàng trăm trí thức lớn ở Trung Nguyên chạy xuống Giao Châu lánh nạn. Sĩ Nhiếp và các Nho sĩ lánh nạn ở đây đã mở trường dạy học, vì vậy sử sách của các nhà Nho học nước ta sau này tôn Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương.

Đến năm 210, nhà Ngô (Ngô Tôn Quyền) cử Bộ Chất làm thứ sử Giao Châu, Sĩ Nhiếp đem anh em ra vâng lệnh nhà Ngô, do đó đất Lĩnh Nam (từ nội thuộc nhà Hán) chuyển sang nội thuộc nhà Ngô. Sĩ Nhiếp được Ngô Tôn Quyền phong là tả tướng quân, rồi thăng lên làm Vệ tướng quân, tước Long Biên hầu.

Từ Giao Châu, Sĩ Nhiếp thường sai sứ sang nước Ngô dâng các thứ hương liệu, vải mịn, kể sớ tới hàng nghìn. Các thứ quý lạ như ngọc trai, ốc lớn, lưu ly, lông trả, đồi mồi, sừng tê giác, ngà voi cùng các thứ quả lạ như chuối, dừa, long nhãn... không năm nào là không tiến, lại cống hàng trăm con ngựa. Ngô Vương viết thư ban cho rất hậu để an ủi và đáp lại. Sĩ Nhiếp mất năm 226.

Đây là những nét khái quát về tiểu sử của Sĩ Nhiếp. Tuy nhiên về sau, các nhà sử học có những đánh giá khác nhau về ông.

Cổng đền Sĩ Nhiếp tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Những đánh giá tích cực

Lê Văn Hưu trong Đại Việt sử ký toàn thư nói: "Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp) biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiếu nghĩa tức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn để giữ vững bờ cõi, có thể gọi là người trí. Tiếc rằng con nối không gánh vác nổi cơ nghiệp của cha, để cho bờ cõi nước Việt đã toàn thịnh mà lại bị chia cắt, đáng buồn thay".

Sách Đại Việt sử lược viết: "Sĩ Nhiếp học vấn đã uyên bác, chính sự lại giỏi giang, trong thời đại loạn đã bảo toàn được một phương, hơn hai mươi năm trong cõi được vô sự, dân chúng được lạc nghiệp, uy đức hơn người. Khi đi lại thì rung chuông khánh, đủ lễ nghi, trống vang kèn nổi, rầm rộ trên đường, có vài chục vợ ngồi xe căng màn- Úy Đà cũng không bằng được".

Tác giả Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá: "Nước ta thông Thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con không hiền là tội của con thôi. Tục truyền rằng sau khi Vương chết đã chôn, đến cuối đời nhà Tần, đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của Vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lấp lại, người địa phương cho là thần, làm miếu để thờ, gọi là "Tiên Sĩ Vương". Có lẽ là khí tinh anh không nát cho nên thành thần vậy".

Còn một số tác giả khác cho rằng: "Vương (Sĩ Nhiếp) là người khoan hậu, khiêm tốn, lòng người yêu quý, giữ vẹn đất Việt để đương đầu sức mạnh của Tam Quốc, đã sáng suốt lại mưu trí, đáng gọi là người hiền". Nhà sử học Lê Tung thì viết: "Sĩ Vương tập theo phong hóa của nước Lỗ, học vấn rộng khắp, khiêm tốn với sĩ phu, đổi tục nước bằng Thi thư, sửa lòng người bằng lễ nhạc, trị nước hơn 40 năm trong cõi vô sự".

Theo Dương Tuấn/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo