Số phận bi kịch của nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam: Nhường ngôi cho chồng khi 7 tuổi, tới khi xuất gia vẫn lắm sóng gió bủa vây
Phi tần không có nổi mụn con nhưng lại được cả 3 vị Hoàng đế sủng ái vì điều này / Bí quyết sống thọ của Hoàng đế Càn Long gói gọn trong phương pháp “10 nên 4 cấm”
Lý Chiêu Hoàng là nữ Hoàng đế đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử vương triều phong kiến Việt Nam. Bà còn được gọi là Lý Phế hậu hay Chiêu Thánh Hoàng hậu. Bà là Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý từ năm 1224 đến 1225, lên ngôi được 1 năm nên sử sách ghi lại khá sơ lược khiến hậu thế ít biết đến cuộc đời gian truân của nữ vương này.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218), là con gái vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi bà chào đời, nhà Lý (1010-1225) đã vào thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà, tức Lý Cao Tông được biết đến là ông vua "chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm" nên cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy.
Tới đời vua Lý Huệ Tông đất nước càng bi đát hơn. Sử viết: "Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái úy Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát".
Huệ Tông vào cuối đời thường hay rượu chè, lâm bệnh gần như điên loạn, không thể cáng đáng nổi việc triều chính. Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ Trần Thị Dung) - người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ đã buộc vua xuống chiếu lập Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử, nhường ngôi cho cô công chúa mới 6 tuổi, niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo.
Lý Chiêu Hoàng lên ngôi từ khi 6 tuổi.
Do Nữ hoàng lên ngôi khi còn quá nhỏ nên việc triều chính do Thái hậu Trần Thị Dung điều hành. Khi đó, những người thân thuộc họ Trần cũng được đưa vào cung nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng. Trong đó, Trần Thủ Độ sắp xếp cho một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi, đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
Có bạn chơi cùng, Lý Chiêu Hoàng rất thích Trần Cảnh nên hay trêu đùa với nhau. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Một hôm, Cảnh lúc ấy 8 tuổi phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng thấy thế làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng trên bóng.
Có một hôm, Cảnh bưng nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh..".
Thấy cả hai có vẻ quấn quýt, Trần Thủ Độ bàn với chị họ là Thái hậu Trần Thị Dung thực hiện cuộc "đảo chính cung đình" với việc làm táo bạo bằng cách đem hết gia thuộc thân thích vào trong cung cấm.
Sau đó Trần Thủ Độ sai quân lính của mình đóng chặt cửa thành và các cửa cung, cử người coi giữ nghiêm ngặt, các quan xin vào chầu vua nhưng không được chấp thuận.
Khi hoàng cung đã bị phong tỏa, triều thần nhà Lý không ai có phản ứng gì vì họ Trần giữ Nữ hoàng và Thái hậu khác nào có con tin ở trong tay thì ai dám manh động. Tiếp đó Trần Thủ Độ liền cho loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi".
Như vậy là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh đã nên duyên vợ chồng.
Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh.
Tháng 11/1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó 1 tháng, bà trao hoàng bào cho chồng ở điện Thiên An, triều đại nhà Lý tồn tại 216 năm chính thức chấm dứt.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại về chiếu thư nhường ngôi của Nữ hoàng đế:
"Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng:
Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy.
Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi.
Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được.
Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết".
Sau đó Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng Thiện Hoàng. Sử sách gọi ông là Trần Thái Tông. Lý Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, đổi hiệu là Chiêu Thánh. Bà cũng là Hoàng hậu trẻ nhất trong lịch sử khi chỉ mới 7 tuổi. Khi đó, mẹ của bà xuống làm Thiên Cực công chúa rồi gả cho Trần Thủ Độ.
Xuất gia vẫn bị chồng gả cho tướng lĩnh
Năm 1233, bảy năm sau cuộc hôn nhân khi mới 7 tuổi, Lý Hoàng hậu sinh ra Thái tử Trần Trịnh nhưng đứa bé mất không lâu sau khi sinh ra. Điều này để lại một nỗi đau lớn trong lòng Chiêu Thánh. Bà ốm đau liên miên và suốt 5 năm tiếp theo vẫn không thể sinh con.
Lo sợ chuyện này ảnh hưởng đến sự vững vàng của ngôi vua, Trần Thủ Độ ép vua truất ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh và lập Thuận Thiên công chúa (em gái ruột của Hoàng hậu) đang mang thai 3 tháng lên thay. Điều đáng nói, Thuận Thiên là vợ của anh trai Trần Thái Tông là Trần Liễu.
Trần Thái Tông phản đối, đang đêm bỏ trốn khỏi kinh thành lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử để nương nhờ. Trần Thủ Độ lên gặp vừa dỗ dành vừa gây sức ép, cuối cùng vua nghe theo. Thuận Thiên Công chúa được phong làm Hoàng hậu. Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh Công chúa. Quá đau buồn, Chiêu Hoàng đã xin rời cung để xuất gia và được chấp thuận.
Đến năm 1258, quân Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Thái Tông được một vị tướng tên Lê Phụ Trần hộ giá cứu sống, một mình một ngựa lấy ván gỗ che cho vua khỏi trúng tên giặc.
Ghi nhận công lao, vua phong tước cho Lê Phụ Trần là Ngự sử đại phu và muốn gả vợ cũ là Công chúa Chiêu Thánh cho.
Cuộc đời của nữ vương nhỏ tuổi Lý Chiêu Hoàng là một sự sắp đặt không thể tránh khỏi. Ảnh: Internet
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Tháng giêng, mùa xuân (1258). Đem Hoàng hậu cũ là Lý Thị gả cho Ngự sử Đại phu Lê Phụ Trần. Quân Mông Cổ đã rút lui, trăm họ lại yên nghiệp làm ăn như trước, sáng ngày mồng một tết, nhà vua ngự triều ở chính điện, định công đánh giặc để ban thưởng, phong cho Lê Phụ Trần chức Ngự sử đại phu, lại gả Chiêu Thánh công chúa cho. Nhà vua bảo Lê Phụ Trần rằng: "Nếu trẫm không có nhà ngươi giúp sức, thì làm gì được có ngày nay, nhà ngươi nên cố gắng để cùng làm tròn sự nghiệp sau này".
Chiêu Thánh không từ chối nổi và đặt ra 3 điều kiện: Xóa bỏ lệnh truy sát, bức hại tôn thất nhà Lý; Lăng miếu thờ các vị Hoàng đế, công thần triều Lý phải được giữ gìn; Dinh thự của Lê Phụ Trần phải chuyển ra xa Hoàng thành.
Sau khi được chấp thuận các yêu cầu trên, Chiêu Thánh mới đồng ý kết hôn cùng Lê Phụ Trần. Lúc đó, bà đã 40 tuổi.
20 năm sống với Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh được 2 người con. Con trai là Thượng vị hầu Tông (có nghiên cứu cho rằng người này là danh tướng Trần Bình Trọng nổi tiếng với câu nói: Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi). Còn con gái của bà là Ứng Thụy công chúa Khuê. Theo chính sử, trong lần về thăm quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), bà đã qua đời ở tuổi 60 và được thờ ở đền Rồng.
Tuy là vua chính thức của vương triều nhà Lý - vương triều rực rỡ của nước Đại Việt, đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại sau này - nhưng Lý Chiêu Hoàng không được sử sách công nhận một cách công bằng.
Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, bà trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ