Khám phá

Sốc: Người Ai Cập phẫu thuật trị ung thư từ 4.300 năm trước

Hài cốt của một người Ai Cập cổ đại không chỉ lưu lại bằng chứng về bệnh ung thư di căn mà còn có dấu vết của một ca phẫu thuật não gây sốc.

Bí ẩn mộ cổ xa hoa thời Hán khiến kẻ cướp tránh xa / Phát hiện hành tinh ôn đới bằng Trái Đất, có thể sống được

Một nhóm nghiên cứu đã phân tích lại một hộp sọ trong bộ sưu tập Duckworth của Đại học Cambridge (Anh) và tìm ra dấu vết của một khối u ung thư lớn trong não cùng hơn 30 tổn thương di căn.

Những tổn thương này được bao quanh bởi các vết cắt, là dấu vết của một nỗ lực loại bỏ bệnh ung thư bằng phẫu trị.

Điều đáng nói là hộp sọ này có niên đại khoảng năm 2686-2345 trước Công Nguyên!

Sốc: Người Ai Cập phẫu thuật trị ung thư từ 4.300 năm trước- Ảnh 1.

Hộp sọ của một người đàn ông Ai Cập cho thấy dấu vết của cuộc phẫu thuật nhằm cố gắng điều trị các tổn thương di căn do ung thư - Ảnh: Tondini, Isidro, Camarós

Theo Live Science, từ lâu giới khảo cổ đã biết y học Ai Cập cổ đại hiểu về bệnh ung thư từ rất sớm, chỉ là không ngờ họ đã nghĩ tới việc phẫu trị căn bệnh này vào thời điểm xa xưa đến thế.

Cho đến nay, mô tả lâu đời nhất về bệnh ung thư có từ khoảng năm 1600 trước Công nguyên, viết trên giấy cói Edwin Smith ở Ai Cập.

Ghi chép này được cho là bản sao của một ghi chép y học từ nhiều thế kỷ trước, mô tả một số khối u vú nhưng nhấn mạnh rằng "không có phương pháp điều trị" nào cho chúng.

Sốc: Người Ai Cập phẫu thuật trị ung thư từ 4.300 năm trước- Ảnh 2.

Phù điêu mô tả một bác sĩ Ai Cập cổ đại ở thành phố cổ Abydos - Ảnh: ANCIENT ORIGINS

 

Theo bài công bố trên tạp chí khoa họcFrontiers in Medicine,phát hiện mới là bằng chứng lâu đời nhất về sự can thiệp phẫu thuật liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư.

"Đây là nơi y học hiện đại bắt đầu" - đồng tác giả Edgard Camarós Perez , nhà cổ bệnh lý học từ Đại học Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) nói.

Nhóm nghiên cứu cũng phân tích hộp sọ của một người phụ nữ sống trong khoảng thời gian từ năm 664-343 trước Công nguyên.

Nữ bệnh nhân 50 tuổi này có một tổn thương gợi ý đến bệnh ung thư và 2 tổn thương khác do bị một vật sắc nhọn tác động.

Các dấu vết cho thấy các bác sĩ cổ đại đã điều trị chấn thương cho nữ bệnh nhân rất tốt, mặc dù dường như không điều trị bệnh ung thư.

 

Điều này cho thấy cho đến thời điểm đó các nghiên cứu của họ nhằm điều trị căn bệnh này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

TS Camarós Perez cho biết những phát hiện mới cho thấy ung thư là một “biên giới” trong kiến thức y học của người Ai Cập cổ đại, là căn bệnh mà họ có thể đã mất hàng thế kỷ thử nghiệm nhưng chưa tìm ra phương án điều trị thành công.

Mặc dù vậy, với một căn bệnh còn đầy thách thức ngay cả trong thời hiện đại, những gì người Ai Cập làm được hàng thế kỷ trước Công nguyên là hoàn toàn đáng ngưỡng mộ.

Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm kiếm nhiều bằng chứng cổ xưa hơn nữa để biết được bệnh ung thư đã được y học cổ đại tìm hiểu từ khi nào.

“Nếu hơn 4.000 năm trước, người Ai Cập cổ đại đã cố gắng tìm hiểu bệnh ung thư ở cấp độ phẫu thuật thì chúng tôi hoàn toàn tin chắc rằng đây chỉ là bước tiếp theo của một điều gì đó đã bắt đầu từ hàng ngàn năm trước” - TS Camarós Perez nói.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm