Khám phá

Sôi động thị trường thiên thạch

Có giá đắt gấp hàng chục lần so với vàng, các mảnh thiên thạch quý hiếm luôn là mặt hàng được săn lùng.

Cuộc chiến những siêu du thuyền đắt nhất thế giới / Trung Quốc sắp phóng 'Mặt trăng nhân tạo' thay thế đèn đường

Vào đêm 16/1, một vệt sáng chói lóa bất ngờ xuất hiện khiến cả một khu vực rộng lớn tại bang Michigan (Mỹ) được soi rõ như ban ngày, đồng thời gây ra vụ nổ làm rung chuyển nhiều nhà cửa. Theo trang Gizmodo, vụ nổ được xác định là do thiên thạch va vào trái đất và ngay sáng hôm sau, từng tốp “thợ săn” thiên thạch chuyên nghiệp xuất hiện - tương tự như trong vụ thiên thạch rơi xuống TP.Chelyabinsk ở Nga vào năm 2013. Mục tiêu của họ là tìm kiếm mảnh vỡ để bán lại cho giới sưu tầm hoặc các nhà đấu giá.
Giới khoa học ước tính có khoảng 100 tấn thiên thạch lao về phía trái đất mỗi ngày, phần lớn bị đốt cháy thành tro bụi lúc đi qua bầu khí quyển, chỉ có một số mảnh rơi xuống. Theo Hội Khoa học thiên thạch và hành tinh quốc tế, thế giới từng ghi nhận 1.161 vụ thiên thạch va chạm với trái đất và có hơn 56.600 mảnh thiên thạch từng được tìm thấy tại nhiều nơi trên thế giới. Do kết cấu tinh thể đặc biệt chứa các nguyên tố hiếm, thiên thạch luôn được giới khoa học và sưu tập săn lùng.
Tảng thiên thạch được tìm thấy ở Nga sau vụ va chạm năm 2013 ẢNH: REUTERS

Tảng thiên thạch được tìm thấy ở Nga sau vụ va chạm năm 2013. Ảnh: Reuters

Trang The Conversation dẫn lời chuyên gia Paul Swartz cho hay thiên thạch nhỏ, trọng lượng khoảng vài ký, lại có giá trị hơn các tảng lớn và thường được bán qua tay giới sưu tập trong các giao dịch ngầm hoặc thông qua đấu giá. Ông Swartz đang sở hữu mảnh thiên thạch Nakhla nặng 10 kg được tìm thấy tại Ai Cập năm 1911 có giá lên đến 3.000 USD/gr, đắt gấp 70 lần giá vàng. Theo chuyên gia người Anh Martin Goff, do giá trị ngày càng tăng nên nhiều người đổ xô đi tìm thiên thạch và ông thường xuyên trao đổi với những “thợ săn” từ Ai Cập, Libya và Mauritania.
Mặt khác, quá trình mua bán thiên thạch có những quy tắc riêng và mỗi mảnh thường có lai lịch cụ thể cũng như danh tính những người từng sở hữu. Người giao dịch có thể truy cập thông tin trên trang web của Hội Thiên thạch (The Meteoritical Society, trụ sở tại bang Virginia của Mỹ) hoặc nhờ các chuyên gia đánh giá, với khoản phí thường là 20% giá trị thiên thạch tính theo khối lượng. Trong lĩnh vực này, những người săn tìm, mua bán thiên thạch có mối quan hệ chặt chẽ với giới khoa học vì một bên cần xác minh nguồn gốc và giá trị, còn một bên có nhu cầu nghiên cứu. Thậm chí, các chuyên gia còn tạo hẳn một danh sách các mẫu vật được xác định không phải thiên thạch nhằm hạn chế nạn lừa đảo trên thị trường.
Theo Thanh niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm