"Cách cách" là danh hiệu cao quý dành cho các cô gái xuất thân quyền quý dưới triều Mãn Thanh. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết đằng sau danh hiệu vương giả ấy lại chứa đựng những sự thật giật mình...
" Cách cách" là tước hiệu dành cho con gái danh gia vọng tộc dưới triều Đại Thanh. "Cách cách" chính là âm dịch của tiếng Mãn Châu, đối chiếu sang tiếng Hán có nghĩa tương đương như "Tiểu thư" hoặc "Tỷ tỷ".
Những năm đầu Hậu Kim, con gái của Đại Hãn, Bối Lặc được xưng là "cách cách". Ví dụ như trưởng nữ của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích được gọi là "Đông Quả cách cách", thứ nữ được xưng là "Nộn Triết cách cách".
Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực sau khi kế vị cha vào năm Sùng Đức nguyên niên (năm 1636) đã theo quy định tiền lệ của triều Minh đổi cách xưng hô với các con gái của hoàng đế thành "Công chúa", đồng thời quy định con gái do hoàng hậu (tức chính cung) sinh ra được gọi là "Cố Luân công chúa".
Các con gái do các phi tử khác hoặc con nuôi của hoàng hậu thì được xưng là " Hòa Thạc công chúa". Tước vị "cách cách" dần dần được chuyên dùng cho con gái của các Vương công quý trụ (dòng dõi quý tộc).
Ví dụ như Thứ nữ Mã Ca Đáp của Hoàng Thái Cực và Hiếu Đoan Văn hoàng hậu khởi phong là Cố Luân trưởng công chúa sau được đổi thành "Vĩnh Ninh trưởng công chúa" và cuối cùng đổi thành "Ôn Trang trưởng công chúa"
Thuận Trị năm thứ 17 nhà Thanh bắt đầu chia tước vị "cách cách" thành 5 bậc khác nhau: Đứng đầu là con gái của Thân vương được xưng là "Hòa Thạc cách cách" tiếng Hán gọi là " Quận chúa". Bậc thứ hai là con gái của Thế tử, Quận vương được xưng là "Đa La cách cách" tiếng Hán gọi là "Huyện chúa". Bậc thứ ba là con gái của Đa La Bối Lặc cũng xưng là "Đa La cách cách", tiếng Hán gọi là "Quận quân".
Bậc thứ 4 con gái của Bối tử được xưng là "Cố Sơn cách cách", tiếng Hán là "Huyện Quân". Bậc thứ 5 là con gái của Trấn quốc công, phụ quốc công được gọi là "cách cách", tiếng Hán là "Hương Quân". Ngoài ra, con gái của cấp dưới "công" được gọi là "Tôn nữ", và cách xưng "cách cách" vẫn được sử dụng thông dụng cho đến cuối triều Mãn Thanh, đầu thời kỳ Dân Quốc mới dần dần biến mất.
Ngoài ra, theo một số thông tin không được ghi chép chính thức cho rằng, triều Thanh từ "Cách cách" còn được dùng để xưng hô cho phụ nữ có địa vị cao quý trong xã hội. Ví dụ, dưới thời kỳ Khang Hy, trong báo cáo của phủ Nội vụ có gọi Tô Ma Lạt Cô (thị nữ của Hiếu Trang Văn hoàng hậu, người từng nuôi dưỡng và chăm sóc Khang Hy) là "Tô Ma Lạt ngạch niết (tức mẹ) cách cách" điều này chứng tỏ bà tuy chỉ là một thị nữ không có xuất thân hoàng tộc cao quý nhưng là người có địa vị và được tôn trọng nên vẫn được gọi là cách cách.
Cũng có ghi chép rằng, đối với những tiểu thư dòng dõi quý tộc tuy không được chính thức phong hiệu nhưng vẫn được xưng là "cách cách". Trong "Thanh Bái Loại Sao" có ghi:" Con gái của Thân vương xưng là quận chúa, con gái của quận vương, bối tử, bối lặc, phụ quốc công được gọi là Huyện Chúa. Ngoài danh xưng là Công chúa ra, tuy có tư cách là Quận chúa, Huyện chúa nhưng chưa được phong hiệu chính chức thì vẫn được gọi chung là cách cách. (Ảnh minh họa các cách cách triều Mãn Thanh).
Theo Tuyết Mai/Kiến thức