Khám phá

Sự thật mất lòng về nhân vật Tống Giang trong chính sử Trung Quốc

Tống Giang trong Thủy Hử của Thi Nại Am là nhân vật giàu màu sắc và gợi nên nhiều suy ngẫm. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, Tống Giang ấy có phải là nhân vật có thật và Tống Giang của-chính-sử thực sự là người như thế nào.

Trong Thủy hử, Tống Giang là nhân vật quan trọng bậc nhất, có hiệu Hô Bảo Nghĩa (Người kêu gọi chính nghĩa), còn gọi là Tống Công Minh hay Cập Thời Vũ. Tống Giang là đại đầu lĩnh của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc sau khi Tiều Cái qua đời.

Cập thời vũ Tống Công Minh - Tống Giang trong Thủy Hử của Thi Nại Am.

Nghĩa quân Lương Sơn dưới sự dẫn dắt của Tống Giang hoạt động ở các tỉnh Sơn Đông và Hồ Nam, có những thắng lợi lừng lẫy như đại thắng Chúc Gia Trang, Cao Đường Châu, Thanh Châu, liên tiếp đánh bại các cuộc chinh phạt của triều đình, trước khi chấp nhận chiêu an.

Tống Giang của Thủy Hử dù vậy là nhân vật gây tranh cãi. Ông có tiếng, có tài, đức độ nhân nghĩa đủ cả. Tuy nhiên, lý tưởng “dù phản đối chính quyền nhưng không chống thiên tử” và các sách lược – chiến lược hướng tới việc “triều đình chiêu an” của Tống Giang đã đẩy nghĩa quân Lương Sơn đến con đường diệt vong.

Nhưng đấy là Tống Giang của Thủy Hử. Còn Tống Giang thật sự, có ghi chép trong lịch sử Trung Quốc thì là người như thế nào, liệu sánh được bao nhiêu phần với Cập thời Vũ Tống Công Minh dưới ngòi bút của Thi Nại Am?

Tống Giang, quả thực, là nhân vật có thật sống vào thế kỉ 12 dưới triều Tống, người thôn Tống Gia, xã Thủy Bảo, huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Dù vậy, cuộc đời thật của ông chỉ được sử sách (ở đây là Tống sử) đề cập rất ít và dĩ nhiên không giàu màu sắc nhưng nhân vật Tống Công Minh trong tiểu thiếu lừng danh của Thi Nại Am.

Tống sử là một bộ sách lịch sử trong Nhị thập tứ sử của Trung Hoa. Sách này viết về lịch sử thời nhà Tống, bao gồm cả Bắc Tống và Nam Tống; hoàn thiện vào năm 1345 và do Thoát Thoát biên soạn. Trong ghi chép của Tống sử, đoạn đáng kể nhất nhắc đến Tống Giang đại để như sau:

Tống Giang có-thật-trong-lịch-sử Trung Quốc là nhân vật tầm thường hơn nhiều so với tiểu thuyết.

“Vào tháng 2.1122 – tức năm Tuyên Hóa thứ 3 thời Tống Huy Tông, Tống Giang giao tranh với tri phủ Hải Châu – Trương Thúc Dạ và trúng kế vừa thiệt quân lại mất tướng tài (Lư Tuấn Nghĩa bị bắt). Tống Giang cùng quân khởi nghĩa cố thủ ở Lương Sơn không ra. Trương Thúc Dạ vừa thúc quân đánh vừa phủ dụ chiêu hàng. Bị vây khốn, quân lương dần cạn kiệt Tống Giang chấp thuận quy hàng triều đình và sau đó được giao chức Sở Châu an phủ sứ”.

Thời điểm Tống Giang hàng Trương Thúc Dạ là khi cuộc khởi nghĩa nông dân do ông khởi xướng mới chỉ diễn ra được 2 năm. Chi tiết này dĩ nhiên khác rất nhiều so với những gì được viết trong Thủy Hử. Theo nhà sử học đồng thời là chuyên gia nghiên cứu Thủy Hử hàng đầu Trung Quốc – ông Khổng Đức Vũ thì cuộc khởi nghĩa nông dân do Tống-Giang-có-thật cầm đầu chỉ bao gồm 36 thủ lĩnh và chưa đầy 1 vạn nông dân, quy mô kém xa so với mô tả trong tiểu thuyết.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của ông Khổng Đức Vũ, nghĩa quân của Tống Giang thua nhiều hơn là thắng khi đụng độ với quân triều đình, chứ không phải 3 lần hạ Cao Cầu hay 2 lần đả bại Đồng Quán như trong Thủy Hử của Thi Nại Am.

Chính xác, trong cuộc khởi nghĩa diễn ra có vỏn vẹn 2 năm này, Tống Giáng của-đời-thật chỉ 3 lần giao tranh với quân của Triều đình, dĩ nhiên không lần nào trong số này là đụng độ Cao thái úy. Và kết quả là ông thua… cả 3 trận chiến quan trọng nhất này!

Tạo hình của Tống Giang (Trương Hàm Dư thủ vai) trong phim truyền hình Tân thủy Hử 2011.

Đầu tiên là tri châu Tưởng Viên. Theo ghi chép sử liệu, Tưởng Viên làm tri phủ ở Sơn Đông vào thời điểm Tống Giang bắt đầu khởi nghĩa. Tưởng Viên khi đó đã chia quân trấn giữ các tuyến đường trọng yếu đề ngăn đà tiến quân của Tống Giang.

Khi giao tranh với Tống Giang, Tưởng Viên ngoài mặt giả đò ủng hộ cuộc khởi nghĩa nhưng cố tình kéo dài thời gian mặt khác cho quân do thám quân tình của đối thủ. Sau khi xác định được quân Tống Giang đã cạn lương thảo, Tưởng Viên phát động phản công mạnh mẽ khiến Tống Giang đại bại.

Sau Tưởng Viên, người thứ hai giao tranh với Tống Giang là huyện úy Thuật Dương - Vương Sư Tâm - vốn là tướng tiên phong quân Hải Châu của tri phủ Trương Thúc Dạ. Còn người thứ ba, như trên đã nói tới, chính là Trương Thúc Dạ - người đã buộc Tống Giang phải quy hàng triều đình trong trận đánh cuối cùng.

Một số ghi chép khác mà sử gia Khổng Đức Vũ thu thập được cũng cho thấy Tống Giang sau khi nhận chiêu an của triều đình, cũng tham gia đội quân chinh phạt Phương Lạp của đại tướng quân Thiệt Khả Tổn – danh tướng hàng đầu của triều Tống Huy Tông. Nhưng việc Tống Giang sống chết ra sao sau cuộc chiến với Phương Lạp thì không có tư liệu nào đề cập tới.

Theo Tầm Hoan/Dân Việt

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo