Khám phá

Sự thật xấu xí về thần y Hoa Đà

Tuy có tài chữa bệnh song Hoa Đà thường xuyên cảm thấy xấu hổ về nghề y mạt hạng, tự ti về thân phận một thầy thuốc nhà quê. Ông luôn tìm cách để có cơ hội làm quan.

Khám phá bí ẩn về những thung lũng kỳ lạ nhất thế giới / Màn thoát chết ấn tượng của sóc nâu dưới móng vuốt diều hâu

1. Hoa Đà tự là Nguyên Hóa, người huyện Tiêu, Bái Quốc, nay là huyện Bặc, tỉnh An Huy của Trung Quốc. Sử chép rằng, Hoa Đà đọc thông kinh sử, từng đỗ hiếu liêm tại Bái Quốc. Sau đó, được quan thái úy là Hoàng Uyển đề cử và nâng đỡ. Tuy nhiên, Hoa Đà cho rằng, thời thế nhiễu nhương nên không làm quan. Điều khiến Hoa Đà “lưu danh sử sách” chính là y thuần cao siêu như thần thánh của mình.

Theo sử sách ghi chép, Hoa Đà có thể thực hiện các phẫu thuật ngoại khoa, mổ lồng ngực sau đó lại dùng kim chỉ khâu lại như cũ, chẳng khác gì với các ca phẫu thuật hiện đại. Nên nhớ Hoa Đà sống vào cuối thời Đông Hán, tức là cách ngày nay tới 1.800 năm, việc thực hiện được một ca phẫu thuật khó như vậy đủ chứng tỏ y thuật của Hoa Đà cao minh tới mức nào.

Chưa hết, loại thuốc “Ma phí tán” do Hoa Đà chế tạo cho tới nay vẫn được người Trung Quốc coi là loại thuốc gây mê đầu tiên trên thế giới, công hiệu vô cùng.

Trong sách “Tam Quốc Chí” của tác giả Trần Thọ có đoạn chép: Nếu như bệnh tích ở bên trong, dùng kim châm không có tác dụng thì tất phải thực hiện mổ. Trước tiên cho uống Ma phí, người bệnh sẽ bị hôn mê giống như chết, nhờ vậy thực hiện việc mổ một cách dễ dàng.

Những người từng đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” của tác giả La Quán Trung có lẽ vẫn còn ấn tượng về cảnh tượng Hoa Đà trị thương cho Quan Vũ. Lúc bấy giờ, Quan Vũ bị quân của Tào Tháo bắn bị thương ở tay trong trận chiến ở thành Tương Dương, Hoa Đà đã rạch thịt rồi cạo xương để rửa sạch những chất độc của mũi tên đã ngấm vào xương tay của Quan Vũ.
Ảnh minh họa.
Trong lúc Hoa Đà thực hiện việc cạo xương, sắc mặt Quan Vũ không hề thay đổi, thậm còn bình thản ngồi đánh cờ. Đoạn miêu tả này nhằm ca ngợi sự dũng cảm của Quan Vũ, đồng thời ca ngợi cả y thuật cao siêu của Hoa Đà.

Tuy nhiên, lật giở sử sách sẽ thấy, đoạn miêu tả Hoa Đà cạo xương trị thương, Quan Vũ bình thản đánh cờ chỉ là sự hư cấu thuần túy của tác giả “Tam Quốc diễn nghĩa”.Trong sách “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ có ghi chép cụ thể về sự việc này như sau: “Vũ không may bị trúng tên vào bắp tay trái. Sau đó vết thương đã lành nhưng mỗi khi trở trời xương thường đau đớn.

Thầy thuốc nói: ‘Chất độc của mũi tên đã ngấm vào xương, muốn trị tận gốc phải rạch tay, cạo xương trừ độc’. Vũ bèn giơ tay cho thầy thuốc rạch tay rồi mời các chư tướng tiếp tục uống rượu. Thầy thuốc lấy dao rạch thịt ở chỗ vết thương, máu chảy thành dòng trong chậu nhưng Vũ vẫn bình thản uống rượu, nói cười như không”.

Từ đoạn miêu tả này có thể thấy rằng, Quan Vũ không phải là vừa đánh cờ vừa trị thương mà là vừa uống rượu vừa trị thương. Sự kiện này nếu căn cứ theo ghi chép của sử liệu thì xảy ra trước trận chiến ở Tương Dương chứ không giống như trong “Tam Quốc diễn nghĩa” đã mô tả.

Điều quan trọng hơn chính là, vị thầy thuốc thực hiện việc rạch tay, cạo xương cho Quan Vũ không phải là “thần y” Hoa Đà mà chính là một thầy thuốc trong quân đội của Quan Vũ. Bởi lẽ, nếu như Hoa Đà là một thầy thuốc nổi tiếng lúc bấy giờ thì Trần Thọ khi viết “Tam Quốc Chí” không thể nào không nhắc tới.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, nhằm đặc tả tính cách đa nghi của Tào Tháo, tác giả La Quán Trung đã đem toàn bộ công lao “cạo xương, trị độc” tặng cho Hoa Đà. Tiếp đó, ông lại để cho Hoa Đà trị bệnh đau đầu cho Tào Tháo và yêu cầu Tháo phải thực hiện phẫu thuật mổ não.

Tào Tháo không tin mổ não lại có thể sống được, lại nhớ tới việc Hoa Đà đã từng trị bệnh cho Quan Vũ, sợ rằng Hoa Đà đã theo phe Lưu Bị nên tìm cách hại mình vì thế đã hạ lệnh nhốt Hoa Đà vào ngục tối và giết chết.

Thực thế thì với y thuật của Hoa Đà thì việc trị một vết thương như của Quan Vũ chỉ là chuyện nhỏ. Điều đó chẳng có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là, nguyên nhân dẫn tới cái chết của Hoa Đà tuyệt nhiên không giống như những gì La Quan Trung đã miêu tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa”.

Những sử liệu xác tín nhất cho thấy, nguyên nhân dẫn tới cái chết của Hoa Đà chính là vì Hoa Đà muốn được làm quan, theo đuổi giấc mộng chính trị.

2. Hoa Đà vốn xuất thân Nho học nhưng sau đó nhờ y thuật tinh thâm mà nổi tiếng khắp thiên hạ. Tuy nhiên, vào thời nhà Hán thì “hàng vạn thứ đều là hạ đẳng, duy chỉ có việc đọc sách là cao quý”.

Nghề thầy thuốc trong các sách sử được liệt vào loại “phương kỹ” (danh từ chỉ chung các nghề xem tướng, chiêm bốc, chiêm tinh, thầy thuốc…) chứ không được xếp thành một nghề có vị trí riêng. Từ đó có thể thấy, dù cho y thuật của Hoa Đà có cao siêu đến bao nhiêu thì vẫn không phải là cái nghề mà thiên hạ coi là cao sang. Chính vì thế, sử sách chép rằng, tuy hành nghề y, song Hoa Đà thường xuyên cảm thấy xấu hổ.

Xấu hổ về nghề y mạt hạng, tự ti về thân phận một thầy thuốc nhà quê, Hoa Đà luôn tìm cách để tìm kiếm cơ hội để có thể làm quan.

Điều đáng tiếc là, tất cả mọi người đều chỉ nhìn Hoa Đà như một thầy thuốc có tài chứ không coi ông là một kẻ sĩ có thể làm được việc chính trị. Đây là điều cũng khó trách ai được. Bởi lẽ, nếu như một thầy thuốc tài năng lại bỏ nghề của mình để đi làm quan thì thực sự là quá đáng tiếc.

Tuy nhiên, đối với Hoa Đà, việc ông ta theo đuổi giấc mộng làm quan cũng không có gì sai. Bởi lẽ, nếu như dùng tài học của mình để cống hiến trong sự nghiệp làm quan của mình, vị tất không phải là một chuyện tốt. Đáng tiếc là, trong quá trình theo đuổi giấc mộng làm quan của mình, Hoa Đà đã mắc phải một sai lầm lớn. Sai lầm này đã thể hiện rõ khuyết điểm về mặt đạo đức của Hoa Đà và ông ta đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Lúc bấy giờ, Ngụy Vương Tào Tháo mắc phải chứng bệnh đau đầu quái lạ, càng về sau càng đau hơn. Biết tiếng y thuật của Hoa Đà cao minh, Tào Tháo truyền cho Hoa Đà tới gặp, Hoa Đà trở thành “ngự y” của Tháo.

Hoa Đà xem bệnh cho Tào Tháo xong nói: “Bệnh này một lúc không thể chữa khỏi, cần phải có thời gian”. Trong quá trình chữa trị cho Tào Tháo, Hoa Đà đã cố ý kéo dài thời gian bằng cách lấy cớ “để quên sách thuốc ở nhà, phải trở về lấy”.

Sau khi Hoa Đà trở về nhà, lại lấy cớ là vợ bị ốm, nhiều lần vượt quá thời gian đã hứa với Tào Tháo mà không chịu quay lại. Vì sao Hoa Đà lại muốn kéo dài thời gian? Thực chất là vì muốn dùng bệnh tật để tạo sức ép với Tào Tháo, buộc Tào Tháo phải phong cho mình một chức quan nào đó.

Tào Tháo nhiều lần viết giấy mời không được, bèn lệnh cho các quan lại địa phương tới thúc Hoa Đà đi nhưng “Hoa Đà vẫn tìm cớ vợ ốm, do dự không muốn lên đường”. Tào Tháo nghe chuyện tức giận, sai thủ hạ tới kiểm tra thực hư.

Tào Tháo là người rất công minh, không vì một lời bẩm báo mà ra lệnh xử tội Hoa Đà, ngược lại sai người tới kiểm chứng. Tháo ra lệnh rằng: “Nếu như đúng là vợ Đà bị ốm thì tặng thưởng 40 hộc đậu đỏ đồng thời cho kéo dài thời gian ở nhà thêm một tháng. Còn nếu như là nói dối thì bắt giải về”. Khi thủ hạ của Tào Tháo tới kiểm tra, xác thực là Hoa Đà nói dối vì thế, Hoa Đà bị bắt giam vào ngục.

Sau khi Hoa Đà bị giam vào ngục, mưu thần số một của Tào Tháo là Tuần Vực đã đứng ra xinh cho Hoa Đà. Tuần nói: “Y thuật của Hoa Đà quả thực hơn người, nên rộng lượng tha cho y”.Tuy nhiên, Tào Tháo không đồng ý, nói: “Không lo, thiên hạ thiếu gì loại vô lại như thế”. Tới lúc này, sự khinh miệt của Tào Tháo đối với Hoa Đà đã lộ ra cả ngôn từ.

Với tư cách là một thầy thuốc mà lại lấy việc trị bệnh cho bệnh nhân để làm viên gạch lót đường cho mục đích được làm quan của mình, có ý kéo dài thời gian trị bệnh thì rõ ràng Hoa Đà là một thầy thuốc thiếu y đức. Một thầy thuốc thiếu y đức, thì việc Tào Tháo khinh miệt ông ta cũng là chuyện hợp tình hợp lý.

Vì thế, sau khi Hoa Đà chết, bệnh đau đầu của Tào Tháo vẫn tái phát luôn, tuy nhiên, Tào Tháo chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Tào Tháo từng nói: “Hoa Đà có thể trị được bệnh của ta. Nhưng lại cố ý kéo dài, muốn tự đề cao mình. Nếu như ta không giết y, thì rốt cuộc y cũng không trị tận gốc bệnh của ta được”.

Câu nói này của Tào Tháo đã nói rất rõ ý định của Hoa Đà cũng như nguyên nhân khiến Tào Tháo phải giết Hoa Đà. Hoa Đà có thể là thầy thuốc số 1 trong thiên hạ. Tuy nhiên, muốn đùa giỡn với kẻ gian hùng có máu mặt như Tào Tháo thì có lẽ, Hoa Đà đã quá xem thường Tào Tháo. Hoa Đà chết cũng vì sự khinh suất ấy.
1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm