Chu Vũ Đế xuất thân từ tộc Tiên Ti, một nhóm du mục sống ở khu vực ngày nay là Mông Cổ và miền bắc – đông bắc Trung Quốc. Ông cai trị từ năm 560 tới 578, đã xây dựng quân đội hùng mạnh và thống nhất vùng đất phía Bắc của Trung Hoa cổ đại, sau khi đánh bại nhà Bắc Tề.
“Một số học giả cho rằng người Tiên Ti có vẻ ngoài “ngoại lai”, chẳng hạn như bộ râu rậm, sống mũi cao và tóc vàng. Phân tích của chúng tôi cho thấy Chu Vũ Đế mang đặc điểm khuôn mặt của người Đông Á hay Đông Bắc Á điển hình”, Văn Thiếu Khanh, tác giả liên hệ và là giảng viên tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết.
Năm 1996, các nhà khảo cổ đã khai quật lăng mộ Chu Vũ Đế tại Đông Bắc Trung Quốc và tìm thấy di hài vị hoàng đế, bao gồm hộp sọ gần như nguyên vẹn. Với sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu ADN thời gian gần đây, nhóm nghiên cứu của Văn Thiếu Khanh đã khám phá hơn 1 triệu đa hình đơn nucleotide (SNP) trong ADN của hoàng đế, một số nucleotide trong số đó chứa thông tin về màu da và tóc của ông. Kết hợp với hộp sọ của Chu Vũ Đế, nhóm nghiên
cứu đã tái hiện khuôn mặt của ông ở dạng 3D. Kết quả cho thấy vị hoàng đế có đôi mắt nâu, mái tóc đen và làn da từ sẫm màu tới trung bình, các đặc điểm trên khuôn mặt tương tự với gương mặt của người Đông Á và Bắc Á ngày nay.
“Công trình của chúng tôi đã làm sống lại các nhân vật lịch sử. Trước đây, phải dựa vào ghi chép lịch sử hay các bức bích họa để hình dung người cổ đại có hình dạng như thế nào. Chúng tôi có thể trực tiếp tái dựng ngoại hình của người Tiên Ti”, Ngụy Thiên Thiên, tác giả liên hệ và là giảng viên tại Đại học Phúc Đán, cho biết.
Chu Vũ Đế băng hà ở tuổi 36, con trai ông cũng chết trẻ mà không có nguyên nhân rõ ràng. Một số nhà khảo cổ cho rằng hoàng đế qua đời vì bạo bệnh, còn một số người khác đưa ra giả thuyết ông bị đối thủ hạ độc. Nhờ phân tích ADN của Chu Vũ Đế, các nhà nghiên cứu phát hiện ông có nguy cơ bị đột quỵ cao, điều này có thể góp phần dẫn tới cái chết của ông. Phát hiện này phù hợp với các ghi chép lịch sử mô tả hoàng đế mắc chứng mất ngôn ngữ, mí mắt sụp và dáng đi bất thường – những triệu chứng tiềm ẩn của đột quỵ.
Phân tích di truyền cho thấy người Tiên Ti đã thông hôn với người Hán khi di cư từ phía nam tới phía bắc Trung Quốc. “Đây là một thông tin quan trọng để hiểu người cổ đại đã tỏa ra khắp Á-Âu như thê nào, và làm sao họ hòa nhập được với người bản địa”, Văn Thiếu Khanh nhận định.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu dự định tìm hiểu về những người sống ở thành cổ Trường An thuộc vùng đông bắc Trung Quốc bằng cách nghiên cứu ADN cổ đại. Trường An là cố đô của nhiều triều đại Trung Quốc trong hàng ngàn năm và là điểm cuối của Con đường Tơ lụa, một mạng lưới giao thương Á-Âu quan trọng từ thế kỷ 2 TCN cho tới thế kỷ 15. Các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp phân tích ADN có thể tiết lộ nhiều thông tin hơn nữa về cách con người đã di cư và trao đổi văn hóa ở Trung Hoa cổ đại.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chíCurrent Biology.