Tài hùng biện đáng nể của danh nhân Việt thời xưa
Bí ẩn đằng sau cái đỡ tay của phi tần trong cung cấm thời xưa / Bí mật bất ngờ tuyển tú nữ của hoàng thất thời xưa
Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt thì “hùng biện” nghĩa là nói hay, nói giỏi, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục. Nước ta khi xưa không có những nhà hùng biện, chuyên dùng khả năng ăn nói để tiến thân. Nhưng những người giỏi biện luận, khéo dùng lí lẽ và sự phân tích để thuyết phục hay đối đáp với người khác thì không thiếu. Trong những trường hợp cụ thể, họ đã dùng tài ăn nói của mình để đạt được mục đích tốt đẹp nào đó, cũng qua đó mà để lại cho đời nhiều mẩu chuyện hùng biện được sử sách trân trọng ghi chép.
Mạc Đĩnh Chi trổ tài ứng đối siêu việt
Sách xưa có câu: Kẻ sĩ đi sứ bốn phương mà không làm nhục mệnh vua, như thế mới xứng đáng gọi là kẻ sĩ. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần chính là một người như vậy. Trong một lần sang sứ nhà Nguyên (Trung Quốc), ông đã trổ tài đối đáp nhanh nhạy, sắc bén khiến cả triều đình phương Bắc kính phục. Sách Công dư tiệp kí tục biên có chép lại một số câu ứng đối của ông trong lần đi sứ ấy. Nay xin lược thuật như sau.
Khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ, người Nguyên đã hẹn ngày cho ông vào quan ải. Nhưng vì mưa gió cản trở, ông đến trễ hẹn, người Nguyên không cho qua biên giới. Ông khẩn khoàn nài xin. Người Nguyên bèn ra một câu đối vứt xuống để ông đối. Câu đối rằng:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan (Nghĩa là: qua cửa quan chậm, của quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan. Câu đối hay ở chỗ trong một câu mà có đến 4 chữ quan xếp thành ý rất khéo)
Mạc Đĩnh Chi đối lại ngay: Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối (Ra đối dễ, đối lại khó, mời tiên sinh đối trước. Câu này có 4 chữ đối, đặt ở vị trí tương ứng với mỗi chữ quan ở câu trên).
Người giữ cửa quan phục tài, liền mở cửa cho ông vào.
Đến kinh đô nhà Nguyên, một hôm viên Tể Tướng mời Mạc Đĩnh Chi về phủ trò chuyện. Trong phòng khách của Tể Tướng có một bức rèm mỏng thêu một con chim sẻ đang đậu trên cành trúc. Mạc Đĩnh Chi tưởng chim sẻ thật, chạy lại định bắt. Mọi người cười ồ lên. Ông liền xé tan bức rèm ấy. Mọi người hỏi ông sao làm thế thì ông đáp:
- Tôi thấy cổ nhân vẽ “mai tước” (chim sẻ đậu cành mai) chứ chư thấy vẽ “trúc tước” (chim sẻ đậu cành trúc) bao giờ. Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, quan tể tướng thêu như thế tức là để tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân ngày càng lớn mà đạo quân tử ngày càng tiêu đi, nên tôi phải vì thánh triều mà trừ khử hộ.
Mọi người đều phục Mạc Đĩnh Chi giỏi hùng biện.
Mạc Đĩnh Chi. Tranh minh họa.
Mạc Đĩnh Chi lại thường cùng quan lại nhà Nguyên đối đáp. Có người ra vế đối:
- Kỉ dĩ mộc, bôi phi mộc, như hà dĩ kỉ vi bôi? (Kỉ là gỗ, chén không phải là gỗ, làm sao lấy kỉ làm chén? Về mặt chữ Hán, chữ KỈ (cây liễu) do chữ MỘC (gỗ) và chữ DĨ (đã) hợp thành. Chữ BÔI (chén) do chữ MỘC là gỗ và chữ PHI (nghĩa là không) tạo thành. Vế đối hay ở chỗ dùng chính các bộ phận tạo thành của chữ để đặt thành câu có nghĩa).
Ông đối lại: Tăng tằng nhân, Phật phất nhân, vân hồ dĩ Tăng sự Phật? (Tăng là người, Phật không phải là người, việc gì lấy tăng thờ phật? Chữ TĂNG (nhà sư) do chữ NHÂN (người) và chữ TẰNG (đã) tạo thành; chữ PHẬT do chữ NHÂN và chữ PHẤT nghĩa là không tạo thành. Câu này cũng dùng chính các bộ phận tạo thành của chữ để đặt thành câu, vả lại nó còn đối với câu trên ở chỗ: chữ Kỉ câu trên có chữ Dĩ (nghĩa là đã) tạo thành thì chữ Tăng câu dưới có chữ Tằng (cũng nghĩa là đã) tạo thành; tương tự chữ Bôi ở trên và Phật ở dưới đều có bộ phận hợp thành mang nghĩa là “không”).
Có người lại ra câu đối: An nữ khứ thỉ nhập vi gia (Chữ AN (yên vui), bỏ chữ NỮ đi, thay chữ THỈ vào thì thành chữ GIA nghĩa là “nhà”).
Ông đối lại: Tù nhân xuất vương lai thành quốc (Chữ TÙ (tù nhân), bỏ chữ NHÂN đi, thay chữ VƯƠNG vào thì thành chữ QUỐC nghĩa là “nước”. Đây là câu đối chiết tự chữ Hán).
Lại có người ra đối: Nhật hỏa vân yên, bạch trú thiêu tàn ngọc thố (Mặt trời làm lửa, mây làm khói, ban ngày đốt cháy thỏ ngọc. Ngọc thố = thỏ ngọc, dùng để chỉ mặt trăng).
Ông đối rằng: Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô (Mặt trăng làm cung, sao làm tên, chiều tối bắn rụng quạ vàng. Kim ô = quạ vàng, dùng để chỉ mặt trời).
Có người lại ra câu rằng: Lị mị võng lạng tứ tiểu quỷ (Lị, mị. võng, lạng là bốn con quỷ nhỏ. Trong chữ Hán, mỗi chữ lị, mị, võng và lạng đều có một chữ QUỶ ghép với chữ khác mà thành, tính cả 4 chữ thì có 4 chữ QỦY, nên gọi là 4 con quỷ nhỏ).
Mạc Đĩnh Chi đối rằng: Cầm sắt tì bà bát đại vương (Đàn cầm, đàn sắt và đàn tì bà là tám đại vương. Cũng trong chữ Hán, mỗi chữ cầm, sắt, tì, bà đều do hai chữ VƯƠNG ghép với chữ khác tạo thành, tính cả 4 chữ thì có 8 chữ VƯƠNG).
Một lần khác, hậu cung nhà Nguyên có bà hoàng phi qua đời. Vua Nguyên làm lễ tế, sai Mạc Đĩnh Chi đọc văn tế. Ông mở văn tế ra thì chỉ thấy có 4 chữ NHẤT. Ông biết nhà Nguyên muốn thử tài ông và ngầm yêu cầu rằng bài văn tế phải có 4 câu, mỗi câu có một chữ nhất. Không cần suy nghĩ nhiều, ông đọc luôn rằng:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng Uyển nhất chi hoa
Dao Trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết
Nghĩa là:
Trời xanh một đóa mây
Lò đỏ một điểm tuyết
Vườn Thượng Uyển một cành hoa
Cung Dao Trì một mảnh trăng
Ôi! Mây tan, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết.
Sau nhiều lần thử tài Mạc Đĩnh Chi, vua quan nhà Nguyên thấy ông ứng đối mau lẹ, thơ văn xuất chúng nên rất khâm phục. Vua Nguyên vì vậy phong cho ông là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên.
Trịnh Kiểm cao luận bàn Đông chinh
Trong cuộc Lê Mạc tranh hùng hồi thế kỉ XVI, quân Lê do Thái Sư Lạng Quốc Công Trịnh Kiểm đã nhiều lần đem quân tấn công nhà Mạc ở miền Bắc (hồi ấy gọi là phía Đông, lãnh thổ của nhà Lê gọi là phía Tây). Năm 1559, sau khi giành được nhiều thắng lợi trong các cuộc giao tranh, nhận thấy cơ hội diệt Mạc đã đến, Trịnh Kiểm nhóm họp các tướng, bàn định kế hoạch Đông chinh.
Cuộc họp ấy được sách Đại Việt thông sử chép lại rằng:
“Mùa xuân, niên hiệu Chính Trị thứ 2 (1559)…, Thái Sư đã trị an nhân dân, luyện tập quân sĩ, thu dụng nhân tài, tích trữ đầy đủ khí giới lương thực, muốn mở một trận tấn công đại qui mô ra Đông, để khôi phục cơ đồ, bèn mật bàn với các tướng rằng:
- Con đường xứ Sơn Nam, mỗi khi quan quân ta đông chinh, đều đi lối này, cho nên Phúc Nguyên đem nhiều tinh binh, cả thủy lục quân bố trí các chỗ hiểm yếu. Ta khó bề tung hoành. Chỉ có thượng lộ xứ Sơn Tây và các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, vùng này phần nhiều rừng rậm bao la, đường hẻm quanh quất, chúng không để ý phòng bị. Vả nơi đó có Tướng doanh An Bắc Gia Quốc Công trấn thủ Đại Đồng, vẫn hết lòng trung thành với vua ta. Một khi ta tới đấy hội hợp với Quốc Công, thì khi tiến quân có thể đánh phá, khi lui quân sẽ có lối về.
Vậy nay nên xuất quân lối Thiên Quan, đi qua xứ Hưng Hóa; qua đò sông Thao, hội hợp với Gia Quốc Công, thu dụng các Phiên Mục Thổ Tù nơi đó, để tăng cường thế quân, rồi đi theo đường chân núi, lược định 2 xứ Thái Nguyên và Lạng Sơn, phủ dụ dân biên thùy, chiêu tập các hào kiệt, để cắt vây cánh quân giặc, rồi sau mới dẫn quân xuống xứ Kinh Bắc, chia quân đánh vào Hải Dương, Sơn Nam, làm cho rung cành lá và lay cội rễ quân địch, thì thiên hạ sẽ dao động, thế giặc sẽ xuống ngay. Lúc ấy Phúc Nguyên chỉ còn giữ 4 bức tường kinh thành mà thôi, ta sẽ đem đại quân đánh vào 3 mặt, còn lo gì không thắng .
Trong tướng tá có vị thưa rằng:
- Xuất quân con đường ấy, thì sự vận tải lương thực sẽ chậm trễ, vả lại cách với nội địa quá xa, nếu bị chúng đánh chặn, thì sự lui quân cũng rất khó khăn.
Thái Sư nói rằng:
- Đâu phải thế! Nơi đó 4 xứ: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên và Lạng Sơn, nhân dân giàu có, tiền thóc dư thừa, ta đến đâu sẽ có lương thực ngay nơi đó, còn lo gì về sự thiếu ăn. Vả đấy có dãy núi quanh co dài hàng ngàn dặm, ta đem tinh binh và voi ngựa hùng mạnh, rải vào những khoảng rừng rậm đó, thì còn ai có thể lường được là nhiều ít hư thực thế nào. Một khi ta đánh chiếm được một xứ nào, thì ta lưu một viên mãnh tướng lại, rồi dùng thêm phiên thần cùng trấn thủ các nơi yếu hại. Như vậy thì đầu đuôi liên lạc, cứu viện tiếp liên, tức là cái thế “Thương sơn xà” (con rắn núi Thương Sơn) đó. Nếu chúng đánh chặn, chỉ tổ cho ta bắt hết.
Ta chỉ lo về xứ Thanh Hoa, các cửa biển đều là cái then khóa cốt yếu của nội kỳ, cần phải canh phòng rất cẩn mật, để quân giặc khỏi nhòm ngó. Chỉ cốt giữ cho nội kỳ vô sự, thì đại sự sẽ thành .
Bàn định xong, bèn dâng biểu lên Hoàng Đế, xin xuất quân đông chinh”.
Chân dung Trịnh Kiểm.
Trên cơ sở nắm vững địa thế miền Bắc cùng sự bố phòng lực lượng và khả năng chống đỡ của nhà Mạc, Trịnh Kiểm đã đề xuất một kế hoạch tiến công lợi hại, có khả năng thành công rất cao. Vì thế trong buổi họp, ông đã có những phân tích xác đáng, biện luận thuyết phục khiến các tướng không thể không nghe theo. Quả nhiên trong lần xuất chinh này, quân Lê đã liên tiếp giành những thắng lợi vang dội. Nhưng khi sắp sửa tiến đánh Thăng Long thì Trịnh Kiểm nhận tin quân Mạc đã tương kế tựu kế đem thủy binh đánh vào cửa biển Thanh Hóa. Trịnh Kiểm lo kinh đô sẽ thất thủ nên vội vã dừng cuộc đông chinh, đem quân về cứu viện.
Ngô Thì Nhậm phân tích thời thế, thuyết phục Ngô Văn Sở lui quân chiến lược
Cuối năm 1788, theo lời cầu xin của Lê Chiêu Thống (vua cuối cùng của nhà Hậu Lê), nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân kéo vào Đại Việt, bề ngoài là giúp vua Lê đánh đuổi quân Tây Sơn giành lại vương quyền, nhưng thực chất là muốn chiếm lấy nước ta. Bấy giờ, Ngô Văn Sở được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giao trọng trách quản hạt toàn bộ đất Bắc Hà, đặt bản doanh tại thành Thăng Long. Phụ tá cho Ngô Văn Sở có nhiều văn thần, tướng lĩnh cao cấp như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Dụng… Nghe tin quân Thanh sắp vào cõi, Ngô Văn Sở liền triệu tập hội nghị quân sự để bàn kế đánh giữ.
Vào cuộc họp, Nguyễn Văn Dụng nói: - Cuối đời Trần, người Minh sang chiếm nước ta. Bọn Hoàng Phúc, Trương Phụ, Mộc Thạnh, Liễu Thăng đều là những tướng kiệt hiệt. Vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, đọ sức ra thì khó lòng địch nổi chúng. Nhưng vua Lê biết hành binh, khéo mai phục, nhằm vào chỗ yếu của giặc, ập ra đánh giết, nên mình ít mà đánh được nhiều: làm khốn Vương Thông ở bến Đông, giết được Liễu Thăng ở núi Mã Yên. Võ công ấy nghìn thu hãy còn thơm nức. Nay người Thanh vượt suối trèo non từ xa kéo lại, chúng nhọc lắm rồi. Ta đang nhàn rỗi, sức hãy còn hăng. Chi bằng đặt sẵn quân phục ở nơi hiểm yếu, đợi chúng mới thoạt đến, đổ ra đánh giết, lo gì chẳng thắng.
Nghe những lời đó, Ngô Thì Nhậm nói:
Tượng Ngô Thì Nhậm ở Bỏ tàng Quang Trung (Bình Định).
- Tình cảnh giống nhau nhưng thời thế đổi khác. Hồi thuộc Minh, suốt nước căm giận cái tham tàn, độc ác của quân Ngô, ai cũng muốn vùng dậy mà đánh đuổi chúng. Cho nên vua Lê hô lên một tiếng, gần xa thấy đều ứng theo. Khi đánh với quân Minh, người nào cũng trổ tài gắng sức. Nghe tin thắng trận, lòng ai cũng hớn hở vui mừng. Nhân tâm như thế, nên mai phục được kín đáo không ai dám để lộ cho giặc thông tỏ, rõ tường. Vì vậy, vua Lê mới thắng và đại cáo được bài bình Ngô.
Bây giờ khác hẳn. Các bô thần nhà Lê đâu đâu cũng có. Nghe tin người Thanh đến cứu, họ đều nghển cổ trông mong, chực chờ ngoại viện làm việc hưng phục. Vả lại, dân mình lại nhẹ dạ, trúng cái mưu độc “diệt Hồ lập Trần” thuở trước, họ cũng náo nức đi đón quân Thanh. Như vậy, quân ta mai phục ở đâu, địa thế hiểm hay dễ, số quân ít hay nhiều, thế nào chẳng có nội công cáo tỏ. Người Thanh sẽ nhân kế của ta mà vật lại ta, đổ ra bốn mặt lùng bắt cho kì hết quân phục, chẳng hóa ra tự mình mua lấy cái chết? Quân cơ đã lộ, còn mong gì đánh úp được ai?.
Nghe xong, Ngô Văn Sở lo lắng hỏi lại: “Vậy thì tính sao bây giờ?”
Ngô Thì Nhậm chậm rãi nói:
- Dụng binh có hai cách: đánh và giữ. Nay quân Thanh kéo đến, thanh thế đã lừng lẫy rồi, người mình lại có lắm kẻ làm nội ứng, đồn đại quá lời, làm cho lòng người càng thêm náo động. Ta có việc gì, sai người ra khỏi thành, chắc sẽ bị chúng bắt giết. Vả, những lính Bắc Hà được dịp này lại dễ trốn lắm. Thế mà chực đem quân đó đi đánh, khác gì thả dê đánh cọp, tài nào chẳng thua? Muốn đóng cửa thành, cố sức giữ, lại sợ không thể tin cậy ở lòng người, tất có nội biến. Đánh đã không xong, giữ lại không vững, bây giờ chỉ còn một chước rút lui, nhử giặc vào trong nội địa. Tướng quân nên mau truyền lệnh cho quân thủy đóng thật nhiều lương thực vào các thuyền, chở ra đồn Biện Sơn trước. Rồi ta sẽ kéo bộ binh, giong trống mở cờ, lui giữ lấy núi Tam Điệp, liên lạc với quân thủy. Cố giữ cho vững chỗ hiểm yếu ấy, bấy giờ mới bay thư về báo Đại Vương (chỉ Nguyễn Huệ), cũng chưa muộn nào.
Ngô Văn Sở nghe xuôi tai nhưng còn băn khoăn vì lẽ giặc đến chưa đánh đã lui, sợ rằng sau này sẽ bị trách tội. Ngô Văn Sở nói:
- Khi Đại Vương về Nam, ngài đã giao thành này cho ta. Nay giặc đến, ta phải sống chết với thành, trước là khỏi thẹn là bầy tôi giữ đất, sau mới không phụ cái trọng trách cầm binh quyền. Nếu bây giờ sợ bóng gió, chưa chi đã vội chạy, bỏ thành cho giặc thì chẳng những có tội với Đại Vương, mà lại để tiếng cười với người Bắc Hà nữa.
Ngô Thì Nhậm liền giảng giải:
- Tướng giỏi đời xưa liệu giặc rồi mới đánh, tính trước rồi mới làm, lâm cơ ứng biến, vào quy ra thần, cũng như tay cao tính nước, tùy thế mà đánh cờ vậy. Ta kéo quân về đủ, không phí một người lính, một mũi tên, cho giặc ngủ nhờ một đêm rồi lại đuổi đi, có mất gì mà sợ? Nếu vì rút lui mà mang tội, thì tôi xin giãi bày với Đại Vương, chắc ngài cũng sẽ soi xét. Xin tướng quân đừng ngại.
Ngô Văn Sở cùng bộ chỉ huy quân Tây Sơn nghe những lời đó cảm thấy rất vững lòng. Ngô Văn Sở hạ lệnh cho toàn quân lập tức chuẩn bị rút lui theo kế của Ngô Thì Nhậm. Đại quân thủy bộ của Tây Sơn kéo về Nam, tạo thành phòng tuyến án ngữ suốt từ núi Tam Điệp trên bộ đến hải phận Biện Sơn (cả hai địa danh đều thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay). Từ Ninh Bình trở ra Bắc tạm bị quân Thanh chiếm giữ. Đây là cuộc rút lui chiến lược nhằm tránh thế giặc đang mạnh, chứng tỏ khả năng quan sát, phân tích tình hình nhạy bén và sâu sắc của Ngô Thì Nhậm. Sau đó một thời gian, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế rồi dẫn đại quân ra Bắc, lúc biết chuyện đã rất khen ngợi tầm nhìn xa trông rộng ấy của Ngô Thì Nhậm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
CLIP: Sóc nhỏ "chơi khăm" linh miêu và cái kết đầy bi thảm