Khám phá

Tại sao cả đời Lý Thế Dân không dám động đến chị dâu?

Sau sự biến Huyền Vũ Môn, Đường Thái Tông Lý Thế Dân bất chấp tiếng điều để nạp em dâu vào hậu cung. Tuy nhiên ông lại không dám làm vậy đối với người chị dâu sắc nước hương trời.

Năm 626, Tần vương Lý Thế Dân phát động sự biến Huyền Vũ Môn, trực tiếp hạ sát hai người huynh đệ ruột của mình là Thái tử Lý Kiến Thành và Tề vương Lý Nguyên Cát để tranh đoạt ngôi báu.

Sau biến cố xảy ra ở cổng Huyền Vũ năm ấy, toàn bộ các con trai của hai nhân vật trên đều bị xử chém để diệt trừ hậu họa.

Tuy nhiên hầu hết nữ quyến của gia đình Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đều may mắn giữ được mạng sống. Hai vị thê tử nổi tiếng xinh đẹp của họ là Trịnh thị và Dương thị cũng nằm trong số đó.

Điều đáng nói nằm ở chỗ, cả Trịnh thị và Dương thị đều thuộc vào hàng sắc nước hương trời, tuy nhiên Lý Thế Dân dù đã bất chấp dư luận để nạp người em dâu họ Dương vào hậu cung, nhưng vẫn không dám đụng tới chị dâu của mình.

Vậy đâu là lý do khiến hai mỹ nhân này dù sở hữu hoàn cảnh tương đồng nhưng lại có kết cục khác nhau sau sự biến Huyền Vũ Môn năm ấy?

Nạp em dâu vào hậu cung, Lý Thế Dân cả đời mang tiếng "khử em đoạt vợ"

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Không lâu sau sự biến xảy ra ở Huyền Vũ Môn, vương phi Dương thị (vợ của Tề vương Lý Nguyên Cát, tức em dâu của Lý Thế Dân) đã được nạp vào hậu cung của Tân đế làm phi tần.

Về thân thế của mỹ nữ khiến Đường Thái Tông bất chấp tiếng điều để lấy làm thiếp, "Cựu Đường thư" từng ghi lại: Dương thị vốn xuất thân danh môn, từ nhỏ đã sống trong nhung lụa, nhưng lại là hậu duệ của hoàng tộc họ Dương thuộc Tùy triều.

Có giai thoại thì truyền lại rằng, vị mỹ nhân họ Dương ấy vốn có tên là Khuê My, từng là ca nữ nổi tiếng thành Trường An, hát hay đàn giỏi, am hiểu sách thánh hiền, có tài xuất khẩu thành văn.

Thế nhưng dù là hậu duệ hoàng tộc tiền triều hay là ca nữ nức tiếng trong kinh thành, có thể thấy Dương thị khó có thể lọt vào mắt xanh của vương gia nhà Đường nếu chỉ dựa vào xuất thân có phần nhạy cảm như trên.

Tuy nhiên điều đáng nói nằm ở chỗ, mỹ nữ họ Dương này được miêu tả là sở hữu nhan sắc vô cùng xuất chúng, dung nhan mỹ lệ tới mức khiến cho phụ nữ nhìn thấy cũng phải động lòng.

Chính vẻ đẹp hiếm có ấy đã giúp Dương thị lọt vào mắt xanh của Tề vương Lý Nguyên Cát và trở thành vương phi danh chính ngôn thuận của Đường triều.

Từ sau khi thành gia lập thất cùng Tề vương, cuộc sống của mỹ nhân họ Dương cũng được xem là hết sức viên mãn. Nếu biến cố ở Huyền Vũ Môn không xảy ra, có lẽ Dương thị đã có thể sống êm đềm tới cuối đời với thân phận vương phi của mình.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.

Năm 626, Tề vương Lý Nguyên Cát bỏ mạng ở cổng Huyền Vũ dưới tay anh trai ruột là Lý Thế Dân. Sự biến năm ấy cũng đã trở thành một bước ngoặt khiến Dương thị có cơ hội đổi đời.

Sau khi hạ sát Tề vương và nhanh chóng yên vị trên ngai vàng, Lý Thế Dân tiếp tục làm ra một hành động kinh thiên động địa. Đó là công khai nạp em dâu Dương thị vào hậu cung làm phi tử.

Thậm chí, vị vua này đương lúc tại vị đã từng có ý định lập Dương thị làm Hoàng hậu kế nhiệm sau khi Trưởng Tôn Hoàng hậu qua đời.

Nếu không có sự can gián khẩn thiết từ quần thần, rất có thể người em dâu năm nào của ông đã đường đường chính chính bước lên ngai vị của một chính thê.

Về phần Dương thị, sau khi gia nhập vào hậu cung của Lý Thế Dân, nàng đã được phong tới chức quý phi và sinh hạ cho vị vua này một người con trai.

Chính bởi Lý Thế Dân trước sau bất chấp dư luận, mặc kệ tiếng điều để sủng ái Dương thị, nên có ý kiến từng cho rằng: Việc ông phát động chính biến ở Huyền Vũ Môn ngoài mục đích tranh ngôi thì còn ẩn giấu động cơ chiếm đoạt cả người em dâu xinh đẹp.

Và cho tới ngày nay, việc lấy em dâu làm thiếp vẫn bị coi là một trong những vết nhơ khó có thể gột rửa trong cuộc đời của Đường Thái Tông Lý Thế Dân.

Danh tính người chị dâu sắc nước hương trời từng khiến Đường Thái Tông phải kiêng dè

Mặc dù cùng phải chịu chung cảnh nhà tan cửa nát sau khi phu quân bị đoạt mạng trong sự biến Huyền Vũ Môn, tuy nhiên số phận của Thái tử phi Trịnh thị (vợ của Thái tử Lý Kiến Thành, tức chị dâu Lý Thế Dân) lại khác xa so với Tề vương phi Dương thị.

Sử cũ ghi lại, Thái tử phi Trịnh thị (599 – 676), tên đầy đủ là Trịnh Quan Âm, người đất Huỳnh Dương, xuất thân trong một gia tộc nhiều đời làm quan từ thời nhà Tùy cho đến thời nhà Đường.

Tương truyền rằng, Trịnh thị lúc sinh thời cũng sở hữu dung mạo vô cùng xuất chúng. Mặc dù nhan sắc của nàng không mê người như Dương thị, nhưng cũng được xem là một khuê nữ có tiếng.

Nhờ có vẻ ngoài xinh đẹp, lại thêm xuất thân rất mực danh giá, Trịnh thị đã được chỉ hôn cho Lý Kiến Thành và trở thành Thái tử phi của Đường triều.

Nếu sự biến Huyền Vũ Môn không xảy ra, vị Thái tử phi họ Trịnh ấy rất có thể đã bước lên ngai vị mẫu nghi thiên hạ để sánh vai bên trượng phu của mình. Chỉ tiếc rằng cuộc chính biến năm ấy đã đẩy cuộc đời vốn tươi sáng của nàng vào một con đường tăm tối khác.

Vào năm chính biến Huyền Vũ môn phát sinh, Trịnh thị khi ấy mới 28 tuổi. Nàng từng sinh hạ cho Thái tử Lý Kiến Thành 6 người con trai, nếu không kể đến trưởng tử mất sớm thì người con lớn nhất cũng mới chỉ lên 11 tuổi.

Cái chết của Thái tử Lý Kiến Thành kéo theo việc toàn bộ các con trai bị chém đầu năm ấy đã biến Trịnh thị trở thành một góa phụ phải chịu cảnh nhà tan cửa nát.

Từ sau biến cố nói trên, vị Thái tử phi năm nào đã phải chuyển tới sống ở Trường Nhạc Môn, ngày ngày âm thầm chăm sóc những người con gái may mắn còn sống sót của mình, đồng thời tụng kinh niệm Phật siêu độ cho người thân.

Về việc Lý Thế Dân bất chấp mọi thứ để chiếm đoạt em dâu nhưng lại không dám đụng tới người chị dâu họ Trịnh này, tờ báo Sina (Trung Quốc) đưa ra hai lý giải như sau:

Thứ nhất, khác với Dương thị xuất thân thua thiệt, Trịnh thị đến từ một danh gia vọng tộc với danh tiếng và bối cảnh vô cùng vững chắc. Chính bệ đỡ xuất thân này đã khiến Lý Thế Dân ít nhiều lo sợ và chùn bước.

Thứ hai, thực chất một khi đã lên ngôi Hoàng đế, việc Lý Thế Dân muốn nạp người chị dâu họ Trịnh vào cung cũng không phải là điều không thể. Tuy nhiên điểm đáng lưu tâm nằm ở chỗ, ngoài mối thù giết chồng, Lý Thế Dân còn là người trực tiếp gây ra cái chết của 5 người con trai do Trịnh thị thân sinh.

Đây chính là điểm khác biệt hết sức lớn giữa Trịnh thị và Dương thị. Bởi việc Dương thị có con với chồng cũ hay không vẫn là điều chưa được làm rõ, còn việc Trịnh thị sinh hạ 6 người con trai cho Thái tử Lý Kiến Thành lại được chính sử công nhận.

Vì vậy có thể nói, mối thâm thù của Thái tử phi họ Trịnh và người em chồng như Lý Thế Dân là không thể xóa bỏ. Nếu ông bất chấp mọi thứ để nạp chị dâu vào hậu cung thì chỉ tăng thêm nguy hiểm cho bản thân chứ không đổi lại được ích lợi lớn lao nào khác.

Thế nhưng dù cho mối quan hệ của hai nhân vật này có ẩn tình ra sao, thì việc Lý Thế Dân chỉ nạp người em dâu họ Dương vào hậu cung và buộc phải bỏ qua chị dâu Trịnh thị vẫn là một sự thật lịch sử không thể thay đổi.

Và cho tới ngày nay, cùng với sự kiện giết huynh sát đệ ở Huyền Vũ Môn, việc Lý Thế Dân công khai chiếm đoạt em dâu làm thiếp đã trở thành một trong những vết nhơ khó có thể gột rửa trong cuộc đời vị Hoàng đế nổi tiếng Đường triều ấy…

Theo PV/Helino
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo