Hai giáo sư đến từ Đại học Hawaii tại Mānoa đã tái tạo thành công hương nước hoa cổ xưa từng được Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra sử dụng. Bản tái dựng hiện đang được trưng bày tại triển lãm National Geographic. Nguyên mẫu được tìm thấy tại khu vực Tell el-Timai, Ai Cập.
Dự án tái tạo nước hoa này đã kéo dài trong một thập kỉ, được dẫn dắt bởi hai vị giáo sư Robert Littman và Jay Silverstein. Silverstein nhận định loại nước hoa mà họ tái tạo chính là "Chanel No.5 của Ai Cập cổ", "loại nước hoa đắt giá nhất trong thế giới cổ đại''.
Tại một điểm khai quật ở Ai Cập, các nhà khảo cổ đã từng phát hiện một khu phức hợp rộng lớn với các lò nung có niên đại từ thế kỉ 3 TCN. Các phép phân tích hóa học đã xác định nơi đây là một xưởng chế nước hoa từ thời cổ đại. Tại đây, người ta dùng đất sét để làm lọ chứa nước hoa. Vào năm 2012, người ta đã phát hiện được nơi có khả năng là chỗ ở của người chủ xưởng nước hoa. Các loại trang sức vàng và bạc đã được tìm thấy gần khu xưởng - dấu hiệu của hoạt động giao dịch.
Phần nước hoa còn sót lại bên trong một chiếc vò hai quai (amphora), đã được các chuyên gia về nước hoa Ai Cập cổ đại đem về nghiên cứu để tái tạo theo công thức trên các văn tự Hi Lạp cổ. Phân tích thành phần hóa học cho thấy thành phần chính của nước hoa là mộc dược (myrrh) - một loại nhựa thơm có thể chiết lấy tinh dầu. Từ xa xưa, con người xưa đã sử dụng myrrh để làm nước hoa, hương đốt và dược phẩm. Các thành phần tạo hương còn có bạch đậu khấu, dầu ô liu và quế.
"Nó có mùi rất dễ chịu, tuy có lâu tan hơn một chút so với các loại nước hoa ngày nay" và "Nước hoa từ thời cổ đại có cấu trúc đặc hơn rất nhiều loại chúng ta đang sử dụng, gần như là dầu ô liu vậy.", giáo sư Littman nhận xét
Tuy loại nước hoa cổ này đã được mô phỏng lại chính xác, nhưng vẫn khó để khẳng định liệu nó có phải loại được nữ hoàng Cleopatra thường sử dụng hay không. Bởi có thể, những nhà trị vì như nữ hoàng sẽ muốn sử dụng mùi hương độc nhất của riêng mình.
Theo Công Nhất/KH&PT