Khám phá

Tam quốc diễn nghĩa: 7 Thần tích mà phàm nhân không thể thực hiện được

Trương Phi hét sập cầu Trường Bản, Lưu Bị nhảy qua suối Đàn Khê, Tào Tháo thoát chết nhờ một chữ nghĩa, Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống… là những kỳ tích trong chốn nhân gian.

Thời kỳ Tam quốc là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Trung Quốc cũng như nhiều người dân khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu năm 190 khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập cuối thời nhà Đông Hán.

Ba anh em Lưu - Quan - Trương.

Đặc biệt, những câu chuyện được kể đến trong các tác phẩm viết về thời kỳ Tam quốc, rất nhiều đều là những thần tích, là trí huệ mà Thần tiên lưu lại trong nhân gian.

Phi ngựa qua Đàn Khê

Đích Lô vốn là ngựa của Trương Vũ, một tướng dưới trướng danh sĩ dòng dõi hoàng tộc thời nhà Hán là Lưu Biểu. Sau này, Trương Vũ phản bội lại Lưu Biểu. Lưu Bị (người sáng lập ra nhà nhà Thục Hán) bị thất bại trong trận giao chiến với Tào Tháo nên về đầu quân cho Lưu Biểu vì hai người cùng trong hoàng thất, đợi thời cơ làm lại sự nghiệp.

Lưu Bị cưỡi ngựa Đích Lô vượt suối Đàn Khê.

Lưu Bị nhìn thấy ngựa của Trương Vũ cho rằng đây là một con tuấn mã, liền hết lời ca ngợi rằng “con ngựa này chắc chắn là ngựa thiên lý”. Tướng của Lưu Bị lúc đó là Triệu Vân lập tức hiểu ngay ý của chủ nhân, liền lấy ngựa cho ông.

Khi Lưu Biểu nhìn thấy con ngựa này cũng khen không ngớt lời. Lưu Bị đang không biết lấy gì để báo đáp Lưu Biểu liền tặng con ngựa này cho Lưu Biểu. Không ngờ, Lưu Biểu lại thấy con ngựa này “có quầng mắt, trên đầu có những đốm trắng, lại tên Đích Lô, ắt là con ngựa sát chủ”, còn nói rằng “Trương Vũ cưỡi con ngựa này bị chết” chính là minh chứng, nên vội vàng tìm cớ trả lại cho Lưu Bị.

Người hầu của Lưu Bị đem tin “ngựa sát chủ” nói cho Lưu Bị, nhưng Lưu Bị không tin. Sau đó, khi Khoái Việt và Thái Mạo muốn dồn Lưu Bị vào chỗ chết, Lưu Bị vội vàng thoát ra ngoài, cưỡi ngựa Đích Lô chạy trốn, nhưng bị nhầm đường, ông chạy đến bên suối Đàn Khê.

Phía trước là con suối rộng lớn, phía sau là quân địch truy đuổi, lúc này Lưu Bị mới nhớ đến lời khuyên “Đích Lô sát chủ” ngày trước, ông vừa điên cuồng quất vào lưng ngựa, vừa hét: “Đích Lô! Đích Lô! Hôm nay mày hại ta đi!“. Đích Lô bỗng nhiên vùng lên, phi một phát sang bờ bên kia, lập một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử. Sau đó, Lưu Bị càng không tin chuyện “Đích Lô sát chủ” , ông càng yêu quý con ngựa đã cứu mạng mình này hơn.

Sau này, khi đem quân đi đánh nước Thục, thấy ngựa của Bàng Thống, một trong những mưu sĩ của Lưu Bị, già yếu quá, để thể hiện sự trọng dụng, Lưu Bị đã đem ngựa yêu của mình tặng cho Bàng. Ai ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng, vừa mới cưỡi lên Đích Lô đã bị kẻ địch tưởng nhầm là Lưu Bị nên bắn chết. Sau này ngựa Đích Lô cũng không rõ lưu lạc về đâu.

Gia Cát Lượng được Tư Mã Ý xưng tôn là Thần Nhân

Gia Cát Lượng được Tư Mã Ý xưng tôn là Thần Nhân.

Vào thời Tam quốc, Từ Thứ tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị. Biết ông có tài năng hơn người, liệu sự như Thần, nên một năm bốn mùa, Lưu Bị đã ba lần hạ cố đến nhà tranh để cầu được gặp Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng, mời ông xuống núi mưu tính đại sự.

Gia Cát Lượng vốn dĩ là một vị thần tiên, chỉ hưởng dương đến tuổi trung niên, chờ đến khi đạt được thiên thời địa lợi, ý chí kiên định, thì cho dù Thần hay quỷ cũng không thể thay đổi, không thể ngăn ông gọi gió hô mưa, dùng đậu biến thành quân đội, lệnh kiếm biến thành sông.

Tư Mã từng nói: “Lai bất khả đương, công bất khả thủ, khốn bất khả vi, vị tri thị nhân dã, thần dã, tiên dã?”, nghĩa là: Gia Cát Lượng đã đến thì không ai có thể chống đỡ, đã tấn công thì không ai có thể phòng thủ, khó khăn cũng chẳng thể vây hãm, ông không phải là người mà là Thần, là Tiên.

Sáu lần xuất quân ra Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng

Sáu lần xuất quân ra Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng nghĩ: “Man tặc không chịu đầu hàng, ắt sẽ để lại hậu họa về sau”. Vì vậy ông cho rằng nhất định phải dẫn quân tiến công, nhưng muốn đến được Bồ Quan phải vượt qua được Tiêu Hồng Giang. Theo lời của Gia Cát Lượng, Tiêu Hồng Giang là con sông rộng lớn, hơn nữa còn sâu hơn ba ngàn mét.

Kiến Hưng năm thứ hai, khoảng hơn tháng Sáu, trời đổ tuyết lớn, quân đội không có cách nào qua được Tiêu Hồng Giang. Quân sư lệnh cho người chế tạo Phong Luân, thuận theo gió mà qua, vừa đúng rơi xuống khu vực Bồ Quan.

Man Vương nói: “Gia Cát phi nhân dã, nãi thiên thần dã” (Gia Cát Lượng không phải là người mà là Thần), sau đó đón quân sư vào Bồ Quan, quản đãi vài ngày, dâng tặng mười xe kim ngân châu báu, thề cả đời sẽ tận trung với nhà Hán.

Gia Cát Lượng nói: “Phóng nhĩ chi mệnh, tả dữ văn thư, đa vô ngũ niên, viễn phó Kỳ Sơn, đương lai cứu ngã” (Lần này tha cho ngươi một mạng, phải làm theo như lời ta để lại: Lần này ta xuất quân Kỳ Sơn, nếu trong vòng 5 năm không thấy ta trở lại thì phải đến ứng cứu). Sau đó quân sư sáu lần xuất binh ra Kỳ Sơn, đến đô thành Ích Châu, thưởng quân, an dân.

Tiếng hét trên cầu Trường Bản của Trương Phi

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã miêu tả Trương Phi với ngoại hình dữ tợn, râu tóc dựng ngược, cưỡi tuấn mã Ô Vân Đạp Tuyết tay cầm xà mâu nặng hơn trăm cân.

Lúc giao tranh tại Đương Dương – Trường Bản, trước thế tấn công mãnh liệt của Tào Tháo, quân dân Lưu Bị thua chạy tan tác mỗi người một nơi. Lưu Bị sai Trương Phi mang 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào.

Trương Phi đợi Lưu Bị cùng mọi người đi kịp sang sông rồi mới đứng lên chặn quân địch ở đầu cầu Trường Bản. Mắt nhìn thấy ba mươi vạn đại quân Tào sắp tiến đến, có người hỏi tại sao không trốn chạy, Trương Phi chỉ cười mà đáp: “Ngô bất kiến chúng quân, chỉ kiến Tào Tháo” (Không nhìn quân đội chỉ nhìn Tào Tháo).

Quân Tào Thuần truy kích đuổi đến nơi, một mình Trương Phi hùng dũng đứng cầm xà mâu quát lớn: “Ngô nãi Yến nhân Trương Dực Đức, thùy cảm cộng ngô quyết tử” (Ta là người Yến, tên gọi Trương Dực Đức, ai dám cùng ta quyết tử).

Thanh âm lớn như sét đánh bên tai khiến cây cầu bị phá vỡ, khiến tướng Tào, Hạ Hầu Kiệt vỡ mật mà chết. Không ai trong quân Tào dám tiến sang sông giao đấu. Tào Thuần sợ Trương Phi có kế khác nên không dám liều lĩnh sang đánh.

Trên đường Hoa Dung, Tào Tháo mệnh chưa tuyệt hay Quan Vũ biết cảm kích

Quan Vũ tha chết cho Tào Tháo.

Khi Tào Tháo thua trận Xích Bích, buổi tối hôm ấy, Tào Tháo dừng chân tại một khu rừng lớn, không thể tiến phát. Phía trước chỉ có hai con đường, một đường hướng bắc dẫn đến đất Sở, đường còn lại là đường Hoa Dung.

Tào tướng nghĩ: “Trước tiến Đương Dương, Trường Bản, hai mươi người của Trương Phi ngăn cản không cho quân ta tiến lên. Lần này lại là Gia Cát Lượng ngăn cản, chỉ sợ càng thêm khó khăn cho quân ta”.

Cuối cùng Tào Tháo quyết định về hướng Hoa Dung. Không tới hai mươi dặm, liền nhìn thấy năm trăm người cầm giáo, đao do Quan Vũ dẫn đầu ngăn cản.

Tào Tháo dùng lời lẽ hoa mỹ nói với Quan Vân Trường: “Tào Tháo cùng Thọ Đình Hầu có ân”. Quan Vũ đáp: “Quân sư nghiêm lệnh”. Nhưng cuối cùng, Quan Vũ lại quyết định tha cho Tào Tháo.

Quan Vũ trở về gặp Huyền Đức và quân sư, rồi nhận tội vì đã thả Tào tặc. Vũ Hầu nói: “Quan tướng quân là người nhân nghĩa, chắc đã nghĩ đến ân tình của Tào Tháo khi xưa nên mới tha cho hắn”.

Trương Liêu và Quan Vũ mỗi người một chủ, trong tâm đều nêu cao chữ “Nghĩa”

Trương Liêu.

Trương Liêu đến thuyết phục Quan Vũ đầu hàng, nói rằng: “Quan Công từ nhỏ đã đọc sách, xem Xuân Thu Tả Thị Truyện, từng là người hiền lương, sao lại không giải được ý? Tào Tháo thâm ái”.

Quan Vũ hỏi: “Nếu ta đầu hàng Tào quân thì sẽ thế nào?”.

Trương Liêu đáp: “Tướng quân sẽ được trọng dụng, mỗi tháng được cấp bốn trăm quan, bốn trăm thạch”.

Quan Vũ: “Nếu theo đúng lời ta làm ba điều, ta sẽ hàng”.

Trương Liêu: “Lời của tướng quân?”.

Quan Vũ: “Thứ nhất, ta và phu nhân, một nhà phân thành hai viện, để bảo toàn danh tiết cho phu nhân. Thứ hai, nếu biết tin tức của Hoàng Thúc, ta sẽ quay lại chủ cũ. Thứ ba, hàng Hán không hàng Tào. Nếu như đáp ứng, nguyện vì thừa tướng làm việc lớn, nếu không đáp ứng, thề chết không hàng”.

Trương Liêu và Quan Vũ mỗi người một chủ, trong tâm đều nêu cao chữ “Nghĩa”.

Trương Liêu cười đáp: “Đây chỉ là chuyện nhỏ”. Sau đó quay về đem toàn bộ mọi chuyện bẩm báo với Tào Tháo.

Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống

Gia Cát Lượng tự Khổng Minh.

Năm Kiến Hưng thứ 12 nhà Thục Hán (tức năm 234), Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt, đóng quân ở Ngũ Trượng Nguyên. Đó là thời điểm vào giữa mùa hạ, trời nóng bức, chiến cuộc lại không có nhiều tiến triển khiến Gia Cát Lượng rất lo lắng, ưu phiền chẳng bao lâu sau, cơ thể suy kiệt nhanh chóng cuối cùng thành bệnh, nằm liệt giường trong doanh trại. Khiến Gia Cát Lượng phải dâng sao giải hạn để thay đổi số mệnh, nhưng Ngụy Diên vô tình đạp tắt ngọn minh đăng khiến cho việc dâng sao giải hạn, mượn tuổi trời của Gia Cát Lượng bất thành, cuối cùng ông mất ở gò Ngũ Trượng.

Gia Cát Lượng là Thừa tướng nước Thục, cả đời cúc cung tận tụy, thậm chí khi biết bản thân không thể sống lâu được nữa, ông đã viết lại binh thư, kế sách, dặn dò di ngôn, chỉ vì muốn quân Thục có thể an toàn bảo trì lực lượng. Trước khi qua đời, Gia Cát Lượng viết tờ di biểu dâng lên hậu chủ, xong xuôi lại dặn dò Dương Nghi rằng:

“Sau khi ta chết không thể làm đám tang, phất cờ đánh trống, các ngươi hãy làm một cái bàn thờ lớn, để thi thể của ta ngồi ở trên, trong miệng ngậm bảy hạt gạo, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng, trong quân cứ giữ vẻ yên ổn như thường, không được than khóc buồn bã. Như vậy thì sao Tướng Tinh mới không rơi xuống, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được. Tư Mã Ý thấy sao Tướng Tinh không sa, tất nhiên sẽ không dám khinh cử vọng động, quân ta mới có thể âm thầm từng nhóm từng nhóm chậm rãi rút lui. Nếu như Tư Mã Ý đuổi theo, ngươi nên dàn thành trận thế, quay cờ đánh trống trở lại, rồi đẩy xe có tượng gỗ của ta ra phía trước quân, lệnh cho tất cả tướng sĩ đứng dàn hai bên trái phải, Tư Mã Ý nhìn thấy, tất sẽ sợ hãi bỏ chạy”.

Các tướng trung thành của Gia Cát Lượng là Dương Nghĩa, Khương Duy theo sự sắp xếp của Gia Cát Lượng, sau khi Lượng chết không phát tang ngay mà chỉnh đốn binh mã, rút quân về Hán Trung thật thần tốc nhưng phải trật tự, không để quân Tư Mã Ý phát hiện.

Nhưng không ngoài dự liệu của Khổng Minh, Tư Mã Ý quan sát thiên văn thấy một ngôi sao lớn màu đỏ, tia sáng tỏa ra bốn phía có góc, từ phía đông bắc chạy về hướng tây nam, sau đó đến thẳng Thục doanh. Ba lần sa xuống, lại ba lần vụt lên, tiếng chuyển ầm ầm.

Tư Mã Ý vui mừng la lớn: “Khổng Minh chết rồi!”. Lập tức truyền lệnh khởi binh đuổi đánh, nhưng vừa ra khỏi cửa trại lại nổi tâm đa nghi: “Khổng Minh có tài phù phép, có thể sai khiến thần Lục Đinh, Lục Giáp. Nay thấy ta không ra đánh, cho nên làm ra thuật này để dụ ta đây, nếu ta đuổi theo, tất sẽ trúng kế”. Nghĩ thế rồi quay ngựa trở vào, không đi nữa, chỉ sai Hạ Hầu Bá dẫn vài chục quân binh âm thầm đến gò Ngũ Trượng do thám tình hình.

Sau khi có tin báo về, quân Thục đều đã rút binh Tư Mã Ý lập tức xua quân đuổi theo, quyết một phen tiêu diệt quân của Gia Cát Lượng. Dương Nghĩa ra lệnh cho binh lính rải đinh sắt trên đường rút quân để cản trở quân địch. Tư Mã Ý không phải tay vừa, ra lệnh cho hơn 2000 binh sỹ đi những đôi giày có đế làm bằng gỗ mềm chạy trước đoàn quân khiến đinh sắt do quân Thục rải trên đường găm hết vào đế giày.

Tạo hình Tư Mã Ý trong phim.

Quân đội Ngụy cứ theo đoàn quân giày gỗ này thuận lợi truy đuổi quân Thục. Tuy nhiên, khi quân Ngụy đuổi tới gần, quân Thục đột nhiên dựng cờ, gõ trống giống như chuẩn bị phản kích quân Ngụy. Quân Tư Mã Ý thấy vậy không dám truy đuổi nữa. Quân Thục nhờ vậy mà an toàn rút về Hán Trung.

Vì sao một người thông minh như Tư Mã Ý lại không dám truy đuổi quân Thục? Nguyên nhân là vì, trước khi chết, dự liệu rằng khi quân Thục rút lui, Tư Mã Ý tất sẽ đuổi theo vì vậy Gia Cát Lượng đã cho người đẽo một bức tượng của mình rồi đặt lên xe. Đến khi quân của Tư Mã Ý đuổi theo đến gần thì đẩy xe có bức tượng của mình lên phía trước. Tư Mã Ý vốn nghe phong thanh Gia Cát Lượng bị bệnh mà chết, vì thế quân Thục mới rút quân.

Nay khi đuổi sát tới nơi lại thấy Gia Cát Lượng vẫn điềm nhiên ngồi trước xe ra trước ba quân khiến Ngụy quân kinh hoàng, hồn bay phách tán, buông vũ khí bỏ chạy. Tư Mã Ý cũng sợ hãi bỏ chạy hơn năm mươi dặm mới bàng hoàng hỏi thủ hạ của mình: “Đầu của ta còn không?”.

Trận chiến này đã trở thành trò cười cho thiên hạ. Sau này trong dân gian lưu truyền câu nói, về sau đã trở thành tục ngữ phương ngôn: “Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt” (Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống).

Những câu chuyện trên đều là những điều mà một phàm nhân không thể thực hiện được, nhưng lại xảy ra như một kỳ tích chốn nhân gian.

Có người lý giải rằng, đây là những Thần tích do Thần tiên lưu lại, cũng chính là một phần của văn hóa mà Thần truyền lại cho con người trần thế.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo