Khám phá

Tam quốc diễn nghĩa: Chân dung nhà quân phiệt là đồng môn và từng cưu mang Lưu Bị

Cùng là bạn học với nhau nhưng trong khi Lưu Bị vẫn còn lận đận trong sự nghiệp thì Công Tôn Toản đã chiếm cứ U Châu, làm quan đến chức Trung lang tướng và được phong Đô đình hầu.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Công Tôn Toản được nhắc tới ngay từ hồi 1, là bạn học của Lưu Bị với thầy Lư Thực.

Vốn có xuất thân danh môn nên Công Tôn Toản đã gây dựng thế lực từ rất sớm. Vì vậy khi Huyền Đức vẫn còn đang lao đao trong buổi đầu sự nghiệp thì người bạn đồng môn này đã chiếm cứ U Châu, làm quan đến chức Trung lang tướng và được phong Đô đình hầu.

Tạo hình Công Tôn Toản trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Mặc dù có xuất phát điểm khác nhau một trời một vực, nhưng Công Tôn Toản luôn hết lòng giúp đỡ người bạn Lưu Bị.

Cụ thể là hồi 2 của Tam quốc diễn nghĩa từng viết:

"Công Tôn Toản lại dâng biểu tâu công đánh giặc trước của Huyền Đức và tiến cử làm quan Tư mã, lĩnh chức Huyện lệnh Bình Nguyên. Huyền Đức ở Bình Nguyên nhờ có lương tiền và quân mã nên có vẻ phong quang dễ chịu hơn trước".

Do đó có thể nói, Công Tôn Toản chính là một quý nhân đã nâng đỡ Lưu Bị trong buổi đầu lập nghiệp, thậm chí còn đem tới cho ông cơ sở để khởi nghiệp từ mảnh đất Bình Nguyên nhỏ bé.

Cũng nhờ sự tiến cử của người đồng môn họ Công Tôn ấy, Lưu Huyền Đức mới có thể xem là chính thức bước lên con đường quan lộ.

Sang hồi 5 khi các chư hầu tụ hội đánh Đổng Trác, Công Tôn Toản đến hội binh và 3 anh em Lưu Bị đi theo ông lập được công lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là tình tiết do La Quán Trung hư cấu.

Cũng trong hồi 5 về mối giao tình của Lưu Bị và Công Tôn Toản, được đề cập qua một câu thoại của Huyền Đức:

"Ngày trước em nhờ anh được cử làm Huyện lệnh Bình Nguyên, nay nghe thấy đại quân qua đây, nên em lại hầu. Xin anh hãy vào thành nghỉ ngựa".

Vì vậy, có thể khẳng định rằng bản thân Lưu Bị không chỉ biết ơn sự giúp đỡ của Công Tôn Toản mà còn từng dốc lòng dốc sức báo đáp người đồng môn này.

Hồi 7 tập trung mô tả trận giao tranh giữa ông và Viên Thiệu, qua đó giới thiệu sự xuất hiện của Triệu Vân. Cái chết của Công Tôn Toản không được mô tả trực tiếp mà chỉ được kể qua lời một thủ hạ đi lấy tin tức về báo cáo cho Tào Tháo biết diễn biến trận Dịch Kinh.

Tạo hình Lưu Bị trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Kết bạn với Lưu Bị

Công Tôn Toản (? - 199) tự là Bá Khuê, người huyện Lệnh Chi, quận Liêu Tây. Ông là tướng nhà Hán và quân phiệt thời Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Công Tôn Toản xuất thân trong gia đình quyền quý nhưng mẹ ông lại vốn xuất thân hàn vi. Ông có dáng vóc cao lớn, giọng nói sang chảnh, thông minh tài trí.

Thời trẻ Công Tôn Toản làm chức lại nhỏ trong quận. Mỗi lần báo cáo ông đều nói năng rõ ràng, thẳng thắn bộc trực nên được Hầu thái thú quý mến và gả con gái cho. Sau đó ông được Hầu thái thú đưa đến núi Câu Thị theo học Lư Thực. Cùng học với ông có Lưu Bị ở Trác quận, người sau này trở thành vua nước Thục Hán. Hai người kết bạn với nhau.

Sau đó Công Tôn Toản trở về quê ở huyện Lệnh Chi, được thăng làm chức Thượng kế lại, là người tính toán sổ sách chi tiêu dưới quyền Thái thú Lưu Cơ. Được ít lâu, Lưu thái thú phạm pháp bị áp giải về triều, theo quy định thì thuộc hạ không được phép tiếp cận. Công Tôn Toản bèn cải trang, nói dối là người hầu, đích thân theo Lưu thái thú, hầu hạ trên đường đi đến tận kinh đô. Lưu thái thú bị lưu đày xuống quận Nhật Nam, ông tình nguyện đi theo chăm sóc. Nhưng đi được nửa đường thì có lệnh tha cho Lưu thái thú, vì vậy ông trở về bản quận.

Làm tướng Liêu Đông

Công Tôn Toản.

Năm 187, Công Tôn Toản được triều đình sai đốc soái kị binh Ô Hoàn cùng Xa kỵ tướng quân đi dẹp quân nổi dậy ở Lương châu. Cùng lúc, thủ lĩnh Ô Hoàn là Khâu Lực Cư nổi dậy chống nhà Hán, liên hợp với Trương Thuần ở Ngư Dương tấn công Kế Trung. Trương Thuần dựng Trương Cử làm hoàng đế còn tự mình xưng là An Hán vương. Công Tôn Toản mang quân đuổi đánh Trương Thuần, lập được công nên được phong làm Kị đô úy.

Trương Thuần lại cùng Khâu Lực Cư mang quân đánh Ngư Dương, Hà Gian, Bột Hải và tiến vào quận Bình Nguyên. Công Tôn Toản theo lệnh của Châu mục U châu là Lưu Ngu mang quân truy kích Trương Thuần. Tháng 11 năm 188, hai bên giao chiến ở Thạch Môn. Trương Thuần và Trương Cử đại bại, phải bỏ cả vợ con tháo chạy ra biên ải. Ông một mình mang quân đuổi theo, vì không có nhiều người hiệp trợ nên bị Khâu Lực Cư mang quân vây bọc ở thành Quản Tử, quận Liêu Tây.

Công Tôn Toản bị vây hơn 200 ngày, lương thực cạn, phải ăn cả ngựa chiến. Ngựa ăn hết, ông lại cùng thuộc hạ luộc da vũ khí và cung nỏ, lá chắn lên để ăn. Trong gian khổ, Công Tôn Toản không ngừng khích lệ quân lính gắng sức chiến đấu. Sau đó, thấy thế quân địch quá mạnh không thể đương đầu, ông bèn lệnh cho quân sĩ chia tay nhau mỗi người tìm cách đột phá vòng vây. Hai bên đánh nhau trong trời tuyết lớn, quân sĩ dưới quyền ông bị chết hơn một nửa. Quân Khâu Lực Cư lúc đó cũng hết lương, phải bỏ chạy vào thành Liễu Thành.

Công Tôn Toản thoát về, được Hán Linh Đế phong làm Hàng lỗ hiệu úy, Đô đình hầu, kiêm chức Trưởng sử ở thuộc quốc Liêu Đông (thuộc U châu). Ít lâu sau Trương Thuần bị thủ hạ giết chết, mang đầu tới chỗ Lưu Ngu, vì vậy Lưu Ngu được phong làm Đại tư mã, Công Tôn Toản được phong làm Tô hầu, Phấn uy tướng quân.

Cảnh trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Uy danh nổi khắp vùng biên

Có giai thoại kể lại trong một lần Công Tôn Toản mang quân đi tuần thì đụng độ mấy trăm quân kị tộc Tiên Ty. Ông bèn bảo mọi người cùng tập trung vào một ngôi đình bỏ không, rồi hạ lệnh cùng nhất loạt xông vào quân địch. Công Tôn Toản cầm mâu tự mình đi đầu, chém chết mấy chục quân Tiên Ty, cuối cùng thoát được sự truy kích của quân địch.

Uy danh của Công Tôn Toản từ đó nổi tiếng khắp vùng biên, hễ thấy nơi nào có quân địch phạm vào biên giới là ông giận dữ ra trận, chiến đấu rất dũng cảm, không kể ngày đêm đều giao chiến. Lâu ngày, quân các bộ tộc bên ngoài cũng nhận ra giọng nói sang sảng của ông, hễ nghe thấy ông quát là bỏ chạy, không ai dám trực diện giao chiến.

Công Tôn Toản thường cưỡi ngựa trắng, có mấy chục thủ hạ cũng cưỡi ngựa trắng theo ông, gọi là đội "bạch mã nghĩa tòng", còn Công Tôn Toản là "bạch mã Trưởng sử". Vì vậy tộc Ô Hoàn ở biên giới thường nhắc nhau tránh viên tướng cưỡi ngựa trắng và vẽ hình ông làm vật giả tưởng cho quân tập bắn.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo