Khám phá

Tam quốc diễn nghĩa: Gia Cát Lượng được Tư Mã Ý xưng tôn là thần nhân

Sau khi Lưu Bị qua đời, nhà Thục Hán rơi vào cuộc chiến dai dẳng với Tào Ngụy. Nổi bật nhất chính là những lần đấu trí giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất phục vụ cho nhà Ngụy.

Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý là kỳ phùng địch thủ.

Vào thời Tam quốc, Từ Thứ tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị. Biết ông có tài năng hơn người, liệu sự như Thần, nên Lưu Bị đã ba lần hạ cố đến nhà tranh để cầu được gặp Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng, mời ông xuống núi giúp khôi phục nhà Hán. Gia Cát Lượng là nhân tố quan trọng, giúp Lưu Bị chiến thắng Tào Tháo trong trận đại chiến Xích Bích, đặt nền móng hình thành nhà Thục Hán.

Trong khi đó, vai trò của Tư Mã Ý thời Tào Tháo không thực sự rõ ràng. Một phần vì ông miễn cưỡng phò tá Tào Tháo, một phần vì Tư Mã Ý là người thận trọng, luôn tránh gây sự chú ý không cần thiết.

Tư Mã Ý được Gia Cát Lượng chú ý kể từ khi ông nổi lên khi Tào Phi nắm quyền. Ngay từ khi được nghe tin về Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã nói rằng, đây là một người không dễ dàng đối phó.

Chiến trường tỷ thế giữa Khổng Minh và Tư Mã diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt.

Năm xưa khi Gia Cát Lượng xuất sơn, Quác Gia đã qua đời, ngay tới Chu Du cũng không có cơ hội trực tiếp giao đấu với Khổng Minh.

Thậm chí 5 đại mưu sĩ từng phục vụ dưới trướng Tào Tháo về căn bản cũng chưa từng giao chiến với những quân sư cao cấp của các thế lực khác.

Phần lớn các mưu sĩ cấp cao thời bấy giờ chỉ có cơ hội đối đầu với những quân sư thua kém họ về mặt tài năng.

Cho nên, cuộc đối đầu trực tiếp giữa Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng hoàn toàn có thể đánh giá là một trong những chiến dịch đặc sắc nhất trong lịch sử Tam quốc.

Vào thời điểm bấy giờ, đại đa số các danh tướng nổi danh trước đó đều đã qua đời. Không ít các mưu sĩ nức tiếng một phương đều đã biến mất vì nhiều lý do khác nhau.

Những dấu hiệu này cho thấy cục diện Tam quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn muốn thống nhất.

Cuộc chiến tranh giữa Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng xảy ra trong giai đoạn này hiển nhiên sẽ mang tính chất kịch liệt và gay cấn hơn cả. Thậm chí sẽ không hề quá lời nếu nói rằng kết cục của giai đoạn Tam quốc được định đoạt bởi trận tỷ thí của hai nhân vật này.

Kể từ năm 228 đến năm 234 khi Gia Cát Lượng qua đời ở gò Ngũ Trượng, hai thế lực Thục - Ngụy có tất cả 6 lần giao chiến. Trong số đó có 5 lần Khổng Minh chủ động đem quân tiến hành Bắc phạt, còn lại 1 lần là do Ngụy đánh trả, Thục phòng ngự.

Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý ai mạnh hơn ai? Đó vẫn là chủ đề gây tranh cãi đối với hậu thế cho tới tận ngày hôm nay.

Tư Mã Ý cũng rất tôn trọng Gia Cát Lượng.

Tuy nhiên, có một sự thật, là dù từng bị Gia Cát Lượng dùng hỏa tập kích khiến Tư Mã Ý suýt chết và sau khi Gia Cát Lượng chết, lại còn dùng tượng gỗ để hù dọa đội quân của Tư Mã Ý khiến cho tướng sĩ của ông kinh hồn bạt vía. Ấy thế mà khi hay tin Gia Cát Lượng chết thật Tư Mã Ý đã đích thân đến doanh trướng Thục Quân, nơi Gia Cát Lượng từng ở lúc sinh thời.

Tại đây, ông đã dùng nước thay rượu kính Khổng Minh. Đôi mắt tràn lệ, ông đã bày tỏ tấm lòng thành của mình. Nếu như con trai ông không kịp thời nhắc nhở rằng phía sau là tướng sĩ của nước Ngụy, có lẽ Tư Mã Ý đã quỳ xuống bái tế rồi.

Tư Mã Ý ca ngợi Khổng Minh rằng: “Ngài một đời thanh bạch giống như nước, mặc dù chúng ta đã là kẻ địch sáu năm, nhưng ta vẫn luôn coi ngài là tri âm. Khổng Minh, hãy để ta gọi ngài hai tiếng: Tiên sinh”.

Trong Tam quốc chí bình thoại Tư Mã cũng từng nhận xét về Gia Cát Lượng như sau: “Lai bất khả đương, công bất khả thủ, khốn bất khả vi, vị tri thị nhân dã, thần dã, tiên dã?”, nghĩa là: Gia Cát Lượng đã đến thì không ai có thể chống đỡ, đã tấn công thì không ai có thể phòng thủ, khó khăn cũng chẳng thể vây hãm, ông không phải là người mà là thần, là tiên.

Một số học giả Trung Quốc sau này phân tích, cuộc đối đầu giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý luôn bất phân thắng bại. Nếu Tư Mã Ý có thất bại thì chỉ là để đổi lấy thời gian, cho đến khi Gia Cát Lượng vì mệt nhọc mà sinh bệnh rồi qua đời.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo