Tam quốc diễn nghĩa: Lập nghiệp học Lưu Bị, quản nghiệp học Tào Tháo, giữ nghiệp học Tôn Quyền
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền có thể xem là ba ông chủ lớn của ba công ty lớn thời Tam quốc. Đây cũng là ba nhân vật có thể đánh bại những đối thủ khác trong các cuộc quần hùng tranh phân, tạo nên thế chân vạc vững chắc. Tuy nhiên, họ lại có những đặc điểm tính cách, năng lực và nền tảng để gây dựng sự nghiệp khác nhau.
Tào Tháo là nhân vật có tài năng có thể nói là toàn diện nhất. Hùng tài đại lược, vũ lực và mưu lược đều xuất chúng hơn người. Ông cũng là một mẫu lãnh đạo quyết đoán và lạnh lùng, người đời gọi là "kiêu hùng".
Về các phương diện như quy mô doanh nghiệp, thực lực vốn hay nhân tài, Tào Tháo đều chiếm ưu thế lớn.
Thứ hai là Lưu Bị
Năng lực bản thân của Lưu Bị thực ra không quá nổi bật nhưng ông có một ưu điểm xuất sắc nhất ít người sánh được, đó chính là có thể kiên nhẫn không bị dao động, đánh trận nào thua trận nấy song vẫn kiên trì đến cùng, không từ bỏ, chỉ số vượt khó, vượt qua nghịch cảnh rất cao.
Ngoài ra Lưu Bị cũng là nhân vật lãnh đạo biết dùng người. Các nhóm nhân vật trung tâm của ông đều là những người thực sự tài cán, văn thần có tài mưu lược, võ tướng có tài cầm quân, kinh nghiệm có thừa, cuối cùng cũng có được một phần thiên hạ.
Thứ ba là Tôn Quyền
Nói một cách nghiêm túc và khách quan thì Tôn Quyền được xếp vào hạng công tử nhà giàu, đã được đời cha ông đặt nền tảng từ trước.
Tuy nhiên vị công tử này không chỉ phát triển được cơ nghiệp đời cha để lại mà thậm chí còn đưa nó phát triển lên một cách lớn mạnh, Bắc chống Tào Tháo, Tây đối phó Lưu Bị, giữ vững được một phần ba thiên hạ.
So với cha là Tôn Kiên và anh trai là Tôn Sách – những người giỏi võ nhưng hạn chế về mặt quản lý, Tôn Quyền sở hữu tính cách quyết đoán và rất biết dùng người.
Ông thực sự là một quản lý có tài, đến cả Tào Tháo cũng phải thốt lên lời tán dương "Tôn Quyền thật có bản lĩnh”.
Lập nghiệp học Lưu Bị
Lưu Bị không có tài mưu quân sự, nhưng lại có con mắt nhìn người.
Lưu Bị (161-223), tự Huyền Đức, sinh ra tại U Châu (Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay). Ông xuất thân trong một gia đình mang dòng dõi nhà Hán nhưng được thừa hưởng ít tước lộc, đến đời ấy thì đã trở thành bần nông, gia cảnh hết sức nghèo khổ.
Điều này cho thấy Huyền Đức sở hữu xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với các quân chủ cùng thời.
Người cha qua đời sớm của ông chẳng những không để lại thi thư bí tịch, ngay tới vài mối quan hệ để trông cậy cũng chẳng có. Gia đình họ Lưu lại neo người, không đông anh em, họ hàng như gia tộc của Tào Tháo, Viên Thiệu.
Trước khi gây dựng sự nghiệp, công việc mưu sinh của Lưu Bị là làm giày cỏ, chiếu cỏ. Lúc ấy, có lẽ Huyền Đức chỉ có thể ngồi dưới gốc cây nơi cố hương để đưa mắt ngưỡng vọng về một nơi xa xăm.
Đối với ông khi đó, việc xây dựng sự nghiệp chẳng khác nào bản vẽ của một chiếc bánh. Thế nhưng không lâu sau, Lưu Bị đã biến bản vẽ ấy thành một chiếc bánh thơm ngon, béo bở.
Vậy điều gì đã giúp Lưu Bị dựng nên nhà Thục? Tất cả đều nhờ vào ba yếu tố sau:
Có một đội nhân viên tin cậy
Có thể nói, Lưu Bị là người không rành binh pháp chiến thuật nơi sa trường, bày mưu tính kế cũng lại thuộc hàng không có gì đặc sắc. Tuy nhiên về khả năng nhìn người, kết thân bằng hữu, Lưu Bị lại là người có ánh mắt hơn người.
Lưu Bị có Quan, Trương, Triệu huyết chiến nơi sa trường, Ngọa Long, Phượng Sồ cố vấn chiến lược. Đây là những người có cống hiến to lớn cho sự nghiệp đế vương của Lưu Bị, điều quan trọng hơn nữa là họ rất trung thành.
Khi Lưu Bị tình cảnh khó khăn nương nhờ Viên Thiệu, Quan Vũ vẫn một dạ trung thành không đầu quân cho Tào Tháo. Trận Trường Bản uy chấn thiên hạ, Triệu Vân sống chết không màng, lao vào quân thù cứu ấu chúa dũng mãnh hiên ngang không mảy may cúi đầu sợ hãi. Đây chính là nền tảng cơ nghiệp nhà Thục.
Giỏi hợp tác
Hợp tác với Công Tôn Toản, thay da đổi thịt, không còn là một người bán giày cỏ dạo nữa, đã vậy lại được Triệu Vân. Hợp tác với Tào Tháo, giết Lữ Bố, loại bỏ đi một mối nguy hại lớn, hợp tác với Lưu Biểu, có được mảnh đất dung thân. Hợp tác với Đông Ngô, sáng lập cục diện Tam quốc.
Có thể thấy, Lưu Bị là một người rất biết chọn người hợp tác, hợp tác không những mang lại cho Lưu Bị nhiều cơ hội mà còn mang về cho Lưu Bị nhiều mối quan hệ.
Có thể buông bỏ, nhấc được lên, buông được xuống
Trước khi lập nên nhà Thục, Lưu Bị thường xuyên bị người khác vây khốn, bao phen mất đi địa bàn của mình. Được Đào Khiêm nhường cho Từ Châu nhưng lại bị Lữ Bố đuổi đi, cùng Tào Tháo hợp tác giết Lữ Bố, Từ Châu lại bị Tào Tháo chiếm mất. Đầu quân về Lưu Biểu, được Tân Dã, lại bị Tào Tháo đuổi đánh.
Nếu như Lưu Bị không thể buông bỏ những lần đó, bất chấp sống chết mà giữ đến cùng, có lẽ ngay cả mạng cũng chẳng còn chứ đừng nói đến chuyện lập nên nhà Thục.
Quản nghiệp học Tào Tháo
Tào Tháo luôn biết cách an bài, sắp xếp thuộc hạ của mình vào đúng vị trí, đúng người đúng việc.
Tào Tháo (155 – 220), tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Trong cuộc đời cầm quân của mình, ông từng lập nên nhiều chiến công hiển hách, vang danh thiên hạ.
Ông sinh ra trong một gia đình không thực sự “lý tưởng” hay dễ dàng để có được thành công trong thời đại của mình, Tào Tháo nhanh chóng nhận ra rằng phải tự xây dựng con đường của riêng mình để có được quyền lực. Ông là một trong số ít các nhà cầm quân thời điểm đó có được tư tưởng lãnh đạo thực sự tiến bộ so với thời đại.
Đơn cử như cách dùng người, Tào Tháo không thực sự quan tâm đến vấn đề xuất thân của một con người khi sử dụng. Thay vào đó, Tào Tháo không ngừng tìm kiếm và thu thập các tài năng hết sức đa dạng trong nhiều lĩnh vực quy tụ về dưới trướng của mình.
Chỉ đơn giản số chiến tướng uy dũng, nổi tiếng của Tào Tháo cũng đã nhiều hơn toàn bộ chiến tướng của nhà Thục. Nếu như Tào Tháo không phải là một người cao tay trong cách quản lý sự nghiệp của mình, chắc chắn sẽ không có nước Ngụy hùng mạnh sau này.
Tào Tháo biết nhìn người và rất biết cách dùng người. Trong quá trình chinh chiến, ông đã thu phục được nhiều hào kiệt, cả văn lẫn võ, làm người hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển cơ nghiệp của mình.
Biết người biết việc, tín nhiệm thuộc hạ
Dưới trướng Tào Tháo, mưu sĩ và dũng tướng nhiều vô số kể. Tuy nhiên Tào Tháo luôn biết cách an bài, sắp xếp thuộc hạ của mình vào đúng vị trí, đúng người đúng việc, khiến mọi người đều có thể phát huy được tối đa sức mạnh của mình.
Tuân Du giỏi lo việc nội chính, Tào Tháo cho làm quản lý nội chính. Hi Chí Tài, Quách Gia giỏi mưu lược, nên mỗi khi xuất binh đánh trận, Tào Tháo đều đưa những người này theo mình để có thể thuận tiện đưa ra sách lược khi cần.
Điển Vi đầu óc đơn giản, nhưng can đảm, trung thành, sức người vạn quân khó địch nên Tào Tháo cho đi theo mình hộ vệ. Đánh Tân Dã dùng Hạ Hầu Đôn, đánh Mã Siêu dùng Hứa Chử… Mỗi người đều có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình, giúp nước Ngụy hùng bá thiên hạ.
Chế độ hoàn thiện
Trong Tam quốc, chính trị ít được người ta nhắc tới. Tuy nhiên nước Ngụy là nước có chế độ chính trị và luật pháp, chế độ được đánh giá là rất cao, rất hoàn thiện.
Khi Tào Phi lập nên nước Ngụy, đại đa số các chế độ của nhà Ngụy đều do Tào Tháo để lại, trong đó bao gồm cả chế độ trong “Cửu Phẩm Trung Chính Chế” được đánh giá rất cao trong lịch sử.
“Cửu Phẩm Trung Chính Chế” là do Trần Quần kiến nghị, đây là hóa thân của “Duy Tài Thị Cử” (Cất nhắc nhân tài) của Tào Tháo, giúp nước Ngụy tuyển chọn được vô số hiền tài trợ nước. Đây cũng là điểm mà hai nước Ngô, Thục không có.
Về cuối thời Tam quốc, nước Thục rơi vào cảnh nhân tài thiếu thốn, không có người có thể dùng, đây có thể thấy tầm nhìn xa rộng của Tào Tháo.
Giữ nghiệp học Tôn Quyền
Tôn Quyền là người giỏi trong việc giữ gìn và phát huy cơ nghiệp của mình.
Tôn Quyền (182 - 252), tự Trọng Mưu, thụy hiệu Ngô Thái Tổ hay Ngô Đại Đế. Ông là người Phú Xuân, Ngô Quận (nay là Phú Dương, Chiết Giang).
Tôn Trọng Mưu sống thọ nhất so với Tào Tháo, Lưu Bị, ông mất năm 71 tuổi; có thời gian cầm quyền Đông Ngô dài nhất, tới 52 năm và là ông vua duy nhất trong hơn 300 vị quân vương của lịch sử Trung Quốc được gọi là "thiên cổ đại đế".
Sở dĩ có danh xưng như vậy, bởi sau khi qua đời năm 252, Tôn Quyền được truy phong thụy hiệu Ngô thái tổ Đại hoàng đế. Ông là "Đại hoàng đế" duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Tôn Quyền trẻ hơn Tào Tháo và Lưu Bị đến 20 tuổi. Và khác với 2 người kia đã một tay gây dựng cơ đồ, Tôn Quyền được thừa hưởng từ người anh trai của mình sau khi ông qua đời. Khi Tôn Quyền lên ngôi ông chỉ mới 18 tuổi và vì thế vấn đề lớn nhất đặt ra đối với sự lãnh đạo của ông là: Làm sao để thống lĩnh được các vị tướng già khi họ thực sự không coi trọng năng lực của ông? – Đây cũng là vấn đề đặt ra với nhiều nhà lãnh đạo trẻ thời nay. Phải làm sao để dùng người chuẩn xác nhất và phát huy tối đa năng lực của họ để họ giúp mình bảo vệ vương quốc, chống lại sự xâm lăng từ phía Lưu Bị và Tào Tháo.
Có được một sự nghiệp vững vàng, ổn định, thì điều quan trọng chính là làm sao để giữ được nó lâu dài. Ở đây có thể thấy Tôn Quyền là một bậc thầy trong lĩnh vực này. Tuy không có nhiều công lao sáng lập cơ nghiệp nhưng lại là người giỏi trong việc giữ gìn và phát huy cơ nghiệp của mình.
Lôi kéo tâm phúc cho mình
Có thể nói, trong lĩnh vực này Tôn Quyền làm rất tốt. Chu Du, Tôn Sách vừa là bạn, vừa là người thân. Lục Tốn là con rể của Tôn Sách. Hai con gái của Tôn Quyền đều gả cho con trai của những tướng lĩnh quan trọng của Đông Ngô.
Đương thời, liên kết hôn nhân là thủ đoạn tốt nhất mà các chính trị gia rất thường sử dụng. Còn đối với xã hội ngày nay có lẽ đó là tình cảm, kim tiền, địa vị lại là điều thích hợp hơn cả.
Ổn định và phát huy, thu lợi
Cách giữ gìn tốt nhất chính là biến tài nguyên sẵn có không ngừng lớn mạnh và thu lợi. Khi Tôn Sách đánh lấy Giang Đông, nơi đây vẫn chỉ là một nơi hoang vu hẻo lánh, đất rộng người thưa. Vậy mà sau khi Tôn Quyền cai quản, đây đã trở thành vùng đất trù phú, phồn vinh hưng thịnh.
Thiếp lập quan hệ hợp tác tốt
Trong Tam quốc, thực lực của Đông Ngô là yếu nhất, muốn giữ cơ nghiệp quả thật là khó. Vậy nên Tôn Quyền chọn cách liên minh, hợp nhất hai thế lực Lưu, Tôn, giúp mình tăng thêm sức mạnh đối đầu kẻ địch.
Khi đối kháng Tào Tháo, Tôn Quyền lấy yếu địa Kinh Châu để liên minh với Thục Hán. Khi Tôn Quyền muốn lấy lại Kinh Châu từ tay Lưu Bị, Tôn Quyền lại âm thầm cấu kết với Tào Tháo. Sau trận chiến Di Lăng, hai nước Thục Ngô thế lực như thủy hỏa bất đồng vậy mà sau khi Lưu Bị chết, Tôn Quyền lại là người đầu tiên thăm viếng nước Thục và đồng thời cầu hòa giải.
Có thể thấy Tôn Quyền là người rất giỏi chơi trò chơi chính trị, vốn như con dao hai lưỡi rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận được một điều rằng, trò chơi liên minh này đã giúp Đông Ngô sinh tồn trong thế sự binh đao vô định thời Tam quốc lửa khói một cách vững chãi.
Mặc dù Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền đã sống cách chúng ta đến gần 20 thế kỷ, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra và kết nối những phẩm chất lãnh đạo nổi bật của họ với công việc của chúng ta hiện nay. Đó là những bài học vô giá về bản chất, nghệ thuật lãnh đạo hay đặc biệt là nghệ thuật nắm giữ tâm lý con người sau ngàn năm vẫn còn nguyên giá trị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?