Tam Quốc diễn nghĩa: Lật tẩy 99 tình tiết... hư cấu
10 khu vực bí mật ở thành phố cổ của người Maya có thể bạn chưa biết / Phi tần thọ 92 tuổi sống bên vua Càn Long lâu nhất
Quan Vũ chém Hoa Hùng
Các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đã chỉ ra rằng, có lẽ để tạo nên sự hấp dẫn của bộ tiểu thuyết nên La Quán Trung đã hư cấu và bịa đặt nhiều tình tiết hoặc “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” khiến nhiều người hiểu sai về lịch sử, thậm chí gây nên những rắc rối, như việc hậu duệ của một số nhân vật lịch sử còn đề nghị nhà nước Trung Quốc cần minh oan, bình phản cho cha ông họ…Dưới đây là 99 tình tiết hư cấu, bịa đặt đó.
Chém ai, ai chém?
“Tam Quốc diễn nghĩa” có tích Quan Công chém Nhan Lương, Văn Sú tuy đúng là Quan Công chém Nhan Lương, nhưng Văn Sú lại là do một tướng của Tào Tháo giết chứ không phải Quan Công. Cũng không phải Trương Phi đánh Đốc bưu, người đánh Đốc bưu là Lưu Bị.
Truyện nói ở Từ Châu, Quan Vũ chém Xa Trụ, Cổ Thành giết Thái Dương nhưng thực tế trong lịch sử, đó là chiến tích của Lưu Bị. Bạn đọc cũng mê mẩn đoạn “Qua 5 ải chém 6 tướng” nhưng thực tế, 5 cửa quan này cách nhau rất xa và chả liên quan gì đến nhau, hoàn toàn là tình tiết được La Quán Trung... bịa ra.
Quan Vũ sau khi bỏ Tào Tháo đi, trực tiếp từ Hứa Xương về Nhữ Nam tìm Lưu Bị, không hề có chuyện qua 5 cửa ải chém 6 tướng. Mà 6 tướng bị chém cũng không có thật. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, 6 tướng bị Quan Vũ chém là Khổng Tú, Mạnh Thản, Hàn Phúc, Biện Hỉ, Vương Thực, Tần Kỳ; nhưng những cái tên này đều không có ghi trong sách sử.
Tên họ đều được hư cấu, xuất hiện trong “Tam Quốc diễn nghĩa” với “nhiệm vụ” duy nhất là “nhận” lưỡi đao của Quan Vũ.
“Chém Hoa Hùng rượu còn nóng” cũng là tích hay nhưng thực ra Hoa Hùng bị chết bởi tay Tôn Kiên. “Tam Quốc diễn nghĩa” cho Tôn Kiên bị Hoa Hùng đánh bại rồi Quan Vũ lên ngựa ra chém Hoa Hùng, chạy về chén rượu uống dở vẫn còn nóng...là sự đề cao Quan Vũ nhưng... thật bất công đối với Tôn Kiên.
Lưu- Quan- Trương kết nghĩa vườn đào
Sự thật “Tam anh chiến Lã Bố”
Lã Bố thực ra là bị Tôn Kiên đánh lui, Công Tôn Toản không hề tham gia liên minh đánh Đổng Trác nên Lưu, Quan, Trương cũng không tham gia, tức là không hề có chuyện “Hổ Lâu quan, tam anh chiến Lã Bố” trong lịch sử.
Quan Vũ cũng bại trận, bị bắt chứ không hề có chuyện đàng hoàng ra điều kiện bắt Tào Tháo cam kết 3 điều như La Quán Trung đã viết trong tích “Ba điều cam kết ở Thổ Sơn. Tích “Tào Tháo hiến đao giết Đổng Trác” cũng vậy.
Để giết Đổng Trác, Tào Tháo bàn với Vương Doãn để mình mang đao Thất Tinh vào giết Trác, nào ngờ bị Trác phát hiện, Tháo nhanh trí nói thác là có đao quý muốn dâng lên để qua mặt, sau đó vội vàng bỏ chạy để giữ mạng sống, tình tiết này không có trong lịch sử.
Trong lịch sử có chuyện Lã Bố và Đổng Trác tranh nhau tỳ nữ Điêu Thuyền, nhưng không có ghi chép về đó là mỹ nhân kế được vạch ra. Bên cạnh đó, không có ghi chép gì đặc biệt việc Quan Vũ tự nguyện hàng nhưng trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, nguyên nhân quan trọng khiến Quan Vũ hàng Tào Tháo được bịa ra là để “bảo vệ nhị tẩu”, không phù hợp với lịch sử.
Theo chính sử ghi chép, sau khi Lưu Bị tới Từ Châu, đóng quân ở thành Tiểu Bái chứ không ở Hạ Bì. Khi quân Tào đánh Tiểu Bái, Lưu Bị bại trận bỏ chạy, phu nhân bị bắt ở đây, chứ không phải theo Quan Vũ đầu hàng ở Hạ Bì. Cũng tức là, khi Quan Vũ đầu hàng không hề có “nhị tẩu” ở bên.
Trong chính sử không hề ghi chép chuyện “Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào” và xem nhau như anh em. Thực tế thì Quan Vũ nhiều tuổi nhất, rồi mới đến Lưu Bị và Trương Phi.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” quy “thần tiên” Vu Cát là thủ phạm gây nên cái chết của Tôn Sách. Thực tế là Tôn Sách chết do bị thích khách ám sát, bị thương nặng rồi chết. Trong một lần một mình đi săn, Sách bị nhóm thích khách Hứa Cống 3 người phục kích, Sách giết được Cống, nhưng bị một mũi tên vào mặt, vết thương rất nặng, mặc dù được đám Hoàng Cái hết lòng cứu chữa nhưng vẫn không thoát chết.
Còn Tôn Kiên chết ở Nghiễn Sơn do chủ quan khinh suất một mình cưỡi ngựa dẫn theo mấy tùy tùng nên bị Hoàng Tổ phục kích lăn đá và bắn tên giết chết, không phải chết khi dẫn quân truy đuổi Hoàng Tổ.
Mấy người “hỏi tội Đổng tặc”?
“Tam Quốc diễn nghĩa” nói, 18 lộ chư hầu hỏi tội Đổng Trác nhưng thực tế chỉ có 13 người là Viên Thuật, Hàn Phức, Khổng Bưu, Lưu Đại, Vương Khuông, Viên Thiệu, Trương Mạc, Kiều Mạo, Viên Di, Bão Tín, Trương Siêu, Tôn Kiên và Tào Tháo.
Còn Khổng Dung khi đó đang bận đối phó giặc Khăn Vàng không thể phân thân đi “thảo Đổng”; Đào Khiêm khi đó cũng chỉ góp một ít vàng bạc chứ không tham gia chiến dịch; Mã Đằng khi ấy chưa chiêu an, sao có thể tham gia hàng ngũ liên minh?
Công Tôn Toàn thì phải đối phó Ô Hoàn cũng không thể tham gia. Còn Trương Dương khi ấy giống như Lưu Bị, chưa là một thế lực, Lưu Bị cũng chỉ tham gia trong đội quân của người khác.
Chu Du cũng chẳng mưu trí lừa được Tưởng Cán. Thực tế Tưởng Cán du thuyết Chu Du không thành, trở về ca ngợi Chu Du thông minh rộng lượng, không có chuyện trúng kế. Vả lại chuyện này xảy ra mấy năm trước khi diễn ra trận Xích Bích, chỉ là được La Quán Trung ghép vào cho thêm hấp dẫn.
Đặc biệt, sử ghi việc ghép thuyền liên hoàn là quyết sách của Tào Tháo, Bàng Thống không có liên quan gì đến trận Xích Bích cả. Còn về Từ Thứ, trong chính sử ghi chép rất ít. Ông chỉ là khách vô danh, không phải là nhân vật thông minh quan trọng, thậm chí cũng không có chuyện Tào Tháo Nam chinh; Lưu Bị, Gia Cát Lượng và Từ Thứ chạy về phía Nam, mẹ Từ Thứ bị bắt trong đám loạn quân, thế là Từ Thứ cáo biệt Lưu Bị vào Tào doanh như trong “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Ai “hỏa thiêu gò Bác Vọng”?
Thực ra, trận thắng quân Tào này hoàn toàn là chiến công của Lưu Bị, chả liên quan gì đến Gia Cát Lượng bởi trận này xảy ra năm Kiến An thứ 7, trong khi năm Kiến An thứ 12 Gia Cát Lượng mới “xuất sơn” theo Lưu Bị. “Dốc Trường Bản Triệu Vân bảy lần vào bảy lần ra” cũng là một...tích bịa. Chuyện Triệu Vân hộ tống già trẻ rút lui rất bình thường. Ông chỉ là một trong 5 hổ tướng thời Tam Quốc, công trạng không có gì nổi bật.
Trương Phi thét làm Hạ Hầu Kiệt sợ vỡ mật mà chết ở cầu Trường Bản hoàn toàn là tình tiết viết theo kiểu khoa trương, không có trong thực tế. Cũng không hề có chuyện “Khổng Minh thiệt chiến quần nho”. Đúng là có chuyện Gia Cát Lượng gặp Tôn Quyền, còn các chuyện “Thiệt chiến quần nho”, “Quần anh hội”, “Khổ nhục kế”, “Liên hoàn kế” đều là... hư cấu.
Chính sử ghi chép: Cam Phu nhân và My phu nhân đều an toàn không hề hấn gì ở Đương Dương, cho nên không hề có chuyện Triệu Vân đạp tường lấp giếng như trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Còn chuyện Tôn Phu nhân lấy Lưu Bị vốn chỉ là một trong hằng hà sa số vụ hôn nhân chính trị trong lịch sử, Tôn Phu nhân đi Kinh Châu, không có chuyện Lưu Bị sang Đông Ngô đón dâu.
Khi hai người thành hôn, Lưu Bị tuổi đã ngũ tuần, Tôn Phu nhân mới đôi mươi, cách nhau hơn ba chục tuổi; một người là kẻ mưu đồ hoàng vị, người kia là kiều nữ bướng bỉnh. Hai người không tin tưởng lẫn nhau, sao có chuyện yêu nhau thắm thiết? Do đó ít lâu sau khi Lưu Bị vào Ích Châu, Tôn Quyền liền đưa thuyền sang đón em về, Tôn Phu nhân cũng lên thuyền về ngay không chút do dự, còn suýt nữa thì mang theo A Đẩu, cục cưng của Lưu Bị.
Từ đó bà ra đi không trở lại, đoạn tuyệt quan hệ với Lưu Bị, không chút vấn vương, không có chuyện nhảy sông tự vẫn. Còn Lưu Bị sau khi chiếm Ích Châu liền lấy Ngô Thị, em gái Ngô Ý, chị dâu Lưu Chương đang ở góa, xem ra cũng chẳng chút vương vấn Tôn Phu nhân.
Chính vì thế, trong “Tam Quốc chí. Thục thư. Nhị chủ phi tử truyện” không hề nhắc đến tên Tôn Phu nhân, Sử tịch cũng không ghi chép kết cục của Tôn Phu nhân, nhưng có thể khẳng định, tuyệt đối không có chuyện bà tự vẫn vì tuẫn tình với Lưu Bị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ