Tam quốc diễn nghĩa: Nếu không có người này thì dù Khổng Minh và Chu Du có giỏi tới đâu cũng không thắng được Tào Tháo ở trận Xích Bích
Những hình ảnh cuối cùng về 'voi nữ hoàng' có đôi ngà khổng lồ ở Kenya / Sự thật gây sốc: Ái phi của Tần Thủy Hoàng là người phương Tây
Trận Xích Bích là một trận đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam quốc.
Trận đánh diễn ra vào mùa Đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo. Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của phe Tôn-Lưu trước đội quân đông đảo hơn của Tào Tháo.
Chiến thắng này đã góp phần củng cố vị trí cho hai chư hầu Tôn Quyền, Lưu Bị ở hai bờ Trường Giang đồng thời ngăn cản việc Tào Tháo mở rộng phạm vi quyền lực xuống phía Nam Trung Hoa, tạo cơ sở cho sự hình thành hai nước Thục Hán và Đông Ngô.
Và cũng nhờ trận chiến này mà Gia Cát Lượng, Chu Du nức tiếng thơm danh, trở thành những bậc anh hùng được người người ngưỡng mộ.
Trận Xích Bích là một trận đánh lớn trong lịch sử Trung Quốc.
Liên minh Tôn - Lưu thiết lập
Năm Kiến An thứ 12 (tức năm 207), sau chiến dịch đánh bại bộ tộc Ô Hoàn, ổn định hoàn toàn biên giới phía Bắc, Tào Tháo bắt đầu chuẩn bị lực lượng để đánh dẹp nốt các chư hầu còn lại ở phía nam với tham vọng bình định phương nam, cũng là vùng đất hai bên bờ Trường Giang thuộc Kinh Châu (nay là các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam của Trung Quốc), thống nhất đất đai nhà Hán.
Muốn làm vậy Tào Tháo phải kiểm soát được đường thủy ở phần giữa của Trường Giang cũng như cảng Giang Lăng để tạo bàn đạp tiến xuống vùng Giang Nam.
Lúc này Tào Tháo lấy danh nghĩa triều đình mang quân đội tiêu diệt lực lượng hai chư hầu chính, đó là Lưu Biểu, thứ sử Kinh Châu, người chiếm giữ phần đất phía Tây Hán Thủy, thành Hán Khẩu cùng toàn bộ phần phía Nam của vùng và người thứ hai là Tôn Quyền, người kiểm soát phần đất phía Đông Hán Thủy và toàn bộ phần Đông Nam của vùng.
Năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) trong khi Lưu Bị giang sơn chưa định, mảnh đất cắm dùi vẫn phải nương nhờ kẻ khác, còn Tôn Quyền mưu lớn chưa thành, thế lực vẫn đang ngày đêm củng cố thì Tào Tháo thế lực như chẻ tre đã đem trăm vạn hùng binh đến thảo phạt.
Quân Tào chưa đến thì Lưu Biểu qua đời, con thứ cướp ngôi mang Kinh Châu quy hàng Tào Tháo, Tào Tháo không tốn một binh một tốt nhưng chiếm trọn Kinh Châu như hổ mọc thêm cánh, quân trong, vũ lực lại thêm phần lớn mạnh, khí thế ngút trời, toàn quân sôi sục.
Đứng trước nguy cơ diệt vong, nếu Tôn mất thì Lưu cũng chẳng còn, không còn con đường nào khác Gia Cát Lượng bày kế Tôn, Lưu hai nhà liên minh chống Tào. Sau đó Tôn, Lưu hai nhà gấp rút chuẩn bị đối sách cho một cuộc đại chiến không thể tránh khỏi.
Gia Cát Lượng một mình xuôi thuyền sang Đông Ngô du thuyết để rồi làm nên những điển tích ngàn năm người đời vẫn còn ca tụng. Một mình Khổng Minh khẩu chiến với đám hủ nho bất tài Giang Đông, dùng mẹo khích tướng Chu Du hay như thuyền cỏ mượn tên, lập đàn hô mưa gọi gió.
Cao nhân bất lộ tướng
Sau khi hai nhà liên minh, Gia Cát Lượng, Chu Du, hai người cùng nhau thi triển tài năng, người tinh thông thiên địa, kẻ bụng đầy mưu trí, thống nhất dùng hỏa công đối kháng quân Tào.
Chu Du nghiên cứu thế trận để đánh hỏa công thì phát hiện dùng hỏa công để đánh Tào Tháo nhưng sông rộng, sóng to, thuyền thưa khó đốt, một thuyền bị cháy thì các thuyền khác ắt lựa thể tránh ra. Đang lúc bí thế không biết phải làm sao thì Lỗ Túc nói:
"Trong núi cách đây không xa, có một cao sĩ họ Bàng, tên Thống, tự Sĩ Nguyên, người đời gọi là Phượng Sồ. Thiên hạ thường nói: "Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai người đó thì ắt bình được thiên hạ, tài trí người này không hề kém Khổng Minh".
Chu Du nghe xong vui mừng khôn xiết, hỏi có thể thỉnh giáo người này được không? Lỗ Túc lại đáp: "Ta đã từng thỉnh giáo Bàng Thống, ông ta nói, muốn dùng hỏa công để đánh Tào thì phải hiến kế liên hoàn cho Tào Tháo, bảo y dùng xích sắt kết các thuyền lại với nhau tạo thành một khối lớn, nếu không hỏa công sẽ vô hiệu".
Chu Du nghe xong thấy đây quả là một diệu kế, nhưng làm cách nào để bày mưu cử người đi hiến kế cho Tào Tháo?
Đang lúc phân vân thì Tưởng Cán là chỗ bạn cũ của Chu Du từ trại Tào lại đến, Chu Du biết lần này Tưởng Cán đến chính là để thám thính tình hình nên tương kế tựu kế cho Tưởng Cán gặp Bàng Thống, Bàng Thống lừa Tưởng Cán, nói muốn đến phụng sự cho Giang Đông nhưng Chu Du cậy mình tài cao không dung nạp nên đành ẩn cư nơi đây.
Tưởng Cán tưởng thật liền đưa Bàng Thống qua sông gặp Tào Tháo ngay trong đêm. Bàng Thống gặp Tào Tháo, được Tào Tháo cho đi xem trận đồ thủy quân, xem xong Bàng Thống nói trận đồ uy dũng vô song, cổ kim chưa từng có được, duy chỉ một điều vì quân Tào là người phương Bắc, không quen thủy chiến, thuyền nhỏ sóng to, dễ làm cho binh sĩ say sóng, giảm phần chiến đấu. Tào Tháo nghe xong thấy Bàng Thống quả là người kỳ tài, nhìn thấu điểm yếu của mình nên nhờ Bàng Thống hiến kế.
Chỉ đợi có vậy, Bàng Thống liền hiến kế liên hoàn: "Thừa tướng hãy cho người kết các thuyền bè lại với nhau bằng xích sắt lớn sau đó cho người lấy ván kê lên bên trên, như vậy không những sẽ giảm được sức sóng mà ngay cả người, ngựa đi lại cũng như mặt đất, ung dung thoải mái". Tào Tháo nghe xong mắc mưu, cho người y theo lời Bàng Thống mà làm.
Về phần Chu Du, khi mọi việc được sắp xếp chu đáo, ngày chiến cũng cận kề gang tấc thì một hôm Chu Du cùng phu nhân ra cửa quân doanh ngắm cảnh về đêm, ngửa mặt nhìn xa, cờ bay phất phới. Chu Du bất giác giật mình hoảng hốt, máu trào khóe miệng, ngã lăn ra đất khiến cho phu nhân hốt hoảng chẳng hiểu nguồn cơn, cho người gọi thái y đến khám.
Chữa bệnh phải hiểu rõ căn, đối với Chu Du lúc này thì bắt mạch kê phương cũng chỉ là hoài công vô ích. Tuy nhiên, vạn cổ xưa nay, có bệnh thì ắt có phương, Gia Cát Lượng không hổ danh là "liệu việc như Thần", đến thăm Chu Du nhìn qua đã biết được tâm bệnh Chu Du nằm ở nơi đâu. Gia Cát Lượng liền lấy bút đề phương, Chu Du xem qua như thần đơn, tiên dược, lập tức khỏi ngay.
Gia Cát Lượng viết:
"Muốn phá Tào công
Phải dùng hỏa công,
Muôn việc đủ cả,
Chỉ thiếu gió Đông".
Nguyên nhân bởi Chu Du muốn đánh hỏa công nhưng mùa đông chỉ có gió Tây Bắc thổi ngược về phía quân Ngô chứ không hề có gió Đông Nam thổi về phía quân Tào nên lo lắng thành bệnh. Chu Du xem xong bội phần kính phục Gia Cát Lượng bèn hỏi làm sao mới có được gió Đông. Gia Cát Lượng liền nói với Chu Du rằng mình học được thuật hô mưa gọi gió nên xin đi cầu gió Đông, và bảo Chu Du hãy truyền xây ngay một đài thất tinh ở chân núi Nam Bình, ông sẽ cầu gió luôn ba ngày ba đêm.
Lập tức Chu Du sai người cất đài như lời Gia Cát Lượng căn dặn. Gia Cát Lượng lên đàn thắp nhang, làm phép cầu ba lần, vẫn chưa có gió.
Đến canh hai, gió Đông Nam thổi tới rất mạnh, quân Hoàng Cái đúng thời điểm đó tới trá hàng quân Tào, khi áp sát liên hoàn chiến thuyền của Tào Tháo thì bất ngờ châm lửa phóng hỏa đốt với sự yểm trợ của quân trên bờ, đốt sạch quân Tào với hơn 8000 chiến thuyền chỉ trong một đêm, máu nhuộm Trường Giang, Tào Tháo đại bại, chạy về phương Bắc.
Xích Bích đại thắng, trăm họ vạn quân Giang Đông, muôn người hứng khởi, phục tài Gia Cát Lượng, Chu Du, hai người cũng vì đó mà vang danh thiên hạ. Tuy nhiên xưa nay, cổ nhân thường nói: "Chân nhân bất lộ tướng", người thực sự đóng vai trò nòng cốt của chiến thắng này lại không phải là Chu Du hay Gia Cát Lượng mà chính là Bàng Thống, người bày kế liên hoàn lừa Tào Tháo.
Bởi Chu Du có giỏi, Gia Cát Lượng có tài thì với lực lượng hỏa công của Chu Du hay gió Đông của Gia Cát Lượng cũng chẳng nhằm nhò gì với lực lượng khổng lồ – 84 vạn quân của Tào Tháo nếu như không có kế liên hoàn này của Bàng Thống.
Các chiến thuyền của Tào Tháo mà không bị Bàng Thống lừa kết lại thành bè thì hỏa công chỉ là vô ích, số lượng ít ỏi đó khác nào như muối bỏ bể.
Vậy nên, người tạo nên mắt xích quan trọng bậc nhất trong chiến thắng này không ai khác, Bàng Thống.
Sau trận Xích Bích, Tào Tháo không bao giờ còn hội đủ một đội thủy binh lớn để tiêu diệt hai đối thủ ở phương Nam.
Kết quả này của trận Xích Bích đã bước đầu định hình cho thế chân vạc thời Tam quốc của ba nước Tào Ngụy - Thục Hán - Đông Ngô và vì thế nó được coi là trận đánh có ý nghĩa lớn trong lịch sử Trung Quốc.
Sự chia cắt Bắc-Nam của lãnh thổ Trung Hoa cũng lần đầu thành hình và kéo dài nhiều thế kỷ sau đó.
Tuy là một trận đánh lớn có ý nghĩa quyết định trong lịch sử Trung Quốc nhưng vị trí chính xác của trận Xích Bích cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi.
Phần lớn các học giả cho rằng Xích Bích nằm ở đâu đó trên bờ nam Trường Giang giữa Tây Nam Vũ Hán ngày nay và Đông Bắc Ba Khâu (nay là thành phố Nhạc Dương).
Các thông tin chi tiết nhất về trận đánh được ghi tại phần ghi chép về Chu Du trong tác phẩm Tam quốc chí của Trần Thọ. Trận Xích Bích cũng được mô tả rất chi tiết trong tiểu thuyết của La Quán Trung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
CLIP: Sóc nhỏ "chơi khăm" linh miêu và cái kết đầy bi thảm