Khám phá

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật ba anh em Lưu - Quan - Trương liên thủ không lại Lữ Bố

'Tam anh chiến Lữ Bố' là một trong những điểm nhấn của Tam quốc diễn nghĩa, cũng là màn tướng đấu tướng đặc sắc nhất trong toàn bộ tác phẩm.

Điển tích “tam anh chiến Lữ Bố” trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những câu chuyện truyền kỳ, khiến cho “chiến thần” Lữ Bố vang nh thiên hạ.

Tam anh chiến Lữ Bố.

Trận Hổ Lao Quan là một trận đánh hư cấu được mô tả trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung. Trận đánh mô tả về cuộc chiến giữa thế lực quân sự do lãnh chúa Đổng Trác chỉ huy chống lại liên minh 18 lộ chư hầu (liên minh Quan Đông) do Viên Thiệu làm minh chủ. Trận đánh được hư cấu trên sự kiện chiến dịch chống lại Đổng Trác của các chư hầu vào năm 190. Trong trận đánh Hổ Lao Quan, đã mô tả lên hình ảnh hào hùng của các vị tướng và đặc biệt là trận đọ sức trực tiếp nổi tiếng giữa Lữ Bố chống lại ba anh em Lưu - Quan - Trương hay còn gọi là “tam anh chiến Lữ Bố” trong Kinh kịch hay văn hóa Trung Quốc.

Bối cảnh điển tích trên diễn ra sau khi Quan Vũ giết Hoa Hùng, Quân Hoa Hùng thua, chạy về cửa quan báo cho Lý Túc biết. Lý Túc viết giấy báo Đổng Trác. Đổng Trác khởi hai mươi vạn quân chia làm hai đường, một đường sai Lý Thôi, Quách Dĩ, đem năm vạn quân ra giữ cửa Dĩ Thủy, chỉ thủ không chiến, một đường thì đích thân Đổng Trác đem mười lăm vạn quân cùng với Lý Nho, Lữ Bố, Phàn Trù, Trương Tế giữ cửa quan Hổ Lao. Đổng Trác sai Lữ Bố lĩnh ba vạn quân ra trước quan, đóng một trại lớn còn Đổng Trác thì đóng đồn trên cửa quan.

Nhận được tin, Viên Thiệu họp các tướng lại bàn. Tào Tháo đề xuất chia quân ra, một nửa ra đó nghênh địch. Viên Thiệu cử Vương Khuông, Kiều Mạo, Pháo Tín, Viên Dị, Khổng Dung, Trương Dương, Đào Khiêm, Công Tôn Toản, tổng cộng tám vị chư hầu đến cửa Hổ Lao đón đánh. Tào Tháo thì dẫn quân đi lại tiếp ứng. Chư hầu đều khởi binh đến, thái thú Vương Khuông đi trước.

Lữ Bố đem năm nghìn quân thiết kỵ lại. Vương Khuông đem quân mã, bày thành thế trận, cưỡi ngựa đứng dưới cửa cờ, trông thấy Lữ Bố ra trận.

Vương Khuông thấy Lữ Bố hỏi ai dám ra đánh thì đằng sau có một tướng vác ngọn giáo, thúc ngựa chạy ra, là một danh tướng, tên là Phương Duyệt. Hai ngựa giao nhau, chưa được năm hiệp, Phương Duyệt bị Lữ Bố đánh một ngọn kích ngã xuống ngựa. Lữ Bố xông thẳng vào. Quân Vương Khuông thua to, chạy tán loạn ra bốn mặt. Lữ Bố xông xáo vào đám quân Khuông như chạy vào nơi không người. Nhưng Kiều Mạo, Viên Di đem hai cánh quân vừa đến, cứu được Vương Khuông, quân Lữ Bố mới lui.

Ba anh em Lưu - Quan - Trương.

Lữ Bố đến khiêu chiến. Chư hầu tám xứ đều lên ngựa kéo ra cả, chia quân ra làm tám đội ở trên gò cao. Bộ tướng của Trương Dương, thái thú Thượng Đẳng tên là Mục Thuận cầm ngọn giáo tế ngựa ra đánh, bị Bố đâm một ngọn kích chết lăn từ trên ngựa xuống đất. Tiếp đến một bộ tướng của Khổng Dung, tên là Vũ An Quốc, vác một cái dùi sắt, thúc ngựa chạy ra, Lữ Bố đến, đánh nhau được mười hiệp, Lữ Bố đưa một ngọn kích đánh gãy cánh tay Ngô An Quốc. Ngô An Quốc vứt dùi sắt chạy. Chư hầu tám xứ cùng đổ ra mới cứu được Ngô An Quốc. Lữ Bố lui quân trở về.

Tào Tháo đề xuất rằng Lữ Bố anh hùng, không địch được, nên tập họp cả mười tám nước chư hầu để bàn nhau tìm kế gì đánh. Trong khi đang bàn bạc, Lữ Bố lại kéo quân đến thách đánh. Công Tôn Toản vác ngọn giáo nhảy ra đánh Lữ Bố, mới được vài hiệp, Công Tôn Toản thua chạy. Lữ Bố thúc ngựa xích thố sấn lại đuổi, ngựa này chạy nhanh như bay. Lã Bố gần đuổi kịp Toản thì ở bên rìa đường, Trương Phi quát lớn: “Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Có Trương Phi người đất Yên đây!” Lữ Bố thấy thế bỏ Công Tôn Toản, đánh nhau với Trương Phi.

Trương Phi hăng hái cố đánh Lữ Bố. Hai người đánh nhau được hơn năm mươi hiệp chưa rõ bên nào thua bên nào được. Quan Vũ đứng ngoài thấy thế cầm thanh long yển nguyệt đến cùng đánh. Ba con ngựa đứng dàn kiểu chữ đinh, đánh nhau được ba mươi hiệp nữa hai người cũng vẫn không hạ được Lữ Bố. Lưu Bị bấy giờ cũng cầm đôi gươm thúc ngựa chạy vào đánh giúp. Ba người vây tròn lấy Lữ Bố đánh chẳng khác gì quân đèn cù.

Lữ Bố cố sức chống đỡ không nổi, bèn nhắm giữa mặt Lưu Bị phóng vờ một ngọn kích. Lưu Bị tránh được. Lữ Bố mở góc của trận, cắp đao ngược kích, phi ngựa chạy về. Ba người thúc ngựa sấn vào, quân mã tám xứ đều reo ầm lên, xô cả ra đánh. Lữ Bố chạy về trên cửa Hổ Lao. Ba người theo sau đuổi mãi. Chư hầu tám xứ cùng mời Lưu – Quan - Trương đến mừng công rồi sai người về trại Viên Thiệu báo tin mừng.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản biện cho rằng, thần thoại “Lữ Bố một mình chọi ba huynh đệ Lưu - Quan – Trương” chỉ là một màn kịch hoàn hảo, mà tác giả không ai khác chính là Lưu Bị.

Chiến đấu 30 hiệp không thắng Lữ Bố

Có phân tích cho rằng, Quan Vũ - Trương Phi là những nhân vật “võ nghệ phi phàm, phẩm đức hơn người”, do đó trong trận chiến với Lữ Bố, Quan - Trương không “đánh hội đồng” mà triển khai đội hình “hàng dọc” để... xa luân chiến.

Trong các cuộc đối đầu thời cổ đại, trận chiến đấu giữa các danh tướng thường được mô tả trong sử liệu Tung Quốc “hàng trăm hiệp là chuyện bình thường”.

Như vậy, có thể thấy việc Quan - Trương đánh với Lữ Bố mới ngoài 30 hiệp, đồng nghĩa với cuộc đấu này mới chỉ “mào đầu”.

Đây là thời điểm mà Lưu Bị nhảy vào vòng đấu.

Thêm một nghi vấn được đặt ra, đó là Lưu Bị có tác dụng gì trong trận chiến này, khi mà Quan Vũ và Trương Phi hợp sức cũng chỉ “đánh ngang tay” với chiến thần?

Các học giả hiện đại nêu ra một “thuyết âm mưu”, cho rằng Lưu Bị thực tế đã nhìn thấy Quan - Trương đang đứng trước cơ hội rất lớn để kết liễu Lữ Bố, nếu cuộc đấu tay ba tiếp diễn, và Bị vào cuộc để... thả Lữ Bố chạy thoát!

Quan Vũ và Trương Phi mới đấu với Lữ Bố được 30 hiệp, thắng bại còn chưa phân. Nếu Lưu Bị thực sự muốn tiêu diệt Bố thì chỉ cần chờ đợi khi thời cơ chín muồi để tham chiến, chứ không cần vội vã nhảy vào ngay khi đôi bên bất phân thắng bại.

Trên lý thuyết, “tam anh chiến Lữ Bố” không đem lại bất cứ lợi ích nào cho quân Quan Đông, trong khi Lữ Bố vốn từ “một đánh hai không bại” trở thành “một địch ba an toàn rút lui”, đã khiến Bố không hổ danh “chiến thần”.

Trừ khi, Lưu Bị buộc phải tính toán đến những khả năng tổn thất lớn hơn nếu Lữ Bố thiệt mạng.

Thế lực còn yếu, Lưu Bị lo bị Viên Thiệu và các chư hầu soi vì dám vượt mặt?

Trong chiến dịch thảo phạt của quân Quan Đông, chiến công trảm Hoa Hùng được xem là thắng lợi đầu tay của Quan Vân Trường và là màn ra mắt của Lưu Bị.

Nhưng, chiến tích trên cũng có thể đã khiến các lộ chư hầu nảy sinh ác cảm và nhận thức Lưu Bị như một mối đe dọa tiềm ẩn, dẫn đến khả năng bị trừ khử sớm.

Đứng ở góc độ này, việc huynh đệ Lưu - Quan - Trương “cùng đánh bại” Lữ Bố đủ để khiến ánh hào quang chiến thắng giảm đi rất nhiều và khiến Lưu Bị vẫn đứng trong “vòng an toàn”.

Bên cạnh đó, Lữ Bố chạy thoát, lực lượng của Đổng Trác được bảo toàn sẽ tạo nên áp lực, không cho phép liên quân phát sinh mâu thuẫn hay dành sự chú ý cho một “huyện lệnh nhỏ nhoi”.

Đây chính là đòn “di hoa tiếp mộc” đầy toan tính và cũng hết sức khôn ngoan của Lưu Bị, chuyển hoàn toàn nguy cơ của bản thân sang cho Lữ Bố.

Lưu Bị được sử liệu Trung Quốc mô tả là “trung hậu, thực thà”, nhưng các nhà nghiên cứu không cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc Bị không có đầu óc tính toán.

Sau cái chết của Hoa Hùng, Lữ Bố chính là trụ cột của quân đội Đổng Trác.

Nếu Bố chết thì việc Đổng Trác bị diệt chỉ là chuyện một sớm một chiều. Nếu Đổng Trác “ngã ngựa” vào giai đoạn này thì vô cùng bất lợi đối với thế lực vừa manh nha của Lưu Bị.

Với lực lượng còn manh mún và yếu ớt, chắc chắn Lưu Bị sẽ không có “phần chia” trong chiếc bánh địa bàn thời hậu chiến, thậm chí còn có khả năng trở thành “miếng mồi béo bở” để các bên xâu xé.

Vì vậy, việc Lưu Bị góp mặt ở liên quân chỉ là để tạo dựng danh tiếng, còn Bị thực tế không hề hy vọng Viên Thiệu có thể cầm đầu chư hầu đánh đổ được Đổng Trác.

Kết cục, chính Lưu Bị trở thành “điểm đột phá” giúp Lữ Bố vượt thoát vòng vây, trở về trong vinh quang.

“Tam anh chiến Lữ Bố” là câu chuyện kinh điển được người đọc Tam quốc yêu thích, nhưng có lẽ phải nhìn nhận rằng, câu chuyện trên (nếu có thực) thì không thể nằm ngoài những tính toán chính trị của cả Bị và Lữ Bố.

Lữ Bố.

Lã Bố (160-199) còn gọi là Lữ Bố tự là Phụng Tiên, là tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã tham gia cuộc chiến quân phiệt cuối thời Đông Hán và cuối cùng bị thất bại.

Lữ Bố người đất Cửu Nguyên, huyện Ngũ Nguyên thuộc Tinh Châu (nay là thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ). Ông được biết tới chủ yếu qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Trong tiểu thuyết này, Lữ Bố xuất hiện từ hồi 3 đến hồi 19. Lữ Bố được mệnh danh là “chiến thần”, phần lớn độc giả xem Lữ Bố là vị tướng dũng mãnh nhất thời Tam quốc, hơn cả Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Hứa Chử, Mã Siêu. Hình ảnh Lã Bố có thể liên hệ tới vị anh hùng Hy Lạp Achilles về sức mạnh. Lữ Bố đã từng một mình đánh với cả ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.

Trên chiến trường, ông chuyên sử dụng phương thiên họa kích và cưỡi ngựa Xích Thố, như một mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi. Người ta thường nói “Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố” (Người có Lữ Bố, ngựa có Xích Thố) để tôn vinh 2 cực phẩm nhân gian này. Ngoài ra trong những bức ảnh xưa hay ở các tác phẩm liên quan đến nhân vật này, ông được miêu tả là rất tuấn tú.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo