Khám phá

Tận mục cây đa 'khổng lồ' bên hồ Gươm

Sau bốn thế kỷ tồn tại, cây đa cổ thụ bên đền Bà Kiệu khiến nhiều người choáng ngợp khi đạt đến một kích thước đồ sộ với vòng thân rộng cả chục mét.

Nằm ở đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện đền Ngọc Sơn ở khu vực bờ hồ Gươm, đền Bà Kiệu là một ngôi đền cổ có giá trị đặc biệt về lịch sử và tín ngưỡng của Hà Nội. Hình ảnh của ngôi đền này luôn gắn với một cây đa cổ thụ có tuổi đời cao nhất nhì thủ đô.

Theo các sử liệu, cây đa đền Bà Kiệu có từ thế kỷ 17, cùng thời gian với sự hình thành của ngôi đền cổ.

Theo lời kể được truyền lại, ở vị trí của cây đa này từng là một cây gạo lớn. Các quan thời xưa đi lễ đền thường buộc ngựa vào gốc cây gạo.

Cây đa ban đầu chỉ là một mầm cây mọc lên từ hạt đa do chim chóc mang về. Từ gốc cây gạo, cây đa lớn dần, bao bọc xung quanh rồi “nuốt” chửng cây gạo.

Cây gạo chết đi và mục dần theo thời gian, để lại một hõm sâu trong lòng cây đa.

Sau bốn thế kỷ tồn tại, cây đã đạt đến một kích thước đồ sộ, khiến nhiều người choáng ngợp khi chứng kiến.

Với chu vi gốc ước chừng đạt tới 15 mét, đây là một trong những cây cổ thụ có “số đo” ấn tượng nhất Hà Nội.

Cây có nhiều thân, trong đó thân chính nằm ở giữa. Các thân phụ bao bọc xung quanh, xưa kia vốn là rễ khí sinh, theo thời gian cắm xuống đất và lớn dần, hòa quyện vào thân chính.

Tán cây rộng cả trăm mét vuông, khiến không gian dưới gốc cây luôn mát mẻ, kể cả trong những ngày trời oi bức.

Sắc màu thời gian cùng dáng vẻ uy nghiêm của cây đa góp phần tôn thêm vẻ đẹp của đền Bà Kiệu, một ngôi đền mang nhiều nét kiến trúc đặc sắc của mảnh đất Thăng Long.

Trong một hõm ở gốc cây, người dân lập bàn thờ và thường xuyên hương khói.

Trải qua năm tháng, cây đa đền Bà Kiệu vừa là nơi trú mưa nắng, vừa là chốn mưu sinh của biết bao người.

Không chỉ ghi dấu những biến cố lịch sử của thủ đô, cây đa này cũng là nơi lưu lại kỷ niệm của rất nhiều người Hà Nội, dù còn sống hay đã khuất…

Theo Quốc Lê/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo