Tào Tháo: Dùng kế "đểu" để cướp cô dâu trong ngày cưới
Sửng sốt phát hiện hình đầu quái vật Hy Lạp trên sao Hỏa / Hoảng hồn trước cảnh tê giác điên cuồng tấn công xe của du khách
3 điều không tốt của Tào A Man
Tào Tháo dối trá từ nhỏ. Có thể nói ở ông ta có ba điều không tốt: Xuất thân không tốt, gia giáo không tốt, từ nhỏ đã có những biểu hiện không tốt.
Tào Tháo, tự Mạnh Đức, nhũ danh A Man, có một tên nữa là Cát Lợi, người huyện Tiều thuộc nước Bái (nay là thành phố Hào Châu, tỉnh An Huy).
Trần Thọ trong Tam quốc chí chép, Tháo là hậu duệ của Tướng quốc Tào Tham đời Tây Hán. Điều này không đúng. Đây là sai lầm hy hữu của Trần Thọ. Vì rằng, Tào Tháo vốn không phải họ Tào. Đổi thành họ Tào là do cha ông tên Tùng làm con nuôi Tào Đằng, đổi thành Tào Tùng, còn ông thì nghiễm nhiên trở thành Tào Tháo. Tào Đằng và Tào Tùng không họ hàng thân thích gì. Ngay cả khi điều tra ra Tào Đằng là hậu duệ của Tào Tham, thì Tào Tháo cũng không dính dáng gì đến Tào Tham.
Thực ra, bố mẹ đẻ Tào Tùng là ai, đến nay chưa có câu trả lời, ngay cả Trần Thọ cũng chỉ ghi: “Không tìm được gốc gác”. Còn bản thân Tào Tháo khi soạn “Gia truyện”, ông ta tính ngược mãi đến đời Chu Văn Vương, tự xưng “Tào thúc Trấn Đạc chi hậu” (hậu duệ của Tào Trấn Đạc), cũng phịa nốt.
Sở dĩ có chuyện bịa đặt này là vì cuối đời Đông Hán người ta rất coi trọng thành phần con ông cháu cha. Tào Tháo tuy rất ghét cái lối khoe mẽ, nhưng do yêu cầu chính trị, buộc phải tự bốc thơm, tự đề cao mình.
Trên thực tế, Tào Tháo sinh ra và lớn lên trong một gia đình hoạn quan. Tào Tùng (bản tiếng Việt dịch là Tung), bố đẻ Tào Tháo, là con nuôi Tào Đằng, một hoạn quan cỡ bự rất có quyền lực lúc bấy giờ, tước Phí Đình hầu, giữ chức Đại trưởng thu. Đại trưởng thu là chức quan to, tương đương với quan đầu tỉnh, lương 2.000 thạch.
Cánh hẩu với... chó săn, chim mồi
Trong đám hoạn quan, Tào Đằng giao du rất rộng, làm rất nhiều chuyện bậy bạ và cả một số việc tốt. Vì vậy, trong Hậu Hán thư có truyện của ông ta. Tào Tháo là con trai của con nuôi một hoạn quan, trong con mắt người đương thời, là không vẻ vang gì. Nhưng để bù lại, Tào Tháo có thừa tiền tiêu. Bố đẻ Tào Tháo là Tào Tùng về sau mua chức Thái úy (đứng đầu trong cả nước về quân sự, trên danh nghĩa), bằng 10 vạn nén vàng. Con nhà giàu, Tào Tháo không bao giờ thiếu tiền tiêu, mặc sức phá phách.
Tào Tháo cũng không được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Bố Tào Tháo rất ít khi hỏi han về việc học hành của con trai. Chuyện này thấy rõ trong thơ của Tào Tháo: “Ký vô tam tỉ giáo, bất văn quá đình ngữ”.
“Tam tỉ” là chuyện mẹ Mạnh Tử ba lần dọn nhà để con trai có hoàn cảnh học tập tốt, không nhiễm cái xấu.
“Quá đình” là chuyện con trai Khổng Tử mỗi lần đi qua sân đều bị Khổng Tử nhắc nhở việc học. Lần thứ nhất nhắc học thơ, lần thứ hai nhắc học lễ. Những chuyện trên chưa lần nào xảy ra trong nhà Tào Tháo. Bố Tào Tháo ít quan tâm đến việc học hành của con trai.
Bố mẹ không quản lý, nhà lại giàu, Tào Tháo sớm trở thành một thiếu niên hư hỏng. Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí, Tào Man truyện, nói Tào Tháo suốt ngày bận bịu với chó săn chim mồi. Ông chú thấy chướng mắt thường mách bố Tào Thào, vì vậy mới có chuyện bị Tháo chơi xỏ khiến ông này mất uy tín, như trong Tam quốc diễn nghĩa đã kể. Chuyện này là có thực, rất nhiều sách ghi chép.
Dùng kế “đểu” để cướp cô dâu trong ngày cưới
Chưa hết, bọn Viên Thiệu, Trương Mạc đều là bạn cánh hẩu của Tào Tháo, thường tụ tập làm đủ chuyện bậy bạ.
Thế thuyết tân ngữ kể rằng, một bận Tháo và Viên Thiệu đi xem đám cưới, liền nảy ra ý định đánh cướp cô dâu. Cả hai nấp trong vườn đợi trời tối hẳn mới hét toáng lên: “Trộm, trộm!”. Mọi người đổ ra vườn. Tào Tháo nhân đó lẻn vào động phòng vác cô dâu chạy. Ra đến ngoài vườn, Viên Thiệu không thuộc đường, rơi vào giữa bụi gai lớn, vùng vẫy mãi không thoát. Thấy vậy, Tào Tháo nhanh trí hét to: “Trộm ở đây!” Viên Thiệu cuống lên, thế là vọt khỏi đám gai.
Thời trẻ, Tào Tháo điển hình cho loại công tử con nhà giàu chơi bời lêu lổng, không chí thú làm ăn, không chịu vào một khuôn phép nào hết, thích gì làm nấy.
Tam quốc chí chép: “Tháo lanh lợi hoạt bát, nhiều mưu mẹo, sống phóng đãng, không chịu làm ăn tử tế, nên bị nhiều người khinh rẻ. Danh sĩ Nam Dương Tôn Thế Lâm là người tự ví mình như cây tùng cây bách, kiên quyết không giao du với Tháo (xem Thế thuyết tân ngữ. Phương chính).
Lưu manh cỡ bự
Vậy mà có một người lại rất mê Tào Tháo. Đó là Thái úy Kiều Huyền. Ông ta cho rắng Tháo là nhân tài hiếm có trên đời, bình định thiên hạ không ai ngoài Tháo.
Kiều Huyền nói: “Thiên hạ sẽ rối loạn, phải người tài giỏi hơn đời mới dẹp yên. Người làm được chuyện này, phải chăng chỉ có ông?”. Câu này chép trong Tam quốc chí, phần chính văn, nên tin. Mà cũng đúng, Tào Tháo không phải loại lưu manh tầm tầm, mà là lưu manh có hạng.
Tôn Thịnh chép trong Dị đồng thuyết ngữ: “Tháo giỏi võ, không ai hại nổi ông ta, ông ta đọc rộng, nắm vững binh pháp”. Trong lần hành thích hoạn quan Trương Nhượng, ông ta tỏ ra là người có chí lớn, là người hùng, cùng với sự gian ngoan. Người ta gọi Tháo là gian hùng là hoàn toàn chính xác.
Điều thú vị là Tào Tháo không chấp, không phản đối từ “gian hùng” mà người ta gán cho mình. Từ này do Hứa Thiệu nói với Tào Tháo.
Hứa Thiệu tự Tử Tướng, người Bình Dư - Nhữ Nam (nay là Bình Dư, tỉnh Hà Nam) là một nhà bình luận nổi tiếng đương thời. Cứ đến ngày mồng 1 đầu tháng, ông ta lại bình phẩm về người nào đó.
Qua lời bình của ông ta, giá trị của người được bình tăng lên gấp trăm lần, nhập tịch luôn xã hội thượng lưu. Tất nhiên Tào Tháo rất muốn ông ta bình luận về mình, nhưng một là bình luận về Tháo rất khó, hai là có lẽ không muốn tiết lộ thiên cơ, nên Tháo đề nghị nhiều lần, ông ta không chịu nói gì. Nhưng rồi không nói cũng không được, Hứa Thiệu bèn nói câu: “Ông ấy à, là năng thần (bề tôi giỏi) thời bình, là gian hùng thời loạn”. Nghe nói vậy Tháo cười rất to.
Câu bình luận cực kỳ khôn ngoan. Vì rằng, nếu bảo Tháo là anh hùng thì được lòng Tháo, nhưng danh tiếng của Hứa Thiệu sẽ mất hết, vì Tháo là gian hùng. Mà nói trắng phớ Tháo là gian hùng thì sợ Tháo giết chết, vì Tháo bình sinh chẳng sợ ai, trái ý là giết.
Tào Tháo: Cười nhiều mà khóc cũng nhiều
Nhưng trong Tam quốc diễn nghĩa đã sửa chữ “đại tiếu” (cười rất to) thành “đại hỉ”. “Đại hỉ” chỉ có một nghĩa là “hết sức vui mừng”, làm như Tào Tháo quyết chí làm gian hùng, bây giờ có người nói toạc tim đen của mình ra thì sướng quá, chấp nhận luôn. Sửa như vậy tỏ ra rất nông cạn về tâm lý người đời. Không ai ngay từ nhỏ đã rắp tâm làm gian hùng. Gian hùng là do hoàn cảnh thúc đẩy, mà trở thành gian hùng hay không là do phẩm chất của mỗi người.
Hứa Thiệu biết rõ Tháo là con người như thế nào, nên ông ta để ngỏ cả hai cửa để Tháo quyết. Cái khôn của Hứa Thiệu là ở đó, sự hiểu biết sâu sắc cuộc đời cũng ở đó.
Như trên đã nói, Tào Tháo là “gian hùng”, với nghĩa “gian ngoan” và “có hùng tâm tráng chí”. Đó là nét nổi trội của ông ta. Gian ngoan mà không hề ti tiện, bẩn tướng. Đọc Tam quốc chí, Võ đế bản kỷ sẽ phát hiện Tháo cười rất nhiều: “Cười, cười mà nói rằng...”, “cười lớn...” rải rác khắp các trang sách. Nhưng cái cười của Tháo có nhiều kiểu: Cười ha hả, cười thoải mái, cười nhạt, cười giễu, thậm chi có cả tiếng cười đầy sát khí.
Tào Tháo cũng khóc. Khóc chiến hữu chết trận. Khóc bạn chết, khóc người thân chết. Tháo khóc, thậm chí gào khóc thê thảm. Nhưng Tháo không bao giờ khóc khi làm sai, khi thua trận, bị người khác sỉ vả. Trái lại, ông ta cười. Đó là chỗ khác đời của ông ta.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?