Khám phá

Tào Tháo: Gian hùng kiệt xuất

Tào Tháo được biết đến là một chính trị gia, quân sự lỗi lạc và kiệt xuất về thi ca. Trong điện ảnh ông còn được khai thác dưới nhiều góc độ như hài hước, háo sắc, bạo ngược, lộng hành.

Tào Tháo (155 - 15/3/220), tự Mạnh Đức, người huyện Tiêu (nay thuộc Hào Châu, tỉnh An Huy), một nhà chính trị gia, nhà quân sự, nhà thơ và thư pháp kiệt xuất cuối thời Đông Hán. Tào Tháo cũng là người sáng lập ra chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc (220 - 280). Ông là người có công thống nhất miền Bắc Trung Quốc, đồng thời thực hiện hàng loạt chính sách phục hồi sản xuất kinh tế và trật tự xã hội, đặt nền móng cho việc lập ra chính quyền Tào Ngụy.

Tào Tháo - Ngụy Vũ Đế

Tào Tháo là người tinh thông binh pháp, có tham vọng chính trị cá nhân và giỏi thơ ca. Các tác phẩm của ông một mặt phản ánh đời sống cực khổ lầm than của người dân thời Hán mạt, có khí thế hào hùng và sự cô liêu đến rợm ngợp của thời đại, cảm thông với những nỗi đau của dân chúng thời loạn Đông Hán. Nhà văn Lỗ Tấn từng nhận xét về Tào Tháo là "bậc sư tổ về cải tạo văn chương". Ngoài ra, Tào Tháo cũng là một nhà thư pháp lỗi lạc, đặc biệt là lối viết chữ Chương Thảo (một loại của chữ Thảo, có giữ đặc điểm của kiểu viết chữ Lệ).

Tuổi trẻ và cá tính nổi bật

Tào Tháo sinh ra trong gia đình giàu có, từ bé là người rất thông minh, tính tình phóng đãng nhưng rất ham đọc sách, đặc biệt là binh thư, là người có quyền biến, nhiều mưu mẹo và tài ứng biến. Kiều Huyền nước Lương mới dám công nhận Tào Tháo không phải là một người tầm thường. Sách Tam Quốc Chí có viết về ông: "Trị thế chi năng thần, loạn thế chi anh hùng" (Thời trị là bầy tôi giỏi; Thời loạn, là kẻ gian hùng). Sách Dị đồng tạp ngữ của Tôn Mạnh và Tam Quốc Diễn Nghĩa lại viết: "Tử trị thế chi năng thần, loạn thế chi gian hùng dã".

Mạnh Đức đã tỏ ra là người có những tố chất của một chính trị gia, quân sự gia kiệt xuất ngay từ thời trẻ (Phiên bản của Khương Văn).

Khi còn trẻ, Tào Tháo tỏ ra có tài năng và sở trường về võ nghệ, ham đọc sách vở, đặc biệt sách về binh pháp, vì vậy đã dày công sao chép lại nghệ thuật binh pháp cổ đại nổi tiếng của các triều đại. Chú giải cho bộ Binh pháp Tôn Tử, là tiền đề vững chắc để trở thành một nhà quân sự lỗi lạc về sau.

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhà văn La Quán Trung ca ngợi Lưu Bị, và xem Tào Tháo là vai phản diện. Trong tiểu thuyết, Tào Tháo được mô tả có hình dáng "cao 7 thước", "mắt nhỏ râu dài". Tiểu thuyết còn mô tả Tào Tháo có những cá tính khá nổi bật: gian xảo, đa nghi, tàn bạo nhưng cũng rất thông minh, nhiều mưu mẹo quyền biến.

Lối sống đối đãi của Tào Tháo là: Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta (Phiên bản Bào Quốc An).

Con người Tào Tháo có quan điểm "Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta", đồng thời trái ngược hoàn toàn với chủ trương của Lưu Bị "thà chết chứ không làm điều bất nghĩa", chính vì vậy Tào Tháo luôn e dè và xem Lưu Bị là kẻ thù nguy hiểm nhất của mình.

Đời binh nghiệp thăng trầm, hiển hách

Trong cuộc đời binh nghiệp, Tào Tháo được nhắc đến với các sự kiện như hiệu triệu, họp binh với các chư hầu chống Đổng Trác và không ở dưới quyền ai trong các lộ chư hầu.

Năm 191, Tào Tháo mang quân đánh nhau với quân Khăn Vàng tại Hắc Sơn. Sau một thời gian, quân Khăn Vàng bị tuyệt lương, không còn đường chạy nên phải đầu hàng. Những trận mạc tiếp theo như đánh Từ Châu báo thù cho cha, giao tranh với Lữ Bố... Tào Tháo bắt đầu tiến hành bá chiếm trung nguyên, dẹp Trương Tú, thu phục Lưu Bị, bắt Lữ Bố, diệt Viên Thuật và sau đó là đánh bại cha con Viên Thiệu.

Sau khi diệt họ Viên, Tào Tháo hoàn toàn làm chủ trung nguyên, trở thành lực lượng mạnh nhất Trung Quốc khi đó. Ông tiến hành cải cách triều đình Đông Hán, khôi phục lại chức Thừa tướng và tự mình đảm nhiệm. Tào Tháo quyết định nam tiến diệt Lưu Biểu và Tôn Quyền là những lực lượng đáng kể nhất trong số các chư hầu còn lại, từng bước lấy được Kinh Châu.

Kinh nghiệm trận mạc đã mang lại nhiều thành công cho Tào Tháo, trừ trận Xích Bích (Phiên bản Trần Kiện Bân).

Tuy nhiên Tào Tháo đã thua trận Xích Bích sau khi Tôn Quyền liên kết với Lưu Bị, sai Chu Du mang 3 vạn quân phối hợp chống lại Tào.

Nước Ngụy của Tào Tháo với tư cách là một nước chư hầu nằm trong lãnh thổ nhà Hán bắt đầu hình thành. Ba năm sau, sau khi đánh bại Trương Lỗ trở về, Tào Tháo sai Hoa Hâm chuẩn bị và ép Hán Hiến Đế ra chiếu phong mình làm Ngụy Vương. Ông lập con thứ hai là Tào Phi làm thế tử.

Những năm cuối đời, Tào Tháo bị giày vò bởi căn căn bệnh đau đầu kinh niên, ông cho mời danh y Hoa Đà, đồng hương ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự châu - đến chữa trị. Những lúc bị đau, ông nhờ Hoa Đà châm cứu cho một vài mũi kim thì bệnh tình đỡ đi nhiều. Tuy nhiên sau Tào Tháo đã hại chết Hoa Đà vì tật đa nghi. Để mất Hoa Đà, Tào Tháo ân hận và qua đời năm 220, thọ 65 tuổi, ở ngôi được 5 năm.

Mưu lược và chiến thuật quân sự đại tài

Về binh lược, Tào Tháo có một kỹ xảo chính trị đại tài, đó là "Dùng tóc thay thủ cấp". Ông nghiêm khắc với quân nhưng cũng hành xử tương tự với bản thân, khi biết mắc lỗi, Tào Tháo rút gươm kề cổ mình trong tư thế chuẩn bị tự sát, quan quân xúm lại can ngăn, ông bèn cắt chỏm tóc trên đầu và nói "ta tạm tha tội cho mình, nhưng dùng tóc để thay đầu".

Một trong những mưu lược quân sự của Tào Tháo là "dùng tóc thay thủ cấp".

Những mưu lược "gia truyền" khác của Tào Tháo được ca tụng như, mượn thủ cấp mua lòng quân; không nhắc lỗi lầm của thủ hạ. Đó chính là sự độ lượng của Tào Tháo, khiến cấp dưới vô cùng khâm phục, những người từng manh tâm phản ông cũng hết sức cảm kích. Về điểm này, nhiều chính trị gia đương thời và sau ông chưa thể so sánh được.

Một trong những ưu điểm của Tào Tháo là biết nhìn người và rất biết cách dùng người. Trong quá trình chinh chiến, Tào Tháo đã thu phục được nhiều hào kiệt cả văn lẫn võ làm người hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển cơ nghiệp của mình. Sở dĩ như vậy vì ông khéo lấy lòng họ.

Hôn nhân gia đình

Cuộc sống gia đình, Tào Tháo có tổng cộng 15 thê thiếp, trong đó vợ cả là Đinh phu nhân nhưng bà không có con, vợ hai là Hạ phu nhân hay Võ Tuyên Hạ hoàng hậu, sinh ra 4 người con Cách, Chương, Trực và Hùng. Tiếp sau đó là 13 thiếp như Lưu phu nhân, Hoàn phu nhân, Đỗ phu nhân, Lưu Cơ, Chu Cơ, Tôn Cơ... Số con trai mà Tào Tháo có với các thê và thiếp là 25 người (Tào Cách là con trưởng, sau là Ngụy Văn Đế), con gái là 6 người (con gái lớn là trưởng công chúa Thanh Hà, sau được gả làm vợ cho danh tướng dưới trướng Tào Tháo là Hạ Hầu Mậu). cùng ba người con nuôi gồm Hà Yến, Tần Lãng và Tào Chân.

Theo Long Hy/Khám phá
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo