Tây Du Ký: Ly kỳ câu chuyện ở Hỏa Diệm Sơn
Do năm xưa, Tôn Ngộ Không đạp đổ lò bát quái mà tạo nên ngọn lửa oan nghiệt ở Hỏa Diệm Sơn nên chính Tôn Ngộ Không phải là người giải quyết hậu quả này.
Ở Hỏa Diệm Sơn, "lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, bốn xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy à, dù có mình đồng da sắt cũng chảy ra nước hết".
Để dập lửa, Tôn Ngộ Không phải lần lặn lội đi mượn quạt Ba Tiêu từ Thiết Phiến công chúa (còn gọi là Bà La Sát), mẹ của Hồng Hài Nhi.
Vì căm hận Tôn Ngộ Không chia lìa mẹ con bà nên kiên quyết không cho mượn quạt. Tôn Ngộ Không đã hết đấu sức lại đấu trí với Thiết Phiến công chúa và Ngưu Ma Vương, may nhờ chư Phật chư Thiên tương trợ thì mới có được quạt để dập lửa.
Nhằm thực hiện các cảnh quay chân thật, đoàn phim tìm đến Hỏa Diệm Sơn, thuộc địa phận Thổ Lỗ Phồn của tỉnh Tân Cương.
Bốn thầy trò Đường Tăng và cảnh quay lịch sử ở Hỏa Diệm Sơn. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Sau hơn hai giờ đồng hồ từ Thổ Lỗ Phàn đến Hỏa Diệm Sơn (tỉnh Tân Cương), đoàn phim Tây Du Ký nhanh chóng quay ngoại cảnh.
Phó quay Đường Kế Toàn (trái) và chuyên gia khói lửa Lưu Lễ (phải, áo xanh) tại hiện trường Hỏa Diệm Sơn năm 1986. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Cảnh vật ở Hỏa Diệm Sơn không khác trên Hỏa tinh với một biển cát đỏ mênh mông khổng lồ, những vách núi cằn cỗi hoang hóa.
Đoàn phim Tây Du Ký ở Hỏa Diệm Sơn. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Không một cây cỏ nào có thể tồn tại trên mảnh đất được coi là "vực lửa châu Á" này. Cấu tạo địa chất ở đây phần lớn là sa mạc cát còn lẫn sỏi đá màu đỏ, vừa cứng vừa gây sụt lún, có cảm giác lạo xạo như giẫm lên lớp cháy cơm phơi khô.
Đến Hỏa Diệm Sơn, bốn thầy trò Đường Tăng phải hóa trang trong điều kiện khắc nghiệt, mồ hôi tuôn như tắm.
Lục Tiểu Linh Đồng phải mang lớp lông dày ở chân tay và nửa mặt, Trư Bát Giới phải đeo chiếc bụng cao su giả bí bách, trong khi Sa Tăng đeo lễ mễ cái vòng gỗ nặng trịch bức bối.
Nhìn thấy vậy, đạo diễn Dương Khiết thấy xót xa vô cùng nhưng không thể vì lẽ đó mà không quay, bởi ngoài diễn viên, cả đoàn đã cất công đến được tận Hỏa Diệm Sơn thực sự ngoài đời, đồng thời lại là một cảnh quay cực kỳ quan trọng cho tập Ba lần mượn quạt Ba Tiêu.
Việc hóa trang cũng đã hoàn tất, mồ hôi thì cứ túa ra trôi hết cả lớp trang điểm, nghệ sĩ hóa trang lại phải cất công làm lại, nhưng Dương Khiết bèn ngăn lại bởi bà cho rằng có chảy mồ hôi cũng không sao, bởi như vậy mới đích thực là đang ở Hỏa Diệm Sơn hơn nữa ở những cảnh quay xa, khán giả sẽ không thể nhìn rõ được.
Song khó khăn nhất vẫn là việc di chuyển của bốn thầy trò trên cát nóng sa mạc ở Hỏa Diệm Sơn.
Hình ảnh bốn thầy trò Đường Tăng chật vật vượt cồn cát Hỏa Diệm Sơn trên màn ảnh nhỏ.
Để tránh cái nóng của sa mạc, ê kíp chọn quay vào buổi sáng sớm. Tuy nhiên, thời tiết vẫn không hề dễ chịu chút nào đối với những người đã quen sống ở miền hàn đới như thành viên đoàn Tây Du Ký.
Bởi việc di chuyển trên cát là điều không hề dễ dàng, cảnh quay bốn thầy trò đi trên sườn núi cát buộc các diễn viên phải leo lên gò cát gần đó.
Trong khi những thành viên khác của đoàn có thể mặc trang phục chống chọi với cái nóng thì bốn thầy trò Đường Tăng phải vận phục trang, mũ nón, cho đến hóa trang, đạo cụ rườm rà, phức tạp.
Tuy cồn cát không phải là cao, nhưng lên được trên đó quả thực là một thách thức, cát thường hay sụt lún, trơn trượt, bước một bước thì như tụt lùi hai bước.
Đáng nói nhất là chú ngựa bạch mã duy nhất của đoàn. Bạch Long Mã lần này ở Hỏa Diệm Sơn là ngựa mượn tạm của người dân địa phương.
Vì hành trình từ Bắc Kinh đến Tân Cương khá xa, hơn nữa những cảnh quay xuất hiện bạch mã lại ít nên phương án sử dụng ngựa "đóng thế" là lựa chọn tối ưu nhất.
Giữa cái nóng thiêu đốt, chú ngựa tỏ ra bất hợp tác. Ngay cảnh quay đầu, Lục Tiểu Linh Đồng (vai Ngộ Không) dắt ngựa lên sườn đồi cát nhưng ngựa chỉ đứng ì một chỗ.
Cảnh quay lần thứ hai, chú ngựa vẫn không nhúc nhích. Tình huống này khiến cả bốn thầy trò Đường Tăng toát mồ hôi.
Trời thì nắng nóng, ánh mặt trời như thiêu đốt lớp cát bên dưới, các diễn viên phải dùng hết sức để leo lên cồn cát để thực hiện cảnh quay.
Vừa ngoi ngóp leo đến cồn cát nóng giãy, chưa kịp nghỉ ngơi thì cả diễn viên và ê-kíp làm phim đều hô to: "Đạo diễn! Được rồi, cho quay đi!".
Khi cảnh quay trên hoàn thành, bốn thầy trò tiếp tục hướng lên đỉnh đồi cát. Nhưng tới đoạn xuống dốc, bốn diễn viên đều mệt thở không ra hơi.
Người chịu vất vả và cực nhọc nhất là Sa Tăng (Diêm Hoài Lễ) – người lớn tuổi nhất trong số bốn diễn viên chính.
Với vai diễn Sa hòa thượng, Diêm Hoài Lễ gần như lúc nào cũng phải gánh toàn bộ hành lý, lễ mễ bước theo sau.
Sau cảnh quay trên, anh mệt đến nỗi quẳng cả đống hành lý vừa gánh trên vai xuống mặt cát nóng giãy.
Càng về trưa, thời tiết càng khắc nghiệt, với hiện trường có diện tích lớn, việc dùng nhiên liệu đốt khô để quay cảnh lửa chảy lớn trên sa mạc là điều không thể, đặc biệt trong điều kiện phương tiện kỹ thuật lạc hậu lúc bấy giờ.
Để dập tắt được lửa và sức nóng ở Hỏa Diệm Sơn, Ngộ Không phải mượn được quạt Ba Tiêu từ Bà La Sát. (Ảnh nguồn ĐKN)
Thành viên đoàn phim từ đạo diễn, đạo cụ cho đến chuyên gia khói lửa đã bàn bạc và quyết định những đại cảnh trên sẽ mang về Bắc Kinh, sử dụng phần quay với mô hình trong nhà. Những phần nội dung còn lại như cảnh lửa cháy rừng rực sẽ được hoàn thành ngay tại Hỏa Diệm Sơn.
Dựa theo kịch bản, khu vực dưới chân núi cát sẽ được chuyên gia khói lửa Lưu Lễ cài đặt đạo cụ và tạo cảnh lửa cháy ngút trời thật hoành tráng, đảm bảo hiệu ứng thật sống động và chân thực.
Sau khi mọi công tác chuẩn bị đã đâu vào đấy, Lưu Lễ tự tay điều khiển nút phát lệnh cháy. Chỉ cần nghe hiệu lệnh từ đạo diễn, lửa sẽ ngay lập tức nổi lên và tạo thành cảnh cháy ngoạn mục, nóng hầm hập.
Mọi người trong đoàn phim đứng cách xa hàng trăm mét vẫn cảm nhận thấy sức nóng tỏa ra từ đám cháy nhân tạo trước mặt. Cảnh này lấy góc quay từ dưới lên đã mang lại một cảnh tượng vô cùng dữ dội và hoành tráng.
Để phục vụ cảnh quay, đoàn làm phim đã phải ngược về Bắc Kinh để mượn chiếc máy quay có tiêu cự tầm xa, nhưng tổ kỹ thuật chỉ cho đạo diễn Dương Khiết mượn vài ngày rồi phải đem trả lại.
Bên cạnh đó, để phối hợp cùng cảnh lửa cháy Hỏa Diệm Sơn, đội kỹ thuật hiện trường đã mượn được một chiếc xe cần cẩu phục vụ cho việc ghi hình cảnh Ngộ Không bay lượn trên sa mạc.
Lục Tiểu Linh Đồng sẽ được buộc bằng dây cáp và treo lên cần cẩu.
Theo yêu cầu của kịch bản, trên người của Lục Tiểu Linh Đồng sẽ được bố trí nhiều vị trí bắt lửa.
Hơn nữa, để tránh việc diễn viên bị bỏng và gây thương tích, chuyên gia khói lửa Lưu Lễ phải bố trí lớp áo bằng chất liệu vải amiăng để mặc bên dưới trang phục của Ngộ Không.
Sau một lần châm lửa đốt, lớp áo ngoài bị cháy và hiện ra lớp vải lót bên dưới. Khi bắt đầu quay, phần bề mặt vải amiăng lộ ra được quét thêm một lớp nhiên liệu đốt khô, lửa theo đó sẽ cháy tại những điểm được chỉ định trên cơ thể của Lục Tiểu Linh Đồng, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của diễn viên.
Mọi công đoạn đều được chuẩn bị chu đáo và tỉ mỉ nên quá trình quay diễn ra nhịp nhàng và thuận lợi.
Với cảnh quay phía sau là biển lửa cháy rừng rực, Lục Tiểu Linh Đồng bị treo trên cần cẩu và quẫy mình như thể bị lửa thiêu đốt thật. Cảnh quay này khiến đạo diễn Dương Khiết cảm thấy hết sức tâm đắc.
Bị treo mình trên cần cẩu bằng cáp treo cũng vô cùng nguy hiểm và khó chịu. Thêm nữa, anh còn phải chống chọi với hơi nóng tỏa ra từ đám cháy hàng trăm độ cạnh đó.
Tất thảy đều do chính Lục Tiểu Linh Đồng tự mình đảm nhiệm mà không cần đến người đóng thế.
Có thể nói, một diễn viên ở độ tuổi ngoài 20 như Lục Tiểu Linh Đồng lúc bấy giờ, ngoài sức khỏe, sức chịu đựng dẻo i, tinh thần làm việc cao còn là sự may mắn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khám phá loài động vật có khả năng đi lộn ngược 180 độ trên cây, hạ gục con mồi bằng chiêu tuyệt đỉnh
Gấu nước là gì mà gần như không thể tiêu diệt kể cả đốt cháy, đóng băng ở nhiệt độ âm 200 độ
CLIP: 'Đơn thương độc mã', linh cẩu 'tung chiêu độc' hạ gục linh dương trong vòng '1 nốt nhạc'
CLIP: Cả gan trộm đồ ăn của sư tử, linh cẩu nhận cái kết thê thảm
Loài rắn bá đạo nhất hành tinh từng tồn tại: Dài tận 13 mét, đe dọa tất cả loài vật xung quanh
Đi câu cá, người đàn ông ‘sốc’ khi thấy ‘thủy quái’ hình thù kì dị, người dân địa phương cũng không hề biết