Khám phá

Thăm ngôi chùa Đạo giáo độc đáo ở Hà Nội

Chùa Sổ ở làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) xa xưa vốn là một đạo quán tên chữ là Hội Linh Quán thờ Đạo giáo. Đến thế kỷ XVI, Đạo giáo suy yếu, Hội Linh Quán chuyển sang thờ cả Phật và có tên gọi là chùa Sổ.

Khám phá Ngôi chùa cổ lưu giữ 4 báu vật của Phật giáo tại đất nước Myanmar / Ghé thăm ngôi chùa Tianning cao nhất Thế giới ở Trung Quốc

Ước Lễ là một ngôi làng cổ, ngay như tên làng đã thể hiện niềm tin vào lễ giáo. Còn đôi câu đối ở cổng làng là "Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ thị và Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử kiều" vừa thể hiện được Ước Lễ là làng có truyền thống hiếu học, sống đoàn kết, người dân không chỉ làm ruộng mà còn có nghề phụ, giỏi kinh doanh, lại thể hiện sự tài hoa trong cách dùng chữ nửa Nôm nửa Hán của tác giả. Làng có cổng làng rất cổ kính và đẹp, mang dấu ấn kiến trúc thời Mạc và đến nay vẫn rất vững vàng, là niềm tự hào của người dân Ước Lễ.

Chùa Sổ được xây dựng vào thời Lý, lúc đó mang tên Hội Linh Quán. Tháng Chạp năm 1527, chùa được trùng tu lại. Văn bia trong chùa có ghi chép rằng: Quận công Đào Quang Hoa làm quan ở trấn Lạng Sơn, vốn là một người con quê hương Thanh Oai, cùng vợ là bà Trần Thị Ngọc Lâm đã đem của cải và quyên góp tiền để xây lại chùa, đồng thời cúng dường thêm 10 mẫu ruộng.

Thăm ngôi chùa Đạo giáo độc đáo ở Hà Nội - Ảnh 1.

Hệ thống tượng Đạo giáo trong chùa Sổ

Từ đó, Hội Linh Quán có thêm tam quan, gác chuông, nhà bia, 17 pho tượng mới và trở thành chùa thờ Phật cùng các vị tiên thánh của Đạo giáo. Hội Linh Quán được trùng tu thêm hai lần vào năm 1634 (thời Lê Trung hưng) và 1901 (thời vua Thành Thái nhà Nguyễn). Từ thế kỷ XVI, người dân quen dần hơn với tên gọi chùa Sổ cho dù hệ thống pho tượng Đạo giáo vẫn được giữ nguyên vẹn trong Tam bảo.

Chùa Sổ nằm trên một gò cao, biệt lập với khu dân cư của làng, mang kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc". Từ cổng chùa vào là gác chuông được xây kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, lợp ngói vảy cá. Giữa gác chuông có quả chuông đồng lớn đề bốn chữ: "Quan Chung Linh tự". Xung quanh chùa còn là các hàng cây cổ thụ, ngôi chùa lọt thỏm ở giữa nên nhìn từ bên ngoài khó có thể nhận ra chùa.

Sau khoảng sân rộng là nhà tiền đường gồm ba gian hai dĩ. Hai bên hồi là nhà bia ghi chép lịch sử chùa và tên tuổi những người công đức, tuy nhiên các bia đá này đã khá mòn chữ.

Lối vào nhà tiền đường có hai pho tượng hộ pháp cao hơn 2m. Tiếp đến là thượng điện, nơi thờ các vị thần trong Đạo giáo, chân tường còn rõ những viên gạch chạm nổi hình rồng và cánh hoa cúc mang đậm phong cách kiến trúc thời nhà Mạc.

Tòa hậu đường hiện chưa trùng tu nên giữ được nguyên bản kiến trúc xưa, có gác chuông đồ sộ, hai bên là hai dãy hành lang chạy dài. Trong hậu đường thờ một số tượng Phật thuộc phái Bắc tông. Phía trước chùa bên trái còn có pho tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay bằng đá.

 

Nhiều người đến đây, nếu như không tìm hiểu trước sẽ khá bất ngờ về hệ thống tượng tại chùa Sổ, bởi hệ thống tượng không giống các ngôi chùa khác có các tượng Phật mà là tượng tiên, thánh, ngọc hoàng, đồng tử... Lớp tượng trên cùng ở chùa Sổ là tượng Tam Thanh (Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn), 3 vị tiên thánh cao nhất trong Đạo giáo.

Thăm ngôi chùa Đạo giáo độc đáo ở Hà Nội - Ảnh 3.

Một số tượng Phật trong hậu đường chùa Sổ

Chùa Sổ là ngôi chùa đặc biệt mang tinh thần tam giáo đồng nguyên. Ngoài hai bức đại tự "Hội Linh Quán" và "Đại La thiên" những phạm trù trong Đạo giáo, còn có bức "Từ Vân Pháp Vũ" ở thượng điện thể hiện sự giao hòa tín ngưỡng dân gian thờ bà Pháp Vũ của người Việt Nam. Cách chùa 200m còn có một giếng lớn mà người dân Ước Lễ gọi là giếng Rồng, rất thiêng.

Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, có nhiều ngôi chùa xưa là đạo quán, trong đó nổi bật có 4 ngôi chùa lớn mà xa xưa đều là những đạo quán nổi tiếng. Ngoài chùa Sổ - Hội Linh Quán thì còn có chùa Mui – Hưng Thánh Quán (huyện Thường Tín) chùa Viên Dương – Viên Dương Quán và chùa Linh Tiên – Linh Tiên Quán (huyện Hoài Đức).

Năm 1986, chùa Sổ đã được xếp hạng Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia. Hiện nay, chùa Sổ đã được trùng tu tiền đường, tuy nhiên nhiều hạng mục ở chùa Sổ vẫn đang xuống cấp và cần được trùng tu trong thời gian gần nhất.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm